Trang chủ

THÀNH PHẦN TỘC NGƯỜI Ở MÔNG CỔ

Đăng ngày: 3-06-2013, 04:05 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 4

Tư liệu sớm nhất và có giá trị nhất về người Mông Cổ được tìm thấy trong nguồn sử liệu của Mông Cổ “Mongol-un niguca tobciyan”(Kho tàng truyện cổ tích Mông Cổ) vào khoảng những năm 1240. Các nguồn sử liệu của Trung Quốc thế kỷ XIII cũng như những cuốn Biên niên sử của  Mông Cổ từ những năm thế kỷ XVII-XX đều là những tài liệu quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử tộc người thời gian đó.

Trong các tác phẩm của các nhà khoa học và những nhà thám hiểm Nga, nhất là của các nhà Dân tộc học Nga, v.v…chứa đựng nhiều tài liệu dân tộc học về người Mông Cổ, cụ thể là về thành phần tộc người và những đặc điểm về lối sống của họ.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến thành phần tộc người, sự phân bố dân cư cũng như các quá trình hình thành dân tộc của cư dân Mông Cổ.

Thành phần cư dân Mông Cổ

Theo thống kê dân số ngày 5/1/1963 của Mông Cổ, nước này có các nhóm dân tộc sau:

 

Thành phần tộc người ở Mông Cổ năm 1963

Dân tộc

Số lượng

(ngàn người)

Tỷ lệ so với tổng  số dân(%)

Dân tộc

Số lượng

(ngàn người)

Tỷ lệ so với tổng số dân(%)

Khalkha

775,6

76,2

Uriankhai

14,4

1,4

Kazakh

47,7

4,7

zakhchin

13,1

1,3

Durbet

31,3

3,1

Olet

5,6

0,6

Buriat

28,5

2,8

Torgut

6,0

0,6

Baiat

19,9

1,9

Nga

8,9

0,9

Darigan

18,6

1,8

Các dân tộc khác

47,7

4,7

Nguồn: Kh.S.Ral’din, Thành phần tộc người nước Mông Cổ, trong cuốn: Những vấn đề Dân tộc học và Lịch sử tộc người các dân tộc Đông Á và Đông Nam Á, Nxb Khoa học, M.1963.

 

 

Theo tài liệu khác, cuộc điều tra dân số toàn quốc năm 1963, dân số Mông Cổ có 1.044.900 người. Người Mông Cổ chiếm đại bộ phận dân số với 92,3%. Ngoài người Mông Cổ còn có người Kazakh 4,2%; người Nga 1,5%; người Trung Quốc 1,6% và người thuộc các dân tộc khác là 0,4%.

Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là công tác thống kê dân số đối với một quốc gia rộng lớn như Mông Cổ với số lượng dân không lớn với lối sống du mục nay đây mai đó, nên chưa có một số liệu chính xác về cư dân nước này. Chính do nguyên nhân trên, nên các số liệu của các tác giả đưa ra là không giống nhau, nhưng đều cho rằng dân số của Mông Cổ hiện nay dao động trong khoảng 2,5 triệu-3 triệu người. Theo một tài liệu công bố gần đây, dân số của Mông Cổ là 2.991.081người(1)

Như vậy, sau 35 năm (từ năm 1963 đến năm 2008), dân số Mông Cổ đã tăng gần 3 lần.

Sự phát triển kinh tế- văn hoá vài thập niên qua đã tác động không nhỏ đến các quá trình cố kết tộc người để hình thành dân tộc Mông Cổ. Từ chỗ chuyên sống du mục, nay đây mai đó, theo các đàn cừu, ngựa…đến nay hơn 80% dân số đã sống định cư. Nhiều khu công nghiệp cũng như các đô thị lớn đã mọc trên đất thảo nguyên rộng lớn mênh mông này. Hệ thống đường bộ nối liền các khu dân cư và những đô thị, khu công nghiệp với nhau.

Tất cả những thay đổi trên làm cho các dân tộc tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, các nhóm địa phương còn có ngôn ngữ chung là tiếng Mông Cổ.

Xu hướng chung của quá trình cố kết tộc người ở những quốc gia đa dân tộc là ngày càng có nhiều dân tộc nhỏ hoà đồng vào nhau để hình thành khối cư dân lớn hơn với những đặc điểm văn hoá chung của các cấu thành dân tộc đó. Ở Mông Cổ cũng không là ngoại lệ.

Về mặt thành phần của khối dân cư Mông Cổ cũng chưa có sự thống nhất giữa những nhà nhà nghiên cứu, do những tiêu chí áp dụng để phân loại thành phần tộc người của các nhà nghiên cứu cư dân Mông Cổ cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Gần đây nhất, trong một công trình rất đồ sộ “Bách khoa địa lý thế giới” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học của nhiều ngành khoa học khác nhau  thuộc nhiều quốc gia dưới sự chủ biên của Graham Bateman & Victoria Egan. Trong cuốn sách có phần nói về lịch sử cư dân của từng quốc gia, trong đó có Mông Cổ. Theo đó, thành phần cư dân Mông Cổ như sau: Khalkha Mông Cổ(2) chiếm 77,5%; Kazakh chiếm 5,3%; Durbet Mông Cổ 2,8%; Baiat 2,0%; Buriat Mông Cổ 1,9%; Darigan Mông Cổ 1,5%; Các dân tộc khác là 9% (Nga, Trung Quốc…..).  Với dân số năm 2007 là 3 triệu người (làm tròn) thì số lượng dân cư của các dân tộc ở Mông Cổ như sau:

 

Thành phần tộc người ở Mông Cổ, năm 2007

 

Dân tộc

Số lượng

(người)

Tỷ lệ so với tổng số dân (%)

Dân tộc

Số lượng

(người)

Tỷ lệ so với tổng số dân (%)

Khalkha Mông Cổ

2.325.000

77,5

Buriat Mông Cổ

57.000

1,9

Kazakh

159.000

5,3

Darigan(ga) Mông Cổ

45.000

1,5

Durbet Mông Cổ

84.000

2,8

Các dân tộc khác

270.000

9,0

Baiat

60.000

2,0

Tổng cộng

3.000.000

100

Nguồn: - Graham Bateman & Victoria Egan, The encyclopedia of World Geography, 1999, p.381.

- http://www.cia.gov/library/publictions/the world fact book.

 

 

Về mặt ngôn ngữ, theo sự phân loại của Viện sỹ người Nga là B.Ia. Vladimirsov thì ngôn ngữ Mông Cổ có thể chia ra làm hai nhánh: nhánh phía đông và nhánh phía tây.

Các dân tộc nói ngôn ngữ thuộc nhánh phía đông bao gồm: Khalkha, Buriat, và nhiều nhóm Dân tộc học khác có ngôn ngữ tương đồng với ngôn ngữ người Khalkha. Nhóm ngôn ngữ thuộc nhánh phía tây bao gồm các dân tộc: Đerbet, Baiat, Zakhchin, Torgut, Oliet(3)

Lịch sử tộc người

Lịch sử về sự hình thành và phát triển của dân tộc Mông Cổ cho đến tận ngày nay chưa được nghiên cứu đầy đủ. Có điều hiển nhiên là khoảng không gian đồng cỏ rộng lớn của vùng Trung Á từ thời cổ đại đã diễn ra những quá trình phức tạp hình thành  các cộng đồng tộc người. Sự hình thành các thành phần tộc người của cư dân Mông Cổ như hiện nay, đã trải qua những giai đoạn lich sử lâu dài trước đó đối với nhiều nhóm bộ lạc sinh sống từ thời cổ đại ở vùng phía đông bắc Mông Cổ (lưu vực các con  sông On no na, Kerulena và Tolư). Ngoài lưu vực những sông trên, trong quá trình hình thành cư dân Mông Cổ, hiển nhiên ai cũng thấy, đó là có sự tham dự của những yếu tố tộc người của người Chiuk, người  Tungus-Mãn Châu.

Sự hợp nhất các bộ lạc sống trên đất Mông Cổ cũng như việc thành lập quốc gia Mông Cổ thống nhất dưới triều đại Chingis-Khan vào đầu thế kỷ XIII đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quá trình cố kết những bộ lạc nhỏ, tạo tiền đề hình thành dân tộc Mông Cổ.

Nguồn gốc thuật ngữ Mông Cổ đến nay vẫn chưa được giới khoa học làm sáng tỏ. Nhưng, có điều hiển nhiên là trước khi hợp nhất các bộ lạc thì thuật ngữ này được dùng để chỉ một nhóm bộ lạc và chỉ đến thời kỳ người Mông Cổ hợp nhất nhiều bộ lạc khác nhau lại thì thuật ngữ này mới trở nên thông dụng.

Vào năm 1368, người Mông Cổ bị đánh đuổi khỏi Trung Quốc, chính quyền phong kiến Chingis-khan suy yếu dẫn đến sự sụp đổ. Mông Cổ khi đó được chia ra làm nhiều vương quốc (Khanstvo) do các viên lãnh chúa cai trị. Vào đầu thế kỷ XV, các vùng này trở thành các tỉnh tự trị (oirat).Có lẽ, từ khi này bắt đầu  hình thành rõ hai nhánh bộ lạc Mông Cổ: nhánh phía đông và nhánh phía tây.

Trong quá trình phát triển của mình, các bộ lạc thuộc nhánh phía tây phát triển hơn các bộ lạc thuộc nhánh phía đông.

Các bộ lạc thuộc nhánh phía đông và nhánh phía tây đã tiến hành cuộc chiến tranh thanh toán lẫn nhau kéo dài suốt hai thế kỷ.

Từ giữa thế kỷ XVII các lãnh chúa vùng phía nam Mông Cổ (vùng Nội Mông) bị người Mãn Châu thôn tính. Hiện nay Nội Mông là vùng tự trị thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có diện tích tương đương với diện tích của Cộng hoà Mông Cổ hiện nay.

Ngày nay, việc phân chia cư dân nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ ra hai vùng: phía đông và phía tây hoàn toàn mang tính ước lệ và ngày càng mờ nhạt trong quá trình hình thành một dân tộc thống nhất.

Lịch phát triển các nhóm tộc người diễn ra rất khác nhau ở vùng phía đông và phía tây cũng như vùng phía bắc và những nơi khác. Chính điều này đã tạo điều kiện cho việc hình thành và bảo lưu một số nét đặc thù tộc người. Cho đến ngày nay trong văn hoá vật chất cũng như trong văn hóa tinh thần lịch sử của những cộng đồng tộc người khác nhau được hình thành và được phản ánh trong hoạt động sản xuất để tộc người đó tồn tại cũng như trong ngôn ngữ, trong văn hóa và trong lối sống của họ. Như mọi người đều biết, một số nét đặc trưng mang tính bộ lạc trong cư dân nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trước đây được giải thích bởi do được bảo tồn tàn tích thị tộc-gia trưởng của thời phong kiến. Điều này, ở mức độ đáng kể, do sự thống trị của ngoại xâm của người Mãn Châu từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Theo đó, thậm chí cả đơn vị hành chính cũng tuân theo sự phân chia theo ranh giới của các thị tộc-bộ lạc, cũng được khôi phục lại. Cuộc đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của người Mãn Châu cùng với một số nhân tố nữa đã đóng vai trò quan trọng để hình thành nên dân tộc Mông Cổ. Quá trình này được thúc đẩy nhanh sau cuộc cách mạng nhân dân năm 1921. Ngày nay, quá trình hình thành dân tộc đã được hoàn tất bằng việc hợp nhất các nhóm tộc người khác nhau của khối dân cư (những nhóm người nói tiếng Mông Cổ và những nhóm người không nói tiếng Mông Cổ như: Khoton, Uriakhai, Khamnigan…) thành một dân tộc. Quá trình hình thành dân tộc Mông Cổ được tạo ra bởi quá trình biến đổi nhanh về mặt phát triển kinh tế, chính trị  và văn hóa trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Mông Cổ khi đó .

Khalkha

Tộc người Khalkha có số lượng người đông nhất ở Mông Cổ, là hạt nhân, xoay quanh tộc người này là các tộc người khác hình thành nên dân tộc với tên tự gọi là Mông Cổ (Mongol). Người Khalkha phân bố hầu như khắp nơi trong nước Mông Cổ, nhưng họ sinh sống tập trung đông nhất ở vùng trung tâm, vùng phía nam và vùng phía đông (các tỉnh: Đzabkhan, Ara-Khangai, Ubur-Khângi, phía nam sa mạc Gobi, vùng trung tâm, vùng Celengin và vùng phía đông sa mạc Gobi). Tên gọi “Khalkha” được sử sách ghi  nhận vào nửa cuối của thế kỷ XVI trong một bức thư của lãnh chúa Đajan là Gerecensre gửi cho người con trai út. Tên gọi trên hàm ý dùng để chỉ những tộc người không có chung nguồn gốc nhưng sinh sống trên lãnh thổ do vị lãnh chúa trên cai quản. Dưới tên gọi “Khalkha Mông Cổ” hay đơn giản hơn là “Khalkha” về sau này trở thành tên gọi tất cả cư dân sinh sống trên lãnh thổ trên. Trong việc hình thành dân tộc Khalkha có nhiều yếu tố tộc người có nguồn gốc người Mông Cổ khác nhau tham dự như: Bordzingin, Onkhod, Gorloc,v.v…), và những tộc người có nguồn gốc không phải Mông Cổ (như: Ian-ci-bu, Tangut, v.v…).

Ngày nay, việc phân chia cư dân Mông Cổ ra làm ba vùng như trên chỉ mang tính ước lệ. Trong thực tế, không còn thấy những khác biệt đáng kể giữa cư dân những vùng trên trong quá trình cố kết tộc người tạo thành dân tộc Mông Cổ trong những năm cải cách dân chủ và xây dựng CNXH.

Quá trình lịch sử phát triển của những nhóm tộc người rất khác nhau, do vậy, ngày nay còn có những khác biệt nhất định giữa những nhóm tộc người đó về một số đặc điểm về văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần, trong ngôn ngữ, văn hóa và trong lối sống hàng ngày. Như đã biết, tính nhiều màu sắc, đa dạng của cư dân Mông Cổ trước đây được giải thích do sự cố kết rất nhiều tàn tích thị tộc phụ hệ trong thời kỳ phong kiến do ách thống trị của những người Mãn Châu-Trung Quốc thế kỷ XVII-XX. Hơn thế, đơn vị hành chính thời gian này được lấy theo gianh giới phân chia những bộ tộc, bộ lạc. Cuộc đấu tranh chống lại quân chiếm đóng Mãn Châu cùng với nhiều sự kiện khác đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên tiền đề để hình thành dân tộc Mông Cổ hiện nay. Quá trình này có nhiều thuận lợi sau cuộc Cách mạng năm 1921. Ngày nay, quá trình hợp nhất các nhóm tộc người khác nhau (có nguồn gốc Mông Cổ và có nguồn gốc không phải Mông Cổ như: Khoton, Uriankhai, Khamigan, v.v…) thành một dân tộc Mông Cổ đã hoàn tất do những thay đổi lớn lao về kinh tế, chính trị và văn hóa trong quá trình xây dựng CNXH khi đó ở Mông Cổ.

Theo sự phân loại của nhà ngôn ngữ B.Ia. Vladimirsov, ngôn ngữ Khalkha thuộc  “nhánh phía đông”của cư dân Mông Cổ và lại được chia làm hai nhóm: nhóm Khalkha và nhóm Khotogoi. Phương ngữ Khalkha là nền tảng, trên cơ sở đó hình thành nên ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày hiện nay của cư dân Mông Cổ.

Trong nhóm cư dân Khalkha, dựa vào những đặc điểm văn hóa, lại được chia ra làm ba nhóm tộc người: Khotogoi, CartulĐarigang.

Người Khotogoi sinh sống ở thượng nguồn lưu vực sông Teca, vùng hồ Cangin-dalai và hạ lưu sông Muren. Một số nhà nghiên cứu cho rằng họ chính là những người Thổ Nhĩ kỳ (Chiuk) bị Mông Cổ hóa. B.Ia. Vladimirsov cho rằng, thành phần ngôn ngữ Khalkha có thể chia ra làm hai nhóm: nhóm đặc trưng cho người Khalkha chính gốc và nhóm Khotogoi. Cartul sinh sống ở các tỉnh (Ai mắc) thuộc vùng tây bắc như: tỉnh Đzabkhan và vùng phụ cận. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những tên gọi tộc người như: “cartul” hoặc “cartol” hoặc “cart” rất giống nhau về mặt ngữ nghĩa và đều dùng để chỉ người Uzbek- là những người có xuất xứ từ vùng Trung Á. Chính điều này là căn cứ cho giả  thuyết  cho rằng, người cartul chính là những hậu duệ của những tù binh là những người Uzbek bị quân Mông Cổ Chingis-khan bắt giữ lùa về đất Mông Cổ, sau này bị Mông Cổ hóa. Ngoài ra, một bộ phận người Cartul, trong thời gian chống lại người Khalkha-Mông Cổ ở thế kỷ XVII  đã di cư sang sinh sống tại vùng hồ Baican  của nước Cộng Hòa Liên bang Nga hiện nay và đã bị người Buriat ở đây đồng hóa hoàn toàn.

Đarigang là nhóm dân tộc học của người Khalkha Mông Cổ sinh sống ở vùng đông nam nước Cộng hòa Mông Cổ (tỉnh Cukhe-bator), nơi người Đarigang đang sinh sống và một số vùng khác. Thời người Mãn Châu cai trị, vùng đất trên được xem là vùng đồng cỏ, nơi chăn dắt gia súc của vua chúa quan lại. Những người Đarigang chính là những người chăn dắt những đàn gia súc đó. Hàng năm họ có nghĩa vụ cống nạp gia súc cho người Mãn Châu.

Do vậy, Đarigang, rõ ràng là có nguồn gốc địa lý-tộc người. Về mặt ngôn ngữ, thì ngôn ngữ của người Đarigang không khác ngôn ngữ của người Khalkha.  Song,  giữa người Đarigang và người Khalkha có những khác biệt không lớn về văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần ( chẳng hạn như trong trang phục, trong các nghi lễ cưới xin, ma chay, v.v…).

Ngày nay, trong thành phần người Khalkha còn có một số nhóm tộc người không lớn lắm sinh sống ở vùng phía nam Mông Cổ: Đó là người Kharchin, Chakhar, Tumen, Uzumchin.

Trước kia tộc người Kharchin ở nơi khác, bị lùa đến đây theo lệnh của nhà cầm quyền Mãn Châu vào năm 1715.

Vào nửa đầu thế kỷ XVII, người Chakhar dưới sự lãnh đạo của Likđankhan nổi dậy chống lại chính quyền Mãn Châu, nhưng bị thất bại. Người Chakhar bị tước hết quyền lợi chính trị. Vùng người Chakhar sinh sống bị chia ra làm 8 phần. Từ “cagar” bao hàm nghĩa là “người hầu”, “bị đánh đập”dùng để chỉ vị trí xã hội của nhóm người này trước đây. Về sau từ này trở thành từ đồng nghĩa dùng để chỉ nhóm người này.

Uzunchin sinh sống ở vùng phía đông tỉnh (aimắk) Kerulen-Baian, Erdenecagaan, bên bờ tả ngạn sông Kerulen. Họ di cư đến nơi ở hiện nay vào năm 1945 từ tỉnh Silingol thuộc vùng Nội Mông. Trong một số truyện cổ của người Uzumchin có nói xưa kia tổ tiên họ ở phí bắc vùng dồi núi Uzzmin Uul, dường như nhằm giải thích tên gọi Uzumchin.

Theo sự phân loại của nhà ngôn ngữ học B.Ia.Vlađimirsov, ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của người Uzumchin đóng vai trò trung gian, chuyển tiếp từ nhóm Chakhar sang ngôn ngữ  của các nhóm cư dân phía đông và phía nam Mông Cổ.

Buriat

Là dân tộc được hình thành có nguồn gốc từ nhiều bộ lạc Mông Cổ xa xưa. Một bộ phận của dân tộc này là những người có nguồn gốc từ phía đông Sibêri (vùng hồ Baican và thung lũng Tukin của Cộng hòa Liên bang Nga), còn bộ phận khác từ lâu đời đã sinh sống trên các thung lũng thuộc các con sông Celenga và Onon.

Ngày nay, người Buriat sống tập trung dọc theo biên giới phía tây bắc giáp với Liên Xô cũ và vùng đông bắc của Mông Cổ bao gồm các tỉnh: Khubsugulral (Khankh-somon), Bulgansk (Teceg, Khantai –somon),v.v… và một vài vùng của tỉnh Selengin.

Ngôn ngữ của người Buriat sống ở tỉnh Bulgansk và Khubsulsk đã bị ngôn ngữ Khalkha đồng hóa. Buriat là dân tộc duy nhất ở Mông Cổ sống định cư dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi. Họ sinh sống trong những ngôi nhà làm bằng gỗ hoặc xây gạch.

Trong khối cư dân Buriat còn có nhóm địa phương Khamnigan là nhóm người thuộc dân tộc Evenk có nguồn gốc từ vùng hồ Bai can di cư đến đất Mông Cổ, đã bị người Buriat đồng hóa. Hiện họ sống ở phía đông bắc Ulan-bator, dân số năm 1963 vào khoảng 3-4 ngàn người. Về nguồn gốc tộc người này cho đến nay vẫn còn đang tranh cãi giữa các nhà khoa học. Song ngày nay, nhóm người này đều nói tiếng Mông Cổ.

Trong sử sách, những nhóm người khác nhau về nguồn gốc, nhưng sinh sống xen cài ở vùng núi phía tây bắc Mông Cổ, được xếp vào nhánh cư dân phía tây, hợp thành nhóm cư dân có tên gọi chung là những người Oriat. Những thông tin đầu tiên về cư dân Oirat được ghi chép trong “Kho tàng truyện cổ  của người Mông Cổ” và tập sử ký của Ráhid-ad-Dina. Vào năm 1024 người Oirat liên minh với các dân tộc khác chống lại Chingis-khan. Thời gian này họ sống bán du mục ở vùng đất cực tây Mông Cổ, vùng thượng nguồn sông Enisei. Đầu thế kỷ XV, xã hội người Oirat đã chuyển sang chế độ phong kiến. Nhiều nguồn sử liệu Mông Cổ ghi nhận nhóm cư dân Oirat bao gồm những nhóm dân tộc học sau: Đerbet, Torgut, Khoshut và Oliet.

Đerbet (Đurbet).

Được hình thành vào đầu thế kỷ XVII  do hợp nhất với một số dân tộc khác như: Torgut, Choros, Khosut. Họ sống du mục ở vùng thượng nguồn sông Itưsh và đồng thời là một bộ phận dân cư của nhà nước phong kiến Đzungaria, sau này vào năm 1756 bị triều đình Trung Hoa thôn tính. Một phần cư dân Đerbet cùng với những nhóm cư dân Oirat khác sống du mục  đến vùng đồi núi thuộc thượng lưu sông Volga thuộc Cộng hoà Liên bang  Nga. Một bộ phận khác di cư sang sinh  sống  tại Mông Cổ vào cuối thế kỷ XVIII.

Khu vực cư trú của người Đerbet rất rộng, bao gồm, từ trung lưu sông Kobđo đến phía nam dãy núi Tannu-Ola và toàn bộ vùng hồ Ubsu-Nur xuống hạ lưu sông Tes đến tận biên giới với nước Nga. Người Đerbet sống tập trung đông nhất ở các tỉnh (Ai mắc) Ubsunursk và Khirgisnur. Theo thống kê, năm 1963 có 3 vạn người.

Ngoài chăn nuôi gia súc, người Đerbet còn biết trồng trọt. Ngày nay, bên cạnh chăn nuôi, trồng trọt, một số ngành công nghiệp đã xuất hiện trong vùng người Đerbet.

Bait (Baiat)

Địa vực cư trú: phía đông bắc giáp địa vực người Đerbet, phía nam là dặng núi Togtokhin-Nuru bao bọc. Dân số, theo thống kê năm 1963 có khoảng 19 ngàn người.

Có cơ sở khẳng định rằng, dân tộc Bait được hình thành trên nền tảng của những bộ lạc Baianut, đã được sử sách Mông Cổ thế kỷ XIII-XIV ghi chép. Người Baiatnut có cùng nguồn gốc với những bộ lạc thuộc nhánh cư dân phía đông Mông Cổ, mặc dầu họ sinh sống bên cạnh những người Oirat( những dân tộc sống vùng phía tây Mông Cổ) và có mối quan hệ khăng khít với các dân tộc này. Kết quả là, người Bait trở thành một trong những nhóm cư dân của vương quốc Đzungarsk và được ghép vào nhóm người Đerbet.

Sau khi vương quốc Đzungarsk của người Oirat bị người Mãn Châu tiêu diệt vào giữa thế kỷ XVIII, địa vực cư trú của người Bait được xem là một đơn vị hành chính-quân sự và được chia nhỏ ra làm 10 vùng nhỏ (Arban-baiat). Mặc dầu cùng tồn tại bên cạnh nhau trong suốt vài trăm năm và có mối quan hệ qua lại khá là chặt chẽ, song, người Đerbet cho đến nay vẫn không thừa nhận người Bait có quan hệ họ hàng với mình.

Zakhchin (Cazchin)

Họ sinh sống ở Ai mắc Kobđo đến phía nam sông Kobđo, phía đông giáp với địa vực cư trú của người Uriankhai  Altai. Theo thống kê năm 1963 có 13 ngàn người.

Nguồn gốc nhóm dân tộc Zakhchin được sử sách ghi nhận như sau. Vào thế kỷ XVII, trong thời gian vương quốc của người Oirat là Đzhungaria chống lại chính quyền Mãn Châu đã di khoảng 300 gia đình người Oirat để bảo vệ vùng biên giới phía tây. Họ được xem như người của nhà nước, những người lính biên phòng và được gọi là Zakhchin.

Theo các nhà Dân tộc học Mông Cổ, nhóm người Zakhchin có nguồn gốc từ người Đurbet, người Torgut và người Khalkha. Rất nhiều truyện cổ của người Zakhchin đã ghi nhận điều này.

Oliet

Có số lượng khoảng 5,6 ngàn người (1963). Họ sinh sống tập trung ở vùng nằm giữa thung lũng của sông Kobđo và sông Buiantu thuộc Aimắc Kobđo. Một bộ phận Oliet sinh sống ở vùng trung tâm Mông Cổ thuộc Arkhangai aimăc. Trong hai nhóm Oliet, nhóm phía tây bảo lưu nhiều đặc điểm của người Oirat. Nhóm Oliet phía đông về cơ bản đã hòa đồng vào người Khalkha sống xung quanh.

Oliet là nhóm dân tộc duy nhất trong số các dân tộc phía tây Mông Cổ còn giữ được tên tự gọi Oirat. Như trên đã đề cập, thuật ngữ Oirat đã được sử sách Mông Cổ thế kỷ XIII ghi nhận. Về sau thuật ngữ này được ghép với từ đồng nghĩa Oliet. Có thể, chính điều này đã giải thích là người Oliet là một nhóm người thuộc cư dân Oirat và đóng vai trò quan trọng cuộc sống hàng ngày của người Oirat.

ĐarkhatMingat (Miangat)

Là những nhóm dân tộc học mà nguồn gốc cho đến nay vẫn còn đang tranh cãi trong giới khoa học, được giới khoa học xếp vào nhánh cư dân phía tây Mông Cổ.

Hiện có gần 3 ngàn người Mingat sống ở vùng đông bắc. Gianh giới phía đông của họ giáp với người Đerbet đến tận hồ Khara-Usu, phía nam đến sông Khobđo. Một số người nghiên cứu cho rằng Mingat là nhóm người Uriankhai đã bị Mông Cổ hóa. Một số khác lại cho rằng Mingat là nhóm người thuộc khối cư dân Oirat và họ không có gì khác biệt với người Oliet về mặt văn hóa. Một số nhà khoa học khác lại cho rằng, từ đồng nghĩa “Mingat”có lẽ xuất phát từ tên gọi đơn vị phân chia hành chính-quân sự thế kỷ XIII- XV ở khu vực này.

Đarkhat

Sinh sống trong thung lũng hẹp, chiều dài nam-bắc khoảng 250 km, chiều rộng khoảng 80km của Aimắc Khubsugul’sk. Phía bắc giáp với hồ Khubsugul với dân số 6 ngàn người.

Về nguồn gốc tộc người Đarkhat hiện chưa có sự thống nhất trong giới khoa học. Một số cho rằng, Đarkhat được hình thành từ những bộ lạc Chiuk (Thổ Nhĩ Kỳ) sau đó tiếp nhận ngôn ngữ Mông Cổ. Một số khác lại cho rằng, về cơ bản được hình thành trên nền tảng của những bộ lạc Tuvin-coiot và bị Mông Cổ hóa vào cuối thế kỷ XVII dưới ảnh hưởng của người Oirat. Một số nữa lại đưa ra giả thuyết là dân tộc này có nguồn gốc hỗn hợp từ nhiều dân tộc khác. Theo những kết quả nghiên cứu được công bố gần đây của các nhà Dân tộc học, nhân học, ngôn ngữ học Mông Cổ  thì Đarkhat là những người Tuvin đã bị người Mông Cổ đồng hóa. Trong lịch sử tộc người của họ có nhiều yếu tố Chiuk và Mông Cổ trong đó phần lớn là yếu tố Mông Cổ. Phương ngữ Đarkhat gần với phương ngữ các dân tộc sinh sống ở vùng phía tây Mông Cổ có nhiều yếu tố thuộc ngôn ngữ Khalkha và Buriat.

Các dân tộc hiện nay nói tiếng Mông Cổ bao gồm người Khoton và một số nhóm người Uriankhai (hay là Tuvin).

Khoton

Người Khoton với dân số gần 3 ngàn (1963) họ sinh sống ở vùng tây bắc Mông Cổ thuộc Aimắc Ubsunursk giữa những người Đerbet. Họ di cư đến vùng đất hiện nay đang sinh sống vào cuối thế kỷ XVII. Ngày này họ đã hoàn toàn quên mất cả tiếng mẹ đẻ và nói tiếng Mông Cổ. Về mặt văn hóa và lối sống, họ chẳng khác gì người Đerbet. Bản thân họ thì lại cho rằng có họ hàng với người Kazakh. Trước đây, họ theo đạo Hồi (Islam), mà nhiều tàn tích còn bảo lưu cho đến tận ngày nay, biểu hiện rõ nhất ở các nghi  lễ chôn cất người chết.

Urankhai

Trong tập truyện ”Kho tàng truyện cổ Mông Cổ” thường đề cập đến bộ tộc Uriankhai, còn trong những tài liệu và trong các tác phẩm văn học thời nhà Minh cai trị (1368-1644) thường nhắc đến người Uriankhat.

Song, các nhà khoa học cũng phải thừa nhận là rất khó xác định được mối quan hệ giữa người Urankhai với các bộ tộc Mông Cổ xa xưa, những cư dân sống ở phía đông Mông Cổ với những nhóm người Urankhai hiện nay lại cư trú rải rác ở vùng phía tây của đất nước này. Vấn đề trên đòi hỏi phải có những nghiên cứu tiếp.

Hiện nay có bốn nhóm Urankhai được giới học thuật thừa nhận, được đưa vào danh sách thống kê chính thức của nhà nước Mông Cổ: người Urankhai Altai, người Uriankhai-Monchok, người Uriankhai vùng Khubcugulsk và người Uriankhai-Caatan (có nguồn gốc từ người Tuvin sống bằng nghề nuôi hươu).

- Người Uriankhai Altai sinh sống trong vùng núi Altai thuộc Mông Cổ bao gồm từ thượng nguồn sông Kobđo đến thượng nguồn sông Bulgan, phía nam giáp với người Torgut, phía đông là người Zakhchin. Về ngôn ngữ, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần người Uriankhai Altai không khác những người láng giềng của họ  đó là người Đerbet, người Oliet và người Zakhchin. Song, các phong tục tập quán sinh hoạt hàng ngày họ lại mang đậm màu sắc giống người Mông Cổ.

- Người Uriankhai Monchok, sống ở thượng nguồn sông Kobđo thuộc Aimắc Kobđo. Tên gọi này bắt nguồn từ tên địa phương. Uriankhai Monchok có nghĩa là cư dân sống ở vùng núi đá. Có giả thuyết cho rằng, Uriankhai monchok chính là những người Tuvin đã từ lâu di cư đến sinh sống trên đất Mông Cổ ngày nay và bị người Mông Cổ đồng hóa. Hiện họ nói tiếng mẹ đẻ bên cạnh tiếng Mông Cổ. Song, trong ngôn ngữ của họ có nhiều từ vay mượn từ người Kazakh.

- Người Uriankhai  Khubcugulsk, nguồn gốc của họ đến nay vẫn còn đang tranh cãi trong giới khoa học. Một số cho rằng họ có nguồn gốc từ người Tuvin, bị Mông Cổ hóa. Một số khác lại cho rằng họ có nguồn gốc từ những bộ lạc Mông Cổ. Bằng chứng họ đưa ra là về ngôn từ và các truyện cổ tích vẫn còn lưu giữ nhiều sự kiện gắn liền với các tộc người Mông Cổ.

- Uraiankhai Caatan, với số dân không lớn, chỉ vào khoảng vài trăm người. Họ sống ở Khubcugsk aimắc bên cạnh người Đarkhat và dần dần hòa vào nhóm người này. Người Caatan có nguồn gốc từ vùng Todzi (theo tiếng Mông Cổ thì Caatan có nghĩa là người sống bằng nghề nuôi hươu). Tên gọi nhóm người Caatan có nguồn gốc để chỉ nhóm người chuyên sống bằng nghề nuôi hươu và đây cũng là nhóm người duy nhất trên đất Mông Cổ sống bằng nghề này.

Kazakh

Người Kazakh sinh sống ở tỉnh tự trị Ulegeisk của người Kazakh, được thành lập vào năm 1940. Mặc dầu sống giữa những người Mông Cổ, song, người Kazakh vẫn bảo toàn văn hóa của mình. Địa bàn cư trú của người Kazakh, phía bắc giáp người Đurbet, phía đông là người Oliet và phía nam là người Uriankhai. Người Kazakh Mông Cổ có nguồn gốc từ thượng nguồn sông Bukhtarma. Một bộ phận của cư dân Kazakh sống du mục theo vùng đồi phía nam của dãy Altai và vào giữa thế kỷ XIX, họ di cư đến vùng đất hiện nay của Mông Cổ.

Mặc dầu sống giữa những người Mông Cổ, song, người Kazakh vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa cũng như ngôn ngữ của mình. Hàng ngày họ ăn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trước đây, đạo Hồi đóng vai trò  nhất định trong việc bảo lưu những đặc điểm tộc người Kazakh.

Người Nga và người Trung Quốc là những dân tộc thiểu số ở Mông Cổ.

Người Trung Quốc sống chủ yếu ở các thành phố và những điểm đông cư dân. Họ làm các nghề thủ công, buôn bán và làm vườn. Trước cách mạng, tất cả những công việc trên đều do những người Trung Quốc làm. Những thương lái Trung Quốc xuất hiện trên đất Mông Cổ vào giữa thế kỷ XVIII ở những điểm dân cư đông người có tên là Maimachena. Vào thế kỷ XIX, ảnh hưởng thương lái Trung Quốc gia tăng. Họ trở thành các thương lái, những người bóc lột –cho vay lấy lãi. Điều này đã làm dân Mông Cổ bất bình. Thời gian này chỉ có những thương lái đàn ông Trung Quốc đi lại buôn bán trên đất Mông Cổ. Thời kỳ Mãn Châu cai trị, cấm không cho thương lái mang theo gia đình sang làm ăn và sinh sống trên đất Mông Cổ.

Hiện nay những người Trung Quốc sống trên đất Mông Cổ bằng nghề làm nông nghiệp. Một số ít còn làm nghề chăn nuôi. Họ ít nhiều đã bị Mông Cổ hóa. Ở các thành phố nhiều người Trung Quốc còn làm nghề nấu ăn. Nhiều người đã lấy vợ là người Mông Cổ. Con cái họ, dĩ nhiên, nói tiếng Mông Cổ và mang tên gọi Mông Cổ.

Nga

Người Nga sống tập trung ở các thành phố và một số điểm dân cư. Họ đến Mông Cổ sinh sống bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Thành phần tộc người của khối cư dân người Nga di cư đến Mông Cổ rất không đồng nhất: Họ là hậu duệ của nhiều phe phái tôn giáo, con cháu của những thương lái. Một bộ phận cư dân Nga đến đây vào thời kỳ chiến tranh vệ quốc. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện ở Mông Cổ những thợ thủ công người Nga như: thợ rèn, thợ mộc, thợ may, v.v… sau này là các bác sỹ, giáo viên, công nhân in ấn. Ở Urge có xí nghiệp in báo “Môngolư Conin Bichin” bằng tiếng Mông Cổ. Vào thời gian nước Cộng hòa Mông Cổ được thành lập có rất nhiều chuyên gia Nga đủ mọi ngành nghề sang sống và làm việc trên đất Mông Cổ. Đại bộ phận người Nga vẫn giữ hộ chiếu công dân Nga còn một số nhập quốc tịch Mông Cổ. Những người Nga sống trên đất Mông Cổ hiện nay đều biết tiếng Mông Cổ, song, họ vẫn chưa quên tiếng mẹ đẻ.

Từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Mông Cổ, quá trình cố kết dân tộc được đẩy mạnh, dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng năm 1921, tất cả các dân tộc trên đất Mông Cổ đều có quyền bình đẳng như nhau về mọi mặt: kinh tế, chính trị và văn hóa. Luật pháp đã thủ tiêu mọi đặc quyền đặc lợi cũng như mọi hạn chế mang tính dân tộc. Trong bộ máy nhà nước các cấp (các Khural), ngoài người Khalkha còn có đại diện của các dân tộc khác. Năm 1924, nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ được thành lập, chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau sự tan vỡ của phe xã hội chủ nghĩa vào cuối những năm 1990, Mông Cổ bắt đầu tiến trình dân chủ hoá, chuyển sang chế độ đa đảng với 18 chính đảng chính thức hoạt động, trong đó Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (đảng cộng sản) là chính đảng lớn nhất đang nắm chính quyền.

Việt Nam và Mông Cổ đã có mối quan hệ từ lâu. Trong những năm qua, quan hệ và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ tiếp tục được củng cố và phát triển. Hai bên đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác mới nhân chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch Trần Đức Lương  vào tháng 4/2000, chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An vào tháng 1/2003, của Thủ tướng Phan Văn khải vào tháng 4/2004. Đặc biệt, gần đây nhất là chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cuối tháng 10/2008 vừa qua. Về phía Mông Cổ thăm Việt Nam, có chuyến đi của Thủ tướng N.Enkhbayar (lên làm Tổng thống Mông Cổ năm 2005)  tháng 2/2002 và Tổng thống N.Bagabandi tháng 1/2005.

 

TS TRẦN MẠNH CÁT

(Việt Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các Dân Tộc Đông Bắc Á (Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô cũ), M. 1965.

2. Viện Dân Tộc Học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô cũ, Những vấn đề Dân tộc học  và lịch sử tộc người các dân tộc Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Nxb.Khoa học,M.1968.

3. The Encyclopedia of World Geography, Edited by Graham Bateman&Victoria Egan, Printed in Hongkong by Midas Pringting Ltd. 1999.

4. Library of Congress Country Studies, http://lcwb2.loc.gov/cgi-bin/query/

5.Mongolia,http://en.wikipedia.org/wiki/ Mongolia

6. Languages of Mongolia- Ethnologue.com

7. http://hanoimoi.com.vn



(2) Sở dĩ phải gọi Khalkha Mông Cổ, Buriat Mông Cổ…,  vì các dân tộc trên còn sinh sống ở các quốc gia láng giềng của Mông Cổ, ví dụ như:Cộng hoà Liên bang Nga, các nước Trung Á và Trung Quốc.

 

(3) Các Dân tộc trên Thế giới, Các dân tộc ở khu vực Đông Á, Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô cũ, Nxb.M, 1965, tr 669.

0thảo luận