Trang chủ

LIÊN KẾT KINH TẾ ĐÔNG Á VÀ HÀM Ý CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 17-07-2013, 11:38 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 5

Hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tới nay được coi là một quá trình phát triển tích cực, theo đó nền kinh tế khu vực đã tạo ra được sự gắn kết chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là thương mại và đầu tư. Những thành quả liên kết đạt được hiện nay của mối quan hệ kinh tế Đông Á có sự đóng góp rất lớn của điều chỉnh thị trường và sáng kiến doanh nghiệp. Các mạng sản xuất khu vực đã tạo ra những mối liên kết chặt chẽ về cả thương mại và đầu tư cũng như chuyển dịch nhân lực. Đó là những nền tảng đặc biệt tốt cho sự hội nhập sâu rộng hơn của toàn khu vực Đông Á. Tuy nhiên, kể từ Khủng hoảng Tài chính Châu Á 1997 thực tiễn cho thấy một hướng phát triển và hội nhập kinh tế chủ động hơn theo hướng tăng cường mạnh mẽ sự phát triển các khuôn khổ thể chế. Về bản chất, khi nói đến hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á, người ta đặc biệt nhấn mạnh giai đoạn này, nó là điểm có thể tạo sự đột phá bất ngờ mang tính chủ động hội nhập. Đây là giai đoạn tích cực thiết lập các cơ chế tự do thương mại và hợp tác kinh tế toàn diện song phương và đa phương.

Những thay đổi trong định hướng hợp tác như vậy có thể gợi ra cho các thành viên trong nhóm các nước Đông Á có những phản ứng thích hợp. Bài viết này sẽ dành nỗ lực đưa ra các đặc điểm cơ bản của khuôn khổ hội nhập kinh tế Đông Á hiện nay và đưa ra một vài phân tích mang tính hàm ý đối với Việt Nam.

Bài viết gồm 2 phần chính, ngoài giới thiệu và kết luận. Sau phần giới thiệu, phần hai, trình bày một vài nhìn nhận về khuôn khổ hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á hiện nay. Phần ba phân tích các hàm ý đối với Việt Nam trên cơ sở các nhận thức của tác giả về khuôn khổ hợp tác và hội nhập Đông Á và cuối cùng là kết luận.

2. Khuôn khổ hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á

Hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á hiện nay đang diễn ra tích cực hơn bao giờ hết. Tuy còn nhiều điểm trong mục tiêu và tiến triển hợp tác và hội nhập khu vực chưa thể xác định được một cách rõ ràng, song có thể  đưa ra một số đặc điểm cơ bản của quá trình hợp tác và liên kết kinh tế hiện nay của Đông Á.

Thứ nhất, xét từ góc độ nền tảng liên kết và hội nhập, quá trình hội nhập khu vực của Đông Á từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai cho đến những năm 1990 chủ yếu là một quá trình hội nhập kiến tạo nền tảng sản xuất khu vực, mà cụ thể là thiết lập và phát triển các mạng lưới sản xuất khu vực. Đây được coi là một phát kiến quan trọng của khu vực doanh nghiệp Đông Á trên cơ sở tận dụng những sự khác biệt về tiền lương, trình độ kỹ năng, và các lợi thế về môi trường chính sách và vị trí địa lý gần gũi. Phát kiến quan trọng này là gợi ý quan trọng cho việc phát triển các mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, mô thức liên kết này cũng đã nhận được khá nhiều những lời chỉ trích coi rằng thiếu bền vững bởi vì mô thức liên kết này chỉ tạo ra nền tảng cung ứng hàng hoá trong khu vực, song lại hướng đến xuất khẩu và tìm kiếm thị trường bên ngoài cho các sản phẩm cuối cùng này là Bắc Mỹ và Châu Âu, khiến nó có độ lệ thuộc vào thị trường bên ngoài lớn. Tính thiếu bền vững của một mô hình phụ thuộc thị trường bên ngoài càng trở nên rõ hơn trong bối cảnh hiện nay khi Bắc Mỹ và Châu Âu rơi vào khủng hoảng và giảm mạnh tiêu dùng. Bởi vậy, một trong những điểm dẫn dắt quá trình hợp tác Đông Á hiện nay là tăng cường hợp tác nội bộ khu vực, trên cơ sở tiếp tục phát triển nền tảng sản xuất khu vực song lại nhấn mạnh phát triển nền tảng thị trường cho các sản phẩm cuối cùng ngay trong khu vực.

Thứ hai, định hướng tăng cường hợp tác và hội nhập khu vực được thực hiện theo nhiều kênh khác nhau, tuy nhiên hai hình thức đặc biệt nổi trội được hướng tới hiện nay và được dự báo là có những tác động đáng kể hơn cả là các hiệp định thương mại tự do và các thể chế kinh tế và tài chính đa phương khu vực. Một mặt, chính sách thương mại của Đông Á hiện nay chuyển sang các cách tiếp cận hướng tới khu vực và nhấn mạnh các hiệp định thương mại tự do do chủ nghĩa đa phương trong khuôn khổ WTO và chủ nghĩa khu vực mở dựa trên APEC gặp trở ngại. Mặt khác, Đông Á đang tích cực thúc đẩy sự phát triển và phôi thai của một số  thể chế kinh tế quan trọng  như ASEAN, APEC, GMS, ASEAN +3, ASEAN + 6, APEC, ASEM và một số thể chế hợp tác tài chính khu vực cần thiết.

Thứ ba, cho đến nay, đích đến cuối cùng của quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á là chưa rõ ràng. Hiện nay, cuộc tranh luận vẫn chưa thoát khỏi thành phần tham gia là 13 nước theo mô hình ASEAN + 3 hay 16 nước là 10 nước ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á và Ấn độ, Úc và Niu-Di- Lân. Trong khi trật tự quốc tế trong tương lai chưa được định hình rõ thật khó xác định được một hình ảnh rõ ràng cho Cộng Đồng này. Bên cạnh đó, mặc dầu có những kế hoạch đưa ra về Cộng Đồng Đông Á và đồng tiền chung, sự khác biệt lớn giữa các nước Đông Á về các khía cạnh kinh tế và chính trị  khiến Cộng Đồng khó đạt được trong tương lai gần.

Thứ tư, mặc dù đích đến chưa rõ ràng song có một sự đồng thuận khá lớn của các học giả về cách thức hay là con đường hội nhập kinh tế Đông Á, coi đó là một quá trình mở rộng dần quy mô từ tiểu khu vực sang toàn khu vực. Về phía tạo dựng liên kết tự do thương mại, nhiều ý kiến cho rằng các hiệp định thương mại tự do song phương và tiểu khu vực được xem là các nền tảng quan trọng bước tới khu vực thương mại tự do ở Đông Á, theo đó FTA toàn khu vực sẽ là sự tổng hợp và phát triển tiếp theo các FTA/EPA song phương và tiểu khu vực. Tương tự, Cộng Đồng Kinh tế Đông Á như một cấp độ hội nhập cao hơn của khu vực thương mại tự do sẽ đạt được thông qua sự tăng cường hội nhập từng phần của các tiểu khu vực.  Quan điểm chủ chốt đằng sau sáng kiến Cộng Đồng Kinh tế Đông Á coi sự tiến triển trong liên kết kinh tế cuối cùng sẽ dẫn đến một Cộng Đồng kinh tế Đông Á. Một khi FTA khu vực được hình thành, bao gồm sự thiết lập thương mại, đầu tư và thể chế cho các hình thức hợp tác khu vực khác, thì nền tảng cơ bản của Cộng Đồng Kinh tế Đông Á sẽ được tạo lập.

Thứ năm, trong số các khuôn khổ hợp tác và hội nhập khu vực có sự phân hoá rất mạnh. Nhiều cấu phần tiểu khu vực có sự định hình, thành phần và cơ chế hợp tác và hội nhập khá rõ ràng như ASEAN, AFTA và GMS, trong khi đó cũng có nhiều khuôn khổ hợp tác và hội nhập tiểu khu vực đang mang các đặc trưng khá mơ hồ, đặc biệt các khuôn khổ gắn với các nước Đông Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc điểm của nhóm các nước Đông Bắc Á này là quy mô kinh tế lớn, tiềm lực quốc gia mạnh và khả năng chi phối lên quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á cao. Tuy nhiên, lịch sử và hiện tại trong quan hệ bang giao về kinh tế, chính trị và ngoại giao giữa các nước trong khu vực, cho thấy tính cạnh tranh và nghi kỵ lẫn nhau vẫn rất lớn, đôi khi lấn át và gây hấn cho quan hệ hợp tác. Sáng kiến về khu vực thương mại tự do Đông Bắc Á đã được đưa ra, song nó vẫn thiếu những nền tảng rõ ràng để tiến tới thực tiễn.

Thứ sáu, hợp tác tài chính được coi là một lĩnh vực ưu tiên đặc biệt và một số thể chế hợp tác tài chính khu vực đã được hình thành và chuẩn bị cho một sự hội nhập tài chính tích cực. Trong những năm đầu thế kỷ 21, chính phủ các nước Đông Á nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính ở cấp độ khu vực với mục đích giảm bớt tính dễ tổn thương của nền tài chính khu vực trước  khủng hoảng và cải thiện tình hình phân phối vốn trong khu vực. Các nước đã đưa ra một loạt các sáng kiến nhằm tăng cường khả năng độc lập tài chính của khu vực, từ chia sẻ thông tin đến các thoả thuận hoán đổi tài chính và thị trường chứng khoán khu vực. Sáng kiến Chiang Mai (CMI) và Sáng kiến về Quỹ chứng khoán châu Á (ABFI) cho thấy mối liên hệ và thái độ mới của Đông Á với việc điều hành tài chính toàn cầu trong thế kỷ 21.

Sáng kiến Chiang Mai là sự triển khai các hiệp định cung cấp tài chính khu vực nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các nước thành viên  bị thâm hụt cán cân thanh toán trong ngắn hạn, đồng thời ngăn chặn khủng hoảng tài chính tiền tệ có thể xảy ra. Cùng với CMI, sáng kiến về Quỹ chứng khoán châu Á và Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI) được đưa ra với mục đích đưa lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của châu Á vốn đang được giữ tại Mỹ hoặc châu Âu quay trở lại khu vực thông qua việc đầu tư vào chứng khoán. Cho tới nay, phần lớn tiết kiệm của châu Á được chuyển vào các thị trường chứng khoán quốc tế ở Mỹ hoặc châu Âu do thị trường chứng khoán châu Á chưa phát triển. Nguồn lực của Đông Á cần được dùng để tạo ra sự phồn thịnh cho khu vực, hơn là sử dụng để bù đắp cho mức thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ của Mỹ (dưới dạng mua trái phiếu kho bạc Mỹ). Theo đó, chính phủ các nước châu Á phải đẩy nhanh các kế hoạch xây dựng thị trường chứng khoán châu Á trở thành đối trọng với các thị trường chứng khoán phương Tây.  Hơn nữa, ABFI là nhằm bảo vệ khu vực khỏi những tổn thương từ bên ngoài bằng cách xây dựng các thị trường vốn địa phương phát triển năng động và đa dạng hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á có thể sẽ không gây ra quá nhiều thiệt hại nếu như các thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực đã phát triển hơn và vai trò trung gian tài chính ở những nước chịu tác động của cuộc khủng hoảng không quá tập trung vào các ngân hàng. Quỹ chứng khoán châu Á được quyết định thành lập năm 2003, với số vốn ban đầu khoảng 1 tỷ USD.Trong giai đoạn đầu, ABFI đầu tư vào rổ các chứng khoán mệnh giá USD được cung cấp bởi các nhà phát hành quốc gia hoặc do quốc gia bảo trợ của châu Á . Trong giai đoạn 2 của ABFI, ABFI đầu tư vào trái phiếu mệnh giá đồng nội tệ do các đối tượng nhà phát nói trên đưa ra trên các thị trường Đông Á – Thái Bình Dương (EMEPA). Các thành viên EMEAP đã đầu tư tổng cộng 2 tỷ USD cho ABFI 2, bao gồm 9 quỹ thành phần là Quỹ chỉ số chứng khoán liên châu Á (PAIF) và 8 quỹ thị trường đơn lẻ.

3. Hàm ý đối với Việt Nam

Như đã phân tích trong khuôn khổ hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á ở trên, tuy thiếu hình ảnh của một đích đến cuối cùng song tiến trình hợp tác và hội nhập kinh tế của Đông Á đã có những kênh hợp tác và đường đi khá rõ ràng. Hiệp định thương mại tự do và các thể chế kinh tế và tài chính nhiều bên là các kênh hợp tác và hội nhập kinh tế được coi trọng. Đồng thời một con đường tiến tới mức hội nhập kinh tế cao nhất của Đông Á - Cộng Đồng kinh tế Đông Á được khá nhiều học giả và các ý kiến lưu ý là sự hội nhập và phát triển từ từ theo nhiều tầng nấc, trước hết nhấn mạnh hơn cấp tiểu khu vực và thông qua sự hội nhập tiểu khu vực tiến tới hội nhập toàn khu vực. Cho đến nay trong hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á, trong khi hình ảnh hợp tác của một số tiểu khu vực và toàn khu vực còn chưa rõ ràng ví dụ như khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực Đông Bắc Á hay thành phần tham gia toàn khu vực chưa rõ ràng, thì lại có nhiều khuôn khổ tiểu khu vực đặc biệt rõ ràng và có những thể chế hợp tác đã đủ mạnh để tiến triển trên thực tế, ví dụ như ASEAN, GMS, AFTA, ACFTA và các thể chế hợp tác tài chính.

Trong tiến trình hội nhập và hợp tác kinh tế Đông Á này, Việt Nam có một số đặc điểm khá riêng biệt. Thứ nhất, như đã trình bày ở đặc điểm đầu tiên của hội nhập Đông Á, nền tảng hội nhập được định hình tương đối rõ của Đông Á trong những thập kỷ qua là các mạng lưới sản xuất hay là một nền tảng cung ứng sản phẩm hàng hoá. Trong khi đó, Việt Nam là một nước đi sau, tham gia mở cửa và hội nhập muộn hơn đã không sớm kịp đặt chân vào các mạng sản xuất đó một cách bền vững. Cho tới nay, sự hội nhập của Việt Nam vào các mạng lưới sản xuất khu vực là không đáng kể. Sự hội nhập của Việt Nam với thế giới từ thời kỳ mở cửa tới nay chủ yếu thiên về hội nhập tìm kiếm thị trường, tức sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu sang các thị trường Âu Mỹ. Ví dụ, tăng cường nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất cà phê, hồ tiêu, khai thác dầu thô, v..v để bán ra thị trường nước ngoài. Tất nhiên không thể nói rằng, nền tảng sản xuất này là hoàn toàn do Việt Nam tự thân. Thực ra trong thời gian qua, sự tham gia của FDI vào Việt Nam cũng đóng góp đáng kể vào xuất khẩu tuy nhiên các dòng FDI này chỉ gắn với một công đoạn rất sơ khai đòi công nghệ và kỹ năng đơn giản và tạo ra giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm hoặc thậm chí tách biệt không gắn với một mạng lưới sản xuất toàn cầu nào. Đặc trưng khác biệt này của Việt Nam có một hàm ý đáng kể đối với đất nước. Một Việt Nam đặt chân trụ vào nền tảng sản xuất khu vực chưa vững lại tích cực tham gia hội nhập khu vực vào thời kỳ mà hợp tác và hội nhập khu vực đặt tiêu điểm phát triển nền tảng thị trường ngay trong khu vực cho các sản phẩm cuối cùng được sản xuất bởi khu vực. Trong khi đó, có thể nhớ lại lợi thế của các mạng sản xuất quốc tế là cắt giảm chi phí, tăng cường sức đổi mới cho quá trình sản xuất và quản lý. Điều này có nghĩa rằng, sản phẩm được tạo ra bởi các mạng lưới sản xuất nhìn chung có sức cạnh tranh rất cao. Sản phẩm được tạo ra bởi các công ty đơn lẻ, nằm ngoài mạng lưới sản xuất khó có thể cạnh tranh thị trường với các sản phẩm được sản xuất trong các mạng lưới. Như vậy, hàm ý đối với Việt Nam là đã rõ, nguy cơ không nâng cao được năng lực sản xuất, trong khi lại mở cửa thị trường đang lớn dần lên cho sản phẩm nước ngoài, bao gồm cả sản phẩm khu vực.

Tất nhiên, trong thời đại ngày nay đóng cửa, từ chối tham gia hợp tác và hội nhập khu vực là không thể, song Việt Nam phải có những nghiên cứu cẩn thận để lựa chọn cách thức hội nhập và hợp tác làm sao để tốc độ tăng cường năng lực sản xuất trong nước, cụ thể hơn là nâng cao năng lực tham gia các mạng lưới sản xuất quốc tế (toàn cầu hoặc khu vực) diễn ra nhanh hơn tốc độ mở cửa thị trường nội địa.

Thứ hai, một đặc trưng khá rõ của Việt Nam trong quá trình hợp tác và hội nhập Đông Á hiện nay là nước ta có một lợi thế tương đối khi chủ yếu gắn với các khuôn khổ hợp tác và hội nhập tiểu khu vực đã được định hình khá  rõ như ASEAN, AFTA, ACFTA, GMS và các thể chế hợp tác tài chính trong bối cảnh nhiều khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực ở Đông Á vẫn mù mờ chưa rõ định hình.  Theo nghĩa này tôi cho rằng, mặc dù chưa xác định được đích đến cuối cùng của hội nhập kinh tế toàn khu vực Đông Á trong tương lai dài hạn, song đích đến trong ngắn hạn và trung hạn của Việt Nam là khá rõ ràng. Việc đặt nỗ lực ưu tiên cho các quá trình hợp tác tài chính khu vực thì rõ ràng là không thể bỏ qua đối với bất cứ nước nào trong khu vực trong bối cảnh tự do hoá tài chính đã khiến lĩnh vực tài chính vượt qua khả năng kiểm soát của bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào. Tuy nhiên, bên cạnh các nỗ lực hợp tác tài chính khu vực, Việt Nam cần gắn giai đoạn đầu của con đường hội nhập khu vực với việc tìm kiếm, khai thác và khẳng định vị thế đất nước, trước hết trên các diễn đàn hội nhập tiểu khu vực. Vấn đề là để hội nhập, Việt Nam nên lựa chọn ưu tiên chính sách thế nào trong việc tham gia vào các thể chế tiểu khu vực này.

Hiện nay, Việt Nam đang có một chính sách hội nhập quốc tế tích cực, song dường như đó là một sự tích cực đều, nỗ lực tham gia mọi trận tuyến hôị nhập được mở ra bởi các cơ chế đa phương và khu vực. Với một nước Việt Nam, mới cải cách và đạt được thời kỳ tăng trưởng vừa phải và do vậy mọi nguồn lực còn hạn hẹp, liệu có đủ tài lực và nhân lực để hội nhập tích cực đồng đều trên tất cả các khuôn khổ hội nhập mà thế giới đưa ra không. Trong những năm vừa qua, dường như Việt Nam đang theo đuổi một chiến lược hội nhập rộng và thiếu đều nguồn lực cho mỗi khuôn khổ hội nhập và điều này đang cho thấy những kết quả cần lưu ý. Lấy hợp tác tiểu vùng sông Mê kông (GMS)  làm ví dụ. Nhìn sơ qua bề ngoài, có vẻ Việt Nam có những lợi thế trong quá trình hợp tác và hội nhập GMS, song khi đi vào nhìn sâu hơn lại cho thấy Việt Nam đang thiên về bên thua hơn là bên thắng trong quá trình hợp tác và hội nhập này. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với các nước này ngày càng tăng mạnh, góp phần không nhỏ vào sự thâm hụt thương mại tổng thể lớn hiện nay của đất nước, vốn đang được coi là một mối đe doạ đáng kể cho sự ổn định phát triển kinh tế của Việt Nam. Về quan hệ đầu tư, Việt Nam thiên về hướng tiếp nhận các dự án của khu vực để khai thác thị trường nội địa và khai thác quặng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong khi đó lại tập trung vào các dự án đầu tư ra ngoài cần nhiều vốn và công nghệ mà hiệu quả kinh tế không đặc biệt cao (xem thêm 1).

Rõ ràng ở đây, trong mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khối GMS tồn tại một cái gì đó méo mó, khiến cho Việt Nam rơi vào thế bất lợi về bản chất. Trong khi đó, nếu xét về tiềm năng và bề ngoài, thì lẽ ra Việt Nam phải có lợi thế. Vị trí địa lý Việt Nam là một lợi thế đáng kể trong hợp tác khu vực. Việt Nam gần như nằm trung tâm của khu vực GMS, có thể trở thành một cầu nối cho giao thông thuận tiện và rẻ bằng đường bộ giữa Căm-pu-chia, Thái Lan và Trung Quốc. Xét về nguồn lực con người, nếu nhìn một cách tương đối, Việt Nam cũng có những sự vượt trội nhất định. Vậy tại sao kết quả hợp tác lại không như mong đợi?

Ngoài những lý do mà một số tác giả như Hoàng Việt Khang thường nêu ra gắn với các hạn chế cho sự hợp tác tích cực của GMS như sự phối hợp thực hiện các dự án kém, nguồn nhân lực yếu, cơ sở hạ tầng thiếu, theo tôi một nguyên nhân cần được lưu ý là định hướng chính sách hoặc là động cơ chính sách của Việt Nam trong quan hệ hợp tác này chưa thoả đáng để có thể lái doanh nghiệp và các khu vực kinh tế trong nước tham gia hợp tác theo hướng có lợi cho đất nước. Quay lại vấn đề đầu tư ở GMS, thực ra có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn đầu tư sang Lào, tiếp cận với các lĩnh vực khai khoáng và rừng có lợi nhuận cao song họ hầu hết là các dự án tư nhân với quy mô rất nhỏ, trung bình 70 triệu USD một dự án. Trong khi đó hỗ trợ vốn lại chủ yếu dành cho các công ty nhà nước, có thể có quy mô lớn hơn, song lại không đủ linh hoạt về cả chiến lược đầu tư lẫn cơ chế để tham gia vào các lĩnh vực có lợi nhuận cao.

Xét cục diện thế giới hiện nay và tận dụng lợi thế khoảng cách địa lý gần gũi, Việt Nam nên có những bước đi tích cực ưu tiên cho hội nhập sâu khu vực Đông Á, mà trước hết coi trọng hội nhập các tiểu khu vực. Thậm chí trong hợp tác và hội nhập tiểu khu vực, Việt Nam nên có những lựa chọn ưu tiên tập trung hơn vào những tiểu khu vực mà Việt Nam có thể có lợi thế phát triển và chiếm lĩnh thị trường và tăng cường mở rộng năng lực sản xuất hiện có.

Để có những định hướng chính sách đúng, tập trung vào các tiểu khu vực đáng mong muốn, có thể cần có những nghiên cứu phân tích và so sánh sâu hơn cái được và cái chưa được hiện nay của Việt Nam trong hội nhập và hợp tác các khuôn khổ tiểu khu vực hiện có. Tuy nhiên, trước mắt một định hướng tiến tới thâm nhập sâu hơn nữa thị trường các nước trong tiểu khu vực GMS, đặc biệt các nước Đông Dương cần được khuyến cáo tích cực hơn.

Để các định hướng ưu tiên tập trung vào các tiểu khu vực có lựa chọn thành công cần có những động cơ chính sách phù hợp và cần thiết như khuyến khích doanh nghiệp định hướng đến tiểu khu vực bằng các chính sách hỗ trợ, vốn tín dụng, thuế, hỗ trợ nghiên cứu và tiếp cận thị trường và quan hệ thương mại..v.v

Khung 1: Việt Nam với khuôn khổ GMS

Hợp tác trong khuôn khổ GMS được tăng cường mạnh mẽ kể từ đầu những năm 1990. Khởi đầu với Chương trình GMS năm 1992 của ADB  đến nay sau hơn 15 năm  thực hiện, hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông đã đạt được những thành tựu đáng kể. Với các đặc trưng là dựa trên nguyên tắc thoả thuận và tự nguyện, hợp tác GMS là một cơ chế rất mở và hoàn toàn do sáng kiến, chủ đích và lợi ích của các nước riêng lẻ mà không cần có sự áp đặt với bất kỳ một bên nào không muốn tham gia hợp tác. Tuy nhiên, cơ sở tự nguyện và thoả thuận này kết hợp với những yếu kém hiện hữu trong hầu hết các nước thành viên như cơ sở hạ tầng phát triển kém, sức cạnh tranh thấp, nguồn lực tài chính thiếu thốn, năng lực thể chế và nhân lực hạn chế, v..v đã khiến cho tiến triển của quá trình hợp tác GMS trong hơn một thập kỷ qua dường như chưa giúp đáng kể cho việc khai thác các lợi thế của tiểu khu vực cũng như chưa giúp các nước khai thác tiềm năng cho mình tốt hơn.

Đối với Việt Nam, các chương trình hợp tác trong khuôn khổ GMS có thể những đóng góp đáng kể trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Khá nhiều dự án đường giao thông của Việt Nam trong khuôn khổ GMS được nâng cấp, ví dụ đường 9, đường cao tốc Hồ Chí Minh –Phnompenh, đường hầm đèo Hải Vân, dự án đường Côn Minh - Lào Cai - Hà nội - Hải Phòng… Hệ quả của sự cải thiện giao thông và các yếu tố khác đã thúc đẩy sự gia tăng các quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước trong tiểu vùng. Thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam Trung quốc tăng 5 lần giai đoạn 1995-2003. Trong giai đoạn 1997-2002, cửa khẩu ở Lạng Sơn đã tiếp nhận hơn 3,6 triệu khách du lịch từ Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều công ty Việt Nam tham gia đầu tư và phát triển quan hệ kinh tế ở Lào và Căm-pu-chia. Về tổng thể, thương mại giữa Việt Nam và các nước trong tiểu vùng cũng đã tăng nhanh trong thời kỳ 2001-2005. Theo đó, nhập khẩu của Việt Nam từ các nước trong tiểu vùng là Lào, Cămpuchia, Myanma, Trung Quốc và Thái Lan đã tăng từ 2,4 tỷ đô la năm 2001 lên khoảng 8,3 tỷ đô la năm 2005 và xuất khẩu tăng tương ứng là 1,9 tỷ đô la lên  4,3 tỷ đô la,(1)

Tuy được hưởng lợi khá nhiều từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ GMS, song nếu xét từ góc độ thương mại thì có thể thấy Việt Nam đang ngày càng rơi vào vị thế thua thiệt hơn với thâm hụt thương mại gia tăng nhanh chóng, từ nửa tỷ đô la lên 4 tỷ đô la trong vòng 4 năm từ 2001-2005. Thâm hụt thương mại của Việt Nam đặc biệt mạnh với Thái Lan và Trung Quốc trong khi đó thặng dư với Căm-puchia và Lào là không đáng kể.

 

 

Bảng 1. Thương mại Việt Nam với các nước GMS 2001-2005

( Đơn vị: triệu đô la)

 

Nước

2001

2002

2003

2004

2005

 

 

Nhập khẩu

 

 

 

Căm-puchia

22,8

65,4

94,7

130,4

173,5

Lào

68,0

62,6

60,7

74,1

95,4

Mianma

4,0

5,8

18,3

19,3

45,7

Trung Quốc

1.606,2

2.158,8

3.119,0

4.456,4

5.778,9

Thái Lan

792,3

955,2

1.282,2

1.858,1

2.393,2

Xuất khẩu

Căm-puchia

146,0

178,4

267,3

384,6

536,0

Lào

64,3

64,7

51,7

68,5

66,7

Mianma

5,3

7,1

12,5

14,1

12,0

Trung Quốc

1.417,4

1.518,3

1.883,1

2.735,5

2.961,0

Thái Lan

322,8

272,2

334,4

491,0

779,7

 

Nguồn: http://mot.gove.vn.tktm

 

 

(1)Xét về góc độ đầu tư, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong tiểu khu vực được tăng cường đáng kể. Số dự án đầu tư của Trung Quốc đang tăng lên khá nhanh, hiện nay đạt con số 357 dự án với 739 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, nhìn qua có thể thấy, các dự án đầu tư chủ yếu quy mô nhỏ, trung bình hơn 2 triệu đô la, tập trung vào những lĩnh vực “ không quá đáng mong đợi” xét về mặt dài hạn hoặc sự phát triển bền vững như chế tạo xe máy hoặc khai thác tài nguyên. Hãy xem các nhà đầu tư Trung Quốc nói gì? Họ nói: “Trong khi những người mới giàu ở Trung Quốc nhắm đến xe hơi thì ở Việt Nam, xe máy vẫn là “vua” và đây là tin tốt cho những nhà sản xuất như Chongqing Dongli (nhà sản xuất xe máy)… Sự cân bằng trong đầu tư-mục đích chính của những nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam cũng như các nơi khác trên thế giới: Tài nguyên thiên nhiên. Năm 2005, mức đầu tư vào các dự án khai thác than và quặng bauxite chiếm 44% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, tăng 3% so với năm trước đó”  (Việt Báo).

Đồng thời, đầu tư của Việt Nam vào Lào và Căm-pu-chia cũng đang có những tiến triển tốt đẹp. Đến cuối 2006, Việt Nam có 11 dự án ở Căm-pu-chia với số vốn là 4 triệu đô là và 52 dự án tại Lào với số vốn là 368,7 triệu đô la. Tuy nhiên, các dự án của Việt Nam tại Lào đang chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như thuỷ điện đòi hỏi vốn lớn, công nghệ và kỹ năng phức tạp song lợi nhuận và hiệu quả đầu tư nhiều khi lại không phải là một lợi thế so với các ngành khác.

Nhìn nhận tiến trình hợp tác của Việt Nam và các nước trong GMS có thể thấy, mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn, sự gần gũi về địa lý, sự sơ khai của thị trường nhiều nước trong khu vực, sự cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng nhờ các nỗ lực bên ngoài, chủ yếu các nhà tài trợ như ADB và Nhật Bản, kết quả của sự hợp tác là rất hạn chế. Với vị thế hiện nay, có vẻ như Việt Nam thiên về vị trí của người thua hơn là người thắng trong mạng lưới hợp tác này. Thâm hụt thương mại ngày càng tăng mạnh, góp phần không nhỏ vào sự thâm hụt thương mại tổng thể lớn hiện nay của đất nước, vốn đang được coi là một mối đe doạ đáng kể cho sự ổn định phát triển kinh tế của Việt Nam và biến đất nước thành con nợ trên trường quốc tế. Về quan hệ đầu tư, Việt Nam thiên về hướng tiếp nhận các dự án của khu vực để khai thác thị trường nội địa và khai thác quặng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong khi đó lại tập trung vào các dự án đầu tư ra ngoài cần nhiều vốn và công nghệ mà hiệu quả kinh tế không đặc biệt cao.(2)

