Trang chủ

CHÍNH TRỊ TRUNG QUỐC TRONG QUÁ TRÌNH TRỖI DẬY VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 16-10-2013, 16:56 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. TS. Đỗ Tiến Sâm chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2013, 231 trang

Kí hiệu: Vv 2509

 

Sự phát triển nhanh chóng còn được gọi là sự trỗi dậy của Trung Quốc đã và đang thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận khu vực và thế giới. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh sự “trỗi dậy hòa bình” hay “phát triển hòa bình”, nhưng những tác động cả tích cực và tiêu cực từ sự trỗi dậy của nước này đã thu hút sự chú ý của thế giới, làm dấy lên các luồng ý kiến khác nhau như “Trung Quốc đổ vỡ”, “mối đe dọa Trung Quốc”, “Trung Quốc ngạo mạn”…

Để đảm bảo cho sự trỗi dậy thành công, với tư cách Đảng cầm quyền và hạt nhân lãnh đạo toàn xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triển khai nhiều chủ trương chính sách khác nhau, trong đó có vấn đề xây dựng và phát triển chính trị. Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu về sự trỗi dậy của Trung Quốc, không thể không nhận diện và phân tích sự phát triển chính trị - một tiền đề quan trọng cho sự trỗi dậy của nước này.

Việt Nam là nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Việc nghiên cứu sự phát triển chính trị của Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc, góp phần gợi mở những suy nghĩ về vấn đề phát triển chính trị của Việt Nam, đồng thời có đối sách phù hợp đối với những tác động từ sự phát triển chính trị của Trung Quốc.

Trước yêu cầu đó, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện chương trình nghiên cứu về sự phát triển chính trị nhằm đảm bảo cho sự trỗi dậy của Trung Quốc giai đoạn 2011-2020, những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển chính trị của Việt Nam và đối sách. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đạt được, GS. TS. Đỗ Tiến Sâm đã chủ biên cho ra đời cuốn sách “Chính trị Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Nội dung cuốn sách có kết cấu 4 chương như sau:

Chương 1: Thực trạng phát triển chính trị Trung Quốc giai đoạn 2001-2010. Trong đó, các tác giả đã trình bày các khái niệm chủ yếu có liên quan; những thành tựu chủ yếu trong phát triển chính trị; những khó khăn, thách thức và mâu thuẫn đang đặt ra đối với nền chính trị của Trung Quốc.

Chương 2: Mối quan hệ giữa sự phát triển chính trị với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nội dung chính của chương này tập trung giải quyết ba vấn đề chính. Thứ nhất, vấn đề dân chủ hóa kinh tế, dân chủ hóa chính trị, dân chủ hóa xã hội và việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung Quốc. Thứ hai, vấn đề duy trì sự ổn định chính trị trong nước của Trung Quốc. Thứ ba, việc giải quyết mối quan hệ giữa chính trị đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.

Chương 3: Giải quyết vấn đề kiên trì chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đại lục và duy trì lâu dài chế độ tư bản chủ nghĩa ở Hồng Kông, Ma Cao. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích vấn đề phát huy ưu thế của chế độ xã hội chủ nghĩa trong tập trung nguồn lực; việc tận dụng và khai thác vai trò, vị trí của Hồng Kông, Ma Cao nhằm đáp ứng nhu cầu trỗi  dậy của Trung Quốc.

Chương 4: Chiều hướng phát triển chính trị Trung Quốc 2011-2020 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Trong chương này, các tác giả đã phân tích và dự báo về triển vọng phát triển chính trị của Trung Quốc giai đoạn 2011-2020. Đồng thời làm nổi bật lên những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển chính trị của Việt Nam và đưa ra một số kiến nghị cụ thể đối với nước ta.

Từ những nội dung nêu trên có thể thấy, các tác giả đã đặt vấn đề phát triển chính trị trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong mối quan hệ và tác động lẫn nhau giữa yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đối nội và đối ngoại của nước này. Ngược lại, muốn trỗi dậy thuận lợi, nhất là về mặt kinh tế, đòi hỏi Trung Quốc cũng phải thúc đẩy cải cách chính trị. Cuốn sách đã cung cấp nhiều thông tin và mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh chính trị trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cuốn sách cũng là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận