Trang chủ

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ CHÍNH TRỊ ĐỐI NỘI NHẬT BẢN THỜI KỲ SAU CHIẾN TRANH LẠNH

Đăng ngày: 17-07-2013, 11:56 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 5

Những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế chính trị đối nội ở Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh lạnh được nhận diện qua những khía cạnh sau đây:

1. Rạn nứt hệ tư tưởng truyền thống và gia tăng liên kết giữa các đảng chính trị

Việc thành lập một liên minh giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản là một minh hoạ sinh động các rạn nứt  trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh trước đây đã bị tiêu tan. Và đây được coi là điểm mốc đánh dấu tính cạnh tranh giữa hai đảng. Bằng việc tham gia vào các liên minh cầm quyền, các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội đã bị buộc phải từ bỏ nền tảng chính trị duy tâm  của mình trước đây và gánh trách nhiệm lãnh đạo Chính phủ. Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản đã thay đổi các chính sách của mình theo hướng ngược lại hoàn toàn so với những gì mà họ làm trước đó. Họ không chỉ ủng hộ Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, mà còn thừa nhận công khai tính hợp hiến của  Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Việc  làm  này của Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản khiến cho việc lựa chọn liên minh dựa trên các tính toán chính trị cơ hội chủ nghĩa bị tổn thương.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chính sách của họ không có vai trò trong việc liên kết chính trị với các đảng khác, trong đó có LDP. Người ta có thể nhận ra  sự khác nhau  về các vấn đề chính sách. Với chính sách an ninh, Ozawa muốn Nhật Bản trở thành một nước “bình thường” bằng việc thực thi chính sách “tự vệ chung”, như là cố gắng để có được một vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; xúc tiến sửa đổi Hiến pháp. Trong khi đó, Takemura của Sakigate và Kono của Đảng Dân chủ Tự do lại muốn Nhật Bản đóng góp cho an ninh quốc tế chủ yếu qua các phương tiện phi quân sự. Đối với chính sách kinh tế, một số nhà chính trị của đảng này ủng hộ cải cách hành chính và phân quyền là việc phải giải quyết trước, sau đó mới tăng thuế tiêu thụ. Trong khi đó, một số chính trị gia ở đảng khác lại cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ và thuế thu nhập hiện tại là những đòi hỏi cấp bách. Mặc dù những điều này không phải là những khác biệt về tư tưởng nhưng chúng cũng có các hàm ý cụ thể về chính sách.

Thực tế cho thấy, tính phức tạp trong liên kết chính trị ở Nhật Bản còn bắt nguồn từ việc tồn tại các xu hướng chính sách khác nhau ngay trong tổ chức một đảng. Ví dụ, các nhà chính trị Đảng Dân chủ Tự do, những người đã ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp và một lực lượng quân sự phòng thủ mạnh mẽ hơn, có nhiều điểm chung với các thành viên của Shinshinto hơn là các đồng nghiệp khác trong Đảng Dân chủ Tự do. Trong khi đó, những người thuộc Cánh hữu trong Đảng Dân chủ Tự do tỏ thái độ cứng rắn đối với việc không hợp tác với Shinhsinto bởi sự thù oán cá nhân của họ đối với Ozawa. Cánh hữu của Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản tỏ ra cấp tiến hơn với các thành viên khác của Đảng Dân chủ Xã hội trong các vấn đề kinh tế và chính sách xã hội, nhất là so với những người thuộc Cánh tả. Những khác nhau về chính sách giữa Sakigate và Đảng Dân chủ Xã hội  cũng  rõ ràng. Tình hình này đã tác động mạnh tới công chúng và làm cho họ nhầm lẫn về các hàm ý chính sách của nhiều  liên minh khác nhau trên đấu trường chính trị Nhật Bản trong suốt hơn thập kỷ qua.

2. Tiếp tục  suy yếu  liên kết chính trị trong các đảng

Xuất phát từ những khác biệt vốn có của nó nên sự liên kết trong chính nội bộ các đảng chính trị ở Nhật cũng  bị suy yếu. Trường hợp của Đảng Dân chủ Tự do, điều này thể hiện ở việc rời bỏ Đảng ở từng giai đoạn. Trước tiên là sự ra đi của Hosokawa khỏi Đảng Dân chủ Tự do,  hình thành đảng mới  vào năm 1992. Sau đó là sự ra đi của nhóm Takemura và phái Cải cách 21 của Ozawa vào tháng 7 năm 1993. Xung đột đã xảy ra trong bối cảnh cải cách bầu cử, quá trình lựa chọn người kế vị của Hosokawa, và việc thành lập liên minh Đảng Dân chủ Tự do - Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản – Sakigate. Cho đến nay, Đảng Dân chủ Tự do  đã không còn sự chia rẽ lớn. Thời kỳ đó, mối lo lắng hàng đầu của giới lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do là việc duy trì sự đoàn kết trong Đảng. Có một vài dấu hiệu cho thấy rằng Michio Watanabe hợp lực với Ozawa để giành chức Thủ tướng Chính phủ sau khi Hosokawa từ chức. Ông này đã thua Kono trong cuộc bầu cử Tổng thư ký‎ Đảng được tổ chức sau khi Miyazawa từ chức. Có tiếng từ lâu về các quan điểm ủng hộ chính sách “diều hâu”, Watanabe chia sẻ mong muốn của Ozawa nhằm đưa Nhật Bản trở thành một nước bình thường. Nhưng ông đã bị các đồng nghiệp chống lại một cách mạnh mẽ vì hai lý do. Thứ nhất, những lo lắng về các quan hệ của Ozawa với Sokagakkai. Thứ hai, sự thù oán cá nhân đối với Ozawa. Thậm chí những người trong Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ tầm nhìn của Ozawa về một Nhật Bản “bình thường” tức giận về hành vi phản bội và kiêu căng của Ozawa. Điều đáng chú ý ‎ là, sự tức giận và nghi ngờ lan rộng  dường như đã giúp cho Đảng Dân chủ Tự do gắn bó với nhau hơn.

Công bằng mà xét, cho tới gần đây LDP này đã tránh được sự ly khai Đảng trên quy mô lớn, các bè phái trong Đảng đã suy yếu một cách đáng kể. Như đã biết, Đảng Dân chủ Tự do mất quyền từ tháng 8 năm 1993 đến tháng 6 năm 1994 nên họ đã mất một trong các đòn bẩy quyền lực then chốt, đó là việc đề cử các thủ lĩnh các phái trong LDP giữ các chức vụ chủ chốt trong Chính phủ. Thậm chí sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 7 năm 1994,  Đảng Dân chủ Tự do phải chia sẻ các chức vụ trong Nội các với Đảng Dân chủ Xã hội và Sakigate nên quyền bổ nhiệm thủ lĩnh của các phái đã không như trong thời  thống trị hoàng kim của Đảng Dân chủ Tự do. Hơn nữa, các thủ lĩnh của các phái không còn đóng vai trò là những nhà môi giới chủ yếu của các quỹ tài chính của LDP. Hiện nay, chính các đảng viên đóng thuế để duy trì hoạt động của nhóm. Mặc dù xung đột giữa các bè phái diễn ra mạnh trong giai đoạn thống trị của Đảng Dân chủ Tự do nhưng chính xung đột này đã giúp duy trì sự liên kết trong Đảng qua một mô hình phối hợp hành động chung để quản lý xung đột. Các phái đã liên kết để nâng cao khả năng lãnh đạo của Đảng và tránh các chia rẽ không đáng có. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà lãnh đạo trẻ có nhiều tham vọng phục hồi sức mạnh cho đảng này. Điều này cũng ẩn chứa nguy cơ rời bỏ Đảng trong tương lai.

Không như Đảng Dân chủ Tự do, việc rời bỏ khỏi Đảng Dân chủ Xã hội của Nhật Bản diễn ra ít hơn. Tuy nhiên, có nhiều sự bất bình  trong nhóm Nghị sỹ của đảng này tại Nghị viện. Sự bất bình này thường diễn ra  trong các bối cảnh sau đây: (1) Sự mở rộng tự do của thị trường lúa gạo sau cuộc đàm phán thương mại bàn tròn Uruguay (GATT) vào tháng 12 năm 1993, (2) Nghị viện bỏ phiếu về thay đổi chế độ bầu cử, và (3) Quyết định liên kết của Đảng Dân chủ Tự do và Sakigate nhằm xây dựng một chính phủ liên minh. Quyền lực chính của đảng này tập trung vào một nhóm nghị sỹ, bao gồm 70 ghế trong Hạ viện. Do đó, việc tiếp tục li khai Đảng đã giảm đi. Mặc dù có những khác biệt trong Đảng về chính sách liên minh, nhưng dường như có một sự nhất trí chung trong việc ủng hộ  tham gia Chính phủ. Họ coi đây như là  con đường ngắn nhất dẫn đến sự hồi sinh của Đảng Dân chủ Xã hội. Việc thay đổi về chính sách an ninh đã không gây ra sự chia rẽ trong Đảng mà công đầu thuộc về Murayama, một thành viên cánh tả của Đảng, cho dù ông là người chủ xướng thay đổi chính sách an ninh thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Xã hội của Nhật Bản vẫn mang trong mình những bất ổn lớn đó là sự khác biệt về chính sách và tư tưởng. Những yếu tố này có thể tạo ra sự chia rẽ của Đảng này trong tương lai. Vì vậy, việc tiếp tục tham gia nắm quyền  có thể là cách tốt nhất để làm giảm bớt rủi ro đó.

Sự liên kết chính trị trong Shinshinto trở nên lỏng lẻo. Ngay cả trước khi Shinshinto tham gia liên minh vào tháng 12 năm 1994, các đảng khác cũng gặp rắc rối ngay trong nội bộ. Đảng Dân chủ Xã hội đã trải qua một cuộc xung đột gay gắt giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu  về chính sách liên minh. Đảng Nhật Bản mới tan rã một cách nhanh chóng sau khi Hosokawa mất quyền. Shinshinto cũng trải qua thời kỳ căng thẳng trong liên minh sau khi Ozawa thất bại chiến thuật  chia rẽ Đảng Dân chủ Tự do và  Đảng Dân chủ Xã hội. Sau khi hợp nhất nhiều nhóm khác nhau để hình thành Shinshinto, sự liên kết giữa các đảng và việc quản lý  trở nên khó giải quyết hơn. Các thành viên chủ chốt của Shinshinto đã từ bỏ Đảng Dân chủ Tự do. Bởi vì họ muốn thay đổi hiện trạng chính trị của Nhật Bản và không hài lòng với việc liên kết trong LDP. Họ cho rằng, việc ra đi sẽ thúc đẩy chủ nghĩa cải lương của Shinshinto.

3. Vận động chính trị cho một chế độ bầu cử mới

Vào tháng 1 năm 1994, Nghị viện Nhật Bản đã thông qua một dự luật nhằm thay đổi chế độ bầu cử và thắt chặt các quy định về việc huy động tài chính phục vụ các mục tiêu chính trị của các đảng. Thực chất, cải cách chế độ bầu cử  nhằm điều chỉnh sự thiếu công bằng trong phân bổ tỉ lệ đại biểu của các đảng phái ở Nghị viện, giữa đô thị và nông thôn. Về mặt lý thuyết, cải cách chế độ bầu cử Hạ viện có thể làm tăng sự ảnh hưởng chính trị của những cử tri thành phố, một số công chức và cư dân nông nghiệp ủng hộ chế độ bảo hộ nền nông nghiệp trong nước.

Những nhà cải cải cách cho rằng, mục tiêu thay đổi chế độ bầu cử  nhằm ngăn chặn sự mục nát chính trị. Hệ thống các khu bầu cử cỡ vừa và nhỏ đã khuyến khích  các đảng lớn như Đảng Dân chủ Tự do lạm dụng thông qua việc chỉ định một ứng cử viên cho một khu vực. Cách làm này là không công bằng và thiếu tính cạnh tranh. Ở đây, các nhà chính trị tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri không bằng việc đưa ra các yêu cầu chính sách mà bằng việc phân chia lợi ích cho các cử tri và duy trì các tổ chức ủng hộ. Việc sửa đổi luật bầu cử  sẽ khuyến khích cả việc hợp nhất đảng và cạnh tranh bầu cử dựa vào các cuộc tranh luận chính sách công khai. Đã có một số đối thủ của cả Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản bị loại bằng hình thức này. Một số các Đảng viên Đảng Dân chủ Tự do phản đối cuộc cải cách bầu cử ,bởi vì việc chia lại khu vực bầu cử sẽ làm họ mất đi lợi thế truyền thống ở các khu vực bầu cử cũ.

