Trang chủ

ĐÂU LÀ KHU VỰC TRỌNG ĐIỂM CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG BA-RẮC Ô-BA-MA?

Đăng ngày: 2-12-2013, 15:38 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 8

Tại lễ nhậm chức ngày 20/1/2009, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố: “Thông điệp chúng tôi đang gửi đi khắp thế giới là nước Mỹ sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh chống bạo lực và chủ nghĩa khủng bố”. Bộ trưởng Quốc phòng Rô-bot-Ghết trong điều trần trước Uỷ ban Quân lực Thượng viện và Hạ viện Mỹ ngày 27/1/2009 cũng khẳng định: Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức như hai cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan; vấn đề Bắc Triều Tiên, I-ran; vấn đề phổ biến vũ khí huỷ diệt, quản lý kho vũ khí hạt nhân, bảo vệ vũ trụ, mạng thông tin, mua sắm quốc phòng và mối quan ngại về Nga, Trung Quốc…  Tuy nhiên, các khu vực trọng điểm chiến lược, trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng đã được định hình:

1. Châu Á – Thái Bình Dương

Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ xác định khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh và lợi ích của Mỹ, từng bước chuyển trọng tâm chiến lược từ Châu Âu sang Châu Á -Thái Bình Dương. Mục tiêu là thiết lập vai trò lãnh đạo khu vực, đảm bảo an ninh và mở rộng lợi ích của Mỹ, tăng cường khả năng kiềm chế các đối thủ tiềm tàng, trước hết là Trung Quốc và Nga, chuyển hoá để đưa các nước vào quỹ đạo của Mỹ. Hiện nay, Chính quyền Mỹ lo lắng trước sức mạnh và ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc, kể cả kinh tế và quân sự.

Để đối phó với nguy cơ đang gia tăng ở khu vực này, Mỹ đang tập trung vào các biện pháp chiến lược như: Tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ và đồng minh xung quanh Trung Quốc và Nga, trong đó chú trọng củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực; củng cố quan hệ quân sự với đồng minh và các nước; phối hợp chiến lược với các nước để tạo thế đối trọng, kiềm chế; đẩy mạnh chính sách can dự vào nội tình các nước. Mỹ xác định Liên minh Mỹ - Nhật là yếu tố quan trọng trong chính sách kiềm chế răn đe Trung Quốc. Mỹ đẩy nhanh tiến độ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa PC-3 tại Nhật, thúc đẩy “Quan hệ đối tác toàn cầu” giữa NATO với Nhật. Tại diễn đàn Đối thoại Shang-ri La/Xin-ga-po (5/2008), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ghết đã nhấn mạnh: “Mỹ sẽ cùng với Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự mới nhằm kiểm soát các tình huống bất ngờ xảy ra tại khu vực Tây Thái Bình Dương và cùng các nước trong khu vực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, chống cướp biển và phổ biến vũ khí hạt nhân”. Mỹ đang tăng cường mối quan hệ song phương với Nhật và Ô-xtrây-li-a thông qua cơ chế đối thoại định kỳ “2+2”; thúc đẩy xây dựng “Liên minh Mỹ - Nhật - Úc”; thiết lập “Cơ chế đối thoại chiến lược bốn bên” (Mỹ - Nhật - Ô-xtrây-li-a - Ấn Độ). Tại cuộc hội đàm 3 bên cấp Ngoại trưởng Nhật - Mỹ - Ô-xtrây-li-a (27/6/2008), ba bên cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở Châu Á -Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo, khắc phục thiên tai và các cuộc diễn tập trong khuôn khổ “Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt”. Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Ly Miêng Pắc (4/2008), Tổng thống Mỹ Bu-sơ tuyên bố phát triển quan hệ Mỹ - Hàn lên cấp “đồng minh chiến lược trong thế kỷ XXI”, nâng địa vị của Hàn Quốc lên ngang bằng với Nhật Bản và các nước thành viên NATO trong chương trình bán trang thiết bị quân sự cho nước ngoài của Mỹ và đưa ra lộ trình 3 bước khôi phục liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn.

Mỹ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực: Duy trì lực lượng khoảng 100.000 quân ở Đông Bắc Á, củng cố và mở rộng hệ thống căn cứ vành đai Thái Bình Dương, tiến hành cải tạo để biến Gu-am thành một căn cứ quân sự quan trọng hàng đầu trong khu vực. Mỹ tiếp tục củng cố Hệ thống NMD ở A-la-xca; phối hợp với Nhật Bản thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD); tiếp tục bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan, mở rộng hợp tác quân sự với các nước trong khu vực. Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La/Xin-ga-po, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã đề cập ba lực lượng đang đặt ra các mối đe doạ Trung Quốc gồm: (1) Sự mở rộng các liên minh quân sự; (2) Sự phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa; và (3) Vũ khí hoá không gian. Theo Tạp chí “Văn trích Trung Quốc” số tháng 2/2009, việc Chính quyền Ô-ba-ma tăng quân ở khu vực xung quanh Trung Quốc sẽ tạo ra những thách thức mới đối với an ninh của nước này. Tháng 1/2009, không quân Mỹ đã đưa 24 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-22 đến đóng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó 12 chiếc được đưa từ căn cứ Galena miền Đông nước Mỹ đến bố trí ở căn cứ không quân Zama ở Ô-ki-na-oa Nhật Bản, 12 chiếc được đưa từ căn cứ ở A-la-xca đến bố trí ở Gu-am. Theo Trung Quốc, căn cứ Zama là chuỗi đảo thứ nhất ở vị trí tiền duyên gần nhất mà quân đội Mỹ khống chế Trung Quốc, cách Đông Hải về phía tây không xa; còn Gu-am thuộc chuỗi đảo thứ hai mà quân đội Mỹ khống chế Trung Quốc, cách chuỗi đảo thứ nhất khoảng 2.000 km. Đe doạ lớn nhất của máy bay F-22 chủ yếu là tàng hình (có thể tránh được sự theo dõi của ra-đa phòng không của đối phương), triển khai tác chiến tập kích bất ngờ, không chiến ở cự ly không nhìn thấy (dù lực lượng phòng không của đối phương phóng tên lửa đất đối không điều khiển bằng hồng ngoại cũng không truy tìm được F-22) và công kích các mục tiêu mặt đất trên qui mô lớn. F-22 còn có khả năng thu thập tình báo tín hiệu rađa mạnh, được trang bị hệ thống trinh sát rất tiên tiến, tiến hành trinh sát thu thập tín hiệu điện tử được phát ra từ tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc hoạt động ở khu vực xung quanh. Năm 2009, quân đội Mỹ sẽ xây dựng, mở rộng mạng lưới tình báo trên không ở Áp-ga-ni-xtan, bố trí nhiều máy bay trinh sát có và không người lái, tạo ra sự thách thức rất lớn về an ninh trên không ở miền tây Trung Quốc.

2. Đông Nam Á

Đông Nam Á là một trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Ê-rích Giôn cho biết: “Chiến lược của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á cơ bản không thay đổi. Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các chiến lược đã đề ra nhằm duy trì và bảo vệ vị thế siêu cường số một tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á như: Chiến lược ngăn chặn và bao vây Trung Quốc; Chiến lược hợp tác chống khủng bố quốc tế... Đây là phương pháp bảo vệ quyền lợi của Mỹ về lâu dài”. Để duy trì sức mạnh của Mỹ tại khu vực, kiềm chế “sức mạnh mềm” đang gia tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, Mỹ tiếp tục tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á thông qua hợp tác an ninh chống khủng bố, quân sự và kinh tế... Quan hệ quân sự của Mỹ với các nước đồng minh như Xin-ga-po, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin... sẽ được coi trọng hơn.

Thái Lan được xác định là “đồng minh quan trọng ngoài NATO” và “đồng minh mạnh mẽ trong cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ. Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Diễn tập Cobra Gold 2009 tại Thái Lan ngày 27/1/2009, Phó đoàn Ngoại giao Mỹ tại nước này Giêm F.En-tuýt-lơ khẳng định: “Cuộc diễn tập Cobra Gold này có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Mỹ - Thái, khi mà trong tương lai quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Thái sẽ còn là trụ cột của mối quan hệ giữa hai nước đồng minh chúng ta. Nó là bước chuẩn bị tốt cho các sứ mệnh từ cứu trợ thảm hoạ thiên tai tới khả năng chiến tranh trong thực tế”.

Quan hệ Mỹ - In-đô-nê-xi-a sẽ được tiếp tục củng cố, nhất là trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng Hi-la-ri cho biết sẽ thúc giục In-đô-nê-xi-a tái khởi động Dự án “Lực lượng gìn giữ hoà bình” của nước này bị gián đoạn từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Theo dư luận Trung Quốc, tân Ngoại trưởng Mỹ tới thăm In-đô-nê-xi-a nhằm hai mục đích: Một là, để thể hiện thiện chí đối với thế giới Hồi giáo; Hai là, chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng thống Ô-ba-ma tới nước này có thể sẽ được thực hiện trong năm 2009.

Mỹ khẳng định Phi-líp-pin là “đồng minh thân cận” của Mỹ. Theo Đô đốc Kít-tinh, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (16/12/2008), Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã triển khai hơn 600 quân và một số lực lượng biệt kích tại Phi-líp-pin để hỗ trợ các hoạt động huấn luyện và chiến đấu của Quân đội Phi-líp-pin chống các tổ chức ly khai, khủng bố, chủ yếu là lực lượng của A-bu Say-áp, các nhóm Jemaah Ixlamiyah. Mỹ đang xây dựng một số kết cấu quân sự ở Phi-líp-pin, xây dựng trạm vệ tinh mới ở Ô-xtrây-li-a, thúc đẩy xây dựng “Trung tâm Huấn luyện lực lượng gìn giữ hoà bình" của  Mỹ tại Cam-pu-chia.

3. Trung Đông mở rộng

Mục tiêu chiến lược xuyên suốt của Mỹ tại khu vực Trung Đông là củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, kiểm soát nguồn năng lượng của các nước này để nắm yết hầu kinh tế toàn thế giới, tăng cường vị thế địa chính trị và địa quân sự để kiềm chế các đối thủ tiềm tàng. Sau khi tạo cớ gây chiến tranh lật đổ chế độ Xát-đam Hút-sen (2003), Mỹ đã dựng lên chế độ thân Mỹ ở I-rắc và toan tính xây dựng hệ thống căn cứ quân sự mạnh ở nước này làm bàn đạp để khuất phục I-ran, Xi-ry, Li-băng và các lực lượng chống Mỹ khác. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc chiến I-rắc đến nay, Mỹ đã lâm vào tình thế hết sức khó khăn ở Trung Đông.

Mới đây, Đô đốc Mu-len, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã đưa ra khái niệm “Trung Đông mở rộng”, thực chất vẫn là chiến lược “Đại Trung Đông” của Tổng thống Bu-sơ (về mặt địa lý, khu vực này kéo dài từ Bắc Phi tới Nam Á giáp Trung Quốc). Theo chiến lược này, khu vực Trung Đông, Nam Á và Trung Á đã hình thành một dải địa chính trị của chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Khu vực này đã vượt qua các vùng địa lý được phân định rõ ràng lâu nay của Trung Đông, gộp thêm bốn quốc gia thuộc Liên đoàn Ma-grép Ả-rập (An-giê-ri, Li-bi, Ma-rốc và Tuy-ni-di), Y-ê-men và vùng Sừng châu Phi. Ngoài ra, xét đến tác động của Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan đối với sự ổn định trong khu vực, vùng “Trung Đông mở rộng” phải là một bộ phận quan trọng trong chiến lược quân sự toàn diện của quân đội Mỹ. Ông Mu-len khẳng định, các chiến dịch quân sự tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan sẽ vẫn tiếp tục là ưu tiên trước mắt, Mỹ phải làm tất cả những gì có thể để giành được chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh này. Chính quyền Ô-ba-ma đã sớm xác định 4 nhiệm vụ ưu tiên, đó là I-rắc, I-ran, Áp-ga-ni-xtan và I-xra-en.

Đối với I-rắc: Ngày 1/2/2009, Tổng thống Ô-ba-ma tuyên bố, phần lớn trong số 140.000 binh sỹ Mỹ tại I-rắc sẽ rút khỏi nước này trong vòng một năm tới. Quân đội Mỹ đang chuyển dần từ tham chiến trực tiếp sang vai trò hỗ trợ, thực hiện huấn luyện cho các lực lượng an ninh I-rắc, đồng thời chuyển giao dần trách nhiệm cho lực lượng này. Mỹ quyết định bán cho I-rắc lô vũ khí trị giá trên 10 tỷ USD.

Đối với I-ran: Trong những năm qua, Mỹ áp dụng mạnh mẽ các biện pháp chống I-ran, như cô lập ngoại giao, cấm vận kinh tế, uy hiếp và răn đe tiến công quân sự, nhằm buộc I-ran chấp nhận các yêu sách của Mỹ, trong đó có vấn đề hạt nhân của nước này. Sau khi trúng cử Tổng thống, ông Ô-ba-ma tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận mới trong vấn đề I-ran theo hướng mềm dẻo, linh hoạt, kể cả đối thoại trực tiếp, nhưng kiên quyết không để cho I-ran có được vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tân Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn khẳng định sẽ vẫn duy trì mọi lựa chọn về cách đối phó với I-ran, kể cả biện pháp quân sự, để ngăn chính quyền nước này tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đối với Áp-ga-ni-xtan: Tổng thống Ô-ba-ma xác định, Áp-ga-ni-xtan sẽ là mặt trận chủ yếu chống khủng bố của quân đội Mỹ thời gian tới. Ô-ba-ma cho biết, sau các cuộc trao đổi ý kiến với các tham mưu trưởng và các tư lệnh chiến trường, Chính phủ Mỹ sắp công bố một cách nghiêm túc các dự định mới tại Áp-ga-ni-xtan, trong đó có kế hoạch đưa thêm khoảng 36.000 binh sĩ tới Áp-ga-ni-xtan trong vòng 18 tháng tới, nâng tổng số quân Mỹ tại nước này lên hơn 60.000 binh sĩ. Thậm chí, Ô-ba-ma còn tuyên bố sẵn sàng đánh bom vào lãnh thổ Pa-ki-xtan nếu phát hiện có sự ẩn náu của An kê-đa và Ta-li-ban tại nước này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ghết, Mỹ đang xem xét triển khai một chiến lược mới mang tên “Cách tiếp cận hoà bình” ở 50 huyện của Áp-ga-ni-xtan đang có nguy cơ bị rơi vào tay phiến quân Ta-li-ban.

Đối với I-xra-en: Chính quyền Ô-ba-ma khẳng định lại việc củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với I-xra-en. Mỹ đang thúc đẩy mạnh quan hệ quân sự với I-xra-en: Mỹ và I-xra-en ký thỏa thuận (18/8/2008) cho phép Mỹ triển khai hệ thống ra-đa cảnh báo sớm có khả năng phát hiện các đầu đạn tên lửa đạn đạo tại I-xra-en; Chính phủ Mỹ (30/9/2008) đã phê chuẩn hợp đồng bán 25 máy bay chiến đấu đa năng F-35 cất, hạ cánh thường cho I-xra-en trong năm 2008, cam kết bán cho nước này 50 chiếc F-35 cất và hạ cánh thẳng đứng trong những năm sau, theo hợp đồng trị giá 15,2 tỷ USD.

Tóm lại, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ sử dụng mọi công cụ sức mạnh, trước hết là sức mạnh quân sự để bảo vệ nước Mỹ và tiếp tục củng cố vai trò bá chủ thế giới của Mỹ với ba khu vực trọng điểm chiến lược là Châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Trung Đông mở rộng. Chính sách quốc phòng – an ninh của Chính quyền mới vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến môi trường hoà bình và an ninh thế giới. Quan điểm của các giới chức Mỹ cho rằng “sức mạnh quân đội sẽ vẫn là một trong các phương thức cơ bản để đạt được các mục tiêu chính trị của quốc gia” dường như đã định sẵn một khả năng chắc chắn là xung đột quân sự giữa Mỹ với các nước sẽ xảy ra. Chiến sự ở Trung Đông, Trung Á những ngày đầu năm 2009 là sự cảnh báo đối với Chính quyền Ô-ba-ma về triển vọng một thời kỳ sóng gió mới trong thực thi chính sách đối ngoại quân sự của Mỹ./.

 

NGUYỄN NHÂM - LÊ THÀNH

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Phát biểu của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma tại lễ nhậm chức ngày 20/1/2009.

2- Phát biểu của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma tại cuộc gặp các quan chức bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22/1/2009.

3- Điều trần trước Quốc hội của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn 1/2009.

4- “Chiến lược Quốc phòng Mỹ”, tháng 10/2008.

5- “Cương lĩnh tranh cử của đảng Dân chủ Mỹ”, năm 2008.

6- Tài liệu tham khảo đặc biệt của TTXVN 2/2009.

0thảo luận