Phát triển kinh tế bền vững là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đó là sự biến đổi về quy mô, cơ cấu, chất lượng của nền kinh tế gắn với việc bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội và sử dụng hợp lí tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nội dung cơ bản của Phát triển kinh tế bền vững được xem xét trên các mặt sau:
- Tăng trưởng tương đối cao và ổn định.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ.
- Phát triển kinh tế gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội cơ bản
- Phát triển kinh tế gắn với sử dụng nguồn lực hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhằm đảm bảo chiến lược phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những động thái tích cực để tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững. Tìm hiểu kinh nghiệm phát triển kinh tế bền vững của một số nước, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu có ý nghĩa cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược duy trì phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững ở Việt Nam là vấn đề cần được lưu tâm.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Từ một “đống tro tàn” sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Nhật Bản đã vươn lên xây dựng nền kinh tế hiện đại và đã đạt được những kì tích chấn động thế giới, trở thành siêu cường kinh tế đứng thứ hai thế giới sau nước Mĩ. Suốt một thời kì lịch sử lâu dài, Nhật Bản thực hiện khá thành công trong quá trình phát triển nền kinh tế và chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế quốc gia theo hướng công nghiệp hóa và chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Năm 1960, tỉ trọng ngành công nghiệp trong GDP đạt 45,6%, ngành dịch vụ là 48% và nông nghiệp là 6,4%. Đến năm 2005, tỉ trọng công nghiệp chiếm 25,3% GDP, ngành dịch vụ đạt 73,5%, nông nghiệp chỉ còn 1,3%. Năm 2005, GDP của Nhật Bản là 4.664 tỉ USD với mức tăng trưởng 2,7%. Thu nhập bình quân đầu người là 31.500 USD. Đạt được thành tựu trong phát triển kinh tế là do Nhật Bản đã thực thi các chính sách và biện pháp sau:
+ Mạnh dạn mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực cho dù nền kinh tế còn non yếu, để tranh thủ các nguồn lực bên ngoài thực hiện công nghiệp hóa và phát triển đất nước. Thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư từng bước, phù hợp với điều kiện, khả năng trong từng giai đoạn của quá trình phát triển, bằng vệc xin bảo lưu, trì hoãn một số điều khoản khi ra nhập GATT, IMF, OECD.
+ Kiên trì chiến lược phát triển nền kinh tế và chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế hướng về xuất khẩu, coi xuất khẩu hàng hóa luôn là lợi ích sống còn, là động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế; Nhật Bản đã lựa chọn những ngành có lợi ích so sánh động, có khả năng tăng năng suất cao, có nền tảng công nghệ cao để đẩy mạnh phát triển. Trong thời kì tăng trưởng nhanh, Nhật Bản xây dựng cơ cấu công nghiệp phát triển theo chiều rộng, chọn ngành công nghiệp cơ bản (công nghiệp nặng, gồm sản xuất sắt thép, chế tạo cơ khí và hóa chất), có công nghệ mũi nhọn đạt được hiệu quả kinh tế cao nhờ quy mô để ưu tiên phát triển. Nhật Bản sắp xếp thứ tự ưu tiên các ngành theo từng thời kì, trước tiên là ngành luyện kim, chế tạo máy, đóng tầu, ô tô, điện lực, thép…Sau đó là các ngành cơ khí, hóa chất, cuối cùng là ngành công nghệ cao. Kết quả là chỉ trong thời gian ngắn công nghiệp nặng đã nhanh chóng thay thế vai trò chủ đạo của công nghiệp nhẹ. Để hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Nhật Bản điều chỉnh cơ cấu ngành theo hướng tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, hướng lựa chọn và phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng vốn và khoa học – công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường tiêu hao ít nguyên liệu và lao động sống như công nghệ điện tử, viễn thông, tin học, sinh học, vật liệu mới, …; Nhật Bản cũng coi trọng và chú ý phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, để ngành nông nghiệp đảm bảo nhu cầu trong nước, đảm bảo lương thực cho 127,4 triệu dân, đảm bảo sự ổn định để phát triển.
+ Nhật Bản đã kết hợp vai trò nhà nước và sự năng động của thị trường trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế và chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường can thiệp vào nền kinh tế với nhiều công cụ khá đa dạng thông qua các chính sách, kế hoạch định hướng phát triển khuyến khích các công ty tư nhân, các thương xá tổng hợp hoạt động kinh doanh xuất khẩu; khuyến khích và ủng hộ mọi mặt cho sự phát triển của các tập đoàn tài phiệt – Zaibatsu, còn các Zaibatsu cũng phát triển năng động hơn, mở cửa thị trường bên ngoài và đã dần phát triển thành công ty xuyên quốc gia hiện đại.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Hàn Quốc là một nước công nghiệp mới phát triển, được xếp vào nước có kinh tế thị trường đứng thứ 11 trên thế giới. Cuối năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực đã lan đến, tàn phá những thành tựu hơn 30 năm phát triển, nhưng sau đó Hàn Quốc đã nỗ lực khắc phục và hiện đang phục hồi. Đạt được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nền kinh tế là do Hàn Quốc đã chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực: tăng tỉ lệ công nghiệp trong GDP từ 33,6% năm 1975 lên 40,2% năm 2005. Tăng tỉ trọng ngành dịch vụ 42%GDP vào năm 1975 lên 56,3% năm 2005. Giảm tỉ trọng nông nghiệp trong GDP từ hơn 60% xuống còn 24,5% vào năm 1975 và chỉ còn 3,7% vào năm 2005. Theo bản thống kê do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố về quy mô GDP của Hàn Quốc năm 2007 là 979,9 tỉ USD và trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới. Đây là quy mô lớn thứ 3 trong khu vực Đông Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Có sự phát triển kinh tế như trên là do:
+ Hàn Quốc lựa chọn mô hình chuyển đổi cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa “rút ngắn”: rút ngắn thời kì xây dựng cơ cấu ngành thay thế nhập khẩu, nhanh chóng chuyển sang xây dựng cơ cấu ngành hướng về xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành của Hàn Quốc bắt đầu từ cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp, từ công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn sang công nghiệp sử dụng công nghệ cao, nhưng với thời gian rút ngắn hơn.
+ Lựa chọn cơ cấu ngành dựa trên lợi thế so sánh của đất nước. Hàn Quốc phát triển mạnh các ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động như dệt may, tơ sợi, giầy dép và các sản phẩm thuộc da. Vào thập kỉ 1970, họ lựa chọn các ngành công nghiệp nặng, công nghệ hóa chất và ưu tiên phát triển cho các ngành công nghệ cao.
+ Thực thi hoạt động chính sách tự do hóa thương mại, nới lỏng các hạn chế đối với việc nhập khẩu các mặt hàng chế tạo, thực hiện tự do hóa nhập khẩu; bỏ hàng rào phi thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính; đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, củng cố và phát triển nền công nghệ của Hàn Quốc.
+ Chuyển đổi cơ cấu xuất nhập khẩu phù hợp với tiến trình chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Hàn Quốc xác định xuất khẩu tạo ra chu trình liên hoàn với quá trình nhập khẩu và đầu tư (xuất khẩu - nhập khẩu - đầu tư - xuất khẩu), đóng vai trò chủ đạo trong quá trình công nghiệp hóa và áp dụng nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh ba hoạt động này.
+ Lựa chọn một cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu khá linh hoạt (thị trường ngách) theo hướng đa dạng hóa để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Suốt ba thập kỷ, thị trường xuất khẩu chính của Hàn Quốc là Mỹ, Nhật Bản và một số nước OECD. Khi đạt thặng dư thương mại với Mỹ, Hàn Quốc mở rộng sang các nước thị trường lớn cho cả hàng hóa vật chất và hàng hóa dịch vụ, đến Nhật Bản, đến EU, Đông Nam Á.
+ Coi trọng chính sách nghiên cứu và phát triển (R&D). Chính phủ khuyến khích tư nhân hoạt động R&D, nỗ lực nắm bắt và nhanh chóng làm chủ kỹ thuật để đuổi kịp các nước tiên tiến; khuyến khích liên kết các ngành công nghiệp, các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ cao.
+ Thực hiện cơ chế kết hợp linh hoạt “Chính phủ cứng và thị trường mềm” trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Cũng giống như Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc gắn kết chặt chẽ với các tập đoàn tài phiệt Chaebol, khuyến khích và ủng hộ mọi mặt cho sự phát triển của Chaebol. Cùng với khu vực tư nhân đặc biệt là các Chaebol những công ty xuyên quốc gia lớn, các xí nghiệp Nhà nước của Hàn Quốc có vai trò lớn thúc đẩy công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Kinh nghiệm của Thái Lan
Cho đến trước năm 1997 - khi nổ ra khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực, Thái Lan là một trong số các quốc gia Đông Nam Á duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục với mức bình quân 7% năm. Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng năm 1989 là 12,2%, năm 1990 là 11,6%, năm 2003 là 6,8% và năm 2005 đạt 4,5%, Thái Lan là nước đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong thời gian này, đưa mức thu nhập bình quân đầu người từ 900USD năm 1987 lên 2.736 USD vào năm 2005. Sau khủng hoảng tài chính tiền tệ, Thái Lan đã nỗ lực điều chỉnh cơ cấu, nhờ đó nền kinh tế đã phục hồi khá nhanh.
+ Thái Lan thực hiện điều chỉnh cơ cấu ngành theo mô hình công nghiệp hóa rút ngắn, cụ thể là chuyển mô hình cơ cấu ngành kinh tế hướng về xuất khẩu theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực trong một thời gian tương đối ngắn.
Thực hiện mở cửa nền kinh tế, lúc đầu là với phương Tây đứng đầu là Mỹ sau đó là với Trung Quốc, Liên bang Nga, các nước ASEAN, châu Phi, châu Mỹ Latinh; gia nhập vào các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực: WTO, APEC, và AFTA. Thái Lan đã thực hiện tự do hóa thương mại, cắt giảm thuế quan; thực hiện chính sách mở cửa đầu tư nước ngoài khá thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư, cho phép nước ngoài thâm nhập vào thị trường, kể cả thị trường các lĩnh vực dịch vụ thông tin, vận tải biển, hàng không, đường bộ, du lịch, vì vậy, một lượng lớn đầu tư nước ngoài đổ vào Thái Lan rất nhanh, kéo theo đầu tư trong nước cũng tăng mạnh, làm thay đổi nhanh cơ cấu đầu tư; kết quả là: làm chuyển dịch cơ cấu gồm các ngành có hàm lượng lao động cao sang phát triển các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao, phát triển mạnh công nghiệp chế biến.
+ Thái Lan đã thực hiện cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng đa dạng, vừa tận dụng được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động vừa thâm nhập được vào những khoảng trống trong phân công lao động quốc tế. Ngày nay, Thái Lan phát triển mạnh các ngành có hàm lượng công nghệ cao như điện tử, điện dân dụng ...
+ Để vượt qua những khó khăn, thách thức mới, và phát triển nền kinh tế đất nước, Thái Lan đã thực hiện nhiều giải pháp, nhất là điều chỉnh lại cơ cấu ngành kinh tế, xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi năng động và thực tế, tự do hóa thương mại và giá cả triệt để theo cơ chế thị trường, khuyến khích sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa sao cho phù hợp với điều kiện mới và đạt hiệu quả cao hơn. Trong giai đoạn trung hạn (2005-2009). Theo dự báo của Bộ Tài chính Thái Lan, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đứng ở mức 5,9%/năm với tỉ lệ lạm phát là 3,2%/năm. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này chủ yếu nhờ vào sự phát triển ổn định của nhu cầu tiêu dùng khu vực tư nhân, xuất khẩu gia tăng, đầu tư tăng mạnh ở cả khu vực công và tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, có nhiều điểm tương đồng, nhất là cùng chuyển từ nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung”, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Trung Quốc đã bắt đầu công cuộc cải cách, mở cửa nền kinh tế nhằm thực hiện “bốn hiện đại hóa” trong chương trình công nghiệp hóa đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội từ tháng 12/1987. Ba mươi năm tiến hành cải cách kinh tế, Trung Quốc thu được thành tựu trên nhiều mặt; tăng trưởng GDP liên tục cao, bình quân hàng năm giai đoạn 1995-2001 là 8,2%; năm 2003 là 9,3% và năm 2004 là 9,2% và hơn 10% của những năm 2006, 2007.
