Tác giả: G. M. Lokshin
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2015, 356 tr.
Ký hiệu: Vv2712
Biển Đông là vùng biển thuộc rìa lục địa và là một phần của biển Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapo tới eo biển Đài Loan.Từ xưa đến nay, vùng biển này cùng các quần đảo của nó vốn là nơi tranh chấp và xung đột giữa nhiều các quốc gia trong vùng. Ở thời điểm hiện tại, biển Đông vẫn giữ một vị trí quan trọng trong địa-chính trị thế giới. Nó bao gồm nhiều nguồn tài nguyên phong phú, là tuyến đường huyết mạch thương mại biển nối liền các quốc gia Tây Á và Nam Á với các nước Đông Bắc Á, cũng như với thế giới. Biển Đông trở thành nơi cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, mọi nỗ lực đàm phán để đưa ra những giải pháp phù hợp cho các tranh chấp ở khu vực này đều đang rất nan giải.
Cuốn sách “ Biển Đông: cuộc tìm kiếm đồng thuận nan giải” là một công trình nghiên cứu công phu, có giá trị, cung cấp thêm thông tin tư liệu, góc nhìn về vấn đề Biển Đông, mục tiêu, chiến lược của Trung Quốc và một số nước lớn khác đối với Biển Đông…
Cuốn sách được viết bởi tiến sĩ sử học G.M.Lokshin, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga. Cuốn sách được Nhà xuất bản Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga xuất bản năm 2013.
Nội dung sách đi sâu phân tích tình hình phức tạp trong những năm 2009-2012 tại Biển Đông, nơi đang diễn ra cuộc tranh chấp giữa các nước lớn, giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực về chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông, về các ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Cuốn sách được chia làm 9 chương:
Chương I: Giải phẫu xung đột
Chương II: Năm 2009-2012 vòng xoáy căng thẳng mới
Chương III: Những mục tiêu và lợi ích chiến lược của Trung Quốc
Chương IV: Biển Đông và học thuyết chiến lược mới của Mỹ
Chương V: Việt Nam: Sự bất công về địa lý
Chương VI: Philippin trên đỉnh cao của mâu thuẫn
Chương VII: Đối tác Trung Quốc – ASEAN: Chìa khóa cho hòa bình ở Biển Đông
Chương VIII: “cánh cửa mở ra các khả năng” và sự tìm kiếm đồng thuận
Chương IX: Khủng hoảng ở Biển Đông và Nga
Tóm lại, trong hơn 300 trang sách, tác giả đã đưa ra một lượng thông tin vô cùng phong phú và có giá trị về vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông. Vấn đề này đòi hỏi một chuyên gia có cái nhìn sâu sắc và theo sát mới có thể đưa ra những luận cứ sắc bén được. Cuốn sách thực sự là một công trình chuyên khảo vô cùng quý báu và là một tài liệu không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề Biển Đông.
Người thực hiện: Ngọc Anh
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á