1. Nhận xét chung
Trong văn học của các nước thuộc hệ “đồng văn” Châu Á có một số thể thơ tuy ra đời và phát triển ở những giai đoạn lịch sử khác nhau của một dân tộc nhưng chúng vẫn có những nét tương đồng và dị biệt. Những thể thơ ngắn nhất như thơ lục bát (Việt Nam), haiku (Nhật Bản), tuyệt cú (Trung Quốc) và sijo (Hàn Quốc) là những thể thơ truyền thống của mỗi nền văn học, có ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc và thơ ca khu vực. Chính những nét giống nhau hoặc gần gũi và khác nhau của những thể thơ cách luật đó đã vừa tạo nên những nét đặc sắc mang tính dân tộc, vừa làm phong phú thêm về phong cách thể loại.
Thể thơ sijo (Hàn Quốc) và haiku (Nhật Bản) là vốn di sản văn học quí giá trong nền thi ca nói riêng và văn học nói chung của hai nước góp phần tạo nên cốt cách và tâm hồn dân tộc. Nhìn trong mối tương quan về mặt thể loại xét trên các nhìn bình diện, dưới những ảnh hưởng và tác động của các ỵếu tố khách quan cùng với những vấn đề khác, chúng tôi thấy thể thơ sijo và haiku có những nét tương đồng và dị biệt. Khảo sát hai thể thơ trên từ nhiều góc độ chúng tôi cho rằng, giữa chúng có những điểm gần gũi gặp gỡ nhau nhưng chúng có những nét khác biệt. Tuy nhiên, cũng thật khó khi chỉ ra một cách rạch ròi, cụ thể những sự khác biệt và gần nhau của thơ sijo và haiku. Bởi vì trong sự tương đồng đã xuất hiện những điểm khác nhau và giao thoa với nhau. Mặt khác, khi xem xét và so sánh hai thể thơ sijo và haiku, chúng tôi đưa ra những tiêu chí theo quan điểm của mình, cho nên đôi khi vẫn còn mang tính chủ quan. Vì thế, trong khi nghiên cứu hai thể thơ này chúng tôi mới chỉ dừng lại trên một số bình diện cụ thể nhằm nêu ra những điểm giống và khác nhau của chúng.
2. Những điểm tương đồng
Hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như Trung Quốc và Việt Nam là những nước có những nét chung về cội nguồn văn hoá. Xét về mặt địa lý, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản rất gần nhau và cùng gần với Trung Quốc đại lục. Chính cái đó cũng tạo nên sự tương đồng về nhiều mặt trong đó có văn học. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động, quan hệ qua lại về mặt văn hoá, sự giống nhau còn nảy sinh một cách ngẫu nhiên trên những cơ sở kinh tế - xã hội mang tính tương đồng của mỗi nước ở các giai đoạn khác nhau.
2.1. Xét về nguồn gốc ra đời và tiến trình phát triển của thơ sijo và haiku
Sijo là một di sản văn học quý giá xuất hiện khá sớm trong lịch sử văn hoá ở Bán đảo Triều Tiên. Các thể dân ca cổ hay các hyangga (văn vần) từ cuối thời đế chế Shilla trở đi phát triển trở thành thể thơ sijo trữ tình phổ biến mang tính truyền thống của văn học Hàn Quốc. Như vậy, có nguồn gốc từ thơ ca dân gian dân tộc từ thời Shilla (668-935), nhưng sijo được thiết lập từ cuối thời Koryo (918-1392) và thực sự phổ biến dưới vương triều Choson (1392-1910). Nếu tính từ những triều đại cuối cùng của đế chế Koryo, thì đến nay, lịch sử của thể thơ sijo cũng đã tồn tại trên 800 năm. Ban đầu với người Triều Tiên, sijo là một bài hát có giai điệu, là sự dung hợp giữa những khúc ca cũ của đế quốc Shilla và những bài hát văn xuôi của vương quốc Koryo. Vào cuối đời Koryo và đặc biệt là khoảng giữa thời Choson, sijo phát triển mạnh mẽ đạt đến cực thịnh. Nó không còn bó hẹp trong cung đình mà đến với quần chúng và được lưu hành chủ yếu thông qua phương thức truyền miệng. Sang thế kỷ XVI, sijo thường được hát lên như một điệu nhạc hoặc như một lời cầu kinh.
