Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2014, 454 trang
Kí hiệu: Vt 485
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, trên vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Hải quân Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu chiến bao vây cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Chữ Thập, Châu Viên… ngăn chặn lực lượng Hải quân Việt Nam đang triển khai xây dựng công trình giữ đảo. Tàu chiến Trung Quốc đã hung hãn nổ súng tấn công vào lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, bắn cháy và chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, máu của những người con đất Việt đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Phản ứng sự kiện này, cũng trong ngày 14 tháng 3 năm 1988, ngay khi tàu Trung Quốc nổ súng vào các tàu Việt Nam ở Trường Sa, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Tuyên bố: “… Nhân dân và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà cầm quyền Trung Quốc phải chấm dứt ngay hành động khiêu khích quân sự, rút ngay các tàu chiến của họ ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả do hành động khiêu khích quân sự của họ gây ra”.
Nhằm giúp bạn đọc thấy rõ hơn hành động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, phá hoại hòa bình ổn định và xu thế đối thoại ở Đông - Nam Á, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc qua cuộc hải chiến ngày 14/3/1988 ở Trường Sa; tôn vinh những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã mưu trí, dũng cảm và sẵn sàng chiến đấu, anh dũng hy sinh bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin đã xuất bản cuốn sách “Cuộc hải chiến huyền thoại trên đảo Gạc Ma”. Nội dung cuốn sách gồm 5 phần như sau:
Phần I: Cuộc hải chiến huyền thoại bảo vệ Trường Sa và ký ức về trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Phần này tập trung các bài viết của các tác giả, cụ thể là Hải chiến Trường Sa: đọc lại Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam; Trận hải chiến Gạc Ma; Cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa 1988; Gạc Ma: trận chiến khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; Ký ức Gạc Ma qua lời kể của lính đảo Trường Sa; Nhớ về những người lính ngã xuống ở Gạc Ma…
Phần II: Tổ quốc, nhân dân Việt Nam mãi ghi ơn những người lính Gạc Ma anh hùng. Trong đó tập hợp những bài viết như Anh hùng Gạc Ma - Trường Sa; Chiến sĩ Gạc Ma - Trường Sa bị Trung Quốc bắt làm tù binh; Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Gạc Ma; Tinh thần Gạc Ma; Bức thư xúc động gửi vong linh cha hy sinh tại Trường Sa; Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”…
Phần III: Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Phần này đưa ra những căn cứ khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các tư liệu nước ngoài viết về Hoàng Sa và Trường Sa; Một số nhận xét về các luận cứ mà Trung Quốc sử dụng để chứng minh chủ quyền từ lâu đời đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa.
Phần IV: Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đây đề cập đến “bằng chứng khảo cổ” mập mờ và thiếu chính xác của Trung Quốc; độ chênh của lịch sử trong Sách trắng Trung Quốc; những luận cứ chủ quyền không vững chắc của Trung Quốc; Tư liệu phía Việt Nam; Tư liệu khách quan thừa nhận chủ quyền Việt Nam; “Đường lưỡi bò” phi lý.
Phần V: Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Phần này giới thiệu Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 ngày 21/6/2012; Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 23/6/1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về cuộc hải chiến huyền thoại trên đảo Gạc Ma. Đây là tài liệu tuyên truyền rất quan trọng, có giá trị thực tiễn to lớn, góp phần phát huy lòng yêu nước, ý thức bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước trong hiện tại và tương lai.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á