Tác giả: Shiba Ryotaro; An Nhiên dịch
Nhà xuất bản Thế giới, 2014, 363 trang
Ký hiệu: Vv2626
Sau khi đã chính thức nắm quyền ở Nhật Bản vào tháng 1 năm 1868, chính quyền Minh Trị đã thực hiện nhiều chính sách cải cách kinh tế, xã hội nhằm xây dựng Nhật Bản thành quốc gia “phú quốc cường binh”. Ngoài Thiên hoàng Minh Trị, người ta nhắc nhiều đến Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng của cuộc cải cách, nhưng hầu như không nhiều người biết đến vai trò của Tokugawa Yoshinobu, vị Shogun cuối cùng của Mạc phủ.
Trong 17 chương của cuốn tiểu thuyết “Shogun cuối cùng”, tác giả Shiba Ryotaro đã phác họa thành công những bước thăng trầm trong cuộc đời của Tokugawa Yoshinobu từ khi sinh cho đến những năm tháng tuổi già. Trong đó đặc biệt chú trọng vào thời niên thiếu và giai đoạn cầm quyền.
Ông là con trai thứ bảy của Tokugawa Nariaki, Daimyo của Mito. Mito là một trong các gosanke, ba chi của gia tộc Tokugawa đủ tư cách để được chọn làm Chinh di Đại Tướng quân. Ông lớn lên dưới sự trông nom và giám sát nghiêm ngặt và khổ hạnh theo gia pháp. Ông được dạy viết chữ và võ thuật, cũng như tiếp nhận nền giáo dục thuần nhất các quy tắc về nền chính trị và chính quyền. Trong cuốn tiểu thuyết, vị tướng quân này hiện lên với vóc dáng của một con người lãng mạn mà kiên nghị, quyết đoán; luôn độc lập trong suy nghĩ, hành động, sắc sảo trong phê phán, hùng biện và đặc biệt giỏi thấu suốt tương lai. Nhưng đây cũng là nhân vật có đời sống tình cảm đặc biệt mà người sinh ra và lớn lên theo lẽ thường không lý giải được. Ông là Tướng quân đời thứ mười lăm và là Tướng quân cuối cùng của Mạc phủ Tokugawa, Nhật Bản. Cuộc đời ông theo đuổi mục đích cải cách chính quyền Mạc phủ già cỗi, nhưng cuối cùng không thành công. Tuy mục đích đó không thành nhưng Yoshinobu đã giải quyết được mối quan hệ hết sức tinh tế với Thiên hoàng và Hoàng gia mà vẫn bảo vệ được chủ thuyết của mình. Việc ông đặt dấu chấm hết cho chính quyền Mạc phủ già cỗi cũng cho thấy khả năng thấu suốt tương lai và tôn trọng quy luật khách quan của lịch sử.
Cuốn tiểu thuyết còn tái hiện được bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX.
Cuốn sách dễ khiến người ta liên tưởng đến một nước Nhật cổ xưa với những hình ảnh đặc trưng nhất của một nền văn hóa mang tinh thần võ sỹ đạo. Thế nhưng, bối cảnh truyện lại vào những năm giữa thế kỷ XIX, khi súng ống, đạn pháo, đại bác, máy ảnh, tàu hơi nước… đã có mặt ở Nhật Bản. Lúc ấy, dù là Thiên hoàng hay Đại tướng quân, dù là Samurai hay thường dân, bất kỳ người Nhật nào cũng hiểu rõ đất nước đang ở thời kỳ đầy biến động. Chỉ cần một sai lầm của người đứng đầu hay một phút mất kiềm chế của những cái tôi tự tôn sẽ quyết định sự tồn vong của nước Nhật. Trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” ấy, cần có một cái đầu lạnh. Tác giả Shiba Ryotaro đã phác họa nên chân dung một trong những “cái đầu lạnh” thời bấy giờ trong lịch sử Nhật Bản. Chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh một Samurai vừa lạ vừa quen với hình dung vốn có của mình, để rồi nhận ra đâu đó trong truyện có những lý giải cho sự phát triển và thành công lâu nay của nước Nhật.
Cuốn tiểu thuyết không chỉ giới thiệu một nhân vật quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Nhật Bản mà còn giúp bạn đọc hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển công cuộc Cải cách Minh trị, hiểu thêm những yếu tố ảnh hưởng và các nhân vật đã đóng góp vào cuộc canh tân đó.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Thực hiện: Kiều Dung
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á