Sáng ngày 5/7/2017, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Thuyết trình khoa học với chủ đề “Nguyên nhân và tác động của suy giảm trẻ em ở Nhật Bản” do Giáo sư Hashimoto Kazutaka (Đại học Kanto Gakuin, Nhật Bản) trình bày. Buổi Thuyết trình có sự tham dự của đông đủ các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Giáo sư Hashimoto là người có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm về các vấn đề dân cư và xã hội Nhật Bản. Mười tám năm trước, năm 1999, Giáo sư đã có thời gian làm việc và cộng tác nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản. Trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, Giáo sư đã dành thời gian chia sẻ với các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nhiều thông tin liên quan đến giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số Nhật Bản, tập trung vào một số vấn đề chính:
- Những thay đổi về tổng tỷ suất sinh và dự báo dân số Nhật Bản trong tương lai.
- Các vấn đề về dân số, xã hội của Nhật Bản qua các thời kỳ (tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử; thay đổi lực lượng lao động; phân công lao động giữa nam và nữ…). Từ đó rút ra nguyên nhân suy giảm tỷ lệ sinh ở Nhật Bản
- Phân tích trường hợp Okinawa – Nơi có tổng tỷ suất sinh cao nhất Nhật Bản
- Tác động tiêu cực và lợi ích của việc suy giảm tỷ lệ sinh ở Nhật Bản
- Phương hướng nhằm khắc phục tình trạng tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản.
Những thông tin GS. Hashimoto chia sẻ đã nhận được sự hưởng ứng, trao đổi nhiệt tình từ các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Nhiều câu hỏi, trao đổi liên quan đến nhận thức, quan niệm của xã hội Nhật Bản về vấn đề suy giảm tỷ lệ sinh; các đối sách của chính phủ Nhật Bản; kết hôn quốc tế hay tình trạng vỡ quỹ lương hưu... đã được Giáo sư nhiệt tình chia sẻ, giải đáp.
Phát biểu kết thúc buổi Thuyết trình, TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á gửi lời cảm ơn GS. Hashimoto về những thông tin hữu ích, có giá trị cao. Cũng theo Viện trưởng, hiện Việt Nam đang trong thời kỳ được coi là “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ rất hùng hậu, song đã có một số cảnh báo về nguy cơ già hóa dân số trong tương lai khi tỷ lệ sinh có xu hướng giảm như hiện nay. Do đó, những kinh nghiệm, đối sách của Nhật Bản đối phó với tình trạng già hóa dân số sẽ là những tư liệu quý báu đối với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách tại Việt Nam.
Phương Hoa