Năm 2008 là năm đánh dấu một sự kiện quan trọng: Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vừa tròn 35 tuổi. Có thể nói, 35 năm là quãng đường không dài so với lịch sử mối bang giao giữa hai dân tộc mà dấu ấn đậm nét là sự phát triển phồn thịnh của đô thị cổ Hội An ngay từ thế kỷ thứ 16, hay phong trào Đông Du cuối thế kỷ 18. Song đây cũng là quãng đường ghi dấu những bước thăng trầm, biến động sôi nổi trong quan hệ hai nước.
Trong 35 năm qua, đặc biệt là giai đoạn từ đầu thập kỷ 1990 trở lại đây, quan hệ hai nước đã có bước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực là lĩnh vực không thể không kể đến khi nói tới những thành quả trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Bởi vì Nhật Bản là quốc gia mà cả thế giới biết đến sự thành công trong lĩnh vực giáo dục, lấy con người làm nguồn lực chủ yếu để cách tân và phát triển đất nước trong hơn 100 năm qua, kể từ công cuộc Minh Trị duy tân. Nhật Bản cũng đã tận dụng thế mạnh này để giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc cải cách và phát triển kinh tế hiện nay. Trên thực tế, trong nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam, một phần không nhỏ của viện trợ không hoàn lại là dành cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam cũng là một kênh quan trọng. Ngoài ra, không thể không kể đến việc xuất khẩu lao động, gửi thực tập sinh, tu nghiệp sinh của Việt Nam sang Nhật Bản như một kênh hợp tác khác… Bài viết xin điểm lại những điểm nổi bật trong lĩnh vực hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản để thấy được những thành quả đã đạt được và vấn đề đang đặt ra hiện nay.
1. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục tiểu học
Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định việc đào tạo nhân tài là vấn đề hết sức cần thiết, và trong “Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo từ năm 2001 - 2010”, hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học là một mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều trường học kém chất lượng với cơ sở vật chất tồi tàn, quá cũ nát, thiết bị dạy học thiếu thốn, phòng học không đủ dẫn đến phải sử dụng tới 2 - 3 ca/ngày…, không đảm bảo môi trường giảng dạy cần thiết tối thiểu. Chính vì vậy mà Chính phủ Nhật Bản đã rất chú trọng đến việc giúp đỡ Việt Nam xây dựng và nâng cao cơ sở vật chất cho các trường tiểu học.
Từ năm 1995 đến nay, Nhật Bản đã giúp chúng ta xây dựng tổng cộng 299 trường tiểu học tại 17 tỉnh, vùng bị thiệt hại do thiên tai và 8 tỉnh miền núi phía Bắc bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại([1]). Các dự án được thực hiện gần đây là: Dự án nâng cao cơ sở vật chất cho các trường tiểu học vùng núi phía Bắc lần thứ hai (kỳ 3) năm 2005 với tổng kinh phí là 511 triệu yên (tương đương khoảng 5 triệu USD), xây mới 140 phòng học tại 17 trường thuộc tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ; Dự án nâng cao cơ sở vật chất cho các trường tiểu học vùng núi phía Bắc lần thứ hai (kỳ 2) năm 2004, tổng kinh phí 344 triệu yên ( 3,4 triệu USD), xây mới 106 phòng học tại 14 trường thuộc tỉnh Thái Nguyên…
Ngoài việc giúp xây dựng trường sở, Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam trong việc xóa mù chữ, nâng cao chất lượng quản lý giáo dục… trong các dự án lớn như: Xúc tiến giáo dục xóa mù chữ cho người lớn vì sự phát triển cộng đồng bền vững tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, nghiên cứu những hỗ trợ nhằm phát triển giáo dục tiểu học ở Việt Nam, tăng cường đào tạo giáo viên theo cụm và quản lý trường học trong lĩnh vực giáo dục tiểu học…
2. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục trung học
Nhận thấy giáo dục trung học đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng nhận thức và hình thành nhân cách đối với trẻ em, trong những năm gần đây hai nước đã bước đầu tiến hành hợp tác trong lĩnh vực giáo dục trung học. Về phía Nhật Bản, hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang tổ chức và phát triển các chương trình trao đổi học sinh trung học từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Chương trình được thực hiện với sự tài trợ của Nhật Bản, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của thanh, thiếu niên các nước về văn hóa, phong tục tập quán, đất nước con người Nhật Bản. Năm 2008, 330 học sinh trung học Việt Nam đã được mời sang Nhật Bản cùng với học sinh các nước ASEAN. Chương trình dự định sẽ kéo dài 5 năm với tổng số 6000 học sinh các nước sẽ được mời sang Nhật Bản([2]).
Về phía Việt Nam, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ chương đưa tiếng Nhật vào giảng dạy thử nghiệm ở cấp trung học cơ sở. Với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, “Chương trình thí điểm dạy và học tiếng Nhật trong trường phổ thông” đã được tiến hành từ năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chương trình được tiến hành với sự cộng tác của nhiều chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản trong ngành giáo dục và giảng dạy tiếng Nhật. Sách giáo khoa tiếng Nhật dành riêng cho học sinh trung học Việt Nam cũng đang được chuyên gia hai nước biên soạn, tập 1 đã được phát hành và đưa vào sử dụng từ năm 2007. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, đã có tổng cộng 11 trường trung học cơ sở (THCS) và 1 trường trung học phổ thông (THPT) đưa tiếng Nhật vào giảng dạy([3]). Trong tương lai gần, tiếng Nhật sẽ được giảng dạy đại trà với tư cách là một trong những ngoại ngữ cơ bản sử dụng ở Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm mục đích phổ biến kiến thức về Nhật Bản học cho học sinh THCS và THPT, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này. Từ năm 2003 đến năm 2006, được sự tài trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, Trung tâm đã tiến hành 3 cuộc hội thảo lớn với nhan đề “Tìm hiểu đất nước, con người Nhật Bản dành cho giáo viên trung học Việt Nam” tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với sự tham gia của 150 giáo viên đến từ 150 trường THCS và THPT khác nhau trên toàn quốc. Chương trình được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả khoa học.
3. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực
Trong lĩnh vực giảng dạy đại học và trên đại học, hai nước đang hợp tác hết sức tốt đẹp. Hàng năm, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 100 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học. Tính đến năm 2007, có khoảng 4000 lưu học sinh Việt Nam đang du học tại Nhật Bản theo các loại học bổng của chính phủ hai nước và bằng kinh phí tự túc. Vừa qua, nhân dịp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sang thăm Nhật Bản tháng 3/2008, hai nước đã ký thỏa thuận về việc Nhật Bản giúp đào tạo 1000 tiến sĩ cho Việt Nam đến năm 2020 và tiếp tục tăng học bổng cho Việt Nam trong 3 năm tới. Số cán bộ được đào tạo trình độ cao này sẽ được bổ sung vào đội ngũ giảng viên của các trường đại học Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng dành một khoản viện trợ không hoàn lại cho việc nâng cao trang thiết bị dạy học và nghiên cứu cho các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu Việt Nam. Tiêu biểu có các dự án như Dự án mua sắm trang thiết bị dạy học cho trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), Dự án nâng cao cơ sở vật chất cho trường Đại học Ngoại thương, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH & NV) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Đại học Cần Thơ, Đại học Nông nghiệp I. Và mới đây, năm 2008 đã ký kết viện trợ 67 ngàn USD cho trường Đại học Sư phạm TP. HCM nhằm trang bị phòng nghe nhìn đa phương tiện phục vụ cho khóa học tiếng Nhật hệ chính quy đầu tiên. Ngoài ra, còn có các dự án viện trợ cho các viện nghiên cứu như: Hỗ trợ cho Bảo tàng dân tộc học Việt Nam trên 64 ngàn USD trong “Dự án ghi âm ghi hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số Việt Nam”, Hỗ trợ cho Viện Hán Nôm trong việc bảo tồn thư tịch cổ…
Hiện nay, trong lĩnh vực giao lưu, trao đổi học thuật, hai nước cũng thường xuyên cử chuyên gia hợp tác trong các dự án nghiên cứu chung. Bằng nguồn tài trợ của Chính phủ, của các cơ quan đào tạo, nghiên cứu và tổ chức cá nhân, nhiều nhà nghiên cứu và giáo sư các trường đại học Nhật Bản đã được mời sang Việt Nam thỉnh giảng và ngược lại. Ngoài ra, chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường đại học hai nước cũng được xúc tiến mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ví dụ, chỉ tính riêng số sinh viên Nhật Bản đến học tập tại trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1990 đến năm 2003 đã có khoảng 1.000 lượt người([4]). Giữa các viện nghiên cứu và trường đại học lớn của hai nước đã có quan hệ hợp tác, trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh như Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á với trường Đại học Tokyo, Đại học Waseda, Đại học Kinh tế và Luật Osaka… trường Đại học KHXH & NV Hà Nội với Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Kansai, Đại học Waseda… trường Đại học KHXH & NV TP.HCM với Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Thương mại Nagoya… Số người nghiên cứu Nhật Bản học tại Việt Nam và Việt Nam học tại Nhật Bản cũng không ngừng tăng lên. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng ước tính số lượng người nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam hiện nay đã lên tới vài trăm người với hàng chục cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Ở Nhật Bản cũng có khoảng 100 nhà nghiên cứu Việt Nam học. Đến nay, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã được xuất bản thành sách, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, hai nước cũng có triển vọng hợp tác hết sức sáng sủa. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, với trên 50 triệu lao động tính đến năm 2006, và mỗi năm được bổ sung thêm khoảng 1,7 triệu lao động mới([5]). Tuy nhiên, trình độ của lao động Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực: trình độ văn hóa bình quân của người lao động là 7,4 năm/12, số người có trình độ chuyên môn về mặt kỹ thuật rất ít, chỉ có khoảng hơn 20%. Nhu cầu về hợp tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam là rất lớn, trong khi Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm, lại có “cơ sở vật chất và tài chính cho sự mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này”([6]). Hiện nay, thông qua nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng thể chế là một trong 5 lĩnh vực chủ yếu mà chính phủ Nhật Bản chủ trương hỗ trợ cho Việt Nam. Ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất cho giáo dục, giao lưu học sinh, sinh viên và các nguồn học bổng của Chính phủ như đã kể trên, Nhật Bản còn giúp các cơ quan Việt Nam đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng quản lý… Một số dự án hợp tác được thực hiện gần đây với hình thức “hợp tác kỹ thuật” nằm trong nguồn viện trợ ODA như: Dự án bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nhằm hiện đại hóa hành chính ngành thuế quan, được thực hiện từ năm 2004 đến 2007; Dự án nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế tỉnh Hòa Bình từ năm 2004 đến năm 2009; Dự án nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tại chức từ năm 2004 đến 2007; Dự án cải cách chế độ quản lý cảng biển từ năm 2005 đến 2008…
Một kênh hợp tác khác là đào tạo nguồn nhân lực thông qua nguồn đầu tư trực tiếp FDI của Nhật Bản vào Việt Nam. Với số lượng các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng hàng năm, nguồn nhân lực phục vụ trong các khu công nghiệp, chế xuất của Nhật Bản cũng không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 7/2008, tổng số vốn đầu tư đăng ký của Nhật Bản đã lên đến 16,7 tỷ USD, giữ vị trí thứ 2/82 trong các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Số lao động phục vụ cho các công ty, xí nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản vào khoảng gần 100 nghìn lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp([7]). Đây chính là cơ sở để đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ kỹ thuật và trình độ quản lý cho nguồn nhân lực Việt Nam. Trên thực tế, các công ty Nhật Bản cũng bỏ ra chi phí rất lớn cho công tác đào tạo, và tỉ lệ lao động được đào tạo lại ở các công ty Nhật Bản cao hơn nhiều so với các công ty, xí nghiệp trong nước.
Cuối cùng, việc xuất khẩu lao động - đưa thực tập sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật Bản cũng là một kênh hợp tác có hiệu quả. Từ năm 1992 đến nay, chúng ta đã cử khoảng 18.000 tu nghiệp sinh, thực tập sinh sang Nhật Bản, trong đó từ năm 2005 đến 2008 mỗi năm tăng từ 15-20%. Trước khi sang Nhật Bản, số lao động này được phía Nhật Bản hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật và giáo dục định hướng trong 4 tháng. Đây là điều kiện thuận lợi để lao động Việt Nam nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc tại Nhật. Mặt khác, thị trường lao động Nhật Bản với đòi hỏi khắt khe về chất lượng tay nghề cũng là cơ hội để lao động Việt Nam trau dồi tay nghề, tiếp cận với công nghệ hiện đại, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Hiện nay, số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng hàng năm, nhưng thực chất vẫn ở con số khiêm tốn so với các thị trường khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…
Kết luận
Trong 35 năm qua, cùng với việc thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng phát triển. Sở dĩ có được những thành quả đáng tự hào như trên, ngoài lý do khách quan là sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hai nước tạo môi trường thuận lợi cho việc hợp tác, còn có một số nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ nhu cầu, thực lực và khả năng đáp ứng của hai nước. Về phía Việt Nam, trong điều kiện chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay, việc cải cách giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đất nước là một đòi hỏi cấp bách. Chúng ta là một quốc gia có dân số trẻ, có nguồn lao động dồi dào, song lại bị hạn chế về trình độ. Chúng ta đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia có kinh nghiệm và khả năng tài chính về vấn đề này. Trong khi đó, Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai trên Thế giới, Nhật Bản cũng có hơn 100 năm kinh nghiệm cải cách giáo dục và đào tạo nhân lực, và điều quan trọng là với tỷ lệ già hóa dân số cao như hiện nay, Nhật Bản rất cần bổ sung lực lượng lao động mới. Như vậy là, với nhu cầu của Việt Nam và khả năng đáp ứng của Nhật Bản, mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực này là hoàn toàn khả thi và có triển vọng.
Tuy vậy, cũng vẫn còn có những vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn phát triển hợp tác tiếp theo. Thứ nhất, về hợp tác giáo dục, hiện nay hai nước mới chỉ hạn chế ở việc Việt Nam cần gì thì Nhật Bản hỗ trợ về cái đó, trong khuôn khổ của nguồn vốn ODA, trong khi quan hệ hợp tác là phải từ hai phía, trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Rõ ràng là chúng ta cần có một định hướng tổng thể, một kế hoạch hợp tác dài hơi với phía bạn, trong đó cũng cần chú trọng đến việc Việt Nam có thể cung cấp được những dịch vụ giáo dục và môi trường nghiên cứu như thế nào cho người Nhật Bản. Việt Nam ở vị trí địa lý quan trọng về mặt chính trị, lại là điểm giao tiếp của văn hóa Trung Hoa và các luồng văn hóa Đông Nam Á, đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây từ thời Pháp thuộc. Văn hóa Việt Nam thực sự là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Nếu chúng ta có những chính sách và biện pháp khuyến khích rõ ràng thì chắc chắn trong tương lai gần việc giao lưu học tập và nghiên cứu với Nhật Bản sẽ rất phát triển. Mặt khác, việc hợp tác giáo dục cũng cần được triển khai hơn nữa ở các cấp giáo dục trung học và tiểu học. Cần tăng cường sự hợp tác về mặt học thuật trong giáo dục ở các cấp độ này, chứ không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, hay việc giao lưu thanh, thiếu niên như hiện nay.
Về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, cần phát huy kênh hợp tác xuất khẩu lao động giữa hai nước. Trên thực tế, số lượng lao động ta gửi sang nước bạn vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng của cả hai nước. Lao động Việt Nam do trình độ kỹ thuật còn thấp nên khó đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động Nhật Bản. Bên cạnh đó, còn tồn tại hiện tượng người lao động Việt Nam khi sang Nhật phá hợp đồng, bỏ ra ngoài làm, hoặc trốn ở lại Nhật làm nghề buôn bán tự do. Một trong những nguyên nhân này là do các công ty Nhật Bản thường tuyển lao động Việt Nam vào làm với hình thức tu nghiệp sinh, thực tập sinh để trả cho họ mức lương học việc thấp kém, trong khi họ làm việc ở các vị trí tương đương với những người thợ lành nghề Nhật Bản, xứng đáng được hưởng mức lương và chế độ phúc lợi cao hơn. Nguyên nhân khác là rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, tập quán sinh hoạt đã làm cho người lao động nước ta khó hoà nhập với môi trường làm việc ở Nhật. Một điều đáng nói khác là ngay cả số lao động tay nghề cao này, sau khi làm việc ở Nhật Bản trở về nước, họ cũng không được bố trí vào môi trường làm việc phù hợp với chuyên môn, giúp phát huy tiếp khả năng của họ. Phần lớn những người này sử dụng số tiền tiết kiệm được để làm các công việc kinh doanh cá nhân, không liên quan gì đến các kiến thức mà họ tiếp nhận được khi học việc và lao động ở Nhật Bản. Đây là một sự lãng phí rất lớn. Chúng ta cần phải tính đến kế hoạch sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này khi họ trở về nước.
Hiện nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Sắp tới, hiệp định đối tác kinh tế EPA sẽ được ký kết giữa hai nước. Điều này mở ra cơ hội phát triển quan hệ hợp tác trong mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, nhưng cũng đặt các nhà hoạch định chính sách của hai nước trước những thách thức mới.
NGÔ HƯƠNG LAN
(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dương Phú Hiệp - Ngô Xuân Bình - Trần Anh Phương (chủ biên): “25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1973 – 1998, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
2. Ngô Xuân Bình - Trần Quang Minh (chủ biên): “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản quá khứ, hiện tại, tương lai”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
3. Kỷ yếu hội thảo “Thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam”, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 9/2008.
4. Tạp chí Hữu nghị số 49 (9/2008), Hội Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tháng 9/2008.
5. Các trang web về Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam: http:// www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/data/gaiyou/odaproject/asia/vietnam/index_01.html
([1]) Trần Văn Nhung, “Hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản”, Tạp chí Hữu nghị số 49, Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hà Nội, 9-2008.
([4]) Nguyễn Văn Lịch: Vài nét về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản, Ngô Xuân Bình, Trần Quang Minh (Cb) “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản quá khứ, hiện tại, tương lai”, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.