1. Nhận thức và quan điểm nghiên cứu
Với quan niệm coi Đông Á là sự hợp thành bởi hai “Thế giới” Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trong lịch sử giữa hai khu vực đã sớm có quan hệ trao đổi văn hóa và giao thương. Một số nhà nghiên cứu thường có khuynh hướng nhấn mạnh đến những mục tiêu, hệ quả hay thành tựu tiếp giao giữa các nền văn hóa và coi đó là nhân tố hằng xuyên, mục tiêu cơ bản trong mối quan hệ giữa các dân tộc. Trong ý nghĩa đó, sự nối kết, giao lưu giữa các nền văn hóa luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến triển, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của mỗi nền văn hóa cũng như của toàn khu vực. Điều đó đúng và chúng ta cũng luôn quan niệm như vậy.
Nhưng cũng có thực tế là, trong khi xem xét đến động lực và hệ quả nhiều mặt của sự tiếp giao văn hóa một cách sâu sắc và toàn diện chúng ta không thể không chú ý đến những nhân tố tương tác hợp thành. Những nhân tố đó thậm chí có thể nằm ngoài các mục tiêu văn hóa. Do vậy, trong không ít trường hợp sự hiện diện của những sản phẩm văn hóa này trong nền văn hóa khác hay là những biểu trưng của quá trình tiếp giao đó trên thực tế lại là kết quả của các tác nhân chính trị, quân sự và hoạt động kinh tế. Trong ý nghĩa đó, những người đem các sản phẩm văn hóa của dân tộc mình hay khu vực đến một dân tộc khác, một cách vô thức, đã để lại cho thế hệ sau những hệ quả văn hóa, xã hội nằm ngoài ý thức hành vi truyền tải văn hóa.
Vậy thì, thái độ của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cần phải như thế nào? Trong mọi trường hợp, chúng ta cần trân trọng với tất cả những di sản mà các thế hệ tiền nhân để lại. Nhưng mặt khác, trên phương diện học thuật, cần phải có sự nghiên cứu thận trọng, lý giải thấu đáo về những con đường và hiện tượng “tiếp giao văn hóa” đó. Có thể thấy, trong tiến trình hình thành và xác lập vị thế chính trị, kinh tế... mỗi quốc gia luôn cần một không gian (space) hay môi trường (environment) rộng lớn cho sự phát triển. Nền kinh tế nông nghiệp cũng như du mục hay nói rộng ra là các thể chế nông nghiệp, cùng bản chất phát triển của các nền văn minh nông nghiệp đã quy định nên đặc tính đó. Bên cạnh đó, ngay cả các quốc gia có phạm vi lãnh thổ rộng lớn (đặc biệt là các đế chế) như Trung Hoa ở Đông Á, Ấn Độ ở Nam Á, Lưỡng Hà ở Tây Á hay Ai Cập ở châu Phi… tưởng như có đầy đủ, phong phú các nguồn tài nguyên (trong đó nhân lực, nô lệ được coi là nguồn tài nguyên giá trị) nhưng trên thực tế nhu cầu phát triển tự thân của một đế chế luôn phải được bổ sung các nguồn tài nguyên hiếm hay bị thiếu hụt từ bên ngoài. Con đường để có được các nguồn tài nguyên đó có nhiều cách khác nhau nhưng thông thường các cường quốc và đế chế thường hay tiến hành chiến tranh để cướp đoạt; ngoại giao để chinh phục, thâu nạp; và xác lập quan hệ giao thương để trao đổi, mua bán sản phẩm. Các đế chế thường áp dụng chính sách của kẻ mạnh tức là luôn muốn và có thể tương đối dễ dàng thực thi một trong ba hay đồng thời cả ba biện pháp trên. Nhưng, đối với các quốc gia trung bình và nhỏ nhìn chung chỉ có thể và có khả năng thực hiện chính sách bang giao hữu nghị và tìm mọi biện pháp để sinh tồn, phát triển bên cạnh các nước lớn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có cái nhìn phân lập thì cũng thấy trong mỗi khu vực, vùng thậm chí tiểu vùng, trong từng thời gian, cũng thường nổi lên vai trò của một hay một số quốc gia. Có thể gọi đó là “Đế chế tiểu vùng” (Sub-regional empire). Các quốc gia này thường giữ vai trò chi phối trong nhiều hoạt động chính trị, quân sự, bang giao của khu vực đó. Nói cách khác, như là sự mô phỏng con đường và cách thức của các đế chế, các nước có thế lực trong khu vực đều muốn tự mình trở thành “chúa tể” của tiểu vùng, tìm cách kiểm soát hoạt động trong khu vực. Trong ý nghĩa đó, việc kiểm soát hay chiếm đoạt các tuyến thương mại là một trong những mục tiêu quan trọng. Để thể hiện uy lực đồng thời cũng là vì sự tồn tại, phát triển của chính mình, các đế chế tiểu vùng thường xuyên gây áp lực với các quốc gia láng giềng thậm chí ép buộc các nước này trở thành nước chư hầu hay thuộc quốc và phải thực thi chế độ triều cống. Do vậy, như là những mục tiêu xen cài giữa chính trị và kinh tế, các nước nhỏ luôn phải chịu ít nhất hai mối quan hệ chi phối đó là sự đe dọa, áp lực của đế chế tiểu vùng (trực tiếp) và trên bình diện rộng lớn hơn là đế chế khu vực. Ở Đông Á đã từng có không ít những quốc gia có vai trò chi phối như vậy. Những quốc gia như Phù Nam, Champa, Đại Việt, Angkor, Ayutthaya, Pagan của vùng bán đảo hay Srivijaya, Majapahit… ở Đông Nam Á hải đảo từng là những quốc gia cường thịnh một thời. Xuất phát từ quan niệm, cách tiếp cận đa chiều đó, bài viết tập trung phân tích vai trò của chính quyền Đàng Trong trong việc điều hành, phát triển thương cảng Hội An, xem xét vị thế của thương cảng này trong truyền thống và hoạt động của hệ thống giao thương Đông Á thế kỷ XVI-XVIII trước khi các quốc gia này phải mở cửa với phương Tây thế kỷ XIX.
2. Từ quan hệ vùng đến liên vùng
Cho đến nay, thật khó có thể lựa chọn một mốc thời gian cụ thể đánh dấu việc xác lập mối quan hệ giữa các quốc gia Đông Á. Bởi lẽ trước khi một ý thức về cộng đồng khu vực xuất hiện thì quan hệ giữa các nước láng giềng gần gũi đã được bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên. Vào thời hậu kỳ đá mới, đầu thời đại kim khí, mối quan hệ khu vực đã diễn ra nhiều biến chuyển quan trọng. Sự hình thành, phát triển của các trung tâm nông nghiệp, các nền kinh tế sản xuất và sau đó là sự ra đời của nhà nước (early states) đã thúc đẩy sự giao lưu giữa các dân tộc, quốc gia(1).
Tuy nhiên, phải đến thời Hán (206 TCN - 220 SCN), trên cơ sở kế thừa nhiều truyền thống văn hóa và tiềm lực kinh tế mà các triều đại trước để lại, nhà Hán bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Nhưng như đã nói ở trên, con đường lan tỏa và truyền bá văn hóa Hán được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Người ta vẫn gọi đó là con đường “quan phương” và “phi quan phương”, tức là cùng với các mối quan hệ, giao lưu chính thức giữa các chính thể còn nhiều mối liên hệ giữa các địa phương và giữa các thương nhân cũng như dân chúng dọc theo các vùng biên giới, lãnh hải… Đây vốn vẫn được coi là các “biên giới mềm” luôn biến đổi và năng động. Đến thời Đường (618-907), với tư cách là một triều đại, một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực và thế giới, nhà Đường đã thiết lập nên hai con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển. Là một triều đại khai mở, có năng lực sáng tạo cao nên nhiều giá trị văn hóa, thành tựu kinh tế của vương triều này không chỉ có sức lan tỏa mà còn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các trung tâm kinh tế, văn hóa phương Đông và thế giới.
Trên bình diện khu vực, cùng với việc củng cố, xác lập mối quan hệ truyền thống, mật thiết với bán đảo Triều Tiên và quốc đảo Nhật Bản, triều đại này cũng đã thiết lập nên các tuyến giao thương liên quốc gia trong đó có mạng lưới hải thương với khu vực Đông Nam Á. Thông qua các thương cảng Đông Nam Á, nhà Đường đã thiết lập được quan hệ giữa thị trường Trung Quốc với Đông Nam Á, khu vực Nam Á, Tây Á cùng nhiều trung tâm kinh tế xa xôi khác. Do vậy, có thể coi việc hình thành hai tuyến thương mại “Đông Dương châm lộ” và “Tây Dương châm lộ” vào thời Tống (960-1279) vừa là sự thể hiện kết quả của truyền thống thương mại Đông Á vừa tiếp tục góp phần thúc đẩy sự giao lưu kinh tế và hợp tác khu vực. Trên thực tế, những hoạt động thường xuyên, nhộn nhịp của hai tuyến thương mại này đã góp phần chấn hưng nền kinh tế Trung Quốc, thể hiện tầm nhìn và mức độ ảnh hưởng rộng lớn của nhà Tống, một triều đại lớn trong lịch sử Trung Hoa. Do vậy, cùng với cuộc “Cách mạng nông nghiệp” (Agricultural revolution) cuộc “Cách mạng thương nghiệp” (Commercial revolution) diễn ra vào thời Tống đã mở rộng ảnh hưởng của Trung Hoa xuống vùng biển phía Nam. Các quốc gia khu vực đã chịu tác động nhiều mặt từ mối quan hệ này. Không chỉ dừng lại ở đó nền kinh tế này còn hướng đến vùng Nam Á và Tây Á rộng lớn, nơi có nhiều sản vật khác lạ mà thị trường Trung Quốc cần.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng từ khoảng thế kỷ II TCN đã có những mối liên hệ giữa vùng Hoa Nam với Ấn Độ và Tây Á(2). Giả thuyết khoa học đó đến nay đã được chứng minh trên thực tế. Trong khi bằng chứng về mối quan hệ liên Á rất có giá trị khoa học thì cũng nên thận trọng khi cho rằng sự hiện diện của các hiện vật có nguồn gốc từ các vùng văn hóa, trung tâm kinh tế xa xôi là kết quả của mối liên hệ trực tiếp giữa các khu vực. Thông thường, vào thời đại bấy giờ, để có được một sản phẩm kinh tế hay văn hóa người ta phải cần đến vai trò trung gian của thương nhân nhiều quốc gia. Như vậy, nhiều thế kỷ trước khi người Hoa có thể thực sự vươn tới vùng biển phương Nam thì các thương nhân Ấn Độ và Đông Nam Á đã từng đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển giao các thành tựu kinh tế, kỹ thuật, văn hóa giữa hai nền văn minh lớn Ấn Độ, Trung Hoa cũng như giữa khu vực Đông Á với Tây Nam Á. Đến khoảng thế kỷ V-VI mối giao lưu giữa khu vực Đông Bắc Á, mà Trung Quốc là đại diện tiêu biểu, với Đông Nam Á thông qua vai trò của các vương quốc đồng thời là các thể chế biển như Phù Nam, Champa, Srivijaya… đã xác lập nên mạng lưới giao thương mang tính liên vùng và liên thế giới(3).
Trong mạng lưới đó, do nằm gần kề với vùng kinh tế Hoa Nam và giữ vai trò cầu nối giữa hai khu vực Đông Bắc Á với Đông Nam Á nên biển Giao Châu đã sớm được coi là một trong ba vịnh biển có vị trí địa - kinh tế, địa - chiến lược quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Do điều kiện đi biển thời đại bấy giờ, các vùng biển kín như Giao Châu (tức vịnh Bắc Bộ) và hệ thống cảng biển ven bờ, cửa sông, trở thành địa bàn thường xuyên lui tới của các đoàn thuyền trong nước, quốc tế. Trên cơ sở đó, nhận thấy tầm quan trọng của vùng cảng biển Đông Bắc, đến giữa thế kỷ XII vương triều Lý (1010-1225), Đại Việt đã cho lập trang Vân Đồn (1149) để đón thuyền buôn các nước đến buôn bán, trao đổi hàng hóa và thiết lập quan hệ bang giao(4).
Trong nhiều thế kỷ, do giữ vị trí cầu nối giữa hai trung tâm kinh tế ở Đông Á nên biển Giao Châu là nơi đón nhận các dòng chảy kinh tế đồng thời là các dòng giao lưu văn hóa, chính trị giữa các quốc gia khu vực. Từ khoảng thế kỷ thứ V, cùng với các mục tiêu kinh tế, văn hóa, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã chủ động đến Trung Quốc để thiết lập quan hệ bang giao. Do vậy, các thương cảng miền Nam Trung Hoa đặc biệt là Quảng Châu đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của nhiều sứ đoàn, thương nhân các nước. Trong ý nghĩa đó, chắc hẳn sẽ là điều phiến diện khi cho rằng sự hình thành và phát triển của các quốc gia Đông Nam Á, ngay từ thuở bình minh của nó, chỉ chịu ảnh hưởng và tác động của một luồng văn minh, một yếu tố ngoại sinh (exdogenous factor) duy nhất từ phía Tây tràn tới là văn minh Ấn Độ và sau đó là của nền văn minh Hồi giáo từ Tây Á, Ba Tư.
Nhìn nhận mạng lưới giao thương Đông Á theo trục Bắc - Nam chúng ta thấy, vượt qua biển Giao Châu tiến về phía Nam là vùng đất của vương quốc Champa cổ đại. Vương quốc này hình thành và phát triển trên một không gian lãnh thổ dài và hẹp: phía Tây là vùng rừng núi nơi có nguồn lâm thổ sản phong phú của hệ sinh thái nhiệt đới, phía Tây Nam giáp với Chân Lạp (Campuchia) còn phía đông là Thái Bình Dương rộng lớn. Do có khí hậu khô, nóng và không gian tương đối hẹp, vương quốc Champa không có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế nông nghiệp(5). Do vậy, sức mạnh kinh tế của vương quốc này còn dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên, phát triển hải thương, buôn bán nô lệ, thậm chí tiến hành cướp bóc trên biển. Để tồn tại, phát triển, đủ sức đương đầu với các thế lực từ phương Bắc và phía nam, Champa đã hướng ra đại dương hết sức mạnh mẽ. Có thể coi Champa là một thể chế biển (Marine polity) bởi đặc tính văn hóa, hoạt động kinh tế, thể chế chính trị đều mang đậm sắc thái biển. Vương quốc này đã kết nối đồng thời thể hiện năng lực khai thác cao những tiềm năng giữa biển với lục địa(6). Trong những ngày phát triển cường thịnh, cùng với Phù Nam và Srivijaya…, Champa đã trở thành một cường quốc thương mại khu vực.
Dựa trên nền tảng kinh tế đó, từ truyền thống văn hóa bản địa kết hợp với những yếu tố văn hóa ngoại sinh, (mà tiêu biểu là các tôn giáo, thiết chế chính trị, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc… truyền bá từ Ấn Độ), vương quốc Champa đã sáng tạo nên những thành tựu văn hóa rực rỡ đồng thời thể hiện sâu đậm bản sắc riêng biệt. Nhiều nhà nghiên cứu coi các tháp Chăm ở miền Trung Việt Nam cũng như Angkor Vat, Angkor Thom ở Campuchia hay Borobudur ở Indonessia và các công trình kiến trúc tôn giáo ở Thái Lan, Myanmar… là những minh chứng sinh động cho thấy vòng ảnh hưởng và mức độ lan tỏa của văn hóa Ấn. Nhưng, mặt khác cũng phải thấy rằng, những công trình kiến trúc tôn giáo đó cũng thể hiện năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng cao của văn hóa Đông Nam Á. Tự cội nguồn và bản chất, Đông Nam Á luôn là thế giới năng động, thích ứng, hội nhập và sáng tạo.
Hiển nhiên, các công trình kiến trúc tôn giáo kỳ vĩ đó phải được xây dựng trên một nền tảng kinh tế vững chắc. Các tháp Chăm, công trình kiến trúc, điêu khắc…đều thể hiện những dấu ấn khá sâu đậm của kinh tế thương nghiệp. Champa đã thiết lập và điều hành hiệu quả mạng lưới trao đổi giữa nội vùng với ngoại vi, giữa các Mandala của Champa với các quốc gia khu vực và quốc tế. Sự thịnh đạt của Chiêm cảng, tiền thân của Hội An về sau, là kết quả của sự lựa chọn một trong những đặc tính phát triển của vương quốc này. Dọc theo sông Thu Bồn theo hướng chảy tây đông có thánh địa Mỹ Sơn ở vùng cao (thượng nguồn), có kinh đô Trà Kiệu (Simhapura, chính trị) ở miền giữa và có thương cảng Chăm (kinh tế thương nghiệp) ở vùng hạ lưu (cửa biển). Ba khu vực đó tạo thành một tổng thể, đem lại sức mạnh và thế giới thiêng cho vương quốc Champa. Theo đó, kinh tế, chính trị đã tạo dựng những cơ sở vững chắc cho tôn giáo phát triển. Ngược lại, tôn giáo đã đem lại quyền năng siêu việt cho các quân vương đồng thời thúc đẩy, mở rộng các mối quan hệ giao thương.
Tuy nhiên, do những áp lực của lịch sử, trung tâm chính trị, tôn giáo và kinh tế của Champa ngày càng có khuynh hướng chuyển dịch về phía Nam. Điều đó cũng có nghĩa rằng, từ năm 982 người Chăm đã mất đi một đầu mối, một trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất. Đến thế kỷ X-XV, thay cho vị trí của Chiêm cảng vùng cửa sông Thu Bồn lại nổi lên vị trí của cảng biển Thi Nại ở cửa sông Côn gần với kinh đô Vijaya (Bình Định). Thi Nại là “quốc cảng” của Champa và thực sự là một thương cảng quốc tế, nơi đón nhận nhiều đoàn thuyền buôn các nước(7). Nhưng, từ sau năm 1471 Thi Nại đã thuộc về sự kiểm soát của quốc gia Đại Việt. Người Việt thực hiện cuộc Nam tiến, khai phá các châu thổ, thừa hưởng các nguồn lợi tự nhiên và hiển nhiên kế thừa cả một truyền thống thương mại phát triển của vương quốc Champa(8). Do vậy, cơ tầng văn hóa Đàng Trong nói riêng và vùng Đông Nam bán đảo Đông Nam Á nói chung “cho thấy sự giao thoa văn hóa Chăm - Việt - Hoa vẫn tiếp tục diễn tiến từ thiên niên kỷ thứ I của Công nguyên đến giữa cuối thiên niên kỷ thứ II theo xu hướng từ Việt - Chăm đến Chăm - Việt bao giờ cũng có những yếu tố ngoại sinh Hán - Hoa quan trọng”. Và, “Riêng với cảng thị quốc tế Hội An đó là kết quả giao thoa, đan xen và dung hòa giữa các văn hóa Chăm - Việt - Hoa , và một số yếu tố ngoại sinh khác nữa. Hội An là một sự hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng”(9).
Như vậy, với tư cách của một quốc gia thống nhất, được hợp thành bởi ba truyền thống văn hóa, ba vương quốc cổ trong các mối quan hệ, bang giao khu vực Đông Á, ở miền Bắc nổi lên vị trí của vùng biển đảo Giao Châu (Vân Đồn), miền Trung là Chiêm cảng (Hội An) và miền Nam là Óc Eo (Phù Nam). Trong nhiều thế kỷ, Chiêm cảng nằm ở trung điểm của mạng lưới đó.
3. Vị thế của Hội An trong mạng lưới hải thương Đông Á
Sự hiện diện của người Việt ở miền Trung đã diễn ra khá sớm nhưng phải đến đầu thế kỷ XIV (1306) sau sự kiện vua Chăm là Jaya Simhavarman III đem hai châu Ô, Lý dâng cho thượng hoàng Trần Nhân Tông (1278-1293) làm lễ vật dẫn cưới công chúa Huyền Trân, vùng đất Thuận Hóa đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Tuy nhiên, phải từ sau sự ra đi của Nguyễn Hoàng (1524-1613) năm 1558 thì sự nghiệp khai phá đất Đàng Trong mới thực sự bắt đầu. Lúc bấy giờ, tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng do đã trải nghiệm qua những bước thăng trầm trong đời sống chính trị xứ Bắc, thấu hiểu những điểm mạnh và hạn chế của thể chế chính trị Lê - Trịnh, Nguyễn Hoàng đã quyết tâm dời bỏ vùng đất bản bộ của họ Nguyễn để tiến về phương Nam, thực hiện kế sách tạo dựng một khu vực quản chế độc lập, phát triển lâu dài. Cùng với những thách thức chính trị, xã hội đặt ra trên vùng đất mới, ông hiểu rằng “đất Đàng Trong vẫn là những trung tâm văn hóa của một quá khứ huy hoàng”(10). Để thu phục nhân tâm, Nguyễn Hoàng đã ra sức: “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng nên thực là xây nền từ đấy”(11).
Nhận thấy xu thế cát cứ ngày càng rõ của Nguyễn Hoàng và sau đó là Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), năm 1620 Trịnh Tùng (1570-1623) đã phái 5.000 quân đến cửa biển Nhật Lệ để uy hiếp và 7 năm sau cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã nổ ra (1627-1672) kéo dài 45 năm, gây nên những tổn thất to lớn với cả hai bên tham chiến(12). Do vậy, trong lịch sử Việt Nam từ khi chiến tranh Trịnh - Nguyễn kết thúc đến khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà, giải phóng Thăng Long năm 1789 lịch sử Việt Nam đã trải qua 214 năm với nhiều thách thức và chuyển biến to lớn. Trong khoảng thời gian đó, do không thể phân thắng bại, giữa hai miền đã hình thành thế cuộc Đàng Ngoài (Tonkin) và Đàng Trong (Cochinchina). Hai vùng lãnh thổ có chính quyền riêng, có cơ sở kinh tế, luật pháp và chế độ quản chế riêng. Tuy vậy, trên các phương diện kinh tế - xã hội, cả hai miền đều có nhiều biểu hiện phát triển trội vượt rất đáng chú ý trong lịch sử Việt Nam thời trung đại.
