Trang chủ

HỌC TIẾNG VIỆT TẠI NHẬT BẢN

Đăng ngày: 24-08-2012, 10:51 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 3

 

Do quan hệ hợp tác Nhật - Việt trong thời gian gần đây ngày càng phát triển nên tiếng Việt đã trở thành một trong những ngôn ngữ được quan tâm ở đất nước mặt trời mọc. Phong trào học tiếng Việt cũng trở thành “hiện tượng” trong các trường đại học ở Nhật Bản, số sinh viên và điểm thi đầu vào học ngành này tăng lên hàng năm. Khoa tiếng Việt đã được thành lập tại một trường đại học ngoại ngữ nổi tiếng của Nhật Bản từ cách đây hơn 40 năm là Đại học Ngoại ngữ Tokyo, sau đó là Đại học Ngoại ngữ Osaka. Tại các cơ sở đào tạo này với chương trình đào tạo quy mô, bài bản, chất lượng cao, số sinh viên nhiều hơn hẳn so với những cơ sở tương tự tại các nước Âu, Mỹ khác. Ngoài ra, hiện nay còn có rất nhiều trường đại học khác ở Nhật Bản như Đại học Takushoku, Đại học Kobe, Đại học Waseda, Đại học ngoại ngữ Kanda, Đại học dân lập Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan… đều có chuyên ngành Việt Nam học nằm trong Khoa Văn hoá phương Đông hay Châu Á học. Bên cạnh đó, việc dạy tiếng Việt cho một số đối tượng khác là con em Việt kiều và những người học tiếng Việt vì yêu thích ở các trung tâm ngoại ngữ cũng khá phát triển ở một số nơi như Tokyo, Kobe (là nơi Việt kiều sinh sống đông nhất), Yaoshi (Osaka), Hiroshima.

Việc hình thành khoa tiếng Việt tại các trường Đại học của Nhật Bản

Khởi nguồn có lẽ phải kể đến chuyên ngành tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo ra đời đúng vào năm thế vận hội Olimpic được tổ chức lần đầu tiên ở Nhật Bản (1964). Khoa tiếng Việt của trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo được thành lập dựa trên sự cải tổ Khoa Ngôn ngữ Indonesia và kế thừa truyền thống Khoa tiếng Thái đã tồn tại từ trước đó rất nhiều năm. Sau đó, tiếp nối truyền thống này, vào năm 1975 Khoa tiếng Việt cũng được thành lập tại Đại học ngoại ngữ quốc gia Osaka. Nhưng sau khi thành lập, “Khoa tiếng Việt” của Đại học ngoại ngữ Tokyo chỉ tồn tại được khoảng 10 năm, sau đó có một thời gian dài gián đoạn và khoa mới chỉ được phục hồi vào khoảng hơn chục năm gần đây khi quan hệ Việt - Nhật qua thời kỳ đóng băng, phục hồi và đã bước lên một tầm cao mới.

Tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ chung, ngôn ngữ chính thức của người dân Việt Nam kể từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945. Về mặt chữ viết, các nhà nghiên cứu cho rằng, về cơ bản, dạng chữ Latinh “giống như chữ Romaji” của người Nhật Bản. Ngoài ra, Việt Nam cũng như Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa nên có một lịch sử chữ Hán lâu đời. Vì vậy, nguồn tài liệu nghiên cứu về Việt Nam của Nhật Bản thời kỳ đầu chủ yếu tham khảo và sử dụng văn tự chữ Hán và tiếng Pháp, và ở thời kỳ này trong nghiên cứu liên quan đến văn học, ngôn ngữ tiếng Việt hầu như là không có. Từ đó một yêu cầu đòi hỏi là làm thế nào để có thể nghiên cứu Việt Nam bằng nguồn tài liệu tiếng Việt được đặt ra. Vì vậy có thể nói, những người xuất thân từ “trường phái Pháp học, Trung quốc học” cũng chính là những người đi tiên phong trong phong trào nghiên cứu Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh và họ cũng vừa là người thầy đầu tiên, vưà là sinh viên đầu tiên của khoa tiếng Việt.

Thời kỳ đầu khi mới thành lập khoa tiếng Việt, cuốn “Phát âm chữ Kanji, chữ Hán nôm và chữ Hán cổ Trung Quốc” của  Mine Tanotoru đã được sử dụng làm cuốn giáo trình đầu tiên của chuyên ngành này. Cũng chính tác giả của cuốn sách ấy trở thành giáo viên của trường. Takeuchi Koresuke, người thầy chuyên nhiệm đầu tiên của khoa cũng xuất thân từ chuyên ngành tiếng Pháp của Đại học Ngoại ngữ Osaka. Từ điểm xuất phát ban đầu ấy cùng với hai thầy giáo kể trên, trợ giáo Gangyo Gawamoto Kunie ngay từ thời còn là sinh viên đã có ý chí sử dụng tiếng Việt để nghiên cứu Việt Nam, sau này ông trở thành một trong ba người thầy đầu tiên của khoa tiếng Việt và đã gia nhập vào làng nghiên cứu Việt Nam học năm 1970.