Đối với dân tộc Nhật Bản, thơ haiku cũng là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc. Nó góp phần lưu giữ và tạo nên cốt cách và tâm hồn của con người Nhật. So với sijo, sự ra đời của thơ haiku có muộn hơn vài thế kỷ. Nhưng cũng giống như Sijo, Haiku vốn có nguồn gốc từ thơ ca cổ của dân tộc Nhật Bản. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, haiku mới trở thành một thể thơ đạt đến sự hưng thịnh về đội ngũ sáng tác và nội dung phản ánh với tên tuổi của thi sĩ Basho (1644-1694) và các nhà thơ haiku nổi tiếng khác như Matsunaga Teitoku (1571-1653), Yashuhara Teishisu (1610-1673), Nishiyama Soyn (1605-1682 )… Nếu sijo bắt nguồn từ những bài dân ca cổ của dân tộc Bán đảo Triều Tiên, thì haiku được tách ra từ thể thơ renga (đoản ca), một hình thức tiêu biểu của thơ cung đình bao gồm một chuỗi những thơ cổ điển do nhiều thi sĩ sáng tác. Nhìn từ chiều dài lịch sử, thì nguồn gốc renga bắt đầu từ thơ tanka là một thể thơ gồm 5 câu và 31 âm tiết xuất hiện từ thế kỷ XII. Trải qua thời gian đã có sự biến đổi tiếp nối từ thơ tanka đến renga và haiku. Ban đầu thơ haiku mang tính chất hài hước, trào lộng, nhưng đến thời kỳ phát triển rực rỡ (thế kỷ XVII) nó đã mang những nét nội dung mới có tính xã hội và in đậm dấu ấn của Phật giáo Thiền tông. Cho đến khoảng cuối thế kỷ XIX, thể thơ gồm 17 âm tiết này mới được nhà thơ Shiki (1867 - 1902) định danh là haiku với những thi sĩ tên tuổi như Buson (1716 - 1784), Ryokan (1758 - 1831), Kyoshi (1874 - 1959). Từ thời Meiji trở đi (1868 - 1912), mặc dù thơ ca Nhật Bản cũng như văn học nói chung chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học phương Tây, thơ tự do phổ biến ở xứ Phù Tang, nhưng thơ haiku vẫn lưu hành và được nhiều người tham gia sáng tác.
So với thơ sijo về nguồn gốc, rõ ràng thơ haiku chưa có lịch sử hình thành lâu đời bằng, nhưng sự lan toả và ảnh hưởng của nó lớn hơn rất nhiều. Như vậy, điểm chung giống nhau của siji và haiku về nguồn gốc là đều bắt nguồn từ những thể thơ ca dân gian cổ của dân tộc mình, phát triển qua nhiều thế kỷ để trở thành một thể thơ truyền thống, đặc sắc không chỉ của văn học dân tộc mà còn được nhiều người ở các quốc gia khác nhau ưa chuộng. Nếu thơ sijo được phổ biến rộng rãi ở triều đại Choson thì thơ haiku phát triển đạt đỉnh cao vào thời Edo.
2.2. Về đặc điểm cấu trúc thể loại
Sijo và haiku là hai thể thơ có cấu trúc cô đúc, ngắn gọn nhất so với các thể thơ trong khu vực và thế giới. Tuy khác nhau về số lượng âm tiết trong một bài thơ, nhưng sijo và haiku là hai thể thơ cấu trúc chỉ có ba dòng thơ. Nếu một bài thơ haiku tổng cộng gồm 17 âm tiết và sắp xếp theo thứ tự 5 - 7 - 5 thì thơ sijo có ba dòng, mỗi dòng từ 14 đến 16 âm tiết, toàn bài có khoảng 45 âm tiết và theo thứ tự: 14 - 15 -16. Tuy nhiên, số lượng âm tiết của hai thể thơ trên được tính theo cấu trúc ngôn ngữ của tiếng Nhật và tiếng Hàn. Nhưng khi chuyển dịch sang tiếng Việt, do khác nhau về loại hình ngôn ngữ nên số lượng âm tiết có khác so với ngôn ngữ của nguyên bản. Ở một bài thơ Sijo được dịch như sau:
Bên sông hồ, mùa hè đã đến, ở thảo đường chẳng có việc chi.
Người thân tín, gợi làn sóng, sông ấy là nàng gió.
Thân mọn này, thư nhàn mát mẻ, há chăng nhờ ơn vua đó ư!
(Mạnh Tư Thành - Giang hồ trí thời ca)
Và một bài thơ haiku:
Tôi vỗ bàn tay
Dưới trăng mùa hạ
Tiếng dội về ban mai.
(Basho)
Một bài thơ sijo và haiku không chỉ cô đúc, ngắn gọn mà còn có bố cục chặt chẽ, hợp lý tương tự như thể thơ Đường luật của Trung Quốc. Trong một bài sijo, dòng đầu ứng với phần khởi đầu, dòng thứ hai là phần trình bày, còn nhịp đầu của dòng cuối lại tương ứng với phần chuyển tiếp và ba nhịp còn lại là phần kết luận (khởi đầu, trình bày, chuyển tiếp, kết luận). Đối với thơ haiku, tuy không phân chia ra các phần tương tự như sijo như trên, nghĩa bài thơ dường như chứa đựng ở trong toàn bài, nhưng cũng có sự gần gũi với sijo.
Nếu St. Jacques cho rằng, sijo là một thể thơ truyền thống ngắn gọn nhất, “chỉ cần một vần là quá đủ cho bất kỳ một bài sijo nào”, thì nhà phê bình văn học Pháp Roland Barther lại nhận xét một cách hóm hỉnh rằng: “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức. Haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn gọn mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”(1). Như vậy, chính “sự tình vắn tắt”, “chỉ cần một vần” cũng đã tìm cho mình được một “hình thức vừa vặn” để chuyển tải những nội dung phong phú và đa dạng.
Một điểm gặp gỡ nữa giữa sijo và haiku là hầu như do tính chất hàm súc của thể thơ mà trọng tâm ý nghĩa bài thơ thường nằm ở câu cuối. Điều này cũng là một đặc điểm chung của các thể thơ có quy mô nhỏ như tuyệt cú (thơ Đường luật Trung Quốc), và thơ lục bát (Việt Nam)…
Mô tả cảnh đẹp ban mai mùa đông, thơ haiku viết:
Con quạ ô
Sáng mai trong tuyết
Đẹp không ngờ.
(Basho)
hay: Asagao!
Chiếc gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên.
(Chiyo)
Và nói đến nỗi buồn hiu quạnh về đêm đông đối với người thiếu phụ chờ chồng, thơ Sijo viết:
Em sẽ bẻ đôi đêm đông dài giá lạnh
Ủ ấm một nửa dành ngày kia anh đến
Để nối thêm dài đêm ân ái của chúng ta.
(Hwang Jin Y)
Còn thơ tuyệt cú của Trung Quốc:
Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Lý Bạch - Tứ đêm lặng)
và thơ lục bát (Việt Nam):
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
(Nguyễn Bính - Tương tư)
Như vậy, tuy khác nhau về số lượng âm tiết trong mỗi bài thơ, nhưng chính ý nghĩa trọng tâm của bài thơ chủ yếu nằm ở câu cuối đã tạo nên sự gần gũi của những thể thơ nói chung và giữa thơ sijo và haiku nói riêng. Điều tác giả muốn nói đến thường ở câu cuối, những câu trên dường như chỉ là sự dẫn dắt và ý kết luận mới là trọng tâm của bài thơ (“Đẹp không ngờ”, “Đành xin nước nhà bên”, “Để nối thêm dài đêm ân ái của chúng ta”, “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”).
2.3. Về nội dung phản ánh
Bên cạnh những đề tài khác được phản ánh trong thơ sijo và haiku, thì việc hướng về thế giới thiên nhiên, ca ngợi những cảnh đẹp của bốn mùa và các loài vật, sự vật là điểm giống nhau của hai thể thơ trên. Hầu hết sijo đều lấy thiên nhiên làm đối tượng phản ánh, đặc biệt là những bài thơ sijo về sông hồ. Những bài ca về tự nhiên, sông hồ thời Choson đã tạo thành một dòng chảy văn học đặc sắc nổi bật vào thời đại này. Số lượng tác giả và tác phẩm viết về đề tài trên chiếm số lượng đông đảo. Thiên nhiên dưới con mắt nhìn của các thi sĩ tuy có đôi chỗ khác nhau nhưng đã nêu bật lên được cái đẹp tự nhiên, thuần tuý của nó. Nhà thơ Lý Thiên Phủ (Hàn Quốc) viết:
Cúi nhìn xuống nghìn trùng nước biếc, ngoảnh nhìn sang, trùng điệp núi xanh.
Hồng trần muôn dặm, mịt mù che phủ khắp không gian
Bên sông hồ, nếu trăng sáng toả, hãy thả tâm can”.
(Lý Hiền Phủ - Ngư phủ ca)
hay:
Gió xuân trên ngọn đồi thổi, những bông tuyết tan dần và biến mất.
Uớc gì gọi được ngọn gió kia đến đùa một lúc trên mái tóc tôi.
Gió sẽ thổi và những sợi tóc bạc như tuyết sẽ tan đi rồi biến mất.
(U Ták)
Thiên nhiên hiện lên thật huyền diệu, lung linh gắn với tâm trạng con người. Màu tuyết trắng và màu tóc bạc như hoà vào làm một. Nhà thơ mượn cơn gió để thổi tuyết vương trên đầu hay lại muốn cuốn theo những sợi tóc bạc của thi sĩ để nhà thơ trở lại tuổi thanh xuân. Gió, tuyết, tóc bạc gắn với tâm trạng con người.
Trong thơ haiku nổi bật yếu tố ‘mùa’, và nó trở thành như một quý ngữ trong thơ. Vì thế, thơ viết về bốn mùa và thiên nhiên vũ trụ là một trong những nội dung chủ yếu của thơ haiku. Hay nói một cách khác, thơ haiku là tiếng hát của bốn mùa. Người ta dễ dàng tìm thấy các cảnh sắc thiên nhiên trong thơ haiku. Từ một giọt sương đêm long lanh dưới ánh mặt trời ban mai, đến những bông tuyết, những khóm hoa cúc, hoa mẫu đơn, tiếng chim cu gáy, hay tiếng dế mèn kêu…, tất cả đều trở thành đối tượng phản ánh của thơ haiku. Một mùa xuân về với đất trời, những cánh hoa anh đào nở rộ như bồng bềnh trôi trong không gian:
Hoa anh đào như áng mây xa
Chuông đền Ueno vang vọng
Hay đền Asakusa.
(Basho)
Tiếng dế mèn kêu mùa hạ:
Cuộc đời đẹp quá
Con dế rung chuông
Cánh diều bay lả.
(Issa)
Và đây đó tiếng gió thu và hơi rét của mùa đông giá lạnh:
Đã rơi năm nào
Tuyết mà ta ngắm
Bây giờ lại rơi.
(Basho)
Với thể loại trữ tình, sijo và haiku vừa giống như một khúc hát trữ tình, lãng mạn thiết tha lại vừa sâu sắc, thân thiết. Cũng có khi nó dí dỏm, tế nhị, tinh tế, nhưng lại nặng trĩu tâm trạng ưu tư trăn trở về cuộc đời đầy dâu bể.
2.4. Đội ngũ sáng tác.
Cùng với sự hình thành và phát triển qua các giai đoạn xã hội khác nhau dưới những ảnh hưởng của các sự kiện và biến cố lịch sử, thơ sijo và haiku cũng có một lực lượng sáng tác biến đổi theo tiến trình vận động của thể thơ. Có một điểm chung của hai thể thơ này là ban đầu lực lượng sáng tác và thưởng thức chỉ bó hẹp trong một tầng lớp và với một phạm vi nhất định, nhưng dần dần phát triển ra các tầng lớp khác tạo thành một đội ngũ sáng tác đông đảo và công chúng thưởng thức rộng rãi.
Đội ngũ sáng tác chủ yếu của thơ sijo là tầng lớp nho sĩ ở cung đình. Những thi sĩ này sáng tác phần lớn là theo thể thơ chữ Hán, nhưng do thơ này chỉ ngâm vịnh mà không hát được cho nên họ đã thông qua sijo để thoả mãn nhu cầu ca hát của mình. Vì thế, cuối thời Koryo và đặc biệt thời Choson, bên cạnh các thể thơ khác, sijo là một thể loại mà các nho sĩ thường sáng tác và thưởng thức. Đến cuối thời Choson, việc hát xướng được mở rộng, do đó thể loại sijo càng được lưu hành rộng rãi, tầng lớp sáng tác và thưởng thức tăng lên nhanh chóng và mở rộng ra các thành phần xã hội khác. Như vậy, tuy xuất phát từ thơ ca của tầng lớp nho sĩ, nhưng trong quá trình phát triển về sau này, sijo đã trở thành một thể loại thơ mang tính đặc sắc của dân tộc Hàn được đông đảo người sáng tác và thưởng thức. Thơ sijo đã thoát ra khỏi chốn cung đình chật hẹp gắn với tầng lớp quý tộc và đến với quần chúng nhân dân đủ mọi tầng lớp trong xã hội.
Thoát thai từ thơ renga, haiku hình thành và phát triển không ngừng qua nhiều thế kỷ và lực lượng sáng tác và thưởng thức ban đầu cũng chỉ là các vương gia quý tộc cung đình. Nội dung thường mang tính giải trí, mua vui, trào lộng, đôi khi mang yếu tố dung tục, tầm thường. Sang thế kỷ XVII, với tài năng của mình, M.Basho đã cách tân tạo thành một thể thơ mới mang ý nghĩa xã hội và từ đó trở đi thơ haiku không còn là đặc quyền sáng tác và thưởng thức của một bộ phận xã hội nữa mà nó được lưu hành và phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp khác nhau. Sang các thế kỷ sau, sức lan toả của thơ haiku đã đến với nhiều nước trên thế giới, đồng thời những người sáng tác và thưởng thức thể thơ này cũng rất đông đảo.
Từ những phân tích, so sánh và dẫn chứng trên, chúng tôi đã khẳng định rằng, thơ sijo (Hàn Quốc) và haiku (Nhật Bản) đã có những điểm tương đồng, gần gũi về nhiều phương diện. Điều đó một mặt nói lên sự độc đáo của thể loại trữ tình ngắn nhất trong số các thể loại ngắn của thơ ca Châu Á và phương Đông, mặt khác thể hiện tư duy, tâm hồn của những dân tộc có chung cội nguồn văn hoá và gần nhau về địa lý.
Tuy nhiên là sản phẩm tinh thần đặc sắc của hai dân tộc cho nên bên cạnh những nét tương đồng, thơ sijo và haiku về một số phương diện cũng có sự khác nhau. Chính sự dị biệt tạo nên sự phong phú và đa dạng, làm nên nét độc đáo của mỗi thể thơ.
3. Những nét dị biệt
Như trên chúng tôi đã nói, khi so sánh hai thể thơ sijo và haiku bên cạnh thấy được sự tương đồng, còn chỉ ra tính chất khác biệt giữa hai thể thơ này. Và những nét giống và khác nhau cũng không phải là rạch ròi mà ngay trong sự tương đồng cũng có bao hàm yếu tố dị biệt và ngược lại.
3.1. Về hình thức, sijo và haiku đều là thể thơ chỉ có ba dòng (hay ba câu) và là những thể thơ có cấu trúc ngắn gọn của thơ ca châu Á. Nhưng chúng lại khác nhau về số lượng âm tiết trong mỗi dòng và tổng số âm tiết của cả bài (một bài thơ haiku gồm 17 âm tiết, còn sijo gồm khoảng 45 âm tiết). Và ngay nhịp trong mỗi dòng thơ cũng không giống nhau. Nếu thơ haiku không chú ý đến vần điệu thì sijo lại là thể thơ cách luật có nhịp điệu khá chặt chẽ. Trong một bài Sijo có ba dòng thơ thì mỗi dòng có 4 nhịp thơ, mỗi nhịp có từ 3 đến 4 âm tiết (cũng có ngoại lệ biến đổi 2 âm tiết thay cho 3 âm tiết và 3 âm tiết thay cho 4 âm tiết). Và như vậy, tổng số âm tiết trong mỗi nhịp đôi khi có thay đổi nhưng tổng số nhịp trong mỗi câu hầu như cố định. Đó là điểm khác biệt về hình thức của sijo với haiku.
Trong một bài thơ sijo, tác giả viết:
Bên kia đồi, nhà lý trưởng Sơng, hôm qua nghe nói, đã nấu rượu ngon
Ta đạp chân, bắt con bò dậy, đặt cái yên lên, vững vàng ngồi cưỡi
Tiểu đồng a! Lý trưởng nhà ngươi có nhà không, xã trưởng Chơng đây, hãy bảo rằng vậy.
( Chơng - Chơn)
3.2. Trong nội dung phản ánh, ngoài nét tương đồng đã nêu trên, giữa sijo và haiku có những nét khác biệt. Nếu thơ sijo nhằm chuyển tải tư tưởng Nho giáo mà trọng tâm là lý học của tầng lớp nho sĩ Hàn Quốc đương thời, đặc biệt là thời đại Choson, thì thơ haiku lại in đậm dấu ấn của Phật giáo Thiền Tông mà đỉnh cao là vào thời Edo (thế kỷ XVII - XIX)
Tính nhạc và chất trữ tình của sijo lúc bấy giờ được các triều đình phong kiến sử dụng như một phương tiện để chuyển tải tư tưởng Đạo Khổng và các tư tưởng triết học khác. Vì thế trong thơ sijo nổi bật là lòng trung thành và đạo đức Nho gia của bậc quân tử.
Ở thơ haiku, tư tưởng của Phật giáo Thiền tông in khá đậm nét trong hầu hết các bài thơ. Trước hết, phần lớn các thi sĩ thơ haiku là những thiền sư. Đối với họ, thi sĩ và thiền sư gắn bó với nhau. Họ nhìn đời bằng con mắt của một thiền sư nhưng với một tâm hồn thi sĩ. Vì thế, thơ haiku như là một sự chuyển tải những tư tưởng của Phật giáo Thiền tông. Hầu hết các nhà thơ lớn của thể thơ haiku là những thiền sư như M.Basho (1644 - 1694), Issa (1763 - 1827), Ryo Kan (1758 - 1831)… Mặt khác, thơ haiku thể hiện rõ các sắc thái cảm thức thẩm mỹ của Phật giáo Thiền tông như cảm thức sabi, wabi, aware và karumi. Những sắc thái thẩm mỹ mang đậm tính chất Thiền tông này trở thành một trong những đặc điểm quan trọng của thơ haiku. Trong thơ haiku còn thể hiện những trạng thái “động” và “tĩnh”, nhân duyên tương hợp và sự bình đẳng giữa con người và sự vật. Điều đó nói lên ảnh hưởng của Phật giáo Thiền tông trong thể thơ haiku rất đậm nét và cũng là một trong những điểm khác với tư tưởng Nho giáo trong thơ sijo.
3.3. Tính chất phổ biến, tiến trình phát triển và ảnh hưởng của thơ sijo và haiku cũng có những điểm khác nhau.
Là một thể thơ cổ truyền có nguồn gốc trong thơ ca dân tộc, sijo không phải là một dạng thơ vay mượn của nước ngoài. Do đó, nó là tinh hoa mang tính dân tộc của văn học hai miền Bán đảo Triều Tiên. Tiến trình phát triển của thể thơ này sớm hơn nhiều thế kỷ so với thơ haiku. Qua các thời kỳ, đặc biệt là cuối thời đại Choson trở đi, những ảnh hưởng của văn chương phương Tây rất mạnh mẽ đến văn học Hàn Quốc, nhưng thơ sijo chỉ biến đổi về nội dung phản ánh, còn cấu trúc ngữ pháp của thể thơ này chưa hề chịu ảnh hưởng của các loại hình thơ ca các nước khác. Cũng chính vì thế mà thơ sijo chủ yếu được phổ biến ở Bán đảo Triều Tiên mà chưa thể lan rộng ra các nước trong khu vực. Và ngày nay, ngay ở đất nước mà sijo ra đời, người ta sáng tác và phổ biến nó hãy còn quá hạn chế. Trong khi đó, thơ tứ tuyệt (Trung Quốc) mới ảnh hưởng đến các nước trong khu vực “đồng văn” mà không thể vươn xa hơn nữa. Nhưng thơ haiku (Nhật Bản) với ngôn ngữ liền âm không có thanh điệu nên dễ tiếp nhận hơn không chỉ với các nước trong khu vực mà nó còn vượt qua biên giới đến với nhiều châu lục khác trên thế giới. Từ giữa thế kỷ XIX trở đi cùng với công cuộc duy tân Minh Trị, thơ haiku vươn ra khắp thế giới trở thành tài sản chung của nhân loại: haiku thế giới. Sáng tác thơ haiku trở thành phong trào rộng khắp từ Đông sang Tây, từ những người làm thơ nghiệp dư, chuyên nghiệp đến những nhà thơ lớn. Nhiều nhà thơ nổi tiếng thế giới đều từng làm thơ theo thể haiku như R.M. Rieke (Đức), P. Elurad (Pháp), Octavio Paz (Tây Ban Nha), George Seferin (Hy Lạp)… Hàng năm tổ chức văn hoá của Nhật Bản vẫn duy trì các cuộc thi sáng tác thơ haiku trên thế giới đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhiều câu lạc bộ thơ haiku ra đời ở nhiều nước.
Hơn nữa, nếu thơ sijo dường như chỉ đóng khung trong chương trình giảng dạy văn học trong nước là chủ yếu thì ngược lại thơ haiku đã được đưa vào chương trình ngữ văn các trường trung học Cao đẳng và Đại học ở Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam… Chính điều này nói lên tính chất phổ biến và sức lan toả của thơ haiku lớn hơn rất nhiều so với thơ sijo.
4. Kết luận
Có thể nói rằng, trong kho tàng thơ ca Châu Á và phương Đông, cho đến ngày nay, có lẽ chưa có một thể thơ nào ngắn gọn, cô đúc nhưng chứa đựng nội dung rất phong phú như sijo (Hàn Quốc), haiku (Nhật Bản), tuyệt cú (Trung Quốc) và lục bát (Việt Nam). Đó là những giá trị đặc sắc về văn hoá của mỗi dân tộc được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ. Bên cạnh những điểm gần gũi về nhiều mặt, nhưng thơ sijo và haiku vẫn có một số điểm khác nhau. Những điểm tương đồng và dị biệt đều bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng cả sijo và haiku đều thoát thai từ thơ ca dân tộc, từ nguồn dân ca truyền thống. Những thế giới nghệ thuật tưởng chừng như “nhỏ bé” nhưng nhỏ xinh và tinh tế chứa đựng những nội dung và ý nghĩa sâu xa của sijo và haiku không chỉ hấp dẫn, kỳ lạ đối với người đọc trong quá khứ mà trong hiện tại và có lẽ cả tương lai, nó vẫn không ngừng lay động con tim của nhiều thế hệ.
HÀ VĂN LƯỠNG
(Khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học Huế)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Long Châu, Nhập môn văn học Hàn Quốc, Nxb
Giáo dục, Hà Nội, 1997.
2. Nhật Chiêu, Basho và thơ haiku, Nxb Trường ĐHTH Hồ Chí Minh, 1994.
3. Nhật Chiêu, Thơ ca Nhật Bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.
4. Komisook - Jungmin - Jung Byung Sul, Văn học sử Hàn Quốc (Từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006 (Jenon Hye Kyung và Lý Xuân Chung biên dịch và chú giải).
5. Lê Từ Hiển - Lưu Đức Trung, Haikư - Hoa thời gian, Nxb Giáo dục, Hồ Chí Minh, 2007.
6. Hà Văn Lưỡng, Thơ Haiku Nhật Bản (Đề tài NCKH cấp cơ sở năm 2002 - Trường ĐHKH Huế).