Dự trữ ngoại tệ đứng thứ 2 thế giới với con số 1000 tỷ năm 2007 và Trung Quốc đã chủ động điều chỉnh tỷ giá từ năm 1994 nền kinh tế không rơi vào “hiệu ứng lây lan” của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ Châu Á (1997). Trung Quốc đã ra nhập APEC, WTO và có vai trò ngày càng lớn trong hệ thống thương mại quốc tế. Đạt được những thành tựu đó là do Trung Quốc áp dụng các biện pháp sau:
+ Bắt nhịp vào xu hướng phát triển kinh tế thị trường, điều chỉnh cơ cấu ngành theo hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Trung Quốc kiên quyết chuyển mạnh từ kinh tế kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa với thời gian rút ngắn, đẩy mạnh cải cách, mở cửa, tăng cường vai trò của ngoại thương trong phát triển kinh tế.
+ Từng bước thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư, cắt giảm thuế quan và phi thuế quan. Thực hiện mục tiêu trở thành “nước công nghiệp hóa có tỷ lệ lớn dân phi nông nghiệp, có nền công nghiệp hiện đại và dịch vụ hiện đại”, Trung Quốc đã tính toán rất cẩn thận, lựa chọn và sắp xếp bước đi mở cửa các ngành để có thể nâng cao dần sức cạnh tranh của chúng nhằm giữ ổn định thị trường trong nước. Chẳng hạn, mở cửa có lựa chọn các ngành nông nghiệp; mở cửa từng phần các ngành khai thác mỏ; mở cửa về cơ bản các ngành công nghiệp, nhất là các ngành chế tạo và đặc biệt khuyến khích đầu tư thương mại, tiền tệ, giao thông; mở cửa hạn chế các ngành thông tin, hàng không, vận tải biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, bảo hiểm, bất động sản, ngân hàng, quốc phòng. Trong khi chưa có lợi thế phát triển các ngành công nghệ cao, Trung Quốc mở rộng phát triển các ngành sử dụng lao động tập trung nhằm phát huy lợi thế của mình; đồng thời vẫn chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như chế tạo thiết bị thông tin, chế tạo thiết bị giao thông vận tải và ngành luyện kim; phát triển các ngành dầu khí, vận tải hàng không ...
+ Coi trọng và đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp trên cơ sở giải quyết tốt vấn đề ruộng đất, điều chỉnh các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, hệ thống chính sách ưu tiên để gia tăng sản xuất nhằm cung cấp đủ lương thực và thực phẩm cho hơn 1,3 tỷ dân, phát triển các ngành chăn nuôi, tạo thêm nhiều việc làm; phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhà nước và nhân dân để phát triển mạnh các ngành dịch vụ hạ tầng vật chất; phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, Trung Quốc đẩy nhanh áp dụng công nghệ mới để phát triển các sản phẩm chế tạo , chế biến.
+ Trung Quốc thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, từ xuất khẩu sản phẩm thô, công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động sang sản phẩm công nghiệp nặng, hóa chất, rồi sang sản phẩm sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để đảm bảo xuất khẩu tăng nhanh, ổn định. Tuy mở cửa kinh tế muộn, Trung Quốc đã thực hiện chính sách “bổ khuyết” rất mềm dẻo, thích hợp để tìm ra hướng đi thích hợp cho mình, tìm ra và khai thác triệt để những khoảng trống trên thị trường thế giới phục vụ cho việc mở rộng thị trường của mình.
+ Là một nền kinh tế chuyển đổi, Trung Quốc chú trọng cải cách thể chế, ban hành nhiều bộ luật, điều lệ, sửa đổi hoặc hủy bỏ những qui định đã cũ, lạc hậu (trái với các qui định WTO); nới lỏng thêm nhiều hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, thực hiện đối xử bình đẳng đối với các doanh nghiệp FDI; cho phép thương nhân nước ngoài được tự do lựa chọn khu vực đầu tư trên cả nước; khuyến khích họ đầu tư vào những khu vực kinh tế thuận lợi nhất; khuyến khích các doanh nghiệp FDI mở rộng xuất khẩu. Trung Quốc vận dụng tốt những qui tắc bảo hộ của WTO để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định trong mỗi doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Bài học rút ra cho Việt Nam
Qua phân tích những thành tựu và kinh nghiệm phát triển kinh tế của một số nước, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, kiên trì mô hình kinh tế thị trường mở và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế dựa vào tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh “tĩnh” và “động” của đất nước. Thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tránh lệ thuộc quá mức vào một số thị trường nước ngoài.
Hai là, điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế theo hướng “rút ngắn”, chuyển từ cơ cấu phát triển các ngành có hàm lượng lao động cao sang các ngành có hàm lượng vốn, công nghệ cao, có khả năng tiếp ứng với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đứng vững được trong cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và nước ngoài. Chọn lựa những ngành có thế mạnh để mở cửa cạnh tranh, chỉ bảo hộ những ngành, lĩnh vực có khả năng cạnh tranh trong tương lai, bảo hộ có chọn lọc, có địa chỉ, có thời hạn.
Ba là, xác định đúng đắn vị trí đặc biệt quan trọng của ngành nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm điểm tựa khởi đầu để phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Bốn là, cải cách và phát triển hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia phù hợp với sự chuyển dịch nhanh và phổ biến của dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế. Điều chỉnh cơ cấu vốn vay, trả nợ một cách linh hoạt và có sự kiểm soát theo hướng cân đối với qui hoạch đầu tư phát triển, cơ cấu ngành đã lựa chọn.
Năm là, cần hoạch định chính sách cơ cấu ngành kinh tế quốc gia theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn lực bên trong và bên ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập, thích ứng với chuyển đổi kinh tế khu vực và thế giới, cần tính đến vai trò của thể chế toàn cầu, tổ chức kinh tế khu vực và các Công ty xuyên quốc gia (TNC).
Sáu là, thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp các kết cấu hạ tầng tốt, tạo môi trường pháp lý rõ ràng, nhất quán, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh. Nâng cao khả năng tiếp thu công nghệ, hoàn chỉnh môi trường pháp lý để công nghệ đó vận hành và phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế quốc dân thông qua việc thực hiện chính sách R&D. Đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, tư duy mới, thông thạo ngoại ngữ để chủ động trong các chương trình đàm phán, xây dựng các chính sách kinh tế.
Bảy là, để cho sự phát triển kinh tế được bền vững, việc xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam phải có tính toán kỹ, phải căn cứ vào tình hình nguồn tài nguyên và trình độ phát triển mà định ra chiến lược chung. Môi trường và phát triển kinh tế - xã hội có mối quan hệ khăng khít bền chặt và bao hàm cả mâu thuẫn gay gắt. Vấn đề là phải giải quyết được mâu thuẫn đó một cách hợp lý và có lợi nhất.
NGUYỄN HỮU SỞ
(Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Xuân Bình, Phạm Quý Long: Hàn Quốc trên đường phát triển, Nxb Thống kê, Hà Nội , 2000
2. Nguyễn Thị Cảnh, Các mô hình tăng trưởng và dự báo kinh tế: Lý thuyết và kinh nghiệm, Nxb TP Hồ Chí Minh, tp Hồ Chí Minh, 2004.
3. Chính phủ (2004) Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), Hà Nội
4.Trần Thọ Đạt, Các mô hình tăng trưởng kinh tế, Nxb Thống kê, Hà Nội – 2005
5. Võ Đại Lược, Trần Văn Thọ, Kinh nghiệm phát triển của các nền kinh tế trong khu vực và kinh tế Việt Nam, Viện kinh tế thế giới, Hà Nội – 1991
6. Đỗ Quốc Sam, Một số ý kiến về chương trình nghị sự của Việt Nam, định hướng sự phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo, Hà Nội, 03/2002
7. Nguyễn Xuân Thảo (Biên soạn), Góp phần phát triển bền vững nông thôn Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội – 2004
8. Trần Mạnh Tuyến, Một số giải pháp vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng Kinh tế Việt Nam đến năm 2010, Tạp chí kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, số 4 năm 2007.