Trang chủ

ĐÁNH GIÁ XU HƯỚNG DÒNG VỐN FDI CỦA NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM

Đăng ngày: 7-02-2013, 13:12 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 10

Nhìn lại chặng đường trong mối bang giao hai nước, mặc dù Việt Nam đã thiết lập các quan hệ ngoại giao đầy đủ với Nhật Bản vào ngày 21 tháng 9 năm 1973,  song vì nhiều lý do khác nhau trong những thập kỷ 1970 và 1980 của thế kỷ XX, quan hệ hai nước chưa được phát triển đúng mức. Tuy nhiên, suốt chặng đường 35 năm đã qua và đặc biệt trong những năm gần đây, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển thay đổi về chất. Nhật Bản đã có sự đóng góp rất đáng kể cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau như là sự hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. FDI của Nhật Bản nói riêng không chỉ nhấn mạnh trọng tâm kích thích sự tăng trưởng của ngành công nghiệp mà còn góp phần phát triển hạ tầng cơ sở của Việt Nam nói chung. Mặc dù vậy, bên cạnh những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, lĩnh vực FDI của Nhật Bản ở Việt Nam hiện nay vẫn còn có những trở ngại không nhỏ làm mất cân xứng với quan hệ chính trị đang phát triển rất tốt đẹp giữa hai nước. Có thể nói, vấn đề này được cả phía Việt Nam lẫn phía Nhật Bản bàn luận khá nhiều trên mọi góc độ, từ giới học thuật đến giới chính trị và giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết, chúng tôi chỉ phân tích cơ sở và đánh giá triển vọng dòng vốn FDI của Nhật Bản ở Việt Nam trong ngắn và trung hạn.

1. Xây dựng cơ sở dự báo

Thực tế cho thấy, do Việt Nam đã và đang chủ động tích cực tham gia quá trình liên kết và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nên nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng lan tỏa lớn hơn (cả tác động tích cực lẫn tiêu cực) từ những biến động phức tạp và khó dự đoán của tình hình kinh tế và chính trị thế giới. Những biến động này, rõ ràng mang cả cơ hội lẫn thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong sự cạnh tranh thu hút FDI. Tuy nhiên, về mặt chủ quan, những người lạc quan vẫn có thể nhìn thấy rằng làn sóng FDI lần thứ 2, trong đó có FDI Nhật Bản, đang bắt đầu hình thành rõ nét hơn ở Việt Nam kể từ năm 2006 đến nay. Song, để có thể dự báo một cách xác thực hơn khuynh hướng vận động (luồng vào và ra) của dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam, trong điều kiện dự báo ngắn hạn (2-3 năm) hoặc dự báo trung và dài hạn hơn (khoảng 5-10 năm), trước hết người ta cần phải dựa vào kết quả phân tích và dự báo những biến động kinh tế vĩ mô và tình hình chính trị-xã hội của Việt Nam nói riêng, của khu vực và trên thế giới nói chung. Chúng tôi cho rằng kết quả phân tích này nên được xem là cơ sở ban đầu để có thể phân tích dự báo khuynh hướng hấp dẫn FDI Nhật Bản vào Việt Nam. Bởi sự dịch chuyển luồng vốn FDI trước hết nó phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh dài hạn của chính các TNCs Nhật Bản trong khu vực. Sự dịch chuyển này một phần dựa trên các đánh giá về thực trạng kinh tế vĩ mô của một vùng hay một nền kinh tế riêng lẻ. Họ sẽ là nguời đưa ra quyết định đâu là nơi cần đến và khi nào họ sẽ ra đi. Vì thế, trong trường hợp Việt Nam, kết quả kinh tế vĩ mô tốt cũng góp phần làm gia tăng mức độ hấp dẫn môi trường thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Bên cạnh đó, cơ sở của việc dự báo này sẽ còn phụ thuộc vào mức độ và tốc độ cải thiện “độ hấp dẫn” của môi trường đầu tư ở Việt Nam như thế nào đối với các yếu tố mang tính vi mô khi đặt trong tương quan so sánh với các nước trong vùng.

Xuất phát từ cách tiếp cận như vậy chúng tôi giới hạn sự phân tích ở hai nhân tố vĩ mô cơ bản có ảnh hưởng tới môi trường thu hút FDI nói chung, đó là triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam và tương lai quan hệ chính trị Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, nền tảng ổn định chính trị - xã hội trong nước luôn được thế giới công nhận là một trong những ưu điểm nổi trội của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực, nên chúng tôi thấy sẽ không cần thiết phải đề cập lại.

1.1. Đánh giá triển vọng bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam

Như những gì đã thấy trong thời gian qua, thành tích kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan và chính điều này đã đảm bảo cho Việt Nam duy trì được một môi trường thu hút FDI khá tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế  hàng năm duy trì ở một mức độ cao (trung bình từ 7,5% đến 8% năm) và khá ổn định. Điều này đã được thực tế khẳng định rõ. Giải thích cho thực trạng này cũng đã được các nhà kinh tế trong và ngoài nước bàn luận khá nhiều, vì thế chúng tôi cho rằng sẽ không cần thiết phải đề cập lại. Bước sang năm 2008 trên cơ sở thành tích đạt được của những năm trước đó, đặc biệt là trong năm 2007, nền kinh tế Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn và đang có một số bước điều chỉnh quan trọng do những tác động tiêu cực không nhỏ từ nền kinh tế thế giới. Ví dụ, ảnh hưởng sự suy giảm hay chính xác hơn là sự suy thoái kinh tế của nền kinh tế Mỹ do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng, có thể làm co hẹp thị trường xuất khẩu trong một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ và phần nào làm xấu đi bảng cân đối thanh toán quốc tế; Hệ quả đồng đô la Mỹ yếu như thổi thêm ngọn lửa cho giá dầu mỏ tăng cao có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát mà vốn dĩ nó đã có nguồn gốc từ những bất ổn chính trị kéo dài ở Trung Đông trong nhiều năm qua; Sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế của nhiều nước, cộng thêm thiên tai và dịch bệnh lan rộng trên phạm vi khu vực và thế giới cũng là nguyên nhân khiến bùng phát nguy cơ khủng hoảng lương thực hiện hữu ở nhiều quốc gia. Những điều này dẫn tới nguy cơ lạm phát gia tăng và nó đe dọa nghiêm trọng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Dựa vào một số biến số cơ bản như trên, ngày 8/5/2008, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo kinh tế hàng năm, trong đó đưa ra dự báo trên mô hình kinh tế lượng vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam năm 2008 theo 3 kịch bản. Các nhà phân tích cho rằng dù theo kịch bản nào thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 này đều thấp hơn so với kỳ vọng của chính phủ sau khi gia nhập WTO cũng như kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Thứ nhất, theo kịch bản cơ bản, GDP năm 2008 sẽ tăng 7,2%, mức lạm phát (trung bình) là 19,4%, xuất khẩu tăng 26,2% và cán cân thương mại thâm hụt ở mức tương đương 17,3% GDP. Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế theo 3 khu vực chính - khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ, tương ứng là 3,2; 8,2 và 7,9%.

Thứ hai, các nhà phân tích gọi là kịch bản “bi quan” cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo theo kịch bản cơ bản là ở mức 6,7% trong năm 2008. Mức lạm phát sẽ tăng tới 22,3%, thâm hụt thương mại lên đến - 17,8% (GDP), thâm hụt ngân sách - 3,9% (GDP).

Thứ ba, theo kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt ở mức 7,6%, mức lạm phát sẽ tăng 16,7%, thâm hụt thương mại là - 16,6% (GDP), thâm hụt ngân sách - 4,5% (GDP) .

Có thể thấy theo nhận định chung của các chuyên gia CIEM, trong năm 2008 nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007. Một số chỉ tiêu dự báo trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ bản thấp xa so với các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008. Kết quả dự báo từ mô hình cũng cho thấy, lạm phát vẫn đứng ở mức cao và cao hơn so với mức năm 2007 và nhập siêu còn lớn, chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn. Điều này một lần nữa cảnh báo mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2008 cần được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Chính vì vậy, vừa qua Quốc hội Việt Nam đã thông qua đề nghị của chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống khoảng 7% trong năm 2008.

Bình luận về ba kịch bản được Ban Nghiên cứu CIEM đưa ra, T.S Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập của CIEM cho rằng, rất có thể kinh tế Việt Nam sẽ đi theo kịch bản thứ ba. Theo phân tích của TS Võ Trí Thành, có hai lý do để kinh tế Việt Nam đi theo kịch bản xấu này. Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ và thế giới, tuy không rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhưng đã cho thấy quá nhiều dấu hiệu bất ổn, và tác động đến kinh tế Việt Nam. Thứ hai, cho dù chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng việc triển khai trên thực tế đang là “vấn đề”. Vẫn theo ý kiến bình luận của TS Võ Trí Thành, dù phát triển theo kịch bản nào, thì thâm hụt thương mại và mức lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn cao, và về trung hạn, mức lạm phát vẫn phải trên 10% năm 2009, và 5-7% trong năm 2010.

Rõ ràng, từ góc độ chủ quan, các nhà phân tích đã có thể chỉ ra những tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 là hiện thực. Nhìn xa hơn một chút trong 2 năm kế tiếp 2009 và 2010, khuynh hướng này có thể làm chậm lại “tốc độ tăng trưởng cao“ trong những năm trước đây bởi những nguyên nhân vừa kể trên. Tuy nhiên, người ta cũng cần phải lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại không có nghĩa là không tăng trưởng hay tụt xuống tới mức tăng trưởng âm như một số nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Điều này ít người đánh giá như vậy. Vì thế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn là tốc độ tăng trưởng dương và ở một mức “lành mạnh“ so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Lý do là người ta vẫn có thể nhìn thấy những yếu tố cơ bản (ví dụ như tỷ lệ đầu tư/GDP, nguồn vốn FDI, mức độ tích lũy, v.v.) đảm bảo cho sự tăng trưởng tiếp tục diễn ra. Các nhà kinh tế trong và ngoài nước đều nhất trí cho rằng kể cả về trung hạn từ 5 đến 10 năm tới, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tiếp tục được đánh giá là “khả quan“ do nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được động lực tăng trưởng từ nhu cầu bên trong. Hơn nữa, nhu cầu này được hỗ trợ bởi quyết tâm chính trị nhằm đẩy mạnh công cuộc cải cách và đổi mới của chính phủ Việt Nam trong thời đại hội nhập quốc tế. Mặc dù hiện tại, GDP tăng trưởng chậm lại và tỉ lệ lạm phát cao đang gây ra những lo ngại về viễn cảnh kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered trong chuyên mục “On the ground in Vietnam” vừa được công bố gần đây vẫn đưa ra 8 lý do để kinh tế Việt Nam phát triển mạnh. Đó là: 1) Sự ổn định về chính trị - nền tảng vững chắc cho sự phát triển; 2) Theo xu hướng toàn cầu hóa - một trong những nền kinh tế mở cửa nhất tại Châu Á; 3) Sự phát triển của khu vực - những điều đạt được từ hội nhập vào ASEAN; 4) Đa dạng hóa rủi ro; 5) Xu hướng dân số - trẻ và năng động; 6) Tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng lôi cuốn tầng lớp trung lưu; 7) Nguồn vốn dồi dào;  8) Bài học từ các nước láng giềng - sự phát triển nhảy cóc.

Như vậy, từ những phân tích ở trên có thể nói rằng tương lai bức tranh kinh tế Vĩ mô của Việt Nam mặc dù có một số bất cập ngắn hạn, song về trung hạn nó vẫn tiếp tục chứng tỏ là yếu tố tích cực tạo dựng cho môi trường thu hút đầu tư nước ngoài được lành mạnh hơn. Điều này cũng phù hợp với đánh giá của ông Tomoharu Washio, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) khi ông đưa ra các khuyến cáo cho các nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam. Quan điểm phân tích của Ông Tomoharu Washio cho rằng hãy nhìn vào viễn cảnh của Việt Nam 10 năm sau. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời hoàn thiện xong hệ thống luật pháp và hạ tầng đô thị, nền công nghiệp phụ trợ cũng được phát triển, đội ngũ kỹ thuật và quản lý trung gian vốn không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trưởng thành, số lượng doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng lên. Dân số Việt Nam có thể sẽ vượt ngưỡng 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, và kết quả là Việt Nam sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ lớn, vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN cũng sẽ được nâng lên tầm cao mới. Như vậy, khu vực Đông Á giáp Thái Bình Dương từ các nước phía Bắc là Nhật Bản và Hàn Quốc, vùng duyên hải Trung Quốc cho đến Việt Nam sẽ hình thành nên vành đai kinh tế lớn trải dài liên tục theo hướng Bắc - Nam. Điều này có lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản và đó là một cơ hội lớn cho họ.

1.2. Nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp

Điều không phải bàn cãi là quan hệ chính trị Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua liên tục được cải thiện. Đặc biệt trong một số năm gần đây, mối quan hệ này đã có sự biến chuyển về chất. Nó đã được chính phủ hai nước nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Chính vì được tồn tại trong bầu không khí chính trị nồng ấm như vậy nên mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước, đặc biệt là hoạt động đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đã nhận được một sự hậu thuẫn hết sức vững chắc từ phía chính phủ hai nước. Điều này càng được khẳng định rõ hơn khi người ta nhớ tới những sự kiện hết sức quan trọng trong quan hệ đối ngoại hai nước thời gian qua.

Sau khi nhậm chức vào năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chọn Nhật Bản làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Và ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ngài Shinzo Abe cũng đã đến thăm Việt Nam. Tiếp theo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 11/2007. Mối quan hệ Việt - Nhật đã trở nên gắn bó khăng khít một cách nhanh chóng. Cả hai nước đã cùng nhau thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Giới phân tích cho rằng cái nhìn thân thiện mà Nhật Bản hướng tới Việt Nam vẫn không hề thay đổi dưới chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản hiện nay. Đứng ở góc độ của người Nhật họ cho rằng, cơ sở của mối quan hệ chính trị tốt đẹp ngày nay sẽ tiếp tục được xây dựng ngày càng vững chắc hơn từ sự củng cố trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Chính phủ Nhật cũng thừa nhận rằng từ trước đến nay, xét trên nhiều phương diện, Nhật Bản luôn đã dành cho Việt Nam tình cảm thân thiện. Cụ thể, bước vào những năm 2000, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã trở nên sâu sắc hơn. Tại Việt Nam và ASEAN, các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang hình thành nên sự phân công lao động trong quá trình sản xuất, tạo nên chuỗi cung cấp sản phẩm. Trên cơ sở theo đuổi chiến lược này, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích khối tư nhân, cụ thể là các nhà đầu tư Nhật Bản, hãy nhìn Việt Nam là nước chiếm vị trí quan trọng nhất và là một trong những trụ cột của ASEAN. Đối với Việt Nam, Nhật Bản là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu (năm 2006) lớn thứ hai - đứng sau Trung Quốc. Nhật Bản cũng là nước có số vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện lớn nhất, điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản. Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu hướng tới ngành công nghiệp chế tạo. Chắc chắn hoạt động đầu tư này sẽ giúp ích cho Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại hoá và tạo thêm nhiều việc làm mới. Mặt khác, sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam không chỉ dừng lại ở phần cứng là công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng như lĩnh vực điện lực và giao thông mà còn cả ở phần mềm như y tế và phát triển nguồn nhân lực.

Chính vì vậy, quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước đã là nền tảng khẳng định tương lai quan hệ Ðối tác Kinh tế Toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản. Một trong những nội dung cụ thể được chính phủ hai nước nhấn mạnh cam kết là:

- Về môi trường đầu tư ở Việt Nam: Chính phủ hai bên đã ghi nhận rằng "Sáng kiến chung Nhật - Việt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam" là hữu ích và góp phần tăng mạnh đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Ðầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong ba năm qua. Hai bên sẽ hợp tác chân thành để triển khai những bước tiếp theo của báo cáo Giai đoạn II Sáng kiến chung Nhật - Việt và đi vào thực hiện giai đoạn III của Sáng kiến này. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để thu hút đầu tư. Hai bên khẳng định thực hiện Giai đoạn II Dự án Việt Nam về Khuôn khổ chính sách đầu tư (PFI) theo sáng kiến của OECD, theo đó Nhật Bản cam kết đóng góp chuyên gia và tài chính cho dự án này để cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.

- Về hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA): Hai bên đánh giá cao tầm quan trọng to lớn của Hiệp định Ðối tác Kinh tế Việt - Nhật và ghi nhận những nỗ lực và kết quả tích cực đạt được trong các vòng đàm phán kể từ tháng 1 năm 2007. Hai bên bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hơn nữa đàm phán để ký kết được một Hiệp định ở tầm cao và mang lại lợi ích chung trong thời gian sớm nhất.

- Viện trợ phát triển chính thức (ODA): Phía Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư và bảo vệ môi trường thông qua ODA của Nhật Bản trong những năm tới.

Tóm lại, có thể khẳng định ít nhất về trung hạn 5-10 năm tới, tương lai quan hệ chính trị hai nước không ngừng được tăng cường bền chặt và nó sẽ là lý do để các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục nhìn thấy sự an tâm và tìm thấy nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh của mình ở Việt Nam.

2. Dự báo triển vọng

Từ sự phân tích ở trên, chúng ta có thể lưu ý hai điều rằng:

Thứ nhất, nếu không có những biến cố lớn và có tính bất khả kháng xẩy ra như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh.. dự báo hoạt động kinh tế vĩ mô của Việt Nam về trung hạn (từ nay ~ 2015) sẽ tiếp tục duy trì đựơc khuynh hướng tốt; môi trường chính trị - xã hội tiếp tục ổn định; và mối quan hệ chính trị Việt Nam - Nhật Bản sẽ không ngừng được củng cố. Cơ sở này hậu thuẫn tích cực và căn bản cho việc kiến tạo tính hấp dẫn.của môi trường thu hút đầu tư FDI Nhật Bản ở Việt Nam.

Thứ hai, tuy nhiên, điều nói trên mới chỉ được xem là những thuận lợi mang tính chất tiềm năng bởi nó sẽ dễ dàng bị triệt tiêu với những trở ngại phát sinh trong thực tế, cho dù chỉ mang tính kỹ thuật trong môi trường thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong tương lai.

Khi soi rọi vào thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản cũng còn nhiều bất cập mang tính kỹ thuật và chính sách ở cả trên khía cạnh vi mô lẫn vĩ mô. Các nhà tài trợ có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2008 tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 2/6/2008 đã không giấu lo lắng về tình hình lạm phát và môi trường đầu tư trong thời điểm hiện tại, song họ đều có chung nhận xét: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn ít nhất là 5-10 năm nữa. Ví dụ, Ông Michael J. Pease, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa kỳ khẳng định: "Việt Nam vẫn là điểm thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài. Các công ty Mỹ đang mong muốn được tận dụng những cơ hội đầu tư mới trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam". Ủng hộ các giải pháp kìm chế lạm phát hiện thời của Chính phủ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Australia khẳng định: "Sự tăng trưởng kinh tế hiện tại ở Việt Nam là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ trở thành một nền kinh tế chủ chốt trong tương lai gần"... Đối với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO – Hà nội) trong sáng ngày 2 tháng 6 năm 2008 cũng đưa ra công bố đánh giá Việt Nam là địa điểm sản xuất tốt nhất ở Châu Á theo định hướng kinh doanh trong vòng 5-10 năm tới. Kết quả của JETRO được tiến hành năm 2007 với sự tham gia của trên 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. JETRO cho hay các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam rất tin tưởng vào triển vọng kinh doanh năm 2008 do kỳ vọng doanh thu xuất khẩu tăng. Có tới 92,6% công ty sản xuất và 88% công ty phi sản xuất Nhật Bản trong diện điều tra cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 11 quốc gia và vùng lãnh thổ được đưa ra trưng cầu ý kiến doanh nghiệp đợt này. Kết quả điều tra của JETRO cũng cho thấy, mặc dù có những kỳ vọng như vậy nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản hài lòng với địa điểm đầu tư tại Việt Nam đã giảm từ vị trí đứng đầu ASEAN với 75,4% năm 2006 xuống vị trí thứ 5 trong 6 nước ASEAN có nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động với 41,7%. Nguyên nhân được cho là do Việt Nam thua kém các nước ASEAN khác về khả năng mua nguyên liệu phụ tùng trong nước và do cơ sở hạ tầng kém phát triển. Hơn nữa, còn nhiều bất cập khác đã được chúng tôi trình bày ở trong tiết 2 và chúng tôi thấy không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Với các nhà đầu tư Nhật Bản, quan điểm của họ thể hiện sự lo ngại không nhỏ. Sự bất cập này có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của môi trường thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian sắp tới. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề dự báo xu hướng vận động luồng vốn FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam (cả luồng vào và ra) phải căn cứ nhiều hơn vào thực tiễn mức độ cải thiện những bất cập này. Do đó chúng tôi đưa ra ba kịch bản sau đây với kết quả dự báo dựa theo biến số “mức độ cải thiện các bất cập hiện tại“ trong môi trường đầu tư ở Việt Nam như thế nào?.

2.1. Kịch bản 1: Môi trường đầu tư tốt lên nhờ những bất cập hiện tại sớm được khắc phục một cách triệt để dẫn tới làm gia tăng lợi thế so sánh trong môi trường thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam so với các nước lân cận

Về ngắn hạn (2-3 năm tới): Kết quả là cường độ làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ được tiếp sức và tăng mạnh. Thể hiện cả về số lượng mới và quy mô dự án trên vốn đăng ký lẫn những dự án điều chỉnh tăng vốn theo từng năm. Đồng thời khối lượng vốn giải ngân thực tế cũng sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư có sự thay đổi nhưng lĩnh vực chủ yếu vẫn tập trung vào công nghiệp chế tạo, dầu mỏ và bất động sản.

Về trung và dài hạn (nay đến 2015-2020): Đặc biệt khi ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam được hình thành. Sự dịch chuyển luồng FDI vào từ các nước lân cận, đặc biệt là từ Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác sẽ gia tăng nhanh hơn. Độ lớn luồng vốn FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản chảy vào Việt Nam tùy thuộc vào độ lớn những biến động chính trị xã hội ở các nước đó.

2.2. Kịch bản 2: Môi trường đầu tư được cải thiện không nhiều do những bất cập hiện tại chậm khắc phục. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế so sánh trong khu vực nhờ duy trì 3 yếu tố chính: môi trường kinh tế- chính trị ổn định và tiền công thấp

Về ngắn hạn (2-3 năm tới): Cường độ làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư Nhật Bản có thể bị chậm dần lại và tăng không đáng kể so với kỳ vọng ban đầu. Thể hiện số lượng dự án mới hay quy mô dự án quay lại mức trung bình. Dự án điều chỉnh tăng vốn ở mức khiêm tốn không theo sự mở rộng của quy mô thị trường. Đồng thời khối lượng vốn giải ngân thực tế sẽ chậm lại do hậu quả lạm phát chưa thể khắc phục được. Nhìn chung, hiện trạng không có gì thay đổi đột biến

Về trung và dài hạn (nay đến 2015-2020): sự tham dự của các nhà đầu tư Nhật Bản mới đến với Việt Nam vẫn tăng nhưng không ồ ạt. Cơ cấu đầu tư mặc dù sẽ có sự thay đổi song lĩnh vực chủ yếu vẫn tập trung vào công nghiệp chế tạo và dầu mỏ. Xuất hiện dấu hiệu các TNCs Nhật Bản bắt đầu nghe ngóng về môi trường thu hút đầu tư ở các nước lân cận trong một số ngành, sản phẩm trùng lặp. Tuy nhiên, không có sự rút lui đầu tư.

2.3. Kịch bản 3: Những bất cập hiện tại kéo dài mà không khắc phục được (ví dụ như thiếu hụt nhân lực tay nghề cao, tranh chấp lao động, tiền công và chi phí sản xuất tăng nhanh, v.v.. ), nhịp độ đổi mới và cải cách hành chính ở Việt Nam ít được cải thiện dẫn đến lợi thế so sánh của Việt Nam tụt bậc nhanh chóng so với khu vực. Môi trường đầu tư xấu đi rõ rệt

Về ngắn hạn (2-3 năm tới): Các nhà đầu tư Nhật Bản thực sự nghe ngóng, thể hiện sự bất mãn và phản ứng tiếp theo là thu hẹp dần quy mô sản xuất.

Về trung và dài hạn (nay đến 2015-2020): Có khả năng tính tới sự rút lui đầu tư khỏi Việt Nam sang các nước lân cận.

Tóm lại, khẳng định rằng làn sóng đầu tư thứ hai là có thật. Với ba kịch bản nêu trên, nếu nói mong đợi chủ quan thì chúng tôi mong muốn kịch bản 1 diễn ra. Song, thực tế có thể sẽ rất khác. Xét riêng về dự báo ngắn hạn, chúng tôi cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ diễn ra đa phần theo như ở kịch bản thứ hai. Tại sao chúng tôi không lựa chọn kịch bản 1 và 3? Có hai lý do giải thích cho sự lựa chọn đó. Thứ nhất, Kịch bản 1 thì quá tốt nếu Việt Nam có thể khắc phục nhanh chóng những bất cập. Nhưng điều đó là không khả thi vì tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam mặc dù không phải quá tồi nhưng ở ngắn hạn cũng bị ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái, đặc biệt là tình trạng lạm phát và giá dầu mỏ tăng cao. Và người lạc quan nhất cũng phải nghĩ tới mất 2-3 năm nữa, kinh tế toàn cầu mới có sự hồi phục. Do vậy, sự khắc phục những bất cập trong bối cảnh ấy của Việt Nam trong một thời gian ngắn là không hiện thực. Thứ hai, nếu lựa chọn kịch bản thứ ba thì quá bi quan bởi lẽ, Việt Nam luôn thể hiện thấy yếu tố địa chính trị trong chiến lược phân bổ luồng vốn đầu tư của Nhật Bản. Dự báo có sự rút lui luồng vồn FDI Nhật Bản là một kịch bản quá xấu và khó xẩy ra. Do vậy, dự báo với một thực tế là sự cải thiện không nhiều về môi trường đầu tư ở Việt Nam ở ngắn hạn là sát với thực tiễn hơn cả. Trên cơ sở như vậy, chúng tôi cho rằng nếu không nhận thức kịp thời thì làn sóng đầu tư thứ 2 từ các nhà đầu tư Nhật Bản có thể bị chặn lại mặc dù Việt Nam đang đứng trước những cơ hội hết sức thuận lợi do bối cảnh quốc tế mang lại.

 

PHẠM QUÝ LONG

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. JETRO report February 2008: “2007 Survey of Japanese Firms in Asia” (bản tiếng Anh).

2. Báo cáo của JETRO tháng 4/2008: “Thực trạng của các nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam” (bản tiếng Nhật).

3. Báo cáo điều tra của Mitsubishi UFJ Research and Consulting năm 2007 (bản tiếng Nhật).

4. JETRO “Sách trắng về đầu tư, thương mại” từ 1999 đến 2005.

5. Tài liệu giới thiệu về Công ty Honda Việt Nam.

6. JICA Hà nội “Sáng kiến chung Việt Nhật để nâng cao năng lực cạnh tranh” năm 2003.

7. Cục Đầu tư Nước ngoài (2007): Số liệu FDI vào Việt Nam tính đến ngày 22/10/2007 (chỉ tính các dự án còn hiệu lực).

8. Cục Đầu tư Nước ngoài (2006): Số liệu đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2005 (chỉ tính các dự án còn hiệu lực).

0thảo luận