Cho đến nay, kế hoạch chia lại khu vực bầu cử mới đã được thực hiện. Các nhà lãnh đạo đương nhiệm đang tính toán liệu việc sáp nhập đảng nào sẽ phục vụ tốt nhất các lợi ích bầu cử của mình. Tuy nhiên, điều này có thể thúc đẩy hơn nữa việc từ bỏ đảng và thay đổi liên kết đảng. Chế độ bầu cử mới khuyến khích sự hợp nhất các lực lượng chính trị khác nhau thành hai đến ba nhóm chính. Sự pha trộn về chính sách, quan hệ cá nhân và các liên kết trong các tổ chức là mầm mống gây nên sự rạn nứt về chính trị. Việc thông qua đạo luật cải cách bầu cử sẽ làm giảm bớt các lực ly tâm trong các Đảng khi đề cập tới các chính sách cơ bản. Đồng thời, đạo luật này sẽ hạn chế bớt việc hình thành các liên kết mới không có lợi cho Chính phủ. Chính phủ Liên minh, kết quả của các cuộc bầu cử không chỉ ưu tiên cử tri mà còn tạo cơ hội cho các đảng khác nhau có thể hợp tác trong bầu cử hoặc hợp nhất. Người ta giả định rằng nếu chỉ ưu tiên cử tri mà không có sự hợp tác giữa các đảng thì chế độ bầu cử mới sẽ tác động đến lợi thế của Đảng Dân chủ Tự do như thế nào? Một số chuyên gia dự báo rằng trong những hoàn cảnh như vậy, Đảng Dân chủ Tự do sẽ giành được một đa số là 285 ghế trong số 500 ghế. Nếu Liên minh cầm quyền ba Đảng, bao gồm Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Dân chủ Xã hội và Sakigate có thể hợp tác thành một nhóm bầu cử riêng rẽ, thì liên minh này có thể giành được 357 ghế. Nhưng cả hai điều đều không xảy ra. Thực tế cho thấy, các đảng khác đã hợp tác và liên kết với nhau tạo ra áp lực cạnh tranh nhằm ngăn cản Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Dân chủ Xã hội trong việc hình thành một liên minh bầu cử.

Một yếu tố có ảnh hưởng lớn tới bối cảnh chính trị Nhật Bản là liệu Shinshinto có duy trì được sự thống nhất của mình để tham gia tích cực vào các cuộc vận động bầu cử trong tương lai? Phần lớn những đại diện của Shinshinto tại Hạ viện ban đầu đều có các cơ sở ủng hộ tương đối bảo đảm và có thể tồn tại dưới chế độ bầu cử mới. Khả năng huy động quần chúng của Sokagakkai, tổ chức tôn giáo mà Komeito liên kết, cũng giúp cải thiện tình hình bầu cử cho người của Shinshinto. Một số nhà phân tích cho rằng Sokagakkai đã chi những món tiền lớn để ủng hộ Shinshinto trong thời gian tổng tuyển cử, tháng 7 năm 1993. Theo chế độ bầu cử mới, Sokagakkai có thể huy động số hội viên lớn của mình (ước tính khoảng 8-10 triệu) để ủng hộ Shinshinto. Nhân tố quyết định sự duy trì phát triển chính trị của đảng này là lòng trung thành của các thành viên trong các cuộc vận động bầu cử. Mặc dù không ai biết chắc quyết định của các cử tri nhưng một ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của Sokagakkai chắc chắn sẽ có một lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Sokagakkai có thể tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Shinshinto bởi sự ủng hộ của Sokagakkai sẽ làm tăng các khả năng trúng cử của Shinshinto, nhưng có thể cũng khiến các đối tác chính trị quay đi bởi những e sợ về vai trò của các nhóm tôn giáo hiếu chiến trong đấu trường chính trị.

Thực tiễn của hoạt động chính trị ở Nhật Bản trong hơn thập kỷ qua cho thấy, chế độ bầu cử mới cũng đang tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan đối với Đảng Dân chủ Tự do. Trong một số khu vực, các cuộc xung đột đã xuất hiện giữa các nhà chính trị kỳ cựu về việc ai sẽ có được sự tán thành chính thức của Đảng. Hơn nữa, việc gia tăng tối đa số lượng ứng cử viên Đảng Dân chủ Tự do có thể đẩy một số ứng cử viên sang các đảng liên minh như  Đảng Dân chủ Xã hội và Sakigate. Những trường hợp “khó giải quyết” có thể khắc phục bằng cách gửi tới các khu vực bầu cử bầu theo một tỷ lệ nhất định. Thực ra đó chỉ là giải pháp tình thế mà thôi.