4. Kết luận

Hợp tác  và hội nhập kinh tế ở Đông Á  đang diễn ra mạnh mẽ  theo một bước ngoặt khá vững chắc kể từ sau Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, nhấn mạnh việc hợp tác kinh tế chủ động tiến tới hội nhập sâu trong toàn khu vực. Khuôn khổ hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á, tuy thiếu hình ảnh của một đích đến cuối cùng song tiến trình hợp tác và hội nhập kinh tế của Đông Á đã có những kênh hợp tác và đường đi khá rõ ràng. Nếu như nền tảng hội nhập đã đạt được của khu vực thiên nhiều hơn về tạo dựng một nền tảng cung ứng và sản xuất nhờ các mạng lưới sản xuất khu vực, hướng hội nhập khu vực trong giai đoạn mới dường như đã mở rộng thêm tăng cường vị thế của khu vực là điểm đến thị trường của sản phẩm sản xuất trong khu vực nhằm bảo đảm tính bền vững tốt hơn cho mô hình hợp tác khu vực. Hiệp định thương mại tự do và các thể chế kinh tế và tài chính nhiều bên là các kênh hợp tác và hội nhập kinh tế được coi trọng. Đồng thời một con đường tiến tới mức hội nhập kinh tế cao nhất của Đông Á - Cộng Đồng kinh tế Đông Á được khá nhiều học giả và các ý kiến lưu ý là sự hội nhập và phát triển từ từ theo nhiều tầng nấc, trước hết nhấn mạnh hơn cấp tiểu khu vực và thông qua sự hội nhập tiểu khu vực tiến tới hội nhập toàn khu vực. Cho đến nay trong hợp tác và hội nhập kinh tế Đông Á, trong khi hình ảnh hợp tác của một số tiểu khu vực và toàn khu vực còn chưa rõ ràng ví dụ như khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực Đông Bắc Á hay thành phần tham gia toàn khu vực chưa rõ ràng, thì lại có nhiều khuôn khổ tiểu khu vực đặc biệt rõ ràng và có những thể chế hợp tác đã đủ mạnh để tiến triển trên thực tế, ví dụ như ASEAN, GMS, AFTA, ACFTA và các thể chế hợp tác tài chính.

Việt Nam tham gia vào hợp tác khu vực đang có những ưu thế và yếu thế nhất định. Song dường như cho đến nay, các ưu thế và lợi thế chưa được khai thác triệt để, trong khi đó yếu thế lại có thể tạo ra những sự đe doạ đáng kể cho sự phát triển hơn nữa của đất nước, đặc biệt nguy cơ bị chiếm lĩnh thị trường nội địa trong khi không phát triển được năng lực sản xuất kết nối mạng với các nước khác.

 

LÊ THỊ ÁI LÂM (TS, Viện Kinh tế và chính trị thế giới)

BÙI THÁI QUYÊN (ThS, Mekong Economic)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lum Th.& Nanto D (2006), China’s trade with the United States and The World, CRS Report for Congress, the Library of Congress.

2. Gia tăng đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, http://vietbao.vn/O-to-xe-may/Gia-tang-dau-tu-Trung-Quoc-tai-Viet-Nam/61002753/376/

3. Kawai Mashairo & Ganeshan Wignarja (2007), ASEAN + 3 or ASEAN + 6, which way forward, ADBI discussion paper 77.

4. Shimizu Kazushi (2005), Issues and Tasks in Intra-ASEAN Economic Cooperation after the Asian Economic Crisis, Journal of political economy, Vol.71, No.2/3 tr. 219-236.

5. Ma Hong (2005),  On Economic Cooperation in East Asia.

6. Lu Jianren (2005), Process of East Asian Economic Cooperation and Its Impacts on the Regional Economic Growth.

7. Lum Th.& Nanto D. (2006), China’s trade with the United States and The World, CRS Report for Congress, the Library of Congress. http://www.fas.org/sgp/crs/row/RL31403.pdf.

8. Masahiro Kawai (2004), Regional Economic integration and cooperation in East Asia, http://www.oecd.org/dataoecd/43/7/33628756.pdf.

9. Mona haddad (2007), Trade integration in east asia: The role of china and production network,http://www- wds.worldbank.org/servlet /WDSContentServer/WDSP/IB/2007/03/06/000016406_20070306101249/Rendered/PDF/wps4160.pdf.



(1) http://www.mot.gove.vn.tktm

(2) Tổng hợp và phân tích của tác giả dựa trên các lập luận và số liệu thống kê về hợp tác GMS

 

0thảo luận