Trang chủ

GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ Ở VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN-NGHIÊN CỨU SO SÁNH

Đăng ngày: 14-05-2013, 02:09 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 3

Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật con người ngày càng tạo ra những biến đổi to lớn của giới tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, những biến đổi này đang đặt con người trước nguy cơ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề môi trường như: ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu, sự nóng lên của trái đất, bệnh dịch, núi lửa, sóng thần….  Trước thực tế có thể đe doạ đến sự sinh tồn của loài người, các quốc gia trên thế giới nói chung, Nhật Bản và Việt Nam nói riêng đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế và đối phó với chúng. Giáo dục môi trường là một trong những biện pháp hữu hiệu được cả hai quốc gia đặc biệt quan tâm. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục Việt Nam cho rằng việc giáo dục môi trường cho học sinh trung học cơ sở ở nước ta còn nhiều bất cập nhất là về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy.... Trong khi đó giáo dục môi trường ở Nhật Bản đã  được triển khai từ lâu và có rất nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể vận dụng.

Bài viết này tập trung bào tìm hiểu, phân tích hiện trạng giáo dục môi trường tại các trường trung học cơ sở Việt Nam và Nhật Bản, từ đó nêu ra những gợi ý nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục môi trường cho học sinh trung học cơ sở của Việt Nam.

1. Thực trạng giáo dục  môi trường tại các trường trung học cơ sở ở Nhật Bản và Việt Nam

Phần này sẽ trả lời cho các câu hỏi: giáo dục môi trường tại các trường trung học cơ sở ở Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây diễn ra như thế nào? hiệu quả của nó đến đâu? thành công và những thất bại, nguyên nhân... Những vấn đề gì đặt ra hiện nay cho giáo dục môi trường ở cả 2 nước?

Như đã biết, ngay từ thập kỷ 70, giáo dục môi trường đã được đưa vào hệ thống trung học phổ thông ở nhiều nước như Mỹ, Mehicô, Liên Xô cũ. Những chủ đề môi trường  được lồng ghép vào các môn học có liên quan đến môi trường như: sinh học, địa lý, hoá học, giáo dục công dân, đạo đức, thẩm mỹ…. Trong các nước ASEAN, Brunei, Indonexia, Thái Lan là những nước đưa giáo dục môi trường một cách có hệ thống vào các bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, còn lại chủ yếu là lồng ghép vào các môn học truyền thống về tự nhiên và xã hội. Ở Việt Nam, giáo dục môi trường được đưa vào theo phương thức thứ hai, tức lồng ghép với các môn học tự nhiên và xã hội.

Để đưa giáo dục môi trường vào trường học, cần phải xác định các vấn đề môi trường gay cấn cần được ưu tiên giải quyết ở mỗi quốc gia rồi đưa khối kiến thức này vào giáo dục môi trường. Ví dụ ở Inđônexia, Thái Lan, Phillipin, Việt Nam… nạn phá rừng được đề cập đến nhiều trong khi đó ở Nhật Bản, Brunei, Singapo, Indonexia, Thái Lan lại là vấn đề chất thải rắn, chất thải sinh hoạt…

1.1. Thực trạng giáo dục môi trường tại các trường trung học cơ sở ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản, trong suốt thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao (những năm 1960) giáo dục môi trường ở các cấp học nói chung và giáo dục môi trường cho học sinh trung học cơ sở nói riêng được bắt đầu bằng việc giáo dục chống ô nhiễm môi trường và  bảo vệ môi trường tự nhiên. Đến nửa cuối những năm 1980, người Nhật bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường đối với cuộc sống của con người. Họ bắt đầu thực sự quan tâm tới bảo vệ môi trường và lúc này giáo dục môi trường mới thực sự có chỗ đứng trong nền giáo dục của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản coi việc thúc đẩy giáo dục môi trường, nhất là cho lứa tuổi học đường là nhiệm vụ quan trọng. Giáo dục môi trường không chỉ cung cấp các kiến thức cần thiết về môi trường cho mọi người, mà nó còn tạo cơ hội cho con người biết sống hoà hợp với môi trường. Minh chứng cụ thể nhất là năm 1993 Luật môi trường cơ bản được ban hành trong đó có một chương đề cập tới vần đề thúc đẩy giáo dục môi trường. Cụ thể là, khuyến khích các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu về môi trường và yêu cầu mỗi cá nhân cần tham gia tích cực vào quá trình giáo dục môi trường. Giáo dục về môi trường được thực hiện theo hình thức “học suốt đời” kể từ khi cắp sách đến trường, cho đến lúc lớn lên và cả khi đã ở tuổi già. Cách thức giáo dục về môi trường cũng rất phong phú và đa dạng như học ở trường, ở nhà, ở cộng đồng và ở nơi làm việc. Người ta khuyến cáo rằng, để giải quyết vấn đề môi trường ở Nhật Bản, điều vô cùng quan trọng là mỗi người phải tự giác nâng cao ý thức tự học tập và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Các thầy cô giáo, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách … là những người có nhận thức sớm, rõ ràng về vấn đề này. Vì vậy họ đã cùng nhau thành lập  tổ chức chuyên nghiên cứu về việc xã hội hoá giáo dục môi trường ở Nhật Bản vào năm 1989 (The Japanese Society of Environmental Education). Cũng trong thời gian đó, các hiệp hội giáo dục và các tổ chức giáo dục phi chính phủ NGO khác cũng được thành lập. Nhờ đó việc giáo dục môi trường đã được triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở Nhật Bản.

Mục đích của giáo dục môi trường cho học sinh nói chung và học sinh trung học cơ sở của Nhật Bản nói riêng nhằm: (1) Để học sinh có được các kiến thức chung về môi trường, vai trò của nó đối với cuộc sống con người (2) Thúc đẩy sự hiểu biết toàn diện của học sinh về các mối quan hệ between human activities and environment giữa hoạt động của con người và môi trường ③ To get students skills and thinking and judging powers to approach desirable (3) Giúp học sinh có kỹ năng và ứng xử  thân thiện với môi trường.

Từ những năm 1990 đến nay, các hoạt động giáo dục môi trường diễn ra khá đa dạng. Năm 1991, Bộ Giáo dục, Khoa học, Thể thao và Du lịch Nhật Bản đã xây dựng thành công cuốn hướng dẫn giáo dục môi trường. Mục đích của việc ra đời cuốn sách này nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường cho các học sinh ở các bậc học phổ thông của Nhật Bản. Bên cạnh đó, Bộ còn tổ chức các chương trình hướng dẫn các giáo viên cách hướng học sinh vào các hoạt động “thân thiện với môi trường”. Hệ thống thông tin trao đổi giữa các trường cũng được đề cao và mở rộng. Tại các trường bồi dưỡng cho giáo viên sư phạm người ta cũng đưa vào chương trình nghiên cứu về giáo dục môi trường. Ở đó, giáo viên có thể tiến hành tìm hiểu, thảo luận về các ý tưởng, các chủ đề liên quan giữa xã hội và môi trường.

Như đã biết, hiện nay bậc trung học cơ sở ở Nhật Bản bắt đầu từ lớp 7 đến lớp 9 (hệ 3 năm). Giáo dục môi trường ở bậc học này được lồng ghép vào các môn học như khoa học, địa lý, sinh học, xã hội học…. và được các em hưởng ứng nhiệt tình. Theo đánh giá của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo Nhật giáo dục môi trường được các em quan tâm trước hết do nội dung này được lồng ghép rất hợp lý trong các môn học, phù hợp với lứa tuổi. Giáo viên được tập huấn rất kỹ lưỡng về nội dung và phương pháp giáo dục môi trường. Điều cần nhấn mạnh là họ được phép lựa chọn thời gian và chủ đề môi trường phù hợp với môn học để truyền đạt cho học sinh. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học nội dung này tương đối đầy đủ. Học sinh được tiếp cận với các tài liệu, sách báo hướng dẫn miễn phí tại các trường. Ngoài việc nhà trường tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại thực tế cho học sinh các tổ chức phi chính phủ ở Nhật Bản cũng tham gia đắc lực vào hoạt động này.  Đã có một số trường trung học cơ sở của Nhật Bản gửi học sinh sang Việt Nam thăm quan và tìm hiểu thêm về môi trường trong những năm gần đây.

Điều cần lưu ý là, tại Nhật Bản người ta xây dựng câu lạc bộ môi trường dành riêng cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (Junior-Eco-Club). Hàng năm câu lạc bộ đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các em học sinh. Theo ước tính của các nhà quản lý năm 1999 có khoảng 70.000 đến năm 2007 con số này đã tăng lên khoảng 167.466 em tham gia vào câu lạc bộ([1]). Nhờ nguồn hỗ trợ tài chính của chính phủ và chính quyền địa phương, cứ vào dịp cuối năm câu lạc bộ lại tổ chức lễ hội về giáo dục môi trường dành cho tất cả những thành viên tham gia.

Ngoài ra các em học sinh trung học còn được tham gia vào các hội thảo về môi trường do các tổ chức, công ty, các trường đại học…. tổ chức. Các em được gửi các bài viết cũng như được trình bày suy nghĩ của mình về chủ đề này tại các hội thảo. Ví dụ trường Đại học Tottori đã tổ chức buổi toạ đàm về môi trường cho 1423 em học sinh trung học cơ sở đến từ 22 tỉnh thành phố của Nhật Bản vào tháng 12 năm 2008 vừa qua([2]). Thậm chí một số trường trung học cơ sở còn mời cả các chuyên gia về môi trường của các viện, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ, công ty đến thuyết trình về vấn đề này. Ví dụ trường trung học cơ sở Masugata, thành phố Kawasaki thuộc tỉnh Kanagawa đã mời chuyên gia về năng lượng đến giảng và hướng dẫn về cách sử dụng năng lượng cho học sinh. Trường còn đăng ký bản tin giáo dục môi trường của thành phố phát bằng loa truyền thanh

Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cùng với những nỗ lực mang tính hành chính, giáo dục môi trường cộng đồng đã được thực hiện một cách rộng rãi ở Nhật từ những năm 1990 đến nay. Chính quyền tại các địa phương cũng triển khai nhiều kế hoạch đẩy mạnh giáo dục môi trường như thành lập các trung tâm giáo dục môi trường, xây dựng chương trình giáo dục cho thế thệ trẻ đặc biệt là học sinh trung học cơ sở- những người lãnh đạo tương lai, phổ cập giáo dục môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, hoạt động tự nguyện bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức doanh nghiệp, chính quyền địa phương được phát huy một cách hiệu quả. Họ sẵn sàng ủng hộ tài chính cho các chương trình giáo dục môi trường hay tham gia nhiệt tình vào phong trào thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Một minh chứng có thể kể đến đó là nỗ lực nâng cao nhận thức về môi trường cho học sinh phổ thông cơ do công ty Shap tiến hành từ năm 2006. Công ty này đã tập hợp một số lượng lớn học sinh từ 50 trường trung học trên cả nước cùng tham gia học tập về các vấn đề môi trường hiện nay: sự nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường, vấn đề rác thải…. Sau khi kết thúc chương trình học họ đã nhận được trên 400 bức thư từ các em học sinh và thầy cô giáo tại các trường này. Những bức thư chủ yếu nói lên cảm nghĩ của các em khi tham gia khoá học, các em muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa để bảo vệ môi trường([3]).

Công tác truyền thông, giáo dục  môi trường cũng được chính phủ và chính quyền địa phương rất quan tâm đây cũng là một nội dung quan trọng của chương trình giáo dục môi trường cho học sinh trung học cơ sở ở nước này. Hàng năm ở Nhật người ta tổ chức rầm rộ ngày môi trường trên khắp đất nước; trao giải thưởng môi trường cho tập thể, cá nhân, học sinh… ví dụ giải thưởng về giáo dục năng lượng của tờ báo Denki Shimbun đã trao cho 55 trường trung học cơ sở kể từ năm 2006 đến nay; phát động phong trào sử dụng giấy tái chế, phong trào tiêu thụ xanh; phong trào sử dụng giấy bao gói cũ....v.v. phong trào này cũng được đưa vào chương trình ngoại khoá của học sinh trung học cơ sở. Có thể nói, ở  Nhật Bản việc giáo dục lý thuyết kết hợp với hoạt động thực tiễn cho học sinh cơ sở là một trong những phương pháp giáo dục môi trường có hiệu quả và là bài học kinh nghiệm quý cho Việt Nam.

1.2. Thực trạng giáo dục môi trường tại các trường trung học cơ sở ở Việt Nam

Giáo dục môi trường là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của chính phủ Việt Nam, thể hiện qua một số văn vản của  nhà nước như Luật Bảo vệ môi trường 1993 được sửa đổi và thông qua năm 1998, Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25-6-1998, Quyết định 1363 QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung giáo dục môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân năm 2001…

Ở Việt Nam, hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học phát triển tương đối rộng khắp ở mọi vùng miền với nhiều hình thức đa dạng. Cho đến nay, số lượng các trường trung học cơ sở ở Việt Nam khoảng 9.041 trường với 8.980 trường công lập còn lại là các trường tư thục; số lượng học sinh trong bậc học này khoảng 6.100.000 học sinh([4]) chiếm 22,5% tổng dân số. Học sinh các trường trung học cơ sở ở Việt Nam có độ tuổi trung bình từ 10 đến 16 tuổi và các em phải trải qua 4 lần chuyển lớp thì mới kết thúc bậc học này.

Một vài năm gần đây tại các nhà trường THCS giáo dục môi trường đã được các trường quan tâm và có sự chỉ đạo tương đối rõ ràng. Hầu hết các tỉnh đã hoàn thành kế hoạch hành động giáo dục môi trường đến năm 2010.

Tại các trường, trước năm 2007 GDMT được đưa vào với thời lượng 1 tiết/1 tuần với học sinh tiểu học, 2 tiết/tuần với học sinh THCS bao gồm cả thời gian ngoại khoá. Tuy nhiên yêu cầu giáo dục với môn học này chưa cao và chưa được thực hiện đồng bộ ở tất cả các trường học.

Từ năm 2007 đến nay thực hiện nghị quyết của chính phủ giáo dục môi trường được đưa vào chương trình học theo kiểu lồng ghép thuộc các môn sinh học, giáo dục công dân, địa lý, công nghệ ở các lớp 6 (giáo dục công dân, sinh học), lớp 7 (địa lý, công nghệ, giáo dục công dân), lớp 9 (sinh học).  Ngoài ra, GDMT cũng được lồng ghép vào một số môn học chính như là những ví dụ minh hoạ hay những bài tập thực hành. Nhiều chủ đề môi trường đã được giáo viên chủ nhiệm hoặc tổng phụ trách triển khai thực hiện theo các hoạt động ngoại khoá như: sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt đội, biểu diễn văn nghệ, thi vẽ tranh, các cuộc thi tìm hiểu về môi trường (ở đây phải kể đến cuộc thi vẽ tranh do đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khởi xướng)....

Nhiều trường trung học cơ sở còn có kế hoạch  xây dựng trường xanh - sạch - đẹp theo từng năm. Mỗi năm tập trung làm một số việc. Ví dụ năm đầu tường tập trung cho việc xanh hoá, học sinh và phụ huynh được huy động trồng cây. Năm tiếp theo tập trung vào trang trí trường lớp.

Học sinh trong trường được học và thực hành các bài học liên quan đến thực hành tiết kiệm như: tiết kiệm điện, nước, giấy vở, đồ dùng học sinh, thu gom phế thải tái chế, thi tìm hiểu về cây thuốc địa phương….Ví dụ như trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong- Hải Phòng, các trường Trung học cơ sở của Thừa Thiên Huế, các trường Trung học cơ sở tỉnh Hải Dương….

Ở một số trường còn tổ chức đồng loạt học tập các chủ đề môi trường vào tháng 4 hàng năm. Các thầy cô giáo thì đăng ký giảng dạy những tiết giáo dục môi trường xuất sắc nhất. Học sinh đẩy mạnh các hoạt động ngoài giờ về bảo vệ môi trường như thi hát, vẽ, sáng tác và biểu diễn tiểu phẩm về chủ đề này. Tại địa phương các em tham gia vào các chương trình làm sạch đường phố, thôn xóm, thu rác thải…..Điển hình là các trường Trung học cơ sở tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh….và những phong trào này nhận đươc sự quan tâm của bậc phụ huynh.

Đối với những trường học ở các địa bàn miền núi xa xôi giáo dục môi trường được tiến hành từng bước cùng với các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục trong và ngoài nước

Bên cạnh những thành công đạt được, giáo dục môi trường cho học sinh cơ sở tại Việt Nam còn bộc lộ những điểm yếu. Một vài tỉnh chưa hoàn thành bản kế hoạch hành động về giáo dục môi trường do thiếu sự thống nhất của 3 cơ quan Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Tài nguyên Môi trường, Tỉnh Đoàn thanh niên. Việc chỉ đạo giáo dục môi trường đôi khi còn thiếu sát sao, cụ thể. Lãnh đạo một vài trường chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Đội ngũ cán bộ giảng dạy còn yếu về chuyên môn, hiểu biết về môi trường. Tài liệu giảng dạy thiếu, kinh phí cho giảng dạy còn hạn hẹp…….

Khác với Nhật Bản, tại nhiều trường trung học cơ sở ở Việt Nam vẫn chưa coi trọng vấn đề giáo dục môi trường cho học sinh. Họ coi đây là những môn học phụ, không quan trọng. Học sinh và thầy, cô có thể giảng, học qua loa, đại khái. Thậm chí một số trường còn để học sinh tự tìm hiểu bài học đó ở nhà mà không có kiểm tra hay đôn đốc các em.  Tại một số trường cán bộ quản lý và giáo viên trong trường chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về giáo dục môi trường. Ban giám hiệu chưa có sự chỉ đạo rõ ràng và thống nhất cũng như sự quan tâm thoả đáng đối với việc đưa nội dung giáo dục môi trường vào giảng dạy. Nói cách khác, hoạt động giáo dục môi trường chưa nằm trong kế hoạch của các tổ chuyên môn, tổ chủ nhiệm. Trong khi đó, giáo viên những người trực tiếp triển khai lại thực hiện theo kinh nghiệm, theo khả năng của mình. Các hoạt động chủ yếu mang tính bề nổi, chưa đảm bảo chiều sâu và hiệu quả giáo dục.

Điều bất cập rõ rệt nhất là, nhiều giáo viên còn lúng túng trong việc xác định mục tiêu của giáo dục môi trường. Giáo viên gặp khó khăn trong việc lựa chọn và xác định mục tiêu đúng và phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với điều kiện thực hiện. Vì vậy họ tỏ ra lúng túng khi thiết kế chương trình và kế hoạch hoạt động cũng như thực hiện các hoạt động đó.

Thiếu kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Mặc dù được trang bị về kiến thức về môi trường song việc tổ chức cho học sinh tham quan về môi trường đặc biệt là những địa điểm bị ô nhiễm rất ít được các trường quan tâm tới. Vì vậy mà hiệu quả của giáo dục còn chưa cao. Một số trường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại nhưng mục đích của chuyến dã ngoại lại không được xác định rõ ràng và chi tiết.  Việc lựa chọn hình thức tổ chức, nội dung cho các hoạt động còn đơn điệu, hay có khi lại quá cầu kỳ, không phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học. Trên thực tế, nhiều hoạt động giáo dục môi trường còn quá chung chung, không có mục tiêu cụ thể, đề cập đến vấn đề môi trường rộng lớn, không phù hợp với thực tế, do đó hiệu quả thường không cao.

Ngoài ra hoạt động giáo dục môi trường còn thiếu sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Thiếu sự tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản. Thiếu tài liệu, công cụ, phòng thí nghiệm, phương tiện nghe nhìn, các trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho giáo dục môi trường tại các trường trung học cơ sở…..

Nguyên nhân chính của thực trạng trên là xuất phát từ việc thiếu kiến thức tài chính cũng như kỹ năng cần thiết về công tác giáo dục nói chung và giáo dục môi trường nói riêng. Mặc dù, kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục môi trường đã nhấn mạnh đến việc đưa nội dung này hệ thống giáo dục quốc dân, song việc triển khai trong thực tế còn gặp nhiều rào cản, trong đó khó khăn lớn nhất chính là năng lực và trình độ của đội ngũ giáo viên. Điều này đòi hỏi phải có những biện pháp và sáng kiến để tháo gỡ[5].

2. Giải pháp thúc đẩy giáo dục môi trường ở Việt Nam từ  kinh nghiệm của Nhật Bản

+ Những điểm tương đồng, khác biệt trong giáo dục môi trường ở Việt Nam và Nhật Bản:

Rõ nét nhất là tương đồng về cội nguồn văn hóa Á Đông; Cả hai nước đều ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Trung Hoa, của Khổng giáo. Bởi vậy, tâm lý nhìn người lại ngẫm đến ta, nhỏ nhẹ bảo nhau, tôn ti trật tự từ gia đình ra xã hội...v.v. trở thành nét văn hóa truyền thống và phổ biến. Điều này cho ta gợi ý rằng, những giải pháp gắn với truyền thông, giáo dục và hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường mà người Nhật Bản thực thi các trường Trung học cơ sở ở Việt Nam có thể áp dụng bởi nó dễ đi vào lòng các công chúng trẻ tuổi.

Tuy nhiên, có những khác biệt về trình độ phát triển, khả năng kinh tế, tài chính văn hoá, giáo dục, tình cảm giữa người Nhật Bản và người Việt Nam. Điều này hàm ý rằng, việc vận dụng kinh nghiệm trong giáo dục môi trường tại các trường trung học cơ sở ở Nhật Bản vào Việt Nam cần phi linh hoạt, xét cả ở cách thức, quy mô và lộ trình thực thi các giải pháp đó.

+ Giải pháp thúc đẩy giáo dục môi trường tại các trường trung học cơ sở ở Việt Nam từ kinh nghiệm của Nhật Bản:

Thứ nhất là, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy việc nâng cao nhận thức về môi trường cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là vô cùng quan trọng. Đó là một trong những yếu tố giúp thực hiện thành công giáo dục môi trường tại các trường.

Nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên các trường sẽ được nâng lên khi nhận được sự chỉ đạo, quan tâm và ủng hộ của cấp quản lý trực tiếp từ Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến các Sở Giáo dục, sở Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo các trường trung học cơ sở. Hơn nữa việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác GDMT trong trường học phải thống nhất, cụ thể. GDMT phải trở thành nội dung trong kế hoạch năm học của các nhà trường.

Về phía Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo cần coi trọng hơn nữa khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy về môi trường thông qua những buổi tập huấn công tác nghiệp vụ, kiểm tra đôn đốc các trường thực hiện công tác giáo dục môi trường….  một cách thường xuyên.

Thứ hai là, phát huy vai trò sẵn có của nhà trường và các thầy cô giáo trong việc xây dựng môi trường cảnh quan học đường đạt tiêu chuẩn quốc gia; kết hợp giáo dục môi trường với giáo dục kiến thức văn hoá....

Ở Nhật Bản người ta đề cao vai trò của nhà trường và các thầy cô giáo trong việc xây dựng và đào tạo thế hệ trẻ. Để tổ chức các hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục môi trường nói riêng đạt kết quả, nhà trường và giáo viên cần xây dựng hệ thống tổ chức hợp lý từ xác định mục tiêu của hoạt động đến việc thiết kế chương trình và kế hoạch tổ chức hoạt động, từ kỹ năng triển khai hoạt động đến kỹ năng tiếp cận và huy động học sinh tham gia…

Ở Việt Nam khi xác định mục tiêu của các hoạt động giáo dục cần căn cứ vào mục tiêu chung của sự nghiệp giáo dục đào tạo mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai BCH TW Đảng (khoá VIII) đã nêu; yêu cầu, nhiệm vụ của năm học; đặc điểm, tình hình của địa phương; tình trạng của trường, lớp và năng lực của học sinh. Ví dụ đối với giáo dục môi trường cần đặt ra những mục tiêu cụ thể, có tính thực tế và phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học. Quan trọng nhất cần phải tìm hiểu học sinh đã nhận thức được gì sau khi học về giáo dục môi trường những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Đây là một nhiệm vụ không dễ đối với giáo viên của các trường. Nó đòi hỏi sự nỗ lực và gắn bó hết mình với học sinh và các thầy cô giáo.

Thứ ba là, thiết kế và tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường mang tính thực tiễn.

Cơ sở khoa học của phương pháp này dựa trên quy luật tâm, sinh lý của lứa tuổi: cái mới được hình thành và phát triển dựa trên những kinh nghiệm sẵn có của bản thân mỗi học sinh. Thông qua hoạt động giáo dục để học sinh tự hoàn thiện những khái niệm đã có hoặc hình thành khái niệm mới. Đây cũng là bài học mà người Nhật đã rất thành công trong việc nâng cao nhận thức của lớp trẻ về bảo vệ môi trường.

+ Tổ chức các cuộc thi: Các cuộc thi tìm hiểu có thể khai thác theo nhiều chủ đề khác nhau về môi trường xung quanh, vẽ tranh, viết báo, hùng biện, văn nghệ, đóng vai, biểu diễn... Hoạt động này có thể kích thích hoạt động tâm lý tích cực của học sinh, vì các em rất muốn có cơ hội khẳng định mình.

+ Tổ chức các hoạt động nghiên cứu đơn giản: học sinh với vai trò như một nhà nghiên cứu triển khai các bước: xác định mục tiêu, địa điểm, phương pháp, thu thập và xử lý thông tin, đưa ra các quyết định về môi trường. Một số nghiên cứu có thể kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, có thể tiến hành ngay trong trường hoặc địa phương, như: quan sát côn trùng, chu trình biến thái sâu bọ, đo tiếng ồn, ô nhiễm và bụi, rác thải trên đường phố, xung quanh trường...

+ Tổ chức các hoạt động xanh: Thành lập câu lạc bộ xanh, đội hành động xanh, trồng cây xanh... Các loại hình câu lạc bộ trồng cây, chăm sóc cây, không ăn thịt thú hoang dã... sẽ đạt hiệu quả cảo, nếu được tổ chức khoa học và thực hiện một cách có kế hoạch.

+ Tổ chức các chiến dịch: Hình thức chiến dịch không chỉ tác động tới học sinh mà tới cả cộng đồng. Thông qua các hoạt động này, từ đó hình thành và phát triển ý thức "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Các chiến dịch thường mang tính định hướng cao như: "Sống tiết kiệm vì môi trường bền vững", "Vì màu xanh quê hương", "Hãy bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước"...

+ Tổ chức hoạt động giáo dục môi trường ngoài trời:  học sinh có cơ hội được quan sát, thực nghiệm, được tham gia vào các hoạt động tìm hiểu về môi trường thiên nhiên từ đó phát triển tình yêu và sự gắn bó với thiên nhiên.   Đây là kinh nghiệm kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành giáo dục môi trường mà người Nhật Bản rất thành công.

Và thứ tư là, phát huy vai trò của phụ huynh và các đoàn thể và đề cao vai trò của học sinh.

Đối với một hoạt động giáo dục nói chung, hoạt động giáo dục môi trường nói riêng nói riêng muốn đạt được hiệu quả thì người thực hiện cụ thể là học sinh phải có nhận thức đúng đắn trên cơ sở được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết về môi trường. Gia đình và các tổ chức đoàn thể cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thuyết phục, động viên, giúp đỡ các em tham gia vào các hoạt động giáo dục môi trường.

Tóm lại, để thực hiện thành công các mục tiêu  giáo dục môi trường tại các trường trung học cơ sở cần có sự chọn lọc, nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp nêu trên; kết hợp một cách linh hoạt vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, các ban, ngành, trường học, học sinh và các tổ chức đoàn thể dựa trên tình hình địa phương nơi mà các trường đặt địa điểm dạy và học.

 

ThS NGUYỄN THỊ NGỌC

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Luu Duc Hai, (2004). Background on Environment. Hanoi national university publishing house.

2. Environment Agency, Government of Japan (2005, 2004, 2003, 2000), Quality of the Environment in Japan, Tokyo.

3. Nguyen Thi Ngoc, (2006). Vietnamese women with environmental protection. Review of the steering committee for externally oriented information. No 1, pp 30-34

4. Nguyen Thi Ngoc, (2005). Environment and sustainable development: a political factor in the 21st century. Review of the steering committee for externally oriented information. No 8, pp 31-36.

5. Nguyen Thi Ngoc, (2005). Environmental education and sustainable development in the 21st century. Human Geography Review. No. 1, pp 44-52.

6.http://www.nea.gov.vn/luat_bvmt/ DONGOP /10namLuat.htm.

7.http://www.dost.hano.gov.vn/view/ vn/cate_ details.asp?code=1.04&id=1257)

8.http://www.agenda21.monre.gov.vn /Default. aspx?tabid=339&ItemID=3041

9. http://www.alertnet.org/thenews/newsdesk /T268724.htm

10. http://www.env.go.jp/en/

11. Japan Environmental Education Forum, 2002, 2004  http://www.jeef.or.jp/english

12. http://www.env.go.jp/en/index.html

 



([2]) http://www.japanfs.org/en/pages/028619.html

([4]) http://www.moet.gov.vn/?page=11.9&view=5361

0thảo luận