Tác giả: Phan Thị Thu Hiền
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, 519 trang
Kí hiệu: Vv2840
Văn học Hàn Quốc có lịch sử khá lâu đời từ hơn hai ngàn năm nay và đóng một vai trò quyết định trong sự phát triển nền văn hóa dân tộc. Nó đã và đang tô điểm cho bản sắc Đông Á của xã hội và con người Hàn Quốc ngày một đậm đà, sâu sắc hơn. Gần đây, trong lĩnh vực so sánh văn học vùng Đông Á bao gồm cả văn học Hàn Quốc đang được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt, khi mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển thì nhu cầu tìm hiểu về văn học Hàn Quốc cũng như những nét tương đồng và khác biệt giữa văn học hai nước thông qua các tác phẩm văn học tiêu biểu đang được chú ý. Trước nhu cầu đó, tác giả Phan Thị Thu Hiền đã cho ra đời cuốn sách “Dạo bước vườn văn Hàn Quốc”. Trong cuốn sách này, ngoài những phần đi sâu về văn học Hàn Quốc, ở phần cuối tác giả đã khéo léo lồng ghép các tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam với văn học Hàn Quốc để bạn đọc có được sự so sánh và hiểu rõ hơn về nền văn học của cả hai nước. Nội dung cuốn sách được chia thành 4 phần như sau:
Phần 1: Khu vườn văn học dân gian. Trong phần này, tác giả đưa vào những tác phẩm cụ thể như Truyện Dangun – huyền thoại lập quốc Go Joseon; Truyền thuyết Tráng sĩ trẻ con; Công chúa Nakrang – “trái tim nhầm chỗ để lên đầu”; Seo Dong – Seon Hwa: chàng trai nghèo và nàng công chúa cành vàng lá ngọc; Kongchuy – Patchuy và kiểu truyện người con riêng côi cút; Nolbu – Heungbu: người anh gian tham, người em nhân hậu; những câu chuyện về yêu tinh Tokkebi; Vu ca Danggeum Aegi- sự hợp hôn giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa; Dân ca Arirang như một “DNA văn hóa của dân tộc Hàn; Pansori, hình thức hát – kể dân gian với những câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa.
Phần 2: Khu vườn văn học cổ điển. Ở đây, tác giả đưa vào một số tác phẩm tiêu biểu là Hyangga – thơ ca của quê hương xứ sở chúng ta; Tam Quốc sử ký – bộ chính sử với “sử quan thực chứng”; Tam Quốc di sự - những chuyện kể lịch sử với “sử quan thần dị”; Kim Si Seup và “Thiên cổ kỳ bút” Kim Ngao tân thoại; Sijo – thể thơ đặc trưng tiêu biểu nhất của dân tộc Hàn; Xuân Hương truyện – tác phẩm “Quốc bảo”; Sầu hận trong cung cấm: Nhàn trung lục của Vương hậu họ Hồng.
Phần 3: Nhìn qua khu vườn văn học hiện đại. Phần này, các tác giả tập trung phân tích những yếu tố nội và ngoại sinh trong hình thành “Văn học mới” ở Hàn Quốc; bài thơ khởi đầu phong trào thơ mới; Ko Un – nhà thơ thu hút nhiều nhất sự quan tâm của thế giới với đại thi tập Vạn nhân phổ; Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung Sook và những tiềm năng cho văn học Hàn Quốc đi đến toàn cầu; Tiểu thuyết Người ăn chay của Han Kang đem về vinh quang cho văn học Hàn Quốc; Hồi kí Không có thần thoại của Lee Myung Bak và những chiều kích Hofstede trong văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc; Bảo tàng văn học ở Hàn Quốc.
Phần 4: Những giao lưu, tiếp xúc giữa vườn văn Hàn và vườn văn Việt. Trong phần này tác giả tập trung phân tích để chỉ ra mối liên hệ giữa văn học Hàn Quốc và văn học Việt Nam thông qua một số tác phẩm tiêu biểu cụ thể như liệu có thể có nguồn gốc Cao Ly của truyện Quan Âm Thị Kính?; Xuân Hương truyện của Korea và cổ tích “Nàng Xuân Hương” của Việt Nam; giai thoại thi thơ vịnh quạt giữa hai vị Trạng nguyên và cuộc hôn nhân Đại Việt – Cao Ly; tình thân giữa sứ thần Korea và Việt Nam qua thơ văn đi sứ; hàn gắn vết thương chiến tranh nhìn từ hai phía qua sáng tác của các nhà văn Hàn Quốc và Việt Nam; giao lưu dịch thuật văn học giữa Việt Nam và Hàn Quốc với vai trò “cửa sổ văn hóa”.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã tái hiện lại lịch sử văn học Hàn Quốc từ cổ điển cho đến hiện đại. Nhờ đó, bạn đọc đã có được những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về nền văn học của xứ sở Kim Chi, để từ đó tạo điều kiện cho việc phát triển mối giao lưu giữa các nhà nghiên cứu văn học hai nước nói riêng và thúc đẩy quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc nói chung. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc.
Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á