Trang chủ

CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG THỨC PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC SAU ĐẠI HỘI XVIII ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 17-11-2017, 05:32 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Hoàng Thế Anh (chủ biên)

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội, 2017, 335 trang

Ký hiệu: Vv 2836

 

Sau gần 40 năm cải cách mở cửa kể từ năm 1978, Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu to lớn, chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới từ năm 2010. Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra năm 2012 đã đánh dấu giai đoạn phát triển mới của nước này với mục tiêu quan trọng là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới với khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Quốc”. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã đề ra một số chủ trương, đường lối điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển. Nhằm nghiên cứu, đánh giá những thay đổi chiến lược, phương thức phát triển mới của Trung Quốc sau đại hội XVIII và những năm tiếp theo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ “Sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc, tác động đến thế giới, khu vực và Việt Nam”. Đến nay, một số kết quả nghiên cứu đã hoàn thành, với mong muốn cung cấp những tài liệu tham khảo về chủ đề này cho bạn đọc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức xuất bản cuốn sách: “Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc sau đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Cuốn sách gồm 4 chương:

Chương I: Bối cảnh và nội hàm chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc

Trong chương này, tác giả tập trung nghiên cứu bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước tác động đến việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, tác giả phân tích sự khác biệt giữa “chuyển đổi phương thức tăng trưởng kinh tế và “chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế” cũng như tìm hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính sách của Chính phủ về chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế.

Chương II: Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế bên trong Trung Quốc

Xuất phát từ thực tế bối cảnh trong nước và quốc tế, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế với trọng tâm là đột phá về thể chế, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, điều chỉnh cơ cấu kinh tế… Vì vậy, trong chương II, tác giả đã trình bày một số nội dung liên quan đến cải cách thể chế: những chuyển đổi theo hướng thị trường và vai trò của nhà nước, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải cách tài chính, tiền tệ và một số thử nghiệm về chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII.

Chương III: Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đi ra ngoài

Kể từ sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã thành công và trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế. Tuy nhiên, khi kinh tế Trung Quốc phát triển đến một trình độ nhất định thì mô hình cũ dần không còn phù hợp. Trung Quốc bắt đầu tiến hành điều chỉnh phương thức phát triển kinh tế, tìm động lực mới cho nền kinh tế. Trong chương III, tác giả tập trung trình bày một số điều chỉnh về kinh tế đối ngoại như: về ngoại thương, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài, chú trọng phát triển kinh tế biển trong chiến lược xây dựng cường quốc biển, chiến lược “một vành đai, một con đường”.

Chương IV: Dự báo sự chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc và tác động đến Việt Nam

Từ những chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc trong thời gian gần đây, tác giả dự báo một số thách thức với chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những năm tới. Ngoài ra, chương IV còn dự báo về chuyển đổi phương thức kinh tế của Trung Quốc đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng không gian phát triển kinh tế ra bên ngoài để khẳng định vị thế của mình. Ngoài ra, tác giả còn dự báo về vai trò của nền kinh tế Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu và khu vực và khả năng tác động của việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Chính phủ Trung Quốc thực hiện quan điểm phát triển khoa học, đưa ra nhiều điều chỉnh chiến lược. Tất cả những điều chỉnh đó sẽ ít nhiều tác động đến thế giới, khu vực và Việt Nam. Chính vì vậy, cuốn sách làm rõ nội dung đường lối, chủ trương, chính sách, thực tiễn và dự báo xu hướng chuyển đổi phát triển kinh tế ở Trung Quốc là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam đánh giá, dự báo những tác động tích cực, tiêu cực của việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc đến Việt Nam, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta.

Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Thực hiện: Kiều Dung

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận