Trang chủ

TRIỂN VỌNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 24-08-2012, 11:23 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 3

 

 

Ngày 13/2/2007, kết thúc giai đoạn ba vòng năm cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, các nước tham gia đàm phán đã ký bản Thoả thuận chung (thoả thuận 13/2) với nội dung cơ bản là CHDCND Triều Tiên sẽ bắt đầu những động thái ngừng hoạt động các cơ sở hạt nhân hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.  Cụ thể là, CHDCND Triều Tiên sẽ đóng cửa và niêm phong cơ sở hạt nhân Dong Piên, mời nhân viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại CHDCND Triều Tiên, đồng thời chấp nhận tất cả các cuộc giám sát, kiểm chứng cần thiết. Đổi lại các nước liên quan sẽ cung cấp năng lượng hoặc các khoản viện trợ tương đương cho CHDCND Triều Tiên; Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và dỡ bỏ các hạn chế tài chính đối với CHDCND Triều Tiên; thành lập năm nhóm làm việc về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, viện trợ kinh tế và năng lượng, xây dựng một khuôn khổ hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên và an ninh Ðông Bắc Á, bình thường hóa quan hệ CHDCND Triều Tiên - Mỹ, CHDCND Triều Tiên- Nhật Bản. Đây được coi là một kết quả mang tính thực chất mà đàm phán sáu bên mang lại sau rất nhiều vòng đàm phán cam go và căng thẳng; một bước đột phá trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một tiến trình không hề đơn giản. Tính đến nay, đã một năm trôi qua, song những hành động thực tế của các bên để thực hiện cam kết vẫn chưa mang lại kết quả rõ rệt. Đặc biệt, ngày 26/12/2007, đại diện Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ làm chậm lại tiến trình tháo dỡ các nhà máy hạt nhân và việc công khai các chương trình hạt nhân của mình. Và điều đã được dự báo trước là ngày 31/12/2007, CHDCND Triều Tiên một lần nữa không đáp ứng thời hạn chót được thoả thuận giữa các bên trong vòng đàm phán hồi tháng 10/2007. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới trong năm 2008, triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao là nội dung bài viết này muốn đề cập tới.

Đàm phán cam go

Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là một vấn đề lịch sử và đã tồn tại từ lâu, song chỉ thực sự bắt đầu nổi lên từ năm 2002 khi trong một chuyến thăm Bình Nhưỡng, trợ lý ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông James Kelly tuyên bố, CHDCND Triều Tiên đã thừa nhận đang phát triển chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, phá bỏ Thoả thuận khung năm 1994. Từ đó, nhiều vòng đàm phán giữa các bên liên quan đã được tổ chức nhằm tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu đầy khó khăn trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm trong khu vực Đông Bắc Á. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử của vấn đề.

Bán đảo Triều Tiên nằm trong khu vực Đông Bắc Á, ở vị trí kẹp giữa bốn nước lớn là Mỹ, Trung, Nhật, Nga. Đây là khu vực không có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược có trữ lượng lớn như dầu mỏ, khí đốt…hay có tuyến đường vận chuyển hàng hải huyết mạch. Tuy nhiên, Bán đảo Triều Tiên lại được coi là vùng đệm chiến lược, nơi tranh chấp ảnh hưởng của các cường quốc.

Trong lịch sử cận, hiện đại, bán đảo Triều Tiên bị các vương triều Trung Quốc kiểm soát, sau đó bị chủ nghĩa quân phiệt Nhật xâm lược trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với kết quả của các Hiệp ước Poxdam và hội nghị Yalta, Bán đảo Triều Tiên được chia cắt thành hai miền. Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, trong đó đáng chú ý là sự đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, dẫn tới kết quả là một Hiệp định đình chiến đã chia cắt Bán đảo Triều Tiên cho đến nay, đồng thời tạo ra thế đối địch giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.([1])

Cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên xảy ra vào năm 1993, khi đó Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã có những mâu thuẫn gay gắt, tình hình Bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Sau nhiều lần đàm phán, vào tháng 10 năm 1994, tại Giơnevơ (Thuỵ Sỹ), Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã ký Thoả thuận khung (thoả thuận KEDO), theo đó CHDCND Triều Tiên ngừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân, đổi lại Mỹ cam kết cung cấp hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ để chế tạo năng lượng hạt nhân và 0,5 triệu tấn dầu/năm cho nước này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thoả thuận KEDO không suôn sẻ và Mỹ vẫn cho rằng CHDCND Triều Tiên đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Thông tin này được khẳng định bởi trợ lý ngoại trưởng Mỹ James Kelly vào tháng 10 năm 2002 khi ông này thăm CHDCND Triều Tiên và cho rằng nước này đang phát triển vũ khí hạt nhân bí mật. Đáp lại, CHDCND Triều Tiên tuyên bố họ có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi ngày 10/1/2003, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Hiệp ước NPT). Đối mặt với nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga đã nỗ lực để đưa vấn đề lên bàn thương lượng. Các cuộc đàm phán đã được tổ chức nhằm tháo ngòi nổ cho cuộc chiến tranh tiềm tàng cũng như tìm kiếm giải pháp thoả đáng để giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Từ tháng 8-2003 đến nay, các bên liên quan đã tiến hành sáu vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên([2]). Vòng đàm phán sáu bên đầu tiên được tiến hành tại nhà khách Ðiếu Ngư Ðài ở Bắc Kinh, từ ngày 27 đến 29-8-2003, nhưng chỉ mang tính hình thức.

Vòng đàm phán sáu bên thứ hai được tổ chức tại Bắc Kinh trong bốn ngày (từ ngày 25 đến 28-2-2004), kết thúc không đạt kết quả do lập trường của các bên còn khác xa nhau. Tuy nhiên, các bên đã đề cập việc thành lập ban công tác để đàm phán về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tại vòng đàm phán này, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản ủng hộ việc thành lập ban công tác để thảo luận các bước từ "đình chỉ" đến "hủy bỏ" chương trình phát triển hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ðồng thời, các bên thảo luận việc ra một tuyên bố chung, trong đó đề cập việc "tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán".

Vòng đàm phán sáu bên thứ ba được tổ chức tại Bắc Kinh. Mỹ đề nghị viện trợ năng lượng cho CHDCND Triều Tiên nếu nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân. Ðàm phán diễn ra trong bốn ngày bắt đầu từ ngày 23 đến 26-6-2004.

Vòng đàm phán sáu bên lần thứ tư được tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn một từ ngày 26-7 đến 7-8-2005, giai đoạn hai từ ngày 13 đến 19-9-2005. Vòng đàm phán sáu bên lần thứ tư kết thúc ngày 19-9-2005 với việc ra Tuyên bố chung sáu điểm, khẳng định thực hiện có tính nguyên tắc về các vấn đề then chốt như: CHDCND Triều Tiên cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và các kế hoạch hạt nhân hiện thời; Mỹ khẳng định tôn trọng chủ quyền của CHDCND Triều Tiên; không triển khai vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; không có ý định tiến công Triều Tiên và sẽ thảo luận vấn đề xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ cho CHDCND Triều Tiên vào thời điểm thích hợp.

Vòng đàm phán sáu bên thứ năm chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn một diễn ra từ ngày 9 đến 11-11-2005 với mục tiêu chính là bàn các biện pháp và bước đi cụ thể để thực hiện Tuyên bố chung đã đạt được tại vòng bốn (ngày 19-9-2005). CHDCND Triều Tiên yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, đồng thời ngừng cáo buộc nước này phát triển vũ khí và làm đô la giả. Washington khẳng định lại lập trường không bàn vấn đề lò nước nhẹ khi Bình Nhưỡng chưa từ bỏ chương trình hạt nhân... Với những bất đồng chủ yếu nêu trên, giai đoạn một của vòng năm đàm phán sáu bên đã không đạt được thỏa thuận cụ thể nào, kể cả việc ấn định thời gian đàm phán giai đoạn hai.

Do lập trường của Mỹ và CHDCND Triều Tiên còn khác xa nhau, giai đoạn hai của vòng năm đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, diễn ra từ ngày 18 đến 22-12-2006, tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Tuy nhiên, tại giai đoạn ba, diễn ra từ ngày 8 đến 13-2-2007, các bên đã đạt được Thỏa thuận chung (còn được gọi là Thỏa thuận ngày 13-2), với nội dung cơ bản là CHDCND Triều Tiên sẽ bắt đầu những động thái ngừng hoạt động các cơ sở hạt nhân hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cụ thể là CHDCND Triều Tiên sẽ đóng cửa và niêm phong cơ sở hạt nhân của mình tại Dong Piên, mời nhân viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại CHDCND Triều Tiên, đồng thời chấp nhận tất cả các cuộc giám sát, kiểm chứng cần thiết, đổi lại các nước liên quan sẽ cung cấp năng lượng hoặc các khoản viện trợ tương đương cho CHDCND Triều Tiên; Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và dỡ bỏ các chế tài tài chính đối với CHDCND Triều Tiên; thành lập năm nhóm làm việc về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, viện trợ kinh tế và năng lượng cho Triều Tiên, xây dựng một khuôn khổ hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên và an ninh Ðông - Bắc Á, bình thường hóa quan hệ CHDCND Triều Tiên - Mỹ, bình thường hóa quan hệ CHDCND Triều Tiên - Nhật Bản. Đây được coi là một bước đột phá mang tính thực chất mà đàm phán sáu bên mang lại.

