Trang chủ

NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN TỪ GÓC ĐỘ NGHIÊN CỨU KHU VỰC VÀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM

Đăng ngày: 23-04-2013, 02:48 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 2

Từ những năm 1990 đến nay, mối quan tâm của người Việt Nam đối với Nhật Bản ngày càng tăng. Điều đó thể hiện qua việc xuất hiện một loạt các cơ sở đào tạo tiếng Nhật và đặc biệt là việc thành lập Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản (nay là Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) và Bộ môn Nhật Bản học tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Từ những năm 2000 đến nay, khuynh hướng chuyển từ đào tạo tiếng Nhật sang kết hợp đào tạo Văn hóa và Ngôn ngữ Nhật Bản hay đào tạo Nhật Bản học được nhiều trường đại học của Việt Nam quan tâm. Trong bối cảnh đó, chúng tôi muốn tìm hiểu một cách khái quát về lịch sử nghiên cứu về Nhật Bản nói chung, từ đó thử đưa ra một vài suy nghĩ về tình hình đào tào và nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam nói riêng.

Phần 1: Nhật Bản học (Japanology) và Nghiên cứu Nhật Bản (Japanese studies)

Có nhiều quan điểm về lịch sử phát triển ngành nghiên cứu về Nhật Bản. GS. Niihori Michiya (Đại học Nữ Musashigawa) đã phân chia nghiên cứu Nhật Bản thành 3 giai đoạn: Nghiên cứu cá nhân một cách tự phát trong các thế kỉ XVI-XIX; nghiên cứu của các cá nhân hay tổ chức chính phủ nhằm phục vụ các chính sách chính trị, quân sự, kinh tế của các nước Âu Mỹ từ đầu XX-1970; và nghiên cứu của các học giả, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học với chất lượng học thuật càng ngày càng cao diễn ra từ thập niên 1980 đến nay ([1]).

Theo chúng tôi, nghiên cứu Nhật Bản về cơ bản có thể chia thành hai hướng nghiên cứu chính là Nhật Bản học theo phương pháp tiếp cận của châu Âu và nghiên cứu Nhật Bản theo phương pháp khu vực học của Mỹ.

1.1.Nhật Bản học (Japanology)

Nhật Bản học (Japanology) là nghiên cứu về Nhật Bản theo cách tiếp cận phổ biến ở châu Âu, chú trọng các chuyên ngành ngôn ngữ, văn học, lịch sử([2]). Nhật Bản học của châu Âu được bắt đầu bằng ghi chép của các nhà truyền giáo, thương gia, các nhà ngoại giao, chính trị gia, sĩ quan, nhà khoa học, họa sĩ, nhà thám hiểm… đến Nhật Bản từ thế kỉ XVI, XVII và rất phát triển trong các thế kỉ XVIII, XIX. Có thể nói Nhật Bản học đã hình thành và phát triển trong bối cảnh chung của Đông phương học phương Tây.

Các ghi chép về Nhật Bản trong các thế kỉ XVI, XVII mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả và phần lớn được tiến hành một cách tự phát, không theo yêu cầu của các tổ chức hay cơ quan chính phủ như các giai đoạn sau. Tiêu biểu là các bức thư của Francisco de Xavier, hay “Nhật Bản chí” của Engelbert Kaempfer. Các ghi chép này đã để lại nhiều thông tin có giá trị về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội Nhật Bản, và tâm lí, tập quán của người Nhật đương thời. Có thể coi đây là giai đoạn hình thành ngành Nhật Bản học của châu Âu.

Sang thế kỉ XIX, số người nước ngoài đến Nhật Bản để lại các ghi chép về đất nước và con người Nhật Bản ngày càng đông. Ngoài ra, cùng với sức ép mở cửa thông thương của phương Tây, nhu cầu của người Nhật tìm hiểu về thế giới, đặc biệt là các nước tư bản phương Tây ngày càng tăng, đồng thời mối quan tâm xem phương Tây nhìn nhận thế nào về Nhật Bản cũng trở nên mạnh mẽ. Bản thân chính quyền Nhật Bản thời Meiji không những trọng dụng các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản mà còn tham khảo ghi chép của người nước ngoài về Nhật Bản khi đưa ra các chính sách cải cách, đặc biệt là các cải cách Văn minh khai hóa đầu thời Meiji. Vì vậy, từ thời kì này, các ghi chép về Nhật Bản của người nước ngoài như “Nhật kí du hành của Schliemann: Thanh quốc và Nhật Bản”([3]), “Nhật Bản trong con mắt giáo sĩ Nikolai”([4]) của giáo sĩ người Nga Ivan Dmitrievich Kasatkin (tên thánh là Nikolai), “Những ngày ở Nhật Bản”([5]) của giáo sư Edward S.Morse…được dịch, giới thiệu và tranh luận nhiều ở Nhật Bản. Các tác phẩm này không chỉ miêu tả về nước Nhật, sinh hoạt của người Nhật mà còn đưa ra những nhận xét so sánh với các nước khác như Trung Quốc, Nga… đương thời.

Cũng từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, ngành Nhật Bản học được hình thành như một bộ phận của Đông phương học ở nhiều hội nghiên cứu và viện nghiên cứu châu Âu, như Hội Á châu của Pháp (1822), Hội Hoàng gia Á châu của Anh (1823), Hội Đông phương học của Mỹ (1842), Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp (1900)… Đặc biệt, năm 1855, Khoa Nhật Bản học đầu tiên được thành lập trong Đại học Leiden (Hà Lan) đánh dấu sự bắt đầu việc đào tạo chính qui phục vụ ngành này. Tại nước Nga Xô viết, Khoa Đông phương học hay Viện nghiên cứu các nước Á Phi tại các trường Đại học Tổng hợp Matxcơva, Xanh Petecbua, Vlađivôxtốc là các cơ sở kết hợp đào tạo và nghiên cứu Nhật Bản học theo quan điểm Mácxit.

1.2. Nghiên cứu Nhật Bản (Japanese studies)

Nghiên cứu Nhật Bản (Japanese studies) từ góc độ nghiên cứu khu vực xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1930-1940 và rất phát triển sau chiến tranh thế giới thứ II. GS. Robert B. Hall (Đại học Michigan, Mỹ) đã viết về sự xuất hiện của Nghiên cứu khu vực ở Mỹ như sau:

Những năm 30 chứng kiến sự khởi đầu của một sự phát triển chậm và không rõ ràng của các chương trình học thuật xây dựng xung quanh một khu vực trên thế giới: Hoa Kỳ học, Mỹ Latin học, Đông phương học… Những người tham gia chương trình nhận được rất ít tài liệu cũng như sự giúp đỡ, ngoài ra họ phải tự nguyện gánh vác những bổn phận khác. Thế chiến II đã đem đến một nhu cầu bất ngờ và to lớn về nguồn thông tin về các khu vực khác nhau. Hầu hết học giả ở các quốc gia có tiếng tăm về kiến thức về một khu vực bất kì đều được chính phủ (Mỹ) triệu tập. Tiếc là lúc đầu con số này không nhiều. Sau đó, đội ngũ này đã được bổ sung bằng các “chuyên gia khu vực” từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Hàng loạt các tổ chức của chính phủ, mới và cũ, đều tự xây dựng cho mình phương pháp nhằm tìm hiểu các nhận thức về một khu vực([6]).

Theo GS. Kato Hiroaki (Đại học Daito bunka, Nhật Bản), “nghiên cứu khu vực xuất hiện với tư cách là một ngành khoa học độc lập và tự khẳng định vị trí của nó sau chiến tranh thế giới thứ II. Nói cách khác, cũng như Lí luận quan hệ quốc tế, nghiên cứu khu vực là một ngành mới trong lĩnh vực khoa học xã hội([7]).

Khái niệm nghiên cứu khu vực được GS. Suzuki Ichiro (Đại học Tokyo, Nhật Bản) tóm tắt là: “nghiên cứu các quốc gia, hay các vùng với mục đích tìm hiểu một cách tổng thể đặc trưng của khu vực đó và so sánh với các khu vực khác([8]). Nói cách khác, hai yếu tố quan trọng trong nghiên cứu khu vực là hiểu một cách tổng thể về khu vực và so sánh với khu vực khác.

Tác phẩm nghiên cứu Nhật Bản được coi là kinh điển theo theo khuynh hướng nghiên cứu khu vực là “Hoa cúc và thanh kiếm” của Ruth Benedict([9]). Cuốn sách được viết trên cơ sở kinh nghiệm của tác giả về người Nhật trên đất Mỹ, phân tích những tác phẩm văn học Nhật Bản và tổng kết những tư liệu nghiên cứu của Mỹ trước đó về Nhật Bản. Mặc dù một số nhận xét về nước Nhật và người Nhật còn mang tính bình quân chủ nghĩa, không phản ánh được tính động của văn hóa Nhật Bản, tính đa dạng và phức tạp trong văn hóa và tình cảm của người Nhật, nhưng ngay từ lần xuất bản đầu tiên cuốn sách đã gây sự chú ý lớn ở Mỹ và Nhật Bản. Ở Nhật Bản, riêng năm 1948, cuốn sách đã bán được 2,3 triệu bản. Người Nhật có thái độ vừa phê phán vừa tán thưởng khi đọc những trang sách của một nhà nghiên cứu người Mỹ đề cao sức mạnh tinh thần, thái độ coi trọng thanh danh của dân tộc mình và tìm thấy trong đó những yếu tố bản sắc giúp họ vượt qua tâm lí bại trận và đứng vững qua thời hậu chiến.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, nghiên cứu Nhật Bản phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở những nước có mối quan hệ chính trị, kinh tế với Nhật Bản, như Mỹ, Tây Âu, Hàn Quốc hay các nước quan tâm đến Nhật Bản như Nga, Trung Quốc. Có thể nói mối quan tâm về Nhật Bản trên thế giới tăng lên cùng với vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế. Việc nghiên cứu Nhật Bản không chỉ là sở thích cá nhân mà đã trở thành một chiến lược nhằm cải thiện hay phát triển quan hệ với Nhật Bản của nhiều chính phủ và tổ chức. Nhiều nước vốn đã có ngành Nhật Bản học phát triển, một mặt kế thừa các thành tựu nghiên cứu chuyên ngành trước đó, mặt khác kết hợp nhiều ngành nghiên cứu trong các chương trình tổng hợp được tài trợ với mục đích chính trị, quân sự, hay kinh tế…

Sang những năm 1970, chính phủ Nhật Bản đã ý thức phát triển nghiên cứu Nhật Bản thông qua việc thành lập Quĩ Giao lưu Quốc thế Nhật Bản (1972), Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản tại Kyoto (1987). Các cơ quan này không chỉ tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và các nước mà còn hỗ trợ xây dựng các cơ quan nghiên cứu Nhật Bản ở nước ngoài như Trung Quốc, Singapore… thúc đẩy việc nghiên cứu Nhật Bản phát triển mạnh cả về lượng và chất. Từ những năm 1980, trong các trường đại học Nhật Bản, ngoài các khoa chuyên ngành đã xuất hiện các khoa nghiên cứu khu vực, trong đó có ngành nghiên cứu Nhật Bản, như Khoa Nhật Bản học tại Đại học Tổng hợp Osaka, Khoa So sánh văn hóa tại Đại học Tokyo.

Tiêu biểu cho các tác phẩm nghiên cứu Nhật Bản theo cách tiếp cận khu vực học là “Xã hội Nhật Bản” của Tanaka Chie([10]), “Nhật Bản số 1” của Ezra F. Vogel ([11]), “Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia” của Edwin O. Reischauer ([12]), “Người Nhật Bản với chí hướng thu nhỏ” của Lee O Young([13]), “Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học” của Umesao Tadao([14])

Một số học giả Nhật Bản, như GS. Niihori Michiya (Đại học Nữ Musashigawa), cho rằng nghiên cứu Nhật Bản là của người nước ngoài, còn các nhà nghiên cứu người Nhật và công trình của họ, cho dù đề cập đến các đặc trưng của Nhật Bản hay người Nhật cũng nằm ngoài phạm trù của nghiên cứu Nhật Bản([15]). Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, chủ thể nghiên cứu Nhật Bản có thể là người nước ngoài (tiến hành nghiên cứu tại nước ngoài hay tại Nhật Bản) và người Nhật (bao gồm cả người gốc Nhật). Trên thực tế, xuất phát điểm của nghiên cứu Nhật Bản là nghiên cứu của các học giả nước ngoài về nước Nhật và người Nhật, nhưng chính những nghiên cứu đó đã đánh thức mối quan tâm của người Nhật về cách người nước ngoài nhìn nhận đất nước mình, giúp người Nhật nhận thức lại giá trị văn hóa của đất nước mình, dẫn đến sự ra đời của các tác phẩm kiểu “Nhật Bản nhân luận”, “Nhật Bản luận”, “Nhật Bản văn hóa luận” do chính các học giả Nhật Bản viết. So với các nghiên cứu của người nước ngoài, các nghiên cứu này đưa ra nhiều lí giải thuyết phục về cơ sở của các hiện tượng kinh tế, chính trị, xã hội. Những công trình này cần được coi là các nghiên cứu Nhật Bản.

Đối tượng của nghiên cứu Nhật Bản  là những đặc trưng văn hóa, xã hội… của nước Nhật, tâm lí, tập quán của người Nhật nói chung; hoặc các đặc trưng này tại một vùng trong nước Nhật nói riêng. Một số nghiên cứu chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn về Nhật Bản (lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội…) cũng có thể được coi là nghiên cứu khu vực khi được tiến hành trên cơ sở kết hợp phương pháp liên ngành với mục đích đưa ra một cách nhìn nhận đầy đủ về khu vực (hay nước Nhật).

Phương pháp nghiên cứu Nhật Bản từ góc độ nghiên cứu khu vực đương nhiên tuân theo các phương pháp chung của nghiên cứu khu vực, trong đó nhấn mạnh các yếu tố sau:

- Sử dụng thành thạo tiếng Nhật

- Nghiên cứu thực địa và trải nghiệm cuộc sống với người địa phương

- Phương pháp nghiên cứu trường hợp

- Phương pháp nghiên cứu liên ngành

- Phương pháp nghiên cứu so sánh

Việc sử dụng thành thạo tiếng Nhật, tiến hành nghiên cứu thực địa và phương pháp nghiên cứu liên ngành, coi trọng hợp tác nghiên cứu là những đặc trưng cơ bản của nghiên cứu Nhật Bản theo các tiếp cận khu vực học, khác với phương pháp nghiên cứu chỉ coi trọng khảo cứu tư liệu chuyên ngành hẹp trước kia.

Thông thường, nghiên cứu Nhật Bản theo cách tiếp cận khu vực học thường được tiến hành theo một trong có hai phương hướng sau:

- Từ khoanh vùng khu vực đến xác định đề tài: tức là xác định khu vực làm đối tượng nghiên cứu trước (ví dụ như cố đô Kyoto, tỉnh Hyogo…), trên cơ sở đó xác định đề tài cụ thể.

- Từ xác định đề tài đến khoanh vùng khu vực: phương hướng này xác định vấn đề nghiên cứu (như kiến trúc Nhật Bản truyền thống, quá trình đô thị hóa nông thôn Nhật Bản…), rồi mới lựa chọn khu vực nghiên cứu như một trường hợp điển hình.

Hiện nay, khuynh hướng nghiên cứu Nhật Bản sử dụng phương pháp khu vực đang trở nên phổ biến trên thế giới.

Phần 2: Tình hình nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam

Ghi chép về Nhật Bản đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, đặc biệt là các ghi chép của các chí sĩ và lưu học sinh Việt Nam đã có cơ hội đến Nhật Bản đầu thế kỉ XX như Phan Bội Châu, Nguyễn Bá Trác… Trong Chiến tranh Thế giới thứ II và sau đó, những năm 1950 – 1973, ở miền Nam, cùng với việc dạy và học tiếng Nhật được quan tâm hơn, đã xuất hiện một số sách học tiếng Nhật và các công trình dịch thuật, nghiên cứu về Nhật Bản, như các tác phẩm của Đào Trinh Nhất, Trần Minh Tiết, Đào Văn An, Châm Vũ Nguyễn Văn Tần… Ở miền Bắc, cũng xuất hiện các nghiên cứu của Nguyễn Hữu Thùy, Nguyễn Thế Tăng… Các nghiên cứu thời kì này chú trọng nhiều đến việc lí giải thành công của nước Nhật thời Cận-Hiện đại. Từ năm 1973, cùng với việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước, nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Có thể chia các nghiên cứu thời kì này thành 3 giai đoạn chính là 1973-1993, 1993-2003, 2003 đến nay.

- Giai đoạn 1973-1993: Phần lớn là các nghiên cứu cá nhân, sử dụng các nguồn tư liệu tiếng Nga, Anh, Pháp… Đề tài nghiên cứu về kinh tế chiếm tỉ trọng lớn tại các viện nghiên cứu, tiêu biểu là nghiên cứu của GS. Lê Văn Sang, PGS. TS Nguyễn Duy Dũng, PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh… Ngoài ra, trong các khoa Lịch sử, Văn học tại các trường đại học như Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu giảng dạy về lịch sử, văn học Nhật Bản cũng có những thành tựu ban đầu.

- Giai đoạn 1993-2003: Thành lập Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản và Bộ môn Nhật Bản học trong Đại học Quốc gia ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản.

Nghiên cứu giai đoạn này bắt đầu theo hướng chuyên ngành, trong đó các viện nghiên cứu chú trọng các đề tài kinh tế, chính trị, xã hội, còn các trường đại học chú trọng lịch sử, văn học, văn hóa. Tiêu biểu là các nghiên cứu của GS. Vĩnh Sính, PGS.TS Nguyễn Văn Kim, TS Hồ Hoàng Hoa, TS. Nguyễn Tiến Lực, TS. Nguyễn Thị Oanh, TS. Nguyễn Thanh Hiền, TS. Trần Thị Nhung, TS Vũ Văn Hà… Một số nhà nghiên cứu đã coi trọng việc sử dụng tư liệu tiếng Nhật. Việc biên dịch và xuất bản các nghiên cứu về Nhật Bản của các học giả người Nhật, Mỹ, Nga… được coi trọng.

Đào tạo về Nhật Bản học giai đoạn này tiến hành theo chương trình Niên chế đối với cả bậc cử nhân và thạc sĩ. Sinh viên và học viên cao học có trình độ tiếng Nhật chưa cao, chưa chủ động trong nghiên cứu, kết hợp với tình trạng khó xin việc khi ra trường khiến khả năng phát huy kiến thức chuyên ngành ít. Cơ hội lưu học, nâng cao trình độ nghiên cứu của học viên chưa nhiều và chưa có hiệu quả.

- Giai đoạn 2003-nay: diễn ra quá trình tái cơ cấu lại tổ chức nghiên cứu Nhật Bản như Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản đổi thành Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, tạp chí chuyển thành tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, xuất hiện các chương trình và trung tâm nghiên cứu mới như Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Đông Nam Á và Nhật Bản của Viện Đông Nam Á…

Đặc điểm của nghiên cứu Nhật Bản thời kì này là coi trọng việc sử dụng tiếng Nhật, một số đề tài đã sử dụng nguồn tư liệu gốc, tiến hành điều tra thực địa tại Nhật Bản. Nhiều nhà nghiên cứu đi vào các đề tài mang tính thời sự và tính chuyên môn sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, luật, lịch sử, văn học, văn hóa… như TS. Vũ Minh Chi, TS. Vũ Hồng Minh, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, TS. Đào Thị Thu Hằng, TS. Phạm Thị Thu Giang…

Đào tạo Nhật Bản học theo chương trình Tín chỉ được xây dựng và từng bước áp dụng ở bậc cử nhân và thạc sĩ từ năm 2007, với sự xuất hiện của các môn học tự chọn, các giờ thảo luận tuy chưa nhiều. Diễn đàn dành cho học viên thông qua các hình thức seminar, workshop… được coi trọng. Cơ hội lưu học ở Nhật Bản và các nước tăng lên khiến các nhà nghiên cứu trẻ có khả năng nâng cao trình độ và lựa chọn các cơ hội việc làm gần với chuyên môn hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu Nhật Bản học ở Việt Nam hiện nay vẫn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là:

- Ngành Nhật Bản học ở Việt Nam còn non trẻ, thiếu các nhà nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực, thiếu các chương trình nghiên cứu chiến lược và có hệ thống. Các đề tài nghiên cứu thường đơn lẻ, thiếu tính chủ động. Khả năng nghiên cứu thực địa và nghiên cứu liên ngành còn thấp.

- Cơ hội được làm việc đúng chuyên môn ít, cơ hội học hỏi nâng cao trình độ của cán bộ nghiên cứu chưa nhiều và chưa có hiệu quả. Cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là cán bộ trẻ, trong các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam đều phải kiêm nhiệm nhiều công việc hành chính nên thời gian chuyên tâm vào công việc nghiên cứu ít. Ngoài ra, do mức lương cán bộ nhà nước thấp nên nhiều người vừa làm việc cơ quan vừa làm thêm bên ngoài khiến thời gian tập trung cho nghiên cứu không nhiều.

- Thiếu sự hợp tác trao đổi học thuật giữa các cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong nước, sự liên kết giữa các nhà nghiên cứu còn thấp. Phạm vi hoạt động và quan hệ của các nhà nghiên cứu thường hẹp. Tại Việt Nam chưa có một tổ chức nghề nghiệp hỗ trợ cho hoạt động của các nhà nghiên cứu khu vực học nói chung và Nhật Bản học nói riêng. Quan hệ quốc tế mới chủ yếu dừng lại ở các quan hệ cá nhân của từng nhà nghiên cứu hoặc của từng cơ quan với một số cá nhân và cơ quan nghiên cứu ở Nhật Bản hay nước ngoài.

Thay đổi tình trạng trên không thể một sớm một chiều và phụ thuộc nhiều vào chính nỗ lực và quyết tâm của các cá nhân và cơ quan. Tuy nhiên có thể có những phương hướng hỗ trợ có hiệu quả. Chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất như sau:

- Coi trọng việc đào tạo các thế hệ nghiên cứu Nhật Bản mới, kết hợp kiến thức chuyên ngành sâu với phương pháp nghiên cứu liên ngành. Bậc đào tạo cử nhân Nhật Bản học có thể coi là bước chuẩn bị tiếng Nhật, trang bị kiến thức tương đối có hệ thống và toàn diện về Nhật Bản, và bước đầu định hướng nghiên cứu chuyên môn. Bậc đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) là bước nâng cao năng lực chuyên môn, kết hợp khả năng nghiên cứu độc lập, phương pháp khai thác tài liệu, điều tra thực địa với khả năng hợp tác và phương pháp nghiên cứu liên ngành. Đặc biệt với bậc đào tạo sau đại học, việc tạo điều kiện cho học viên lưu học, nghiên cứu tại Nhật Bản là rất cần thiết. Định hướng đào tạo sau đại học có thể theo một lĩnh vực chuyên sâu (như lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị Nhật Bản), cũng có thể theo hướng liên ngành trên cơ sở xác định phạm vi khu vực nghiên cứu (như miền Đông, miền Tây nước Nhật, hay khu vực Kinki, Tohoku….)

- Tăng thu nhập cho cán bộ nghiên cứu và giảng dạy thông qua cải cách chế độ lương, tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước một cách có hệ thống, kết hợp với cơ chế đánh giá hiệu quả nghiên cứu một cách chính xác. Giảm nghĩa vụ hành chính cho các nhà nghiên cứu và cán bộ giảng dạy. Tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu được tiếp tục học hỏi, nâng cao trình độ.

- Coi trọng việc tổ chức các workshop, seminar, diễn đàn khoa học... Thành lập các nhóm nghiên cứu Nhật Bản theo các lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, văn học, chính trị, kinh tế… từng bước chuẩn bị cho việc hình thành Hội nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam. Tiến hành định kì họp mặt để các nhà nghiên cứu các thế hệ, các lĩnh vực khác nhau và các vùng khác nhau có thể gặp gỡ và trao đổi ý kiến, học hỏi lẫn nhau.

 

PHAN HẢI LINH

(TS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ezra F. Volgel (1979) Nhật Bản số 1, bản dịch năm 1989, Trung tâm Thông tin Tư liệu Viện Nghiên cứu Quản lí Trung ương
  2. Edwin O. Reischauer (1981): Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, bản dịch của Nguyễn Bình Giang, Phạm Bích Thu, Bùi Trường Giang, Nxb Thống kê
  3. Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế: Khu vực học: Cơ sở lí luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Hà Nội 2006
  4. Lee O Young (1984): Người Nhật Bản với chí hướng thu nhỏ, bàn dịch của Hồ Hoàng Hoa 1998, Nxb Chính trị Quốc gia
  5. Nakane Chie (1967): Xã hội Nhật Bản, bản dịch của Đào Anh Tuấn 1990, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
  6. Phan Phương Thảo (2007): Bước đầu tìm hiểu một số trường phái khu vực học trên thế giới, Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp ĐHQG Hà Nội, mã số VNH-08.05

TÀI LIỆU TIẾNG ANH

  1. James C. Baxter (2004): Japanese studies around the world 2004 – Observing Japan from Within: Perspective of Foreign Scholars Resident in Japan, International Research Center for Japanese Studies
  2. Robert B. Hall (1948): Area Studies: With Special Reference to their Implications for Research in the Social Sciences, University of Michigan
  3. Masao Miyoshi and H.D. Harootunian (Editors) (2002): Learning places: The Afterlives of Area Studies, Duke University Press, Durham and London
  4. Neil L. Waters (Editor): Beyond the Area Studies Wars Toward a New International Studies, Middlebury College Press, Published by University Press of New England, Hanover and London
  5. Ruth Benedict (1946): The chrysanthemum and the sword, Charles E. Tuttle Company
  6. Julian H. Steward (1950): Area Research Theory and Practice, Social  Science Research Council, 230 Park Avenue, New York 17, Bulletin 63,

TÀI LIỆU TIẾNG NHẬT

  1. 石澤靖治 (Ishizawa Yasuharu) (1997): 日本人論・日本論の系譜 (Nhật Bản nhân luận, hệ phổ Nhật Bản luận), 丸善ライブラリー  230 (Maruzen library)
  2. 加藤普章 (Kato Hiroaki) (2000): エリア・スタディ地域研究の学び方入門 (Nhập môn Nghiên cứu khu vực area studies), 昭和堂 (Showa do)
  3. 岸川毅、岩崎正洋編 (Kishikawa Takeshi, Iwasaki Masahiro biên tập) (2004): アクセス地域研究1,2 (Tiếp cận Nghiên cứu khu vực 1,2), 日本経済評論者 (Nihonkeizai hyoronsha)
  4. 国際日本文化研究センター紀要 (Kỉ yếu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Văn hóa Nhật Bản) (1994):日本研究:第10 と資料編 (Nghiên cứu Nhật Bản tập 10 và tư liệu phụ lục)、角川書店 (Tsunogawa shoten)
  5. シュリーマン著 (Heinrich Schliemann) (1869): シュリーマン旅行記 清国・日本 (Nhật kí du hành của Schliemann: Thanh quốc và Nhật Bản)石井和子訳 (bản dịch của Ishii Kazuko, 1998), 講談社学術文庫1325 (Kodansha gakujutsu bunko 1325)
  6. 鈴木一郎 (Suzuki Ichiro) (1990): 地域研究入門 (Nhập môn nghiên cứu khu vực), 東京大学出版会 (NXB Đại học Tokyo)
  7. 中島峰雄, チャルマーズ・ジョンソン編 (Nakajima Mineo, Charlmes Johnson chủ biên) (1989): 地域研究の現在 (Nghiên cứu khu vực hiện nay), 大修館書堂 (Taishukan shodo)
  8. ピーターミルワード著、松本たま訳 (tác giả Piter Milward, Matsumoto Tama dịch) (1998): サビエルの見た日本 (Nhật Bản trong con mắt Francisco de Xavier), 講談社学術文庫1354 (Kodansha gakujutsu bunko 1354)


([1]) Kokusai NIhonbunka kenkyu senta: Nihonkenkyu dai 10 shu (Trung tâm nghiên cứu Quốc tế về Văn hóa Nhật Bản: Nghiên cứu Nhật Bản tập 10), tr. 339-310

([2]) Hiện nay việc phân biệt thuật ngữ Nhật Bản học và nghiên cứu Nhật Bản trong tiếng Việt chỉ mang tính tương đối, còn trên thế giới thuật ngữ Japonology ít được sử dụng, nhưng trong bài viết này chúng tôi muốn phân tích hai thuật ngữ này như hai khái niệm mang tính lịch sử thể hiện các cách tiếp cận khác nhau về Nhật Bản.

([3]) Heinrich Schliemann (Ishii Kazuko yaku): Shuriman ryokouki:  Shinkoku to NihonKodansha gakujutsu bunko 1325, 1998

([4]) Nikolai (Nakamura Kennosuke yaku): Nikorai no mita bakumatsu Nihon, Kodansha gakujutsu bunko 393, 1998

([5]) Edward S.Morse: Nihon sono hi sono hi (Japan day by day), Sogenseisho, Sogensha 1939

([6]) Robert B. Hall (1948): Area Studies: With Special Reference to their Implications for Research in the Social Sciences, University of Michigan, tr.1-2

([7] ) Kato Hiroaki (2000):  Area studies chiiki no manabi kata nyumon, Showado, tr. 3-4

([8]) Suzuki Ichiro (1990): Chiiki kenkyu nyumon, Tokyodaigaku shuppan, tr.10

([9]) Ruth Benedict (1946): The chrysanthemum and the sword, Charles E. Tuttle Company

([10]) Nakane Chie (1967): Tateshakai no ningenkankei, Kodansha.

Bản tiếng Việt Xã hội Nhật Bản, Đào Anh Tuấn dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1990

((11)Ezra F. Volgel (1979): Japan as number one, Havard University Press

Bản tiếng Việt Nhật Bản số 1, Trung tâm Thông tin Tư liệu Viện Nghiên cứu Quản lí Trung Ương 1989

([12]) Edwin O. Reischauer (1977): Japan- the history of a nation, Charles E. Tuttle, 1970

Bản tiếng Việt Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, Nguyễn Bình Giang, Phạm Bích Thu, Bùi Trường Giang dịch, Nxb Thống kê 1981

([13]) Lee O Young (1982): Chidimi shiko no Nihonjin, Gakuseisha

Bản tiếng Việt Người Nhật Bản với chí hướng thu nhỏ, Hồ Hoàng Hoa dịch, Nxb Chính trị Quốc gia 1998

([14]) Umesao Tadao (1966): Bunmeino seitaishikan, Nxb Chuokoronsha.

Bản dịch tiếng Việt: “Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học”, Nxb Thế giới 2007

([15]) Kokusai NIhonbunka kenkyu center: Nihonkenkyu dai 10 shu (Trung tâm nghiên cứu Quốc tế về Văn hóa Nhật Bản: Nghiên cứu Nhật Bản tập 10), tr. 333, 334

0thảo luận