Trang chủ

CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN: BƯỚC ĐỘT PHÁ HƯỚNG TỚI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Đăng ngày: 23-04-2013, 03:04 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 2

Với “biện pháp 1 tháng 7 năm 2002”, Triều Tiên thực hiện cách tiếp cận chính sách quyết liệt hơn nhằm điều chỉnh giá cả sát với thực tế. Kết quả là, giá hàng hóa và tiền lương tăng đáng kể trong khi giá bán do nhà nước quy định cho nông sản được bãi bỏ có lợi cho mức giá do các thị trường của nông dân quyết định. Đồng thời, tỉ giá hối đoái tăng vọt từ mốc cố định trong thời gian dài trước đây 2,2 won một USD lên khoảng 150 won. Việc thực thi những biện pháp này đã khiến giá cả và tiền lương tăng mạnh- trong một số trường hợp cao gấp hơn 100 lần, quả thật đã gây ra cú sốc không chỉ đối với dân chúng mà còn với các quan chức nhà nước. Thực tế cho thấy là biện pháp này không phải là chương trình ứng biến mà là sáng kiến chính sách được thực thi sau một thời kỳ chuẩn bị kéo dài, bao gồm thảo luận sâu rộng về những lựa chọn chính sách kinh tế khác nhau từ giữa thập kỷ 1990 và các nghiên cứu chuyên sâu sau đó về những vấn đề liên quan. Trên một góc độ nào đó, có thể nói, đây thực sự là bước đột phá và mang hình dạng kiểu “liệu pháp trị sốc” mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác trải qua trong quá khứ.

Theo nhiều học giả, những mục tiêu chính của việc thực thi “biện pháp” này bao gồm:

Thứ nhất, cải thiện hệ thống phân phối của Triều Tiên

Kể từ năm 1994, Triều Tiên trải qua tình trạng thiếu hụt lương thực và nguyên liệu kéo dài và nghiêm trọng, dẫn đến sụp đổ chế độ phân phối của  nhà nước. Do mạng lưới phân phối thiếu hàng, người dân cần hàng hóa buộc phải trông cậy vào hệ thống chợ của nông dân. Lúc đầu chợ của nông dân được sử dụng để bán nông sản dư thừa và sản phẩm khác nhau liên quan đến hoạt động làm đêm, làm ngoài giờ, sau đó chúng nhanh chóng thực hiện chức năng là các chợ tổng hợp, nơi sẵn có nhiều loại sản phẩm, thậm chí một số sản phẩm công nghiệp. Sự nổi lên của xu hướng này là một thách thức lớn đối với nền kinh tế kế hoạch truyền thống của Triều Tiên. Đối phó với tình hình đó, Bình Nhưỡng đặt các chợ của nông dân dưới sự kiểm soát của Chính phủ kết hợp với việc phục hồi chế độ phân phối thường xuyên để duy trì nền kinh tế kế hoạch. Do vậy, một trong những mục tiêu chính yếu của “biện pháp ngày 1 tháng 7” là điều tiết mạng lưới phân phối do nhà nước kiểm soát bằng cách nâng giá hàng hóa lên mức ngang bằng ở các chợ của nông dân và đồng thời gia tăng lương tương ứng.

Thứ hai, góp phần hạn chế các hoạt động trái phép

Đáng lưu ý là  công nhân bỏ việc hàng loạt để tìm kiếm những cơ hội làm việc khác nhằm cải thiện tình hình kinh tế của họ. Kể từ năm 1994, người công nhân thấy khó khăn hơn bao giờ hết, do các công ty thường không có khả năng trả lương đúng hạn vì thường phải tạm dừng hoạt động bởi cắt điện và thiếu nguyên liệu. Tình hình này dẫn đến ngày càng nhiều công nhân bỏ việc, từ đây tạo ra vòng luẩn quẩn trong đó tình trạng thiếu hụt lao động làm tê liệt hoạt động ở nơi làm việc, dẫn tới làm tồi tệ thêm các điều kiện cho những công nhân còn lại. Tình hình xấu đi nhanh chóng này đòi hỏi có một chính sách khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc của họ bằng cách tăng tiền lương và những khuyến khích vật chất.

Thứ ba, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các giai tầng trong xã hội

Khủng hoảng kinh tế kéo dài của Triều Tiên đã tạo cơ hội cho một số ít các cá nhân thu lợi từ những hoạt động tài chính bất hợp pháp trong khi gia tăng số người rơi vào cảnh nghèo đói. Nhóm giàu có bao gồm, những người có chức, quyền cao cũng như những người tham gia các hoạt động thương mại và phân phối, trong khi nhóm người nghèo bao gồm viên chức nhà nước bình thường, lao động đô thị và cả những người nông dân. Biện pháp 1 tháng 7 đưa ra quy định ngăn ngừa những người trong tầng lớp có chức quyền cao lạm dụng vị thế của họ, trong khi đảm bảo người nghèo có thể có phương kế sinh nhai tốt hơn miễn là họ vẫn cống hiến cho công việc. Những biện pháp này thực chất nhằm khôi phục sự đồng thuận xã hội thông qua hạn chế lợi ích của nhóm giàu có và tạo cơ hội lớn hơn cho quảng đại quần chúng.

Và thứ tư là tìm cách phục hồi khả năng của chính quyền trong quản lí nền kinh tế dựa trên chế độ kế hoạch hóa tập trung

Kể từ thất bại của Kế hoạch Phát triển Kinh tế Bảy năm lần thứ ba vào đầu những năm 1990, Triều Tiên chưa công bố kế hoạch phát triển dài hạn khác do tình hình trong nước tiến triển không có lợi cho quản lý kinh tế theo chế độ kế hoạch. Vì vậy, Bình Nhưỡng tập trung vào khôi phục chế độ kế hoạch của nhà nước trên phạm vi rộng trong đó có việc xử lý và tiếp thêm sức sống cho các công trường trên toàn quốc.

Để đạt tới những mục tiêu trên, Triều Tiên đã tìm cách gia tăng sản xuất nội địa và nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài. Tất nhiên, đây là điều không dễ dàng cho họ bởi Triều Tiên lâm vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng. Sản xuất đình đốn và thiếu hụt nguyên, nhiên liệu triền miên. Trong khi đó, hợp tác kinh tế với các nước cũng gặp nhiều khó khăn. Việc bị liệt vào danh sách “nước tài trợ khủng bố” cùng với lệnh cấm vận của Mỹ, trên thực tế đã ngăn cản Triều Tiên giành được nguyên liệu then chốt cho các ngành chiến lược và trợ giúp tài chính từ những tổ chức quốc tế, kể cả việc tiếp cận vốn và công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Thực tế của 6 năm qua chứng minh rằng, thành công của “biện pháp 1 tháng 7” không chỉ phụ thuộc vào tổng huy động các nguồn lực trong nước mà còn phụ thuộc vào khả năng mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa là khó đạt tới các mục tiêu nếu Triều Tiên không mở cửa nền kinh tế hơn nữa.

Một số nhà kinh tế cho rằng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế thông qua kích thích lạm phát, đòi hỏi phải cải cách tiền tệ và những nỗ lực liên quan nhằm đạt được hiệu quả. Kích đẩy lạm phát gắn với phá giá đồng tiền hiện hành, muốn vậy Triều Tiên phải điều chỉnh toàn diện các khía cạnh tài chính và tiền tệ của đất nước, chuyển từ kiểm soát tốc độ lưu thông tiền tệ sang tỷ giá hối đoái. Do vậy, cùng với cải cách tiền tệ nước này cần thực hiện chính sách khuyến khích tiết kiệm trong nước, điều chỉnh tỉ giá hối đoái sát thực tế. Theo số liệu của một số nhà nghiên cứu, mặc dù tỉ giá hối đoái chính thức vẫn ở mức 150 won một đô la song tỉ giá không chính thức  có thời điểm tăng lên mức cao 1000 won. Tuy nhiên, rất có thể nhiệm vụ quan trọng nhất mà Triều Tiên sẽ phải xử lý để điều chỉnh cơ cấu kinh tế méo mó là cơ cấu lại hệ thống công nghiệp của nước này. Tuy nhiên, nỗ lực như vậy sẽ khó vì tiến trình cải cách vẫn diễn ra chậm chạp cũng như những tác động không thuận của môi trường quốc tế.

Như đã biết, hai tháng sau khi bắt đầu thực hiện biện pháp ngày 1 tháng 7, Triều Tiên tiến hành một dự án đầy tham vọng. Đó là phát triển Sinuiju thành đặc khu kinh tế, theo mô hình Hồng Kông. Ngày 12 tháng 9 năm 2002, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Tối cao chọn Sinuiju làm “đặc khu hành chính” nhằm mục đích thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sau đó phê chuẩn một “đạo luật cơ bản” tán thành lựa chọn này. Theo luật này, Sinuiju miễn thị thực nhập cảnh và thủ tục hải quan. Đạo luật này cũng cho phép đặc khu duy trì chức năng hành chính và tố tụng độc lập; Đồng thời ghi nhận sẽ không sửa đổi khuôn khổ pháp lý này trong thời kỳ 50 năm. Những điều kiện và điều khoản pháp lý trong đạo luật này mô phỏng theo một đạo luật của Trung Quốc thực thi năm 1990, theo đó Hồng Kông trở thành đặc khu hành chính. Người ta còn nhớ, Kim Jong-il có chuyến thăm không chính thức đến Trung Quốc năm 2001 để quan sát sự phát triển kinh tế của Thượng Hải,  trên đường trở về Bình Nhưỡng, Kim thăm Sinuiju, nơi ông công khai bày tỏ cần khuyến khích “tư duy mới”. Điều này gợi ý rằng, Kim có thể đã hình dung chuyển đổi Sinuiju thành đặc khu mở mang những đặc điểm phát triển tốt nhất của Hồng Kông và Thượng Hải. Sinuiju có vị trí gần biên giới với Trung Quốc và là điểm tiếp nhận vốn và công nghệ  nước ngoài thuận lợi. Khu này cũng được trông đợi thực hiện chức năng là vùng đệm giữa nền kinh tế toàn cầu tư bản chủ nghĩa và kinh tế xã hội chủ nghĩa của Triều Tiên. Nỗ  lực của Triều Tiên phát triển Sinuiju thành đặc khu liên quan đến một vài lợi thế của khu vực này. Bởi nó nằm gần kề thị trường khổng lồ của Trung Quốc và chiếm khoảng 70% thương mại biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Ngoài ra, khu vực này sẽ là  trung tâm công nghiệp và kinh doanh của “vành đai Biển Tây (Biển Vàng)”, nối liền với bờ biển phía Tây của Triều Tiên bao gồm thành phố cảng Nampo (gần Bình Nhưỡng) và Gaeseong cũng được chọn là đặc khu công nghiệp.

Đồng thời với việc thực hiện dự án Jinuiju, Triều Tiên chọn Gaeseong, thành phố nằm ngay phía bắc khu Phi quân sự, làm đặc khu kinh tế. Ngày 20 tháng 11 năm 2002, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Tối cao ban hành một đạo luật thành lập đặc khu kinh tế Gaeseong.

Dự án này khác Sinuiju ở chỗ nó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia. Đây là một dự án được thực thi nhằm thu hút vốn, công nghệ từ Hàn Quốc. Giới phân tích cho rằng, dự án Gaeseong góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế theo hướng bền vững giữa hai miền Triều Tiên. Những điều khoản pháp lý về dự án Gaeseong khác Sinuiju ở một vài khía cạnh trong đó có tính đến những tập quán kinh doanh của người Hàn Quốc. Đạo luật được ban hành bao gồm các điều khoản cho phép giao dịch ngoại hối không hạn chế, hoạt động quảng cáo và sử dụng thẻ tín dụng……

Ngày 23 tháng 11 năm 2002, trên cơ sở đạo luật nói trên, Triều Tiên chọn khu vực Geumgangsan ở bờ biển phía đông làm “khu du lịch”. Với nỗ lực  thu hút khách du lịch nước ngoài nhiều hơn, đạo luật cho phép tiếp cận, bổ sung các tuyến đường biển và đất liền từ Hàn Quốc và sử dụng những đồng tiền có thể chuyển đổi nhưng không quy định khu vực có chức năng hành chính độc lập như với Sinuiju.

Trong cố gắng mở cửa, Triều Tiên thành lập đặc khu kinh tế ở khu vực Najin-Seonbong năm 1991 và sau đó năm 2002 thành lập ba đặc khu Sinuiju, Gaeseong và Geumgangsan. Việc thực thi chính sách này cho thấy Triều Tiên không thể có được vốn và công nghệ cần cho xây dựng quốc gia hùng cường và thịnh vượng chỉ từ nguồn lực trong nước. Ngoài ra, Triều Tiên muốn tối đa hoá lợi thế địa lý bằng cách nối mạng lưới đường sắt với Hàn Quốc và hai tuyến đường sắt xuyên lục địa, tuyến xuyên Xibia và xuyên Trung Quốc. Rất có thể trong tương lai vành đai công nghiệp ven biển phía Tây nối các đặc khu Sinuiju, Nampo, Gaeseong và vành đai ở vùng phía Đông nối Najin-Seonbong, Geumgangsan và Cheongjin (Chongjin) sẽ được hình thành.

*        *

*

Có thể nói, trên phương diện tổng thể, tiến trình cải cách của Triều Tiên chia sẻ những nét tương đồng với mô hình cải cách từng giai đoạn của Trung Quốc và diễn ra với tốc độ khá nhanh. Việc thực hiện biện pháp 1 tháng 7 năm 2002 chưa phải là một liệu pháp trị sốc song đây thực sự là bước chuyển đổi mang tính bước ngoặt theo hướng từ bỏ một phần cơ chế cũ và chuyển dần sang cơ chế thị trường.

 

PGS.TS. AN HƯNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Tạp chí Những vấn đề Kinh tế -Chính trị Thế giới, các số của năm 2006, 2007, 2008

2. http://www.koreaherald.co.kr/

3. http://www.northkoreatimes.com/index. php/ct/10/id/08aysdf7tga9s7f7/

4. http://www.bignewsnetwork.com

5. Korea Focus, các số của năm 2007, 2008

6. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 1/2009

 

 

0thảo luận