Vòng đàm phán sáu bên thứ sáu giai đoạn một bắt đầu từ ngày 19-3/2007, nhưng do lập trường của các bên còn khác xa nhau nên đến ngày 22-3, các bên nhất trí tạm dừng.

Ngày 18-7/2007, các bên tham gia đàm phán nối lại giai đoạn một vòng sáu đàm phán sáu bên. Cuộc đàm phán kéo dài đến ngày 20-7, thêm một ngày so với dự kiến, nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận về thời hạn chót để CHDCND Triều Tiên công bố tất cả các chương trình hạt nhân và đóng cửa các cơ sở hạt nhân của nước này.

Tại cuộc đàm phán sáu bên tiếp theo (từ ngày 27 đến 30-9/2007) ở Bắc Kinh các bên đã đạt được thoả thuận về thời hạn chót cho việc CHDCND Triều Tiên đồng ý tiến hành khai báo và vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân trước cuối năm 2007. Phạm vi vô hiệu hóa được tiến hành ở 3 cơ sở hạt nhân chính là lò nguyên tử 5MW, cơ sở tái xử lý, nhà máy sản xuất thanh nhiên liệu hạt nhân; mức độ vô hiệu hóa là dỡ bỏ một số thiết bị và áp dụng biện pháp quản lý đặc biệt đảm bảo nếu muốn khôi phục hoạt động bình thường của các cơ sở này phải mất một năm. Chủ thể tiến hành vô hiệu hóa là 5 nước tham gia đàm phán, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản([3]).

Các bên liên quan cung cấp tương đương 950.000 tấn dầu nặng cho Triều Tiên theo thỏa thuận. Mỹ sẽ nỗ lực để đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố, đồng thời ngừng áp dụng Luật Thương mại với những nước kẻ thù, tương ứng với việc Triều Tiên thực hiện khai báo và vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân. Ngoài ra, các bên đồng ý sẽ sớm tổ chức hội đàm cấp trưởng đoàn đàm phán sáu bên trước khi tổ chức hội đàm cấp bộ trưởng ngoại giao sáu nước.

Đột phá chưa vững chắc

Tuy nhiên, ngày 31/12/2007, CHDCND Triều Tiên một lần nữa trì hoãn việc thực hiện thời hạn chót để vô hiệu hoá các nhà máy hạt nhân và công bố toàn bộ thông tin về chương trình hạt nhân và tuyên bố sẽ làm chậm tốc độ giải giáp vũ khí hạt nhân do sự chậm trễ của các nước trong việc cung cấp năng lượng cho nước này. Điều này một lần nữa cho thấy tính không chắc chắn của những thoả thuận đạt được và một tương lai còn nhiều khó khăn trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Trong tương lai, với những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới, hy vọng đạt được bước đột phá có tính thực chất đối với tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên dự báo sẽ không dễ dàng. Trong giai đoạn tới, tiến trình này sẽ chịu nhiều tác động từ diễn biến của tình hình khu vực và các nước liên quan. Trước hết là chính sách đối với CHDCND Triều Tiên trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ hai của tổng thống Mỹ Bush. Như một quy luật, các tổng thống Mỹ khi sắp hết nhiệm kỳ thường cố gắng chọn một khâu đột phá để tạo dấu ấn trong chính sách đối ngoại của mình. Và với việc tổng thống Mỹ Bush nỗ lực tổ chức hội nghị hoà bình Anapolis, đồng thời thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông ngay đầu năm nay với trọng tâm là giải quyết vấn đề tranh chấp giữa Israel và Palestine, tuyên bố sẽ mang lại hoà bình cho khu vực và thành lập Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel đã cho thấy ông Bush đã đặt ưu tiên cho vấn đề này trong nhiệm kỳ cuối của mình như thế nào. Chính vì vậy, khó có thể hy vọng ông Bush sẽ dành chọn nỗ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong năm cuối nhiệm kỳ này. Hơn nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng đang đến gần và chính sách của các ứng viên tiềm tàng cho chiếc ghế tổng thống Mỹ sẽ là điều CHDCND Triều Tiên quan tâm nhiều hơn. CHDCND Triều Tiên cũng sẽ không vội vã để đi đến thoả thuận nào với Mỹ trong thời điểm hiện nay để đảm bảo cho các thoả thuận đó sẽ không bị đảo lộn trong nhiệm kỳ tổng thống mới ([4]).

Có thể nói trong năm 2007, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có được những bước tiến bộ đáng ghi nhận chính một phần nhờ sự ấm lên của mối quan hệ liên Triều. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, hai bên đã làm được nhiều việc như thoả thuận thiết lập khu vực đánh cá chung nhằm ngăn chặn xung đột trên biển Hoàng Hải; tiến hành nhiều cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh; Hàn Quốc đầu tư xây dựng khu công nghiệp Kaesong ở khu vực gần biên giới của CHDCND Triều Tiên…Đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2 vào ngày 2/10/2007, trong đó ông Roh đã đi bộ qua khu vực giới tuyến, biểu thị mong muốn thống nhất hai miền. Hai nhà lãnh đạo Kim Châng In và Roh Moo - hyun cũng đã ký “Tuyên ngôn quan hệ Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên phát triển và hoà bình phồn vinh”. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, Tổng thống Roh là một người theo phái tự do, có nhiều bước đi tế nhị đối với Mỹ như yêu cầu giảm quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc, khéo léo tránh Mỹ, thúc đẩy đối thoại trực tiếp với CHDCND Triều Tiên, khiến cho quan hệ liên Triều nồng ấm hơn. Thế nhưng dưới thời Tổng thống mới Lee Mieng Pak là một người bảo thủ, tiến trình thống nhất hai miền sẽ có thể chậm lại, quan hệ hai miền cũng có thể sẽ căng thẳng hơn, chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên sẽ không còn nới lỏng mà sẽ thắt chặt hơn, do đó tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng sẽ khó khăn hơn.([5]) Đây hoàn toàn là điều có thể nhận thấy được.

Bên cạnh tác động khi có sự điều chỉnh chính sách của các nước liên quan, tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng chịu sự tác động rất lớn của các cặp quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nhật. Thời gian qua, quan hệ giữa các nước Trung - Mỹ, Trung - Nhật về cơ bản vẫn giữ khung quan hệ ổn định, song đây là những mối quan hệ vừa hợp tác, vừa kiềm chế, đồng thời cũng chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn. Trung - Mỹ vẫn đang ở thế thăm dò, kiềm chế lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, không dễ gì để đi đến thoả thuận một vấn đề lớn như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, dưới thời ông Koizumi, quan hệ Trung - Nhật hết sức căng thẳng, nhiều vấn đề như tranh chấp quan điểm về lịch sử, các chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản,  vấn đề sửa đổi sách giáo khoa lịch sử, tranh chấp lãnh thổ…bị đẩy lên thành những cuộc tranh cãi lớn. Tuy nhiên, dưới thời ông S.Abe và hiện nay là ông Y.Fukuda, quan hệ hai nước được cải thiện hơn([6]). Mặc dù vậy, với sự bất ổn của chính trường Nhật Bản, chưa thể biết rõ chính sách của chính phủ mới của Nhật đối với Trung Quốc cũng như quan điểm về các vấn đề hạt nhân, phía CHDCND Triều Tiên bắt cóc con tin người Nhật sẽ được nhìn nhận như thế nào. Chưa kể giữa hai nước láng giềng Trung - Nhật, cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn lịch sử vẫn là những trục chính xuyên suốt mối quan hệ này.

Cuối cùng, cũng phải kể đến ảnh hưởng của Nga, một nước cũng có vai trò nhất định, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đối với CHDCND Triều Tiên, đồng thời cũng là nước tham gia đàm phán 6 bên. Với sự thay đổi ban lãnh đạo ở nước này trong thời gian tới và tương lai khó dự đoán của chính trường Nga, nếu như sau bầu cử mà Tổng thống Putin vẫn nắm thực quyền như dự đoán thì chính sách đối với CHDCND Triều Tiên của Nga sẽ không thay đổi nhiều. Song nếu xảy ra sự bất ngờ nào đó, thì cũng có thể Nga sẽ có những điều chỉnh mới trong chính sách đối ngoại của nước này, trong đó có chính sách đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, vai trò của Nga đối với đàm phán 6 bên là hạn chế, do hiện nay Nga còn phải đối mặt với quá nhiều khó khăn trong nước cũng như trên mặt trận đối ngoại.

Triển vọng

Về ngắn hạn, theo những phân tích ở trên, căn cứ diễn biến tình hình vừa qua và tình hình các nước và khu vực trong năm tới, sẽ là quá tham vọng khi cho rằng với những thoả thuận mang tính đột phá trong năm 2007, năm 2008 sẽ có thể thực hiện được phi hạt nhân hoá hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Còn về dài hạn, theo chúng tôi, tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên sẽ phụ thuộc rất lớn vào mối tương quan lực lượng của quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Nhật, trong đó cặp quan hệ Mỹ - Trung đóng vai trò quyết định. Hiện nay, quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ vừa hợp tác vừa kiềm chế, mỗi bên đều có những con bài và sử dụng những con bài chủ chốt của mình để kiềm chế đối thủ.([7]) Nếu như một CHDCND Triều Tiên có tư tưởng thù địch, lại được vũ trang bằng vũ khí hạt nhân là nỗi lo thường trực của các nhà lãnh đạo ở Nhà Trắng thì việc Mỹ vẫn đứng sau Đài Loan, coi Đài Loan là một trong những mặt trận tiền tiêu nhằm án ngữ, kiềm chế Trung Quốc khiến Bắc Kinh chắc chắn sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn. Hiện tại, việc Trung Quốc chưa thể thống nhất, đặc biệt là chính quyền hiện nay ở Đài Loan có xu hướng đòi ly khai độc lập là một trong những mối quan tâm lớn nhất, cũng đặt ra nhiệm vụ lớn nhất đối với ban lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ lại dùng chính sách “Đài Loan không thống nhất, không độc lập”([8]), một mặt vẫn bắt tay với Trung Quốc, nhưng mặt khác kiểm soát Đài Loan, dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Chính vì vậy, có thể hiểu rằng việc Trung Quốc đứng sau CHDCND Triều Tiên, nắm quyền tổ chức các cuộc đàm phán sáu bên nhằm khống chế, đe doạ, mặc cả với Mỹ cũng là điều dễ hiểu. Có thể thấy điều này qua việc ngay sau khi một loạt nước bày tỏ lo ngại và chỉ trích CHDCND Triều Tiên khi không đáp ứng thời hạn chót 31/12 thì người phát ngôn  Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/1 đã ngay lập tức đứng ra cho rằng việc CHDCND Triều Tiên “lỗi hẹn là chuyện bình thường”. Chính vì việc Mỹ - Trung đang dùng các con bài của mình để thực hiện chính sách vừa hợp tác, vừa kiềm chế lẫn nhau, nhiều nhà phân tích đã cho rằng vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên sẽ chưa thể được giải quyết chừng nào vấn đề Đài Loan còn để ngỏ.

Với những phân tích ở trên, có thể thấy tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là một bài toán hết sức khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, thực hiện phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên, tiến tới thống nhất hai miền, xây dựng một Bán đảo Triều Tiên hoà bình, thịnh vượng không chỉ là mong muốn của nhân dân hai miền Triều Tiên mà còn là nguyện vọng của cộng đồng quốc tế. Phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên là một tiến trình không thể đảo ngược. Chính vì vậy, chúng ta cùng hy vọng trong một tương lai không xa sẽ được chứng kiến một Bán đảo Triều Tiên hoà bình, thống nhất, ổn định đóng góp chung vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

 

NGUYỄN NGỌC HÙNG

(ThS, Học viện Quan hệ quốc tế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. An ninh Đông Bắc Á, TTXVN, Tài liệu tham khảo số tháng 7/2005.

2. Lê Văn Mỹ, Vai trò của Trung Quốc và Mỹ đối với việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3/2007.

3. Tài liệu tham khảo TTXVN, tháng 12/2007, tháng 1/2008.

4. Tâm điểm Châu Á, Báo Nhân dân ngày 25/12/2007.

5. Min Cho, Establishment of Peace Regime on the Korean Peninsula, Korea and World Affairs, vol III, Fall, 2007.



([1]) An ninh Đông Bắc Á, TTXVN, Tài liệu tham khảo số tháng 7/2005.

([2]) Báo Nhân dân điện tử, ngày 18/9/2007.

([3]) Báo Nhân dân điện tử, ngày 18/9/2007.

([4]) Tin tham khảo Thế giới, ngày 2/1/2008.

([5]) Chính sách ngoại giao của Hàn Quốc dưới thời ông Lee Mieng Pak, TLTKĐB ngày 9/1/2008.

([6]) Quan hệ Trung- Nhật sau chuyến thăm của ông Fukuda, Tài liệu Tham khảo đặc biệt,  ngày 5/1/2008.

([7]) Trung Quốc và Mỹ dùng vấn đề hạt nhân Triều Tiên và vấn đề Đài Loan để kiềm chế nhau. Tài liệu  Tham khảo đặc biệt, 27/11/2004.

([8]) Trung Quốc và chiến lược mới, Tài liệu Tham khảo đặc biệt, ngày 2/1/2008.

0thảo luận