Tác giả: TS. Lê Văn Mỹ chủ biên
Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2013, 250 trang
Kí hiệu: Vv 2512
Thực tế trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI vừa qua, Trung Quốc thực sự đã và đang “trỗi dậy” mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó ngoại giao có một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trỗi dậy này: ngoại giao Trung Quốc đã tích cực duy trì được sự ổn định và phát triển quan hệ với các nước lớn quan trọng, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ - siêu cường thế giới hiện nay; quan hệ hợp tác với các quốc gia láng giềng; mở rộng hợp tác với các quốc gia đang phát triển… góp phần tích cực cho công cuộc phát triển hiện đại hóa đất nước.
Sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, trước tình hình Trung Quốc cũng như tình hình khu vực và thế giới đã và đang có những thay đổi quan trọng, ngoại giao Trung Quốc liệu sẽ có những điều chỉnh như thế nào để tiếp tục đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước đông dân nhất thế giới này? Cả thế giới đang chờ đợi đường lối đối ngoại mới của Trung Quốc sẽ chính thức được tuyên bố tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc. Liệu với đường lối ngoại giao mới, ngoại giao Trung Quốc có còn tiếp tục góp phần tích cực cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm tới cũng như có dẫn đến những thay đổi sâu sắc về cơ cấu quyền lực quốc tế, về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh và về mối quan hệ giữa ý tưởng thế giới của Trung Quốc với hệ thống quốc tế hiện có?
Để góp phần tìm hiểu về ngoại giao Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI và đưa ra những dự báo trong những năm tới cũng như để trả lời về những câu hỏi đặt ra trên đây, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do TS. Lê Văn Mỹ chủ biên đã cho ra đời cuốn sách “Ngoại giao Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Nội dung cuốn sách được thể hiện trong 3 chương như sau:
Chương 1: Nhìn lại ngoại giao Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó các tác giả đã điểm lại một số kết quả đạt được của ngoại giao Trung Quốc. Thứ nhất, giữ ổn định và phát triển quan hệ với các nước lớn như quan hệ hợp tác mang tính xây dựng Trung - Mỹ; quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - EU; quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Nga; quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung - Ấn. Thứ hai, quan hệ hợp tác phát triển với các quốc gia láng giềng Đông Á. Thứ ba, ráo riết triển khai ngoại giao năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc cụ thể là với các quốc gia khu vực Trung Á, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Chương 2: Đánh giá, dự báo của các học giả Trung Quốc, học giả thế giới về ngoại giao với sự trỗi dậy của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI. Nội dung chính của chương này là phân tích những đánh giá và dự báo của các học giả Trung Quốc về những bước thực hiện mục tiêu chiến lược của ngoại giao Trung Quốc; đánh giá và dự báo của các học giả Nga và một số quốc gia Đông Á; đánh giá và dự báo của các học giả Mỹ và phương Tây.
Chương 3: Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc giai đoạn 2011-2020 và những tác động đối với Việt Nam. Ở đây, các tác giả đã phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực và Trung Quốc khi chuyển sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI; chiến lược đối ngoại của Trung Quốc khi chuyển sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI; đường lối ngoại giao đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trước sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thập niên thứ hai thế kỷ XXI.
Thông qua 250 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về bức tranh ngoại giao của Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy hiện nay. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng phân tích những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trước sự trỗi dậy về ngoại giao của Trung Quốc. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong việc đưa ra đường lối ngoại giao phù hợp trong tình hình hiện nay. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á