Trang chủ

CHẤM DỨT THỜI ĐẠI TRUNG QUỐC HÀNG NHÁI: SỰ TRỖI DẬY CỦA TÍNH SÁNG TẠO, TINH THẦN CÁCH TÂN VÀ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN Ở CHÂU Á

Đăng ngày: 16-10-2017, 04:14 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Shaun Rein; dịch giả: Phạm Tú

Nhà xuất bản Nhã Nam, NXB Tri Thức, 2017, 317 trang

Kí hiệu: Vv2834

“Chấm dứt thời đại Trung Quốc hàng nhái: sự trỗi dậy của tính sáng tạo, tinh thần cách tân và chủ nghĩa cá nhân ở Châu Á” được tác giả biên soạn nhằm chỉ ra những thay đổi đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc kể từ cuốn sách “Chấm dứt thời đại Trung Quốc giá rẻ: những xu hướng kinh tế và văn hóa sẽ làm đảo lộn thế giới” và dự báo những đại xu thế trong thập kỷ tới, nhằm cung cấp một khung làm việc cho các nhà đầu tư và các lãnh đạo doanh nghiệp. Theo tác giả, những thay đổi tựu trung lại chỉ là hai thay đổi quan trọng mà các doanh nhân và nhà đầu tư phải nắm được. Thứ nhất, các công ty Trung Quốc không còn là các  mô hình kinh doanh bắt chước Mỹ và Châu Âu. Họ vẫn nắm chắc những lợi nhuận trước mắt nhưng tập trung nhiều hơn vào sự đổi mới sáng tạo. Các công ty đa quốc gia phải thay đổi để thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng lớn ở Trung Quốc, khi giờ đây không chỉ cạnh tranh về hàng hóa tốt với giá rẻ mà còn cạnh tranh về giá trị và sáng tạo. Thứ hai, người tiêu dùng Trung Quốc không còn mù quáng bắt chước những xu hướng từ Mỹ và Tây Âu, thậm chí không bắt chước cả từ nhóm người tiêu dùng ngang hàng với mình ở Trung Quốc. Phong trào định nghĩa giấc mơ Trung Hoa và khôi phục niềm kiêu hãnh về nền văn hóa Trung Hoa đã dẫn đến việc người tiêu dùng tránh xa những hình ảnh được thể hiện trong các quảng cáo của phương Tây. Các thương hiệu cần phân khúc rõ thị trường mục tiêu  và phải nắm bắt được những hy vọng, ước mơ và nguyện vọng.

Ô nhiễm tràn lan và giá nhà ở quá cao đã khiến cho tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc phải sắp xếp lại mức ưu tiên những thứ quan trọng và cách chi tiêu. Họ hướng đến những thương hiệu tốt trong thị trường. Cuốn sách thể hiện nỗ lực của tác giả nhằm xem xét kỹ càng những thay đổi này và đưa ra một khung làm việc giúp giới doanh nhân chuẩn bị trước cho những thay đổi. Các công ty và chính quyền Trung Quốc tập trung vào việc sáng tạo, vào việc áp dụng những giải pháp đã được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường bằng các quy trình, công nghệ, dịch vụ và ý tưởng tốt hơn. Các chương trong cuốn sách được phân thành bốn phần dựa trên ba giai đoạn của đường cong phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo của Trung Quốc.

Thứ nhất, đối với đa số các công ty Trung Quốc trong vòng 35 năm qua, hầu như không có lý do nào để cố gắng đổi mới sáng tạo hoặc chậm chí là xây dựng thương hiệu. Tăng trưởng dựa vào các khoản đầu tư lớn và những khoản lợi nhuận hấp dẫn ngay trước mắt, khuyến khích các công ty bắt chước thành công của người khác, tập trung vào ngắn hạn, kiếm tiền nhanh. Khi đối diện với sự tăng trưởng nhanh và thiếu đi các quyền sở hữu, chương 1 và 2 sẽ cho thấy các công ty Trung Quốc đã không nhìn vào bức tranh dài hạn và coi việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo là quá tốn kém và rủi ro.

Thứ hai, những lợi nhuận trước mắt của nền kinh tế Trung Quốc giờ đây đang biến mất khi sự cạnh tranh và chi phí tăng lên. Những nhà điều hành doanh nghiệp đã tập trung vào dài hạn, họ cảm thấy lợi nhuận đến từ sự đổi mới sáng tạo ở riêng thị trường Trung Quốc. Chương 3 và 4 xem xét những lĩnh vực nào có nhiều sáng tạo nhất và tiến xa đến đâu; xem xét lại những rào cản và thách thức như hệ thống giáo dục yếu kém, tập trung quá nhiều vào việc học thuộc lòng, làm cản trở tiến trình đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, khi người Trung Quốc tái định nghĩa giấc mơ về một Trung Hoa lý tưởng, họ cũng đang thay đổi những thứ họ bỏ tiền ra mua. Từ chương 5 đến chương 9 xem xét sự dịch chuyển các hình thái chi tiêu và lòng yêu nước được hồi phục đang ảnh hưởng như thế nào đến thói quen mua sắm. Tác giả điểm qua các ngành di dộng, thương mại điện tử, thực phẩm và đồ uống, du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trưởng như thế nào trong khi các lĩnh vực như khu trung tâm thương mại, xa xỉ phẩm, quần áo, giày dép sẽ phải đối mặt với những thách thức và các công ty có thể vượt qua những trở ngại đó như thế nào.

Thứ tư, trong phần cuối của cuốn sách, chương 10, tác giả trình bày về những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Campuchia, Indonesia và các nước Châu Á khác như thế nào.

Thành công về kinh tế của Trung Quốc có kéo dài nữa không là điều không ai dám chắc. Điều duy nhất có thể chắc chắn về Trung Quốc là quốc gia này đang thay đổi nhanh chóng và sự dịch chuyển tăng trưởng kinh tế sẽ tác động và gây trở ngại cho phần còn lại của thế giới. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu vấn đề này. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận