Trang chủ

VÀI NÉT VỀ VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày: 2-12-2013, 15:40 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 8

Hàn Quốc thường được các quốc gia nhắc đến như là một hình mẫu của việc sử dụng thành công viện trợ quốc tế. Từ một nước nghèo do bị tàn phá trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Hàn Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ 13 trên thế giới, thứ tư ở Châu Á. Điều đó có được là nhờ những cố gắng từ phía Chính phủ, người dân, đồng thời từ các nguồn viện trợ trên thế giới dưới hình thứ trợ cấp và cho vay với lãi suất ưu đãi.

Nguồn viện trợ chủ yếu được sử dụng cho các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc Seoul-Busan, nhà máy sản xuất bia rượu không có ga Pohang và đập ngăn nước sông Soyang. Học viện Phát triển Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAIST), được biết tới như MIT của Châu Á (Học viện Công nghệ Châu Á), cũng được xây dựng từ nguồn viện trợ quốc tế này.

Nguyên Bộ trưởng Tài chính Kwon O-kyu đã từng phát biểu, đó quả thực là sự đóng góp tuyệt vời, nếu không có khoản trợ cấp từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) trực thuộc Ngân hàng Thế giới, Quỹ Hợp tác Kinh tế Hải ngoại Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế khác cũng như từ các nước phát triển, Hàn quốc đã không thể cung cấp được những điều kiện thiết yếu cho người dân chịu hậu quả sau Chiến tranh Triều Tiên”.

1. Khởi đầu

22 năm trước đây, Hàn Quốc đã giải quyết xong các món nợ tài chính từ nguồn cho vay viện trợ và đưa nước này từ danh sách một nước nhận viện trợ trở thành nước cung cấp viện trợ. Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế chính là minh chứng cho sự thay đổi này. Tháng 6 năm 1987, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng Chương trình Cho vay Song phương (EDCF). Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc chịu trách nhiệm quản lý và vận hành quỹ dưới sự chỉ đạo chung của Bộ Tài chính. Đây là chương trình viện trợ chính thức đầu tiên của Chính phủ Hàn Quốc nhằm mục đích hỗ trợ công nghiệp hoá và phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển.

Như đã biết, từ năm 1963, Hàn Quốc đã thực hiện một số chương trình viện trợ cho các nước kém phát triển, bao gồm các chương trình đào tạo được bảo trợ bởi tổ chức USAID năm 1963, chương trình chia sẻ kinh nghiệm năm 1967 và chương trình trao đổi phát triển quốc tế năm 1982. Tuy nhiên, đây là những chương trình mang tính chất nhỏ lẻ, tạm thời. Chỉ đến khi EDCF ra đời và có văn phòng thường trực riêng thì các nước thực sự ghi nhận sự ủng hộ, đóng góp của Hàn Quố                          c đối với sự phát triển kinh tế của các nước láng giềng trong thời gian dài.

Bằng EDCF, Hàn quốc cho các nước đang phát triển vay với hi vọng góp phần phát triển kinh tế ở các nước này.

Hiện nay, EDCF vẫn là công cụ chính thức để Hàn Quốc đưa các nguồn viện trợ ra nước ngoài. Năm 1991, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc trực thuộc Bộ Ngoại Giao được Chính phủ nước này chính thức thành lập, từ đó đến nay đã thực hiện một số chương trình trợ cấp và trợ giúp kĩ thuật. Trong các năm tiếp theo, một số Bộ khác trong đó có Bộ Giáo Dục cũng bắt đầu xây dựng các chương trình viện trợ trên phạm vi toàn cầu mặc dù khoản hỗ trợ còn khá hạn hẹp.

EDCF và Koica đồng thời hoạt động, phân phối viện trợ tới mỗi nước trong một thời gian nhất định.

Gần đây, Chính phủ Hàn quốc đã mở rộng phạm vi và ủng hộ cho nhiều chương trình giúp đỡ các nước đang phát triển thông qua các tổ chức đa phương  như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Cơ quan Phát triển Quốc tế

2. Bước phát triển mới

Năm 2008,  Hàn Quốc đã dành một nghìn tỷ won (tương đương 799 triệu đôla) cho viện trợ phát triển chính thức ra nước ngoài. Theo Bộ Tài Chính, 25,4 % trong đó, tức 237.1 tỷ won được chuyển thông qua EDCF. Viện trợ song phương thông qua Koica và một số Cơ quan Chính phủ khác là 33%, 41,6% còn lại dành cho các chương trình viện trợ đa phương.

Là một trong ba chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chủ yếu của Hàn Quốc, EDCF được biết đến là chương trình có hiệu quả nhất.

Điều này có được do việc phải trả lại khoản vay sẽ thúc đẩy các nước nhận viện trợ sử dụng chúng hiệu quả hơn.

Kim Dong-jun, quan chức Bộ Tài Chính phát biểu: “Những nước nhận có thể sẽ quan tâm đến những khoản viện trợ không hoàn lại hơn nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, những nước chỉ nhận viện trợ không hoàn lại sẽ không tích cực trong việc phát triển kinh tế như các nước nhận một khoản nợ viện trợ.”

Tháng 2 năm 2005, một thoả thuận quốc tế được công bố về Hiệu lực viện trợ “Tuyên bố Paris”, trình bày “quyền sở hữu” là nền tảng cơ bản để thực thi các khoản viện trợ và cho vay trên thế giới trong đó có các khoản cho vay và viện trợ của Hàn Quốc.

EDCF có khả năng cho vay những khoản tín dụng lớn hơn nhiều so với các khoản  viện trợ không hoàn lại, điều này phù hợp với việc tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển.

Có thể nói, với khoản viện trợ không hoàn lại, các nước nhận viện trợ chỉ có thể sử dụng trong giới hạn nhỏ hẹp giống như chế tạo vài trăm chiếc máy tính nhưng với việc cho vay từ EDCF thì các quốc gia này có thể  xây cả những cây cầu. Vì vậy, EDCF mong muốn những nước nhận được khoản tín dụng ưu đãi này sẽ sử dụng chúng một cách hiệu quả đồng thời giúp những nước này chuyển từ việc chỉ sử dụng viện trợ không hoàn lại sang chủ động tìm kiếm các khoản vay để phát triển kinh tế đất nước.

Theo nguồn tin không chính thức từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc, quỹ cho vay liên tục phát triển trong các năm, với 2.306 tỷ tỷ won vào cuối năm 2008.

Theo đó, lượng tín chấp cũng phát triển. Vào năm 1987, khi EDCF được khởi động, chỉ có hai nước là Nigeria và Indonesia được cấp tài trợ. Trong năm 2006, số lượng này là 16 dự án tại 11 nước và đến năm 2008đã là 28 dự án tại 13 nước với ngân sách 237.1 tỷ won.

Ngân hàng cũng cho biết, đã có 45 nước được sử dụng tín chấp EDCF cho 200 dự án với tổng tiền là 4.276 tỷ đô la.

Theo Bộ Tài chính, các khoản tài trợ và cho vay sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới.

Thông thường, chương trình tín chấp EDCF được xem xét khi có yêu cầu từ một quốc gia ứng viên. Nước đó gửi đơn xin vay vốn thông qua Bộ Tài chính Hàn Quốc. Hồ sơ xin vay sẽ được Ngân hàng Exim xem xét, bao gồm kế hoạch chi tiết cho biết nước ứng viên sẽ dùng khoản cho vay như thế nào?

Dựa trên kết quả việc xem xét, Bộ Tài chính đưa ra quyết định cuối cùng xem có thể cho vay hay không và với số tiền bao nhiêu.

Ngân hàng Exim giải thích rằng, những ứng viên cho tín dụng EDCF hầu hết là những nước đang phát triển có mối quan hệ và liên kết kinh tế mạnh mẽ với Hàn Quốc hoặc có tiềm năng cao về hợp tác kinh tế. Trong đó, khá nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 5000đô la và hơn 70% các nước được cho vay thuộc Châu Á.

Khả năng hoàn trả của họ cũng được xét đến.

Vào tháng 10 năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc chấp thuận cho Việt Nam vay vốn 100 triệu đô la, khoản cho vay lớn nhất trong lịch sử của EDCF. Tập trung hỗ trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế -  xã hội nhờ đó  thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là liên quan đến các nhu cầu thiết yếu của con người, như sức khoẻ, giáo dục và môi trường.

3. Những cố gắng để nâng cao hiệu quả

Mục đích cho vay vốn của EDCF cũng được tính toán cẩn thận chứ không  là phân phối đồng đều. Họ chú trọng tới các lĩnh vực mà người Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh hơn so với quốc gia khác, trong trường hợp đó, các công ty Hàn Quốc cũng được tham gia vào các dự án phát triển của EDCF.

Trong những năm gần đây, tín dụng EDCF có khuynh hướng thiên về đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng xã hội và dịch vụ. Những dự án như vậy chỉ chiếm 19,9% vào năm 1996 nhưng đã tăng lên 60,5% vào năm 2005.

Tuy nhiên, EDCF cũng trợ giúp các trường hợp khẩn cấp. Việc thực thi các dự án do EDCF giúp đỡ được giám sát bởi Ngân hàng Exim Hàn Quốc.

Hiện nay, 75 nhân viên tại ngân hàng, hay khoảng 10% lượng lao động, được chỉ định làm tại EDCF, đặc biệt là ở bộ phận chịu trách nhiệm giám sát.

Uhm Sung-yong,  Phó Giám đốc EDCF Group cho biết “Là cơ quan thi hành của quỹ, chúng tôi giám sát các chương trình đang thực hiện có được hiệu quả hay không,” .

Đôi khi việc thực thi một dự án nào đó bị dừng lại. Tháng 1 năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc nhận được đơn khiếu nại từ Uzbekistan về chất lượng của những thiết bị giáo dục trị giá 34 triệu đô la mà một công ty Hàn quốc đã bán cho nước này. Quốc gia nằm giữa Châu Á này đã trả cho nhà sản xuất bằng khoản vay nhận được từ EDCF.

Hàn Quốc đã phản hồi cho nhà sản xuất và thay thế những thiết bị đó. Nhưng vụ việc này đã khiến Hàn Quốc phải nhận những lời phê bình rằng chính họ đã làm hỏng hình ảnh của mình khi giải quyết vấn đề như vậy.

Những người chỉ trích cho rằng, quá trình lựa chọn những công ty Hàn Quốc liên quan đến các dự án EDCF cần được kĩ càng và minh bạch hơn. Việc này cũng được nêu lại tại Hội nghị Quốc tế do Hàn Quốc tổ chức nhân kỉ nhiệm 20 năm thành lập EDCF vào tháng 7 năm 2007.

Trong lời phát biểu tại hội nghị, Bộ tài chính cho hay: “Chúng tôi sẽ tăng cường sự đánh giá cho mỗi dự án cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả của EDCF”. Bộ cũng nhấn mạnh rằng, các chỉ số của tiến trình thực hiện sẽ được cung cấp ngay từ đầu dự án và suốt quá trình thi hành để đảm bảo thành công.

Thêm vào đó, “Các báo cáo đánh giá, các bài học kinh nghiệm và các lĩnh vực cần cải thiện sẽ được trình bày rõ ràng, họ có thể tham khảo từ đó và vận dụng cải tạo các chương trình viện trợ.”

*          *

*

Có thể nói, vị thế của Hàn Quốc đã và đang được thế giới ghi nhận thông qua các chương trình viện trợ ODA. Gia tăng khối lượng và cải thiện cơ chế cung cấp viện trợ đang được chính phủ Hàn Quốc dưới thời Lee Myung Park quan tâm đặc biệt bởi người ta coi ODA như một công cụ ngoại giao quan trọng. Vấn đề đặt ra hiện nay, như một số giới phân tích nhận định là Hàn Quốc cần dành một tỷ lệ ODA đủ lớn tương xứng với vị thế cường quốc kinh thế thứ 13 trên thế giới để tài trợ cho các nước nghèo và tham gia đóng góp tích cực hơn vào các chương trình tài trợ quốc tế do các định chế quốc tế như Liên Hợp quốc, World Bank, IMF và các tổ chức khác chủ trì.

 

THU HÀ - MINH THANH

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Rae-Kwon Chung, (2003), Korea’s ODA Policy Direction, URL: www.grips.ac.jp /forum /2003/KoreaDAC/MrChung.doc

2. Lee Tae-joo, (2008), Korea's ODA Programs and Partnership with Universities, Korea Focus,  the Korea International Cooperation Agency

3. Seung-hun Chun, Kahp-Chin Chung, Hong-min, Seong-ae Sohn &Miae Choi, (2007), Regional ODA Strategy – Africa, KDS/Ministry of Finance and Economy, Korea.

4. Seung – Hun Chung, (2005), Management of ODA and Foreign Capital for Economic Development in Korea, Ministrerial Conference for Korea – Africa Economic Cooperation, November 19-22, Cape Town, South Africa.

0thảo luận