Điều cần lưu ý là, sự mến mộ của công chúng đối với Đảng Dân chủ Xã hội đang giảm dần. Đây là nguy cơ mất đi lý do tồn tại của đảng này. Bởi vậy, các nhà chính trị Đảng Dân chủ Xã hội lo ngại sự tan vỡ chính trị dưới chế độ bầu cử mới. Nhiều người cho rằng, việc bám chặt lấy “con bài”   Chính phủ Liên minh chỉ là một liệu pháp tạm thời chứ nó không tạo ra một cơ sở chắc chắn cho sự phục hồi vị thế chính trị của Đảng này.

Như đã thấy, mối lo ngại về sự tan vỡ chính trị đã kích động Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản trước đây là Sadao Yamahana tiếp tục mục tiêu liên kết các lực lượng tự do và dân chủ xã hội để hình thành một hướng lựa chọn mới với hai Đảng bảo thủ lớn. Kết cục là, mục tiêu này không đạt được. Yamahana đã rời khỏi Đảng Dân chủ Xã hội của mình để hình thành một Đảng mới. Những người cải cách trong Đảng Dân chủ Xã hội đã và đang đương đầu với một tình thế khó khăn, rất khó vượt qua. Họ có thể rút khỏi liên minh cầm quyền mà không có bất kỳ sự bảo đảm rõ ràng nào rằng một biện pháp như vậy sẽ tạo ra sự ủng hộ trở lại của công chúng. Khi Đảng Dân chủ Xã hội mất đi tính hấp dẫn của mình thì quyền lợi của tầng lớp lao động – những người ủng hộ cải cách chính trị của đảng này sẽ tiếp tục giảm đi.

Trong các cuộc bầu cử Hạ viện gần đây, không chỉ Đảng Dân chủ Xã hội đã phải chịu đựng thất bại mà Đảng Dân chủ Tự do cũng bị Shinshinto vượt qua  trong cả hai khu vực bầu cử quận và theo chế độ bầu cử theo tỷ lệ  với các lá phiếu thực tế. Thống kê chính thức cho thấy, chỉ khoảng trên dưới 40% cử tri đã đi bầu cử. Tỷ lệ này ám chỉ sự hờ hững công khai rộng khắp và thậm chí cả sự phẫn nộ đối với các đảng chính trị hiện có. Sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ Tự do từ đầu những năm 1990 đã dẫn tới một Chính phủ Liên minh như hiện nay. Dường như đây là bản chất của mô hình Nhật Bản thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

 

AN HƯNG

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Funabashi Yoichi, (1991/1992), Japan and the New World Order, Foreign Affairs, Vol.70, No.5.

2. Richard J. Samuels, (1994), National Security and the Technological Transformation of Japan, Ithaca, Cornell University Press, .

3. Defense Agency, (1994), The Modality of the Security and Defense Capability of Japa, The Outlook for the 21st Century, Tokyo.

4. Richard Armitafe, et al. (2000), The United States and Japan: Advacing Forward and Mature Partnership, INSS Special Report, National Defense University.

5. Funabishi Yoichi, ed., (1994), Japan's International Agenda, New York, N.Y University Press.

6. Brad Glosserman, US Foreign Policy Toward Northeast Asia, US  Embassy Document, Hanoi.

7. Japanese Ministry of Foreign Affairs, (2001), Diplomatic Bluebook, Tokyo, Japan.

8. Thomas J.Christensen, (1999), China, The US - Japan Alliance, and the Security Dilemma in East Asia, International Security.

9. Asahi News, December 4 , 2000.

10. Ngô Xuân Bình (chủ biên), (2000), Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học xã hội Việt Nam.

11. Ngô Xuân Bình (chủ biên), (2000), Quan hệ Nhật Bản - ASEAN: Chính sách và tài trợ ODA, Nxb Khoa học xã hội Việt Nam.

12. Noda Eijiro, (2002), Japan - US Security Treaty should be Scrapped, International Herald Tribune.

13. Các tài liệu tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam, các số của nửa đầu năm 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008.

14. Các trang web của Bộ ngoại giao Nhật Bản và của các quốc gia ASEAN.

 

 

 

0thảo luận