Để có đủ kháng lực cần thiết đương đầu với thế lực hùng mạnh của chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, Nguyễn Hoàng đã ban hành và thực thi hàng loạt các chính sách tích cực nhằm xây dựng và củng cố uy lực của một chính quyền mới như khuyến khích khai hoang, trọng dụng người tài (mà Đào Duy Từ là một ví dụ tiêu biểu), xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu trong đó đặc biệt là thủy quân, được trang bị vũ khí hiện đại của phương Tây. Theo C.R.Boxer thì các nhà cầm quyền họ Nguyễn đã rất cố gắng để mua được những khẩu đại bác bằng đồng tốt nhất phương Đông(13).
Với tầm nhìn của một chính thể mạnh, luôn giữ thế chủ động trong quan hệ đối ngoại, bên cạnh chính sách khai mở, chính quyền Đàng Trong cũng luôn phải lường tính đến việc bảo vệ an toàn cho hệ thống kinh tế đối ngoại trong đó đặc biệt là thương cảng Hội An. Tiếp sau hệ thống phòng vệ, quan sát ở Cù Lao Chàm (Chiêm bất lao, vốn vẫn được coi là tiền cảng của Hội An), các chúa Nguyễn đã thiết lập một căn cứ hải quân mạnh ngay ở phía hữu ngạn sông Thu Bồn, tức vùng Cửa Đại hay “Đại Chiêm hải khẩu”(14). Bên cạnh đó, vị trí của dinh trấn Thanh Chiêm cũng là nhân tố có ý nghĩa trong việc bảo vệ an toàn, điều hành, xử lý các hoạt động thường xuyên của khu thương cảng. Về công tích của Nguyễn Hoàng, Lê Quý Đôn (1726-1784), một học giả nổi tiếng của Đàng Ngoài, đã có những đánh giá cao về uy danh, tài đức của “chúa Tiên” trong việc quản lý kinh tế, xã hội, xây dựng quân đội và phát triển ngoại thương(15).
Các chính sách hợp thời và hợp lòng người mà Nguyễn Hoàng thực hiện đã khiến ông có thể tập trung được quyền lực, củng cố được sức mạnh của vương quyền, ổn định xã hội và phát triển kinh tế hàng hóa. Đó chính là những tác nhân bên trong (endogenous factors) dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt đô thị và cảng thị trong đó tiêu biểu là Hội An. Qua hơn hai thế kỷ, Hội An đã trở thành trung tâm kinh tế đối ngoại (entrepôts) quan trọng nhất của Đàng Trong và là một trong những thương cảng quốc tế trọng yếu trong tuyến giao thương Đông Á(16). Có thể thấy, “Ngoại thương và nền chính trị trong nước đã kết hợp để tạo nên sức mạnh cho một thương cảng ở vùng biên viễn mà người Việt mới đến định cư đồng thời tạo nên thế ổn định cho vương quốc vừa được thiết lập ở vùng “biên giới” phương Nam hãy còn chưa thực phát triển”(17).
Chúng ta đều biết, thời Nguyễn Hoàng cầm quyền cũng là thời đại hưng thịnh của hệ thống thương mại Đông Á(18). Đó là Thời đại hoàng kim (Golden age) của nhiều quốc gia khu vực. Do vậy, cùng với việc củng cố các ngành kinh tế trong nước, ông đã đi đến quyết định táo bạo là lựa chọn và đặt cược sự hưng vong của thể chế vào kinh tế ngoại thương. Có thể coi đó là sự lựa chọn sống còn của các chúa Nguyễn(19). Với việc đề cao kinh tế thương nghiệp, Đàng Trong đã hướng đến một xu thế phát triển khác biệt với Đàng Ngoài đồng thời hội nhập mau chóng với mô hình phát triển chung, vốn có của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Dựa vào sức mạnh của kinh tế công thương, như một hệ quả tự nhiên, chính sách của các chúa Nguyễn đã khôi phục vị thế của Chiêm cảng trước đây. Tên gọi Faifo (Hải phố - Hội An) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều thương nhân khu vực, quốc tế. Nhưng không chỉ Hội An, một hệ thống cảng miền Trung vốn có truyền thống từ thời đại Champa cũng được phục hồi trong bối cảnh xã hội mới. Trong đó, các thương cảng như Thanh Hà (Huế), Nước Mặn (Bình Định) vừa là những thương cảng phát triển độc lập vừa nằm trong mối quan hệ có ý nghĩa tương hỗ cho Hội An. Trên thực tế, với sự dự nhập, hỗ trợ của các trung tâm sản xuất và khai thác, các thương cảng miền Trung đã tạo nên một hệ thống liên kết với vai trò điều phối trung tâm của cảng quốc tế Hội An.
Cũng cần phải nói thêm là, vào đầu thế kỷ XV, trong vòng 28 năm (1405-1433) theo lệnh của Minh Thành Tổ, Trịnh Hòa (Zheng He, 1371-1433) đã chỉ huy hạm đội hạ Tây dương. Trong 7 chuyến đi đó, Trịnh Hòa đều cho hạm đội từ Nam Kinh tập trung ở Phúc Kiến rồi từ đó tiến đến cảng Chiêm Thành (Chan-ch’êng). Có thể khẳng định rằng, đó chính là cảng Thi Nại (Nước Mặn). Từ cảng thị này, hạm đội của Trịnh Hòa đã chia thành nhiều phái bộ đến các quốc gia Đông Nam Á và tiến sang Tây Nam Á, châu Phi…(20). Như vậy là, khởi đầu từ thời Đường, phát triển trội vượt vào thời Tống, đến thời Minh (1368-1644) do những tiến bộ về kỹ thuật đóng thuyền và tri thức hàng hải, nhiều đoàn thuyền lớn của các quốc gia châu Á không phải nhất thiết tuân thủ theo các tuyến hải thương truyền thống nữa. Từ miền Nam Trung Hoa hay Nhật Bản, các đoàn thuyền buôn có thể tiến thẳng đến các cảng Đông Nam Á. Do vậy, các cảng miền Trung trong đó có Hội An trở thành đầu mối giao thương trực tiếp với các trung tâm kinh tế lớn khu vực.
Với chủ trương trọng thương, vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Đàng Trong đã trở thành một Thể chế biển, triệt để phát huy truyền thống khai thác biển, phát triển giao thương và giao lưu văn hóa trên biển(21). Nhận thấy kinh tế ngoại thương chỉ có thể tồn tại, phát triển trong hệ thống nên cùng với việc củng cố các trung tâm sản xuất thủ công, khai thác nguyên liệu, chúa Nguyễn cũng có nhiều biện pháp để bảo vệ, mở rộng hoạt động của các thương cảng. Sau năm 1672, khi cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn chấm dứt, chúa Nguyễn đã đẩy mạnh khai phá vùng đất phương Nam. Cùng với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng đến châu thổ sông Đồng Nai, hạ lưu Mekong nhằm khai phá tiềm năng kinh tế nông nghiệp hẳn chính quyền Phú Xuân cũng nuôi nhiều kỳ vọng về tiềm lực của các cảng miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, nơi tiếp giáp với nhiều trung tâm thương mại Đông Nam Á. Thực tế lịch sử cho thấy, đến thế kỷ XVIII, cùng với Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn các cảng như Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Tiên... đều trở thành thương cảng trọng yếu của Đàng Trong, góp phần củng cố sức mạnh cho chính quyền này. Theo đánh giá của giáo sĩ dòng Tên Cristophoro Borri, người từng sống ở Đàng Trong (1618-1622) thì nhờ có quan hệ hải thương mà “Chúa đã thu được nhiều lợi nhuận lớn trong việc buôn bán bằng thu thuế hàng hóa cũng như thuế hải khẩu ngài đặt ra và cả nước đều kiếm được nhiều mối lợi không thể tả hết”(22).
Trong các mối quan hệ đa dạng của Đàng Trong, thương nhân và các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã đến xứ Cochinchina sớm nhất. Từ năm 1515, thuyền buôn Bồ Đào Nha đã đến Faifo và năm 1540 thì cập bến thường xuyên thương cảng này(23). Đến đầu thế kỷ XVII, không chỉ có các thương nhân châu Á, hầu hết các cường quốc thương mại châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh… đều đến Hội An(24). Với các quốc gia châu Á, giới thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản đã nhận được nhiều điều kiện ưu đãi trong việc buôn bán với chính quyền Đàng Trong. Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam nền kinh tế ngoại thương lại có quan hệ rộng mở, đa dạng và phát triển hưng thịnh như giai đoạn thế kỷ XVI-XVII. Hầu hết các cường quốc kinh tế thời đại bấy giờ đều đến thiết lập quan hệ kinh tế với Đàng Trong.
Do có vị trí địa lý thuận lợi, chính sách khai mở, lại là một vùng đất giàu tiềm năng có thể cung cấp một số lượng khá lớn hồ tiêu, quế, trầm hương, tơ lụa, đường, cùng các loại khoáng sản quý nên Hội An đã có sức hút lớn đối với giới doanh thương quốc tế. Từ Chiêm cảng bị suy tàn, Hội An mau chóng phục hưng và trở thành trung tâm thương mại lớn của Đông Nam Á. Là một Trung tâm liên vùng(25) Hội An đã cùng với Goa (Ấn Độ), Ayutthaya (Siam), Malacca (Malaysia), Batavia (Indonesia), Luzon (Philippines)... nối kết với Formosa (Đài Loan), Macao, Hạ Môn (Trung Quốc) Deshima (Nhật Bản), Pusan (Hàn Quốc) tạo nên một hệ thống thương mại tương đối chặt, hoàn chỉnh của châu Á.
Với các thương nhân châu Á, vốn đã có mối quan hệ mật thiết với các thương cảng miền Trung từ thời đại Champa, đến thế kỷ XVI-XVII thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Siam, Chân Lạp, Patani, Java, Manila… đã thường xuyên đến Hội An và các cảng miền Trung buôn bán. Theo quan sát của Thomas Bowyear, được A.Lamb ghi lại, thì trong khoảng năm 1695 hàng năm có khoảng từ 10 đến 12 thuyền buôn Trung Hoa đến Hội An(26). Nhưng khi chính quyền Edo (1600-1868) hạn chế thương thuyền Trung Hoa đến Nhật thì trong các năm (1740-1750), số thuyền của Hoa thương đến Đàng Trong đã tăng lên mỗi năm chừng 80 chiếc. Trong tác phẩm Oost-Indische Compagnie en Quinam (Công ty Đông Ấn ở Quảng Nam) thương nhân người Hà Lan W.J.M Buch cũng cho rằng: “Lý do khiến nhiều thương gia Trung Hoa như vậy đến Quảng Nam là vì có thể tìm thấy ở đây một trung tâm buôn bán với các nước và vùng lân cận. Hồ tiêu được chở tới từ Palembang, Pahang và các vùng khác; long não từ Borneo, gỗ vang, ngà voi,… đồ sứ thô và các hàng hóa khác. Với những gì còn lại, họ có thể mua thêm hồ tiêu, ngà voi, bột gia vị, bạch đậu khấu của Quảng Nam v.v… Do đó thuyền của họ chở về Trung Hoa thường là đầy hàng”(27).
Hiểu rõ năng lực tổ chức, kỹ thuật sản xuất, buôn bán của người Hoa và những thông tin đa dạng mà họ có được, chúa Nguyễn đã sử dụng thế lực của Hoa thương, Nhật Bản cùng các thương nhân châu Á để tăng cường nội lực, biến ngoại lực thành nội lực nhằm tạo nên thế đối trọng Á - Âu, Đông - Tây trong quan hệ quốc tế. Hơn thế nữa, do có kinh nghiệm và tri thức buôn bán nên hàng hóa mà Hoa thương đem đến Đàng Trong luôn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và sức mua của cư dân bản địa. Vì thế, thương nhân Hoa kiều luôn nhận được ưu ái của chính quyền Nguyễn về thuế quan, địa điểm và phạm vi buôn bán. Chính sách đó của các chúa Nguyễn về sau nhìn chung vẫn được các vua triều Nguyễn (1802-1945) kế thừa(28).
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong các thế kỷ XVI-XVIII, đặc biệt là sau năm 1644 triều Minh sụp đổ, người Hoa, nhất là cư dân các tỉnh vùng Đông Nam, đã có sự chuyển dịch lớn sang các quốc gia láng giềng Đông Á. Quá trình di cư đó đã bổ sung và góp phần hình thành nên các cộng đồng Hoa kiều đông đảo tập trung ở các thành thị, thương cảng. Giới Hoa thương cũng ngày càng có vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế ở khu vực. Trong khi đó, vị trí của người Ấn trong mạng lưới giao thương Đông Á lại ngày càng trở nên mờ nhạt. Nhưng, thay vào đó là sự hiện diện ngày một thường xuyên của các tập đoàn thương mại, công ty Đông Ấn châu Âu. Dựa vào các hải đoàn mạnh, vũ khí hiện đại và nguồn hàng phong phú… các thương nhân châu Âu đã thâm nhập vào thị trường khu vực, giành đoạt quyền lợi với giới thương nhân Đông Á để rồi, như lịch sử đã cho thấy, hình thành thế cuộc vừa đối đầu (confrontation) vừa hợp tác (cooperation) giữa các tập đoàn thương nhân trên bình diện khu vực cũng như trong mỗi nền kinh tế nhất là các nền kinh tế có vị trí chiến lược, giàu tiềm năng.
Với Nhật Bản, sau những thăm dò ban đầu và xung đột quân sự vì “hiểu nhầm”(29), đến thế kỷ XVII sau khi chính quyền Edo xác lập được quyền lực, Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ với Đàng Trong. Từ đó, cho đến khi chính quyền này thực thi chính sách tỏa quốc (1639-1853), các thuyền buôn Châu ấn (Shuin-sen) của Nhật Bản đã trở thành những bạn hàng trọng yếu của “Quảng Nam quốc”(30). Như vậy, cùng với thương nhân Trung Quốc, đến đầu thế kỷ XVII hệ thống giao thương Đông Á đã có thêm một thế lực doanh thương mới, có tiềm lực kinh tế lớn, hoạt động tích cực và hiệu quả trên nhiều thị trường khu vực(31). Để thắt chặt mối quan hệ với Nhật Bản, năm 1619 chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn gả con gái cho thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro, cho phép người Nhật (và cả giới Hoa thương) lập hội quán, phố Nhật kiều, Hoa kiều để buôn bán lâu dài. Chúa Nguyễn còn giao cho họ quyền tự quản, tự bầu nên trưởng khu để điều hành các hoạt động buôn bán, quản lý xã hội trên cơ sở tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục và luật pháp Nhật Bản. Theo đó, từ năm 1633-1672 đã có 6 người Nhật thay nhau giữ trọng trách đó. Họ là những người có thế lực lớn trong cộng đồng người Nhật và được chúa Nguyễn tin cậy(32).
Có thể thấy, cùng với việc tự khẳng định chủ quyền của mình ở Đàng Trong như một thể chế kinh tế - xã hội và chính trị độc lập, chúa Nguyễn đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền, góp phần cùng với các quốc gia trong khu vực giải trừ nạn hải tặc, đem lại môi trường ổn định cho giao thương quốc tế đã khiến cho chính quyền Nhật Bản và các tập đoàn thương nhân khác phải có ý thức đầy đủ hơn về chủ quyền của Đàng Trong đồng thời nhìn nhận chính quyền này như là một chính thể mạnh trong khu vực.
Tuy nhiên, sau một thời kỳ hoạt động nhộn nhịp, đến những năm 1635-1639, vì nhiều nguyên nhân, chính quyền Tokugawa đã thực thi chính sách tỏa quốc (sakoku) không cho phép thuyền Châu ấn ra nước ngoài. Lập tức, giới Hoa thương đã chiếm lĩnh thị trường khu vực. Do thu được nhiều mối lợi từ thị trường Đàng Trong, nhiều Hoa thương Quảng Châu, Phúc Kiến, Hải Nam… đã trở thành những nhà kinh doanh lớn, giàu có. Trước tác động của chính sách tỏa quốc, cùng với thương nhân Hà Lan (và mức độ nào đó là thương nhân Đông Nam Á), giới Hoa thương đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với Việt Nam và thị trường Đông Nam Á(33).
Đối với các tập đoàn thương mại và thế lực phương Tây, chúa Nguyễn cũng luôn giành được quyền chủ động trong việc xử lý các vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế. Do có nguồn thông tin phong phú nên Phú Xuân luôn hiểu rõ được sức mạnh của từng tập đoàn thương nhân, công ty Đông Ấn, tham vọng của họ với Đàng Trong cũng như những bất đồng giữa các tập đoàn thương nhân và các quốc gia. Vì thế, chúa Nguyễn luôn tìm cách giữ cân bằng giữa các thế lực để vừa khai thác khả năng kinh tế, vừa hạn chế những tác động xấu về chính trị tránh biến Đàng Trong thành nơi tranh giành lợi ích, xung đột giữa các cường quốc phương Tây. Do vậy, mặc dù biết Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đã có quan hệ mật thiết với Đàng Ngoài nhưng trong những thời điểm nhất định chúa Nguyễn vẫn cho tàu Hà Lan được tiếp tục đến Hội An. Bên cạnh đó, tuy có quan hệ tương đối mật thiết với Bồ Đào Nha để mua được vũ khí và tranh thủ nguồn hàng từ Trung Quốc nhưng chúa Nguyễn cũng không để cho thương nhân nước này có thể chiếm độc quyền trong thương mại. Trên thực tế, một chính sách cân bằng quyền lực, hay trung lập hóa các mối quan hệ đã được áp dụng. Theo C.Borri thì chúa Nguyễn đã chuẩn bị rất kỹ các bến đậu tàu ở dọc bờ biển cũng như ở vùng cửa sông Thu Bồn cho các thương nhân phương Tây. Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong viết năm 1621 ông nhận xét: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ”. Tác giả cũng cho biết thêm: “Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ hãi một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa. Ông này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán trong nước”(34).
Do vậy, mặc dù không phải không có những mâu thuẫn, bất bình với không ít thương nhân, nhà truyền giáo nhưng vì những lợi ích thương mại cũng như nhu cầu hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, văn minh phương Tây mà chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho người Âu tiếp tục đến Đàng Trong. Trong không ít trường hợp tài năng của họ đã được trọng dụng(35).
Song song với các biện pháp trên, để khẳng định chủ quyền và bảo vệ những lợi ích kinh tế, chính quyền Đàng Trong đã lập ra Ty tàu vụ để theo dõi và thu thuế xuất nhập khẩu đối với các tàu, thuyền buôn ngoại quốc. Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã cho biết những thông tin cụ thể về mức thuế đối với tàu thuyền buôn các nước. Trên cơ sở trọng tải thuyền và lượng hàng, chủng loại hàng xuất nhập mà Ty tàu vụ đánh thuế với từng loại tàu thuyền. Nhưng cũng có thể khẳng định rằng thông qua chế độ thuế quan, chúa Nguyễn cũng muốn bày tỏ sự ưu ái đối với thương nhân một số nước(36). Điều quan trọng là, tất cả các thương nhân, chủ tàu thuyền ngoại quốc đều tuân thủ chế độ thuế quan, sự kiểm soát ngoại thương của chúa Nguyễn và đều tiếp tục muốn cho thuyền đến Đàng Trong. Trong hơn 2 thế kỷ, mặc dù Hội An là điểm đến của đồng thời nhiều thương nhân trong nước, khu vực và phương Tây nhưng ở đây đã không diễn ra một cuộc xung đột hay “chiến tranh kinh tế” lớn nào. Từ đó, chúng ta có thể luận suy về uy lực và năng lực điều hành, quản lý cảng thị này của chính quyền Phú Xuân cũng như của dinh trấn Quảng Nam. Một chính sách khai mở, đa phương hóa quan hệ và thực thi chế độ thuế quan nghiêm cẩn… đã đem lại sức mạnh thực tế cho chúa Nguyễn. Mặc dù phải đương đầu với những áp lực chính trị từ nhiều phía và biết bao thủ đoạn buôn lậu, trốn thuế của các thương nhân ngoại quốc nhưng chính quyền Đàng Trong đã thực thi quyền lực của mình với một ý thức dân tộc mạnh mẽ và bảo vệ trọn vẹn chủ quyền kinh tế, chính trị.
4. Kết luận
- Trong lịch sử, hệ thống giao thương giữa các quốc gia Đông Á đã được thiết lập rất sớm. Khởi đầu từ thời Hán, trở thành hệ thống “liên thế giới” thời Đường và phát triển hưng thịnh dưới các thời Tống, Minh, Thanh (1644-1910) bằng nhiều cách và mức độ khác nhau, hầu hết các quốc gia khu vực đã dự nhập vào hệ thống giao thương Đông Á. Hệ quả là, các mối quan hệ đa dạng, đa chiều đó không chỉ đã thúc đẩy sức tăng trưởng kinh tế, mở rộng tầm kiến văn của mỗi quốc gia mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển chung của toàn thể khu vực. Điều đó cũng cho thấy, trước khi có sự hiện diện của các đoàn thuyền buôn phương Tây và hệ thống giao thương Đông - Tây được thiết lập thì ở Đông Á đã hình thành nên một hệ thống và truyền thống giao thương, giao lưu văn hóa, bang giao theo những cách thức, nguyên tắc riêng biệt. Di sản của mối quan hệ này rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của nhiều quốc gia trong những giai đoạn sau.
- Trong khi coi trọng vai trò của các trung tâm kinh tế truyền thống như Trung Quốc và những tác động không nhỏ của nền kinh tế Ấn Độ, Tây Á đến sự phát triển của khu vực Đông Á thì cũng không thể quên rằng chính mối quan hệ nội tại trong bản thân mỗi quốc gia cũng như mối quan hệ liên quốc gia tức giữa các vùng và tiểu vùng luôn có ý nghĩa quan trọng. Trên thực tế, các mối quan hệ đó đã tạo nên sức mạnh nội sinh, năng lực ứng đối, đón nhận và chuyển hóa các tác nhân kinh tế, xã hội từ bên ngoài. Nguyên tắc vận động mang tính quy luật đó được thể hiện khá rõ trong hầu hết các nền kinh tế Đông Á trước thời đại mở cửa. Hệ quả là, không chỉ với Hội An hay Đàng Trong, ở khu vực Đông Á cũng đã xuất hiện nhiều thương cảng mới. Cùng với các loại hình thành thị chính trị và quân sự truyền thống, đã hình thành nên một loại hình hay mô hình đô thị mới, có thể gọi đó là các cảng thị (city-ports). Vào thế kỷ XVI-XVIII, không ít cảng thị đã có thể đạt đến sự phát triển tương đối độc lập, thực thi cơ chế tự quản. Nhiều cảng thị đã đóng vai trò trung tâm, cửa ngõ và là huyết mạch kinh tế của quốc gia. Do vậy, trong nền kinh tế của nhiều quốc gia Đông Á, vào các thế kỷ XVI-XVIII, kinh tế thương nghiệp trong đó có ngoại thương đã chiếm một tỷ trọng đáng kể, thậm chí có thể coi là ngành kinh tế chủ đạo. Do vậy, trong nhận thức về bản chất và cấu trúc kinh tế - xã hội của nhiều dân tộc phương Đông chúng ta không thể coi đó là các Xã hội thuần nông hay Thể chế nông nghiệp (Agricultural polities). Điều đó cũng có nghĩa rằng, sự vận động của những mầm mống kinh tế tư bản, của nền kinh tế hàng hóa đã hình thành và dung chứa ngay trong chính xã hội đó, chuẩn bị những điều kiện nhất định cho sự tiến triển của nền kinh tế hàng hóa cũng như của các ngành sản xuất công nghiệp hiện đại giai đoạn sau.
- Với Đàng Trong, sự hưng thịnh của kinh tế ngoại thương đã đem đến một diện mạo mới và sức mạnh thực sự cho chính quyền Nguyễn. Hơn thế, việc lựa chọn kinh tế thương nghiệp như nền tảng kinh tế chính yếu đã tạo nên cho Đàng Trong một mô hình phát triển mới. Trên thực tế, dựa vào tiềm năng của kinh tế thương nghiệp, nhận thức được những bước chuyển của thời đại, chúa Nguyễn đã mạnh dạn đưa Đàng Trong dự nhập vào hệ thống kinh tế thế giới. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, Đàng Trong đã trở thành thể chế cường thịnh, một trung tâm thương mại lớn của khu vực Đông Nam Á. Hơn thế, thông qua quan hệ giao thương, các chúa Nguyễn còn xác lập được mối quan hệ hữu nghị, bang giao với nhiều quốc gia. Có thể nói, sự cường thịnh của Hội An trong các thế kỷ XVI-XVIII là sự hội tụ của đồng thời bốn nhân tố: 1. Vị trí địa lý thuận lợi; 2. Tiềm năng kinh tế phong phú; 3. Chủ trương, chính sách đúng, tích cực, hợp thời; Và, 4. Môi trường kinh tế khu vực, quốc tế thuận lợi. Thiếu một trong bốn nhân tố đó Hội An không thể phát triển thậm chí sẽ mau chóng suy tàn. Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng, do ở vào thế chính trị đối lập với Đàng Ngoài và chịu sức ép nhiều mặt từ các quốc gia láng giềng khu vực cùng sự biến đổi của tình hình chính trị, kinh tế quốc tế, Đàng Trong đã vươn lên, phát triển binh lực và xây dựng một chính thể mạnh. Mối quan hệ giao thương phát triển và những dấu ấn văn hóa ngưng kết ở Đàng Trong chính là hệ quả của những tác nhân kinh tế, chính trị, đa chiều đó. Trong quan hệ với không ít quốc gia, kinh tế đã đi trước một bước mở đường cho quan hệ bang giao.
- Về xã hội và kinh tế, trước tác động của các mối giao lưu quốc tế rộng lớn và do sức phát triển, sức hút của kinh tế ngoại thương, trong xã hội cũng xuất hiện một số tầng lớp mới giàu lên nhanh chóng. Điều đáng chú ý là, không chỉ giới doanh thương mà đội ngũ quan lại, viên chức trong thể chế quân chủ quan liêu là những người giành được nhiều quyền lợi nhất từ các mối quan hệ đối ngoại. Điều đó cho thấy “tính chất phương Đông” của kinh tế Việt Nam và không ít quốc gia Đông Á. Trên thực tế, sự hiện diện của tầng lớp quan liêu vừa là sự dung dưỡng cho các hoạt động kinh tế vừa có thể làm suy thoái, thậm chí triệt tiêu nền kinh tế ngoại thương. Bên cạnh đó, trước những biến đổi của thời cuộc, từ thế kỷ XVI-XVII trong xã hội cũng bắt đầu xuất hiện những quan niệm, giá trị, tư tưởng và tôn giáo mới. Trong các hoạt động kinh tế cũng đã xuất hiện một số lĩnh vực kinh doanh và sản xuất mới phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, tiêu dùng của cư dân, thương nhân ngoại quốc. Điều quan trọng là, nhiều sản phẩm vốn chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa thì nay đã được “quốc tế hóa” và bán với giá cao trên thương trường. Sự chuyển hóa sản phẩm tiêu dùng trong nước thành sản phẩm xuất khẩu đã tạo ra tác nhân kích thích sự tăng trưởng đồng thời đem lại sức sống mới cho nhiều ngành kinh tế. Thêm vào đó, dựa trên các mối quan hệ truyền thống và do sức hấp dẫn của lợi ích thương mại, đến cuối thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX các thương nhân người Việt vẫn hoạt động rất tích cực trong nhiều thị trường khu vực(37). Khác với mối quan hệ chính trị đôi khi trở nên hết sức căng thẳng giữa các quốc gia, như là những nhu cầu tất yếu của cuộc sống, quan hệ giao thương vẫn được duy trì và nối kết các nền kinh tế. Thương nhân người Việt, Siam, Java, Hoa, Ấn… cùng giới doanh thương phương Tây vẫn tiến hành buôn bán ở các thương cảng. Họ vẫn đưa hàng đến nơi đô hội và cả vùng núi cao để mua bán, trao đổi ngà voi, hồ tiêu, sừng tê, da hươu, gỗ quý, các nguồn lâm sản, gạo, muối, bạc, đồng và thiếc...
Như vậy, có thể nói trước khi các nước phương Tây dùng đại bác và chiến hạm buộc các quốc gia Đông Á phải mở cửa thì Hội An của xứ Cochinchina đã thực sự có một thời đại mở cửa. Điều đáng chú ý là, đó là sự mở cửa chủ động, tự nguyện. Quá trình mở cửa đó có nội dung và tính chất khác biệt căn bản với mở cửa cưỡng bức của thực dân Pháp khi nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858. Đà Nẵng là một thương cảng đồng thời là quân cảng quan trọng của triều Nguyễn (1802-1945), không xa Chiêm cảng - Hội An vốn từng là thương cảng lớn, “Quốc cảng” giàu tiềm năng nhất của vương quốc Champa cũng như của các chúa Nguyễn trong suốt nhiều thế kỷ.
NGUYỄN VĂN KIM
(PGS.TS, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cater J.Eckert - Ki-baik Lee - Young Ick Lew - Michael Robinson - Edward W.Wagner: Korea Old and New - A History, Inchokak Publishers, Harvard University Seoul, 1990, pp.3; and Keiji Imamura: Prehistoric Japan - New Perspectives on Insular East Asia, University of Tokyo, Tokyo 1996, pp.224.
2. Shigeru Ikuta: Role of Port Cities in Maritime Southeast Asia from the Second Century BC to the Early Nineteenth Century; in: Ancient Town of Hoi An, The Gioi Publishers, H., 2006, pp.232. Tham khảo thêm Wang Gungwu: The Nanhai Trade - The Early History of Chinese Trade in the South China Sea, Times Accademic Press, 1998. Gần đây, khi khai quật khu lăng mộ Triệu Hồ ở Quảng Châu các nhà khảo cổ học đã tìm được một số hiện vật có nguồn gốc từ Tây Á.
3. Kenneth R. Hall: Maritime Trade and Development in Early Sotheast Asia, University of Hawaii Press, Honolulu, 1985. Xem Sakurai Yumio: Thử phác dựng cấu trúc lịch sử Đông Nam Á thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 1999, tr.37-55.
4. Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1993, tr.317.
