Trang chủ

KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 2014-2015: NỖ LỰC PHỤC HỒI ĐỂ CHUYỂN SANG QUỸ ĐẠO TĂNG TRƯỞNG MỚI

Đăng ngày: 30-06-2015, 05:44 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, 274 trang

Kí hiệu: Vv2686

 

Nền kinh tế thế giới đã bắt đầu chuyển sang một quỹ đạo tăng trưởng mới, ở mức thấp hơn song ổn định và cân bằng hơn trước. Theo Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” tháng 4/2015 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế thế giới tăng trưởng 3,4% năm 2014 và có thể đạt mức 3,5% trong năm 2015. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đồng đều ở các nhóm nước: tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tiếp tục chậm lại còn các nền kinh tế phát triển phục hồi mạnh mẽ hơn. Động lực quan trọng của quá trình phục hồi và đưa nền kinh tế thế giới bước sang quỹ đạo tăng trưởng mới là việc tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, từ đó hình thành những mô hình quản lý và phương thức phát triển mới dựa trên sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả. Trong thời gian qua, những nền kinh tế phát triển dựa vào công nghệ và chấp nhận cải cách mạnh mẽ đã tạo lập được nền tảng phát triển vững chắc sớm hơn và phục hồi nhanh hơn.

Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước nhiều rủi ro như tình trạng thiểu phát, sự trì trệ của các nền kinh tế Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, biến động tỷ giá của các đồng tiền lớn và tác động tiêu cực đối với dòng vốn quốc tế do chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trái chiều… Đặc biệt, môi trường chính trị và an ninh thế giới biến động khó lường do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang và tranh chấp lãnh thổ leo thang, bạo động và nội chiến… cùng với các vấn đề biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên và dịch bệnh lây lan… đem lại nhiều rủi do cho quá trình phát triển bền vững.

Kinh tế Việt Nam năm 2014 đã thoát dần ra khỏi những khó khăn và cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét; môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì khá ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực đẩy mạnh cải cách và phục hồi tăng trưởng. Năm 2014, tăng trưởng kinh tế đã đạt 5,9%, vượt mục tiêu đề ra. Trong quý 1/2015, tăng trưởng kinh tế đã đạt mức cao nhất so với các quý 1 trong giai đoạn 2011-2015, tạo ra điểm sáng nổi bật. Mặc dù các dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2015 có khác nhau song đều cho thấy xu hướng phục hồi khá vững chắc của nền kinh tế.

Trên cơ sở nhìn lại năm 2014 trong chặng đường 30 năm đổi mới với những điểm nhấn nổi bật và hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho ra mắt cuốn sách “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2014-2015: nỗ lực phục hồi để chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng mới”. Nội dung cuốn sách có kết cấu 2 phần như sau:

Phần 1: Kinh tế thế giới, các nước và khu vực 2014-2015. Trong phần này gồm 2 chương. Chương 1 trình bày tổng quan kinh tế thế giới năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 và triển vọng. Chương 2 khái quát tình hình kinh tế các nước và khu vực cụ thể là kinh tế Hoa Kỳ, kinh tế EU, kinh tế Nhật Bản, kinh tế Trung Quốc, kinh tế Đông Nam Á, kinh tế Châu Phi và Trung Đông.

Phần 2: Kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Phần này gồm 2 chương. Chương 3 trình bày tổng quan kinh tế vĩ mô của Việt Nam những năm gần đây như khung phân tích kết quả; tình hình tăng trưởng, lạm phát, các cán cân vĩ mô của Việt Nam trong năm 2014 và những năm gần đây. Lao động và việc làm; năng suất lao động; những điểm nổi bật trong phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam. Chương 4 phân tích một số vấn đề chính sách nổi bật của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, cụ thể là các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu nền kinh tế; một số vấn đề nổi bật trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Việt Nam hiện nay đang ở tọa độ nào trong quỹ đạo phát triển? Cuối cùng các tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã trình bày bức tranh tổng quan về kinh tế thế giới, các nước và khu vực năm 2014 và những tháng đầu năm 2015; phân tích những đặc điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 đặt trong hành trình 30 năm đổi mới dựa trên một khung phân tích chính sách. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ cho các nhà hoạch định chính sách mà cả những bạn đọc nghiên cứu về kinh tế Việt Nam và thế giới. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận