Tác giả: TS. Nguyễn Đình Liêm chủ biên
Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2013, 379 trang
Kí hiệu: Vv 2513
Kể từ sau Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1978, Trung Quốc bắt đầu thức tỉnh và đã tìm được con đường phát triển của mình bằng việc thực hiện công cuộc cải cách mở cửa. Trung Quốc đã trỗi dậy và liên tục trỗi dậy mạnh mẽ nhất từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc cùng với sự tan rã của “trật tự thế giới hai cực”. Sự trỗi dậy của Trung Quốc được ghi nhận bởi nhiều thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, kinh tế Trung Quốc đã vượt nhiều nước phát triển, vươn lên đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ và điều đó không chỉ tạo ảnh hưởng đối với việc củng cố nền chính trị, ổn định xã hội, gia tăng quân sự quốc phòng trong nước, mà còn tạo ảnh hưởng sâu rộng lan tỏa khắp thế giới, khu vực - trong đó có Việt Nam, trên nhiều bình diện.
Cuốn sách “Quan hệ Việt - Trung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc” nhằm nhận diện, đánh giá tổng quát quá trình phát triển của quan hệ Việt - Trung trước tác động của một Trung Quốc trỗi dậy; phân tích thực trạng những vấn đề đặt ra và đề xuất đối sách xử lý quan hệ Việt - Trung trong 10 năm tiếp theo của thế kỷ XXI đặt trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy. Nội dung của cuốn sách được thể hiện trong 3 chương như sau:
Chương 1: Đánh giá thực trạng quan hệ Việt - Trung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong đó các tác giả trình bày khái quát về Trung Quốc trỗi dậy; thực trạng quan hệ Việt - Trung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và một số nhận xét, đánh giá.
Chương 2: Tác động của các nhân tố mới và những vấn đề đặt ra trong quan hệ Việt - Trung. Nội dung chính của chương này là tập trung phân tích thực trạng quan hệ Việt - Trung trước tác động của các nhân tố quốc tế và khu vực; đi sâu phân tích những vấn đề đặt ra trong quan hệ Việt - Trung.
Chương 3: Quan hệ Việt - Trung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Ở đây các tác giả đã nhấn mạnh đến một số đối sách cụ thể đối với nước ta như kiên định giữ vững quan hệ hữu nghị Việt - Trung song song với bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động hợp tác, tránh phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc; sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam; tìm kiếm giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra về quốc phòng - an ninh trong quan hệ Việt - Trung; tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề tranh chấp Biển Đông; chủ động nắm bắt thời cơ đối với các nhân tố mới nảy sinh.
Từ tổng quan về sự trỗi dậy của Trung Quốc, cuốn sách đã làm rõ quá trình phát triển của quan hệ Việt - Trung dưới tác động của Trung Quốc trỗi dậy. Bằng nhiều dẫn chứng sinh động được phân tích sâu sắc, các tác giả đã phác họa bức tranh khá toàn diện về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua, trên cơ sở đó rút ra những nhận xét đánh giá khách quan, khoa học. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đi sâu phân tích tác động của các nhân tố quốc tế, khu vực, Trung Quốc và Việt Nam đối với quan hệ Việt - Trung trong những năm tới. Các tác giả đã chắt lọc, lựa chọn đưa ra phân tích một số vấn đề nổi bật trong quan hệ giữa hai nước như vấn đề lòng tin chính trị trong quan hệ Việt - Trung; vấn đề nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc; vấn đề đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; vấn đề sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc; vấn đề quốc phòng - an ninh trong quan hệ Việt - Trung; vấn đề Biển Đông trong quan hệ giữa hai nước. Trên cơ sở những phân tích và dự báo khả năng phát triển những vấn đề đặt ra trong quan hệ Việt - Trung ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, cuốn sách đã đi sâu phân tích đối sách cần có của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc trên một số khía cạnh cụ thể. Cuốn sách thực sự là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc nhất là đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á