5. Momoki Shiro: Chămpa chỉ là một thể chế biển? (Những ghi chép về nông nghiệp và ngành nghề trong các tư liệu Trung Quốc), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 1999, tr.43-48.
Trong công trình Le Royaume du Champa, nhà nghiên cứu người Pháp G.Maspéro đã có những mô tả về trầm hương sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng của Champa. Theo ông: “người ta chất đống gỗ trầm và để cho nó mục ra, sau thời gian mấy năm chỉ còn lại cái lõi, đem bỏ vào nước thì chìm ngay, vì thế gọi là trầm hương”, G.Maspéro: Le Royaume du Champa, Bruxelles, 1928, pp.34.
6. Trần Quốc Vượng: Mấy nét khái quát lịch sử cổ xưa về cái nhìn về biển của Việt Nam; trong: Biển với người Việt cổ, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1991, tr.20.
7. Đỗ Trường Giang: Sự chuyển hóa từ thương cảng Chăm sang cảng Việt (trường hợp Thi Nại - Nước Mặn), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 8, 2008.
8. Nguyễn Văn Kim - Nguyễn Mạnh Dũng: Về truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt: Thực tế lịch sử và nhận thức; trong: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế Giới, 2007.
9. Trần Quốc Vượng: Vị thế địa - lịch sử và bản sắc địa - văn hóa của Hội An; trong: Đô thị cổ Hội An, Nxb. Thế Giới, H., 1991, tr. 59 & 61.
10. Tạ Chí Đại Trường: Thần, Người và Đất Việt, Nxb. Văn Nghệ, 1988, tr.219.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb. Giáo Dục, H., 2002, tr.28.
12. Từ năm 1627-1672 quân Trịnh đã 6 lần tấn công vào Nam: 1627, 1633, 1643, 1648, 1661 và 1672. Năm 1655 quân chúa Nguyễn tấn công ra Đàng Ngoài, chiếm đến bờ Nam sông Lam, 5 năm sau mới chịu rút quân về. Trên thực tế, một số chúa Nguyễn cũng đã từng có ý định tấn công ra Đàng Ngoài. Năm 1716, Nguyễn Phúc Chu đã từng cử một số Hoa kiều thân tín ra Thăng Long thăm dò nhưng thấy “Trung triều cường thịnh, mưu bèn thôi”, Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, tr.65. Xem Nguyễn Văn Kim: Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6(362), 2006, tr.19-35.
13. Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc chúa Nguyễn chú trọng xây dựng binh lực mạnh trong đó có hải quân là nhằm để đương đầu với thế lực của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nhưng, chắc chắn chúa Nguyễn còn muốn thông qua việc xây dựng hải binh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải đặc biệt là các cảng kinh tế đối ngoại như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn… và các đảo như Cù Lao Chàm, Côn Đảo... Xem C.R.Boxer: Portuguese Conquest and Commerce in Southern Asia, 1500-1750, Variorum Reprints, London, 1985, pp.167.
14. Kết quả khảo sát của các chuyên gia địa chất - địa mạo, khảo cổ học và sử học Việt Nam – Nhật Bản thuộc Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN và Trường Đại học Chiêu Hòa trong các mùa điền dã năm 1997-1999 cho thấy ở vùng Thanh Chiếm còn vết tích khá rõ của một vịnh biển rộng, nước sâu. Kết hợp với một số nguồn sử liệu khác chúng tôi cho rằng nhiều khả năng đây chính là căn cứ hải quân của chúa Nguyễn.
15. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, tr.50.
16. Andre Gunder Frank: ReOrient: Global Economy in the Asian Age, University of California Press, 1998, pp.98; and John K.Whitmore: Vietnam and the Monetary Flow of Eastern Asia, Thirteenth to Eighteenth Centuries; in: Precious Metals in the Late Medieval and Early Modern Worlds, edited by J.F.Richards. Durham, N.C.: Carolina Academic Press, 1983, pp.380 & 388.
17. Charles Wheeler: One Region, Two Histories - Cham Precedents in the History of the Hội An Region; in: Nhung Tuyet Tran and Anthony J.S. Reid: Việt Nam Boderless Histories, The University of Wisconsin Press, 2006, pp.169.
18. Anthony Reid: Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680, Yale University, New Haven and London, 1988. Có thể tham khảo thêm: Li Tana - Anthony Reid: Southern Vietnam under the Nguyen - Documents on the Economic History of Cochinchina (Đàng Trong) 1602-1777, Australia National University - Institute of Sotheast Asian Studies, Singapore, 1993.
19. Li Tana: Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb. Trẻ, Tp HCM, 1987. Có thể tham khảo thêm Phan Khoang: Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, 2001.
20. Geoff Wade: The Zheng He Voyages: A Reassessment; Asia Research Institute, Working Paper Series, No.31, October, 2004; Dương Văn Huy: Những đợt thám hiểm của Trịnh Hòa đến Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (77), 2006.
21. Trần Quốc Vượng: Mấy nét khái quát lịch sử cổ xưa về cái nhìn về biển của Việt Nam; trong: Biển với người Việt cổ, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1991, tr.20.
22. Cristophoro Borri: Xứ Đàng Trong, Nxb. Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2003, tr.90.
23. Theo P.Y.Manguin thì năm 1516 Bồ Đào Nha đã cho thuyền đến cảng Champa, năm 1623 đã chính thức cử thuyền đến cảng Champa nhưng theo A.Lamb thì quan hệ này không đều đặn. Từ năm 1540 trở đi người Bồ đến Faifo một cách thường xuyên, thậm chí một số người Bồ còn sống lâu dài ở thương cảng này. Xem Pierre-Yves Manguin: Les Portuguese sur les cotes du Vietnam et du Campa, Ecole Fraicaise d’Extrême-Orient, Paris, 1972, pp.3; và, Alastair Lamb: The Mandarin Road to Old Hue, Clarke, Irwin & Co.Ltd, Toronto, 1970, pp.19.
24. Các thương nhân Anh đã đến giao thiệp với Đàng Trong từ năm 1613 sau đó tập trung xây dựng thương điếm ở Côn Đảo. Tàu Hà Lan đến Đàng Trong các năm 1613 và 1617, đến năm 1633 thiết lập một thương quá ở Hội An với tham vọng mua tơ lụa ở đây để đưa sang Nhật Bản nhưng đã vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của thương nhân Nhật. Bên cạnh đó họ còn bị nghi kỵ của chúa Nguyễn trong mối liên hệ với Đàng Ngoài. Đến năm 1654, người Hà đã rút khỏi Hội An để tập trung ra Đàng Ngoài và hoạt động liên tục trong 63 năm (1637-1700). Trong các thương nhân phương Tây, Bồ Đào Nha được chúa Nguyễn dành cho nhiều ưu ái. Trong thời gian 650-1651 mỗi năm có 4-5 tàu từ Macao đến Đàng Trong. Các thuyền này có thể chở 300 tấn hàng, trị giá 100.000 lạng bạc.
25. Sakurai Yumio: Thử phác dựng cấu trúc lịch sử Đông Nam Á thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 1999, tr.37-55.
26. Allastair Lamb: The Madarin Road to Old Hue, Sđd, pp.52.
27. M.J. Buch: Oost-Indische Compagnie en Quinam, Amsterdam, H.J. Paris, 1929.
28. Choi Byung Wook: The Nguyen Dynasty’s Policy toward Chinese on the Water Frontier in the First Half of the Nineteenth Century; in: Nola Cooke and Li Tana (Ed.): Water Frontier - Commercial and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880, Rowman & Littlefield Publishers, INC, Singapore University Press, 2004, pp.85-100.
29. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Iwao Seiichi cho rằng năm 1578, wako (hải tặc Nhật Bản) đã đến hải ph