Tác giả: Phạm Thị Thu Giang chủ biên
Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2014, 400 trang
Kí hiệu: Vv2607
Ngôn ngữ: Song ngữ Việt - Nhật
Có thể nói, năm 2013 là năm đỉnh cao trong lịch sử quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản từ trước đến nay. Trong năm đáng nhớ này có rất nhiều những sự kiện khác nhau từ lĩnh vực kinh tế đến văn hóa, từ cấp chính phủ đến các tổ chức để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giao lưu giữa hai nước để từ đó khắc sâu thêm sự hiểu biết lẫn nhau trong thời gian tới.
Để nối tiếp Tập bài giảng chuyên đề Nghiên cứu Nhật Bản, Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho ra đời cuốn thứ tư “Lịch sử giao lưu Việt Nam - Nhật Bản”, sau cuốn Lịch sử văn hóa xã hội, Pháp chế và xã hội, Nhật Bản và Châu Á. Cho đến nay đã có nhiều cuốn sách viết về mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhưng trong cuốn sách này tập trung những bài viết có thể khắc họa mối quan hệ đó từ thời cổ đại đến thời cận, hiện đại và từ các lĩnh vực khác nhau như sử học, khảo cổ học, chính trị học, xã hội học… thông qua các trường hợp cụ thể. Những mối liên hệ đó có thể là giữa con người với con người, có thể là sự trao đổi vật chất và cũng có khi được thực hiện thông qua các văn bản ngoại giao, nhưng đều được sinh ra bởi tình cảm, sự thông hiểu và hiểu biết chung giữa những người đến từ hai đất nước. Tất nhiên trong quá trình lịch sử, ở mỗi nước luôn tồn tại những yếu tố mang “bản sắc Việt Nam” và “bản sắc Nhật Bản” nhưng sự giao lưu giữa người dân hai nước đã tạo ra những nhân tố mới, kết tinh từ hai thứ bản sắc đó. Có thể nói, đây chính là thành quả lớn lao của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Cuốn sách tập hợp bài viết của các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam xoay quanh lịch sử giao lưu giữa hai nước từ cổ đại đến hiện đại, cụ thể như Hành trình nhậm chức đến An Nam của Abe no Nakamaro; Gốm sứ Việt Nam thế kỷ XIV-XVII khai quật ở Kyushu và Okinawa - niên đại, phân bố và bối cảnh lịch sử; Quan hệ Nhật - Việt thế kỷ XVI-XVII; Bức Châu ấn thuyền mậu dịch họa đồ nhìn từ những kết quả điều tra khảo cổ tại Hội An; Gốm Nhật Bản trong Hoàng cung Thăng Long; Hoạt động kinh tế của Công ty Mitsui Bussan tại Đông Dương thời kỳ chiến tranh Châu Á - Thái Bình Dương; “Di sản văn hóa chính nghĩa” trong hoạt động giao lưu Nhật - Việt - về cuộc vận động hoàn trả chuông Chùa Ngũ Hộ; 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật - Việt; Hoạt động trong suốt 58 năm qua của Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; Người tị nạn Việt Nam định cư tại Nhật Bản - qua nghiên cứu tình trạng việc làm của nhóm thế hệ thứ nhất; Những hoạt động truyền thừa văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt Kobe; Tiểu vùng Mê Công (GMS) và vai trò của Nhật Bản.
Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã phác họa lên mối quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản qua chặng đường lịch sử từ cổ đại đến cận đại và hiện đại trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cuốn sách là nguồn tư liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc nghiên cứu về Nhật Bản cũng như quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á