Nằm trong chuỗi các hoạt động khoa học dài hạn của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) được tổ chức hàng năm với các chủ đề khác nhau về Nhật Bản; được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Hàn lâm và sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), trong vòng 05 ngày (từ 3/9 đến 9/9/2015), tại Hội trường tầng 12, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Giáo sư Higuchi Hiromi, Khoa Nhân học, Đại học Senshu, Nhật Bản đã truyền đạt đến học viên cùng các nhà nghiên cứu khoa học 05 bài giảng với chủ đề “Lịch sử - văn hóa Nhật Bản nhìn từ nghề thủ công truyền thống và lễ hội”.
Sau khi kết thúc phiên khai mạc Hội thảo tập huấn quốc tế “Nghiên cứu lịch sử - văn hóa Nhật Bản” ngày 03/9/2015 với bài giảng đầu tiên của GS. Higuchi, những câu hỏi đặt ra: Nhận thức vai trò của ngành nghề thủ công truyền thống và những khó khăn trong quá trình khôi phục lại văn hóa truyền thống; Quy định nhận biết về làng nghề truyền thống; Yếu tố kinh tế trong lễ hội… đã được Giáo sư giải đáp, phân tích sâu sắc trong những bài giảng kế tiếp.
Trong bài giảng thứ 2 và 3, GS. Higuchi đã trình bày tổng quan về việc kế thừa nghề thủ công truyền thống và làng nghề (nghiên cứu: thành phố Ishikawa và nghiên cứu trường hợp vùng nông thôn Yamanaka); phân tích sự biến đổi trong việc truyền nghề thủ công. Qua kết quả nghiên cứu, Giáo sư khẳng định tầm quan trọng và lợi ích kinh tế của nghề thủ công truyền thống trong xã hội hiện đại. Theo đó, Luật về chấn hưng nghề thủ công truyền thống được ban hành nhằm phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống được chế tác bởi kỹ thuật truyền thống đặc sắc của từng địa phương, qua đó làm phong phú đời sống người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững đất nước, từ đó đi đến quy định nhận diện làng nghề hay một sản phẩm được coi là thủ công truyền thống, dựa vào 05 điều kiện cần thiết: (1) Phải là những sản phẩm sử dụng được trong cuộc sống hằng ngày; (2) Phần quan trọng trong công đoạn chế tác phải thực hiện bằng tay; (3) Phải được chế tác bằng kỹ thuật và phương pháp truyền thống; (4) Sử dụng nguồn nguyên liệu đã được sử dụng trong truyền thống từ xưa cho đến nay; (5) Đã hình thành làng nghề trong một khu vực nhất định.
Ở bài giảng 4 và 5, Giáo sư Higuchi đã đưa ra các dẫn chứng cụ thể về việc lễ hội được kế thừa; phát huy tính sáng tạo và phát triển cộng đồng tại địa phương; Vai trò của lễ hội trong đời sống cộng đồng trước vòng xoáy của biến đổi xã hội hiện đại thông qua phân tích một số ví dụ minh họa (lễ hội Gion, lễ hội “Onabashira – matsuri”): (1) Duy trình tính cố kết cộng đồng truyền thống; (2) Khai phóng khả năng tiếp nhận của cộng đồng truyền thống hướng tới khẳng định: “Lễ hội là sự sống. Đó là sự hòa hợp với sự phát triển của những xã hội đã qua trong lịch sử….” khi con người dần cảm nhận được “giới hạn của sự tăng trưởng” trong xã hội hiện đại.
Một số hình ảnh tại khóa học:
|
|
GS. Higuchi Hiromi chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên và cán bộ của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Hội thảo tập huấn quốc tế “Nghiên cứu lịch sử - văn hóa Nhật Bản” đợt 1 đã kết thúc tốt đẹp. Qua những bài giảng thiết thực và sự nhiệt tình giải đáp của giáo sư, các học viên và cán bộ có thêm những kiến thức về Nhật Bản nhằm phục vụ hiệu quả hơn nữa công tác nghiên cứu, giảng dạy về Nhật Bản học trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang
Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, VASS.