Như đã nói ở trên, khoa tiếng Việt có một thời gian dài bị gián đoạn từ sau năm 1970 đến 1980, đây là giai đoạn Việt Nam trong những năm cuối của cuộc chiến tranh và những năm đầu của thời kỳ xây dựng đất nước. Thời kỳ này bị gián đoạn do: Thứ nhất là quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong giai đoạn đóng băng, hai là tại Nhật Bản hầu như không có sinh viên đăng ký vào chuyên ngành này. Hơn nữa, việc du học Việt Nam của sinh viên Nhật cũng bị hạn chế do chính sách hạn chế lưu học sinh cư trú dài hạn Việt Nam. Nhưng có một điều đặc biệt là, những sinh viên từ trước đó một số năm hay có một số ít những người theo học chuyên ngành Việt ngữ trong thời gian đó, sau này đều trở thành các nhà nghiên cứu so sánh nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam.

Không có một con số cụ thể, chính xác nhưng theo ước tính hiện tại ở Nhật Bản số người nghiên cứu Việt Nam khoảng 100 người. Trong đó liên quan đến nghiên cứu văn học và ngôn ngữ mang tính chất áp đảo do số người xuất thân từ dân ngoại ngữ đang chiếm phần lớn. Hơn nữa, do bắt nguồn từ chuyên môn tiếng Việt, trên đà đó rất nhiều người tiến tới việc học tiếp sang các khoa nghiên cứu như: văn hoá khu vực, tiếp tục học sau đại học chuyên ngành ngôn ngữ tại khoa tiếng Việt. Cuối cùng họ trở thành các nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu Việt Nam học thay thế cho lớp người trước đây. Hiện nay, trong số họ khoảng hơn 10 người vừa nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam vừa nắm giữ vai trò là giáo viên giảng dạy chính trong khoa tiếng Việt tại các trường đại học có chuyên ngành này. Nguyên nhân là ở một số trường đại học giáo viên chuyên nhiệm về tiếng Việt không đủ mà phải mời giáo viên thỉnh giảng từ Viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu khác sang. Nhưng trong số các trường đại học có chuyên ngành Việt Nam học hiện tại, chỉ ở các trường như: Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Ngoại ngữ Osaka, Đại học Ngoại ngữ Kanda, Đại học Châu Á Thái Bình Dương Shitsumeikan là tại Khoa tiếng Việt có giáo viên chuyên nhiệm tiếng Việt xuất thân chuyên môn từ khoa tiếng Việt.

Tình hình giảng dạy tiếng Việt hiện nay tại Nhật Bản

Hiện tại, Đại học Ngoại ngữ Tokyo có số giáo viên chính thức giảng dạy chuyên ngành tiếng Việt là 4 người, trong đó có 3 người Nhật Bản và một giáo viên người Việt Nam, người này là giáo viên thỉnh giảng được mời từ Đại học quốc gia Hà Nội sang. Bên cạnh giáo viên chính thức chuyên nhiệm kể trên còn có một số môn học liên quan đến chuyên ngành Việt Nam học như: Lịch sử Việt Nam, Văn học Việt Nam, Địa lý Việt Nam... đều do các giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy. Họ là những giáo viên của Khoa Ngôn ngữ mà trong cuộc cải cách giáo dục đại học năm 1995 đã phải tạm thời chuyển sang dạy một số môn học khác. Ngày nay, do việc giảng dạy tiếng Việt đang hồi phục nên họ đã được quay trở lại với chuyên môn chính của mình trước đây. Từ đó các thầy giáo này không chỉ còn là giáo viên trực thuộc Khoa ngôn ngữ mà còn trở thành các giáo viên “đa khoa” vì họ còn trực thuộc ở ba khoa khác là: Khoa Quốc tế khu vực, Khoa Văn hoá tổng hợp, Khoa Thông tin và ngôn ngữ... Các thầy chính là người giúp đỡ sinh viên sau khi hoàn thành chương trình tiếng Việt cơ bản đi sâu vào tìm hiểu chuyên ngành. Trong chuyên môn tiếng Việt hiện nay, Thầy giáo Yoshio Une trực thuộc Khoa thông tin ngôn ngữ, Akiko Imai thuộc Khoa văn hoá tổng hợp, Kenichi Kawaguchi thuộc Khoa quốc tế khu vực. Các thầy tuỳ theo lĩnh vực chuyên môn của mình lần lượt đảm nhận việc giảng dạy các môn là: Thông tin Việt Nam học, Văn học Việt Nam và Ngôn ngữ tiếng Việt. Về giáo viên thỉnh giảng người Việt Nam, thầy này trước đây đã đến Nhật học tập (năm 1974) và là giáo viên được mời sang đây giảng dạy tiếng Việt (trước đây cũng đã có lần mời giáo viên của Đại học tổng hợp Hồ Chí Minh sang dạy - nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh). Hiện tại, giáo viên thỉnh giảng này đang dạy phát âm cơ bản cho sinh viên dựa trên phát âm chuẩn của Hà Nội.

Về số lượng tiết học môn tiếng Việt hầu như không khác trước đây, hiện tại tuỳ theo là sinh viên năm thứ nhất hay năm thứ hai mà học 6 - 8 tiết Tiếng Việt/ 1 tuần. Sinh viên sẽ được học theo từng giai đoạn, từ dễ đến khó, bao gồm năm mục sau: Hội thoại, Nghe nói, Đọc hiểu, Ngữ pháp, cách diễn đạt từ... Sau khi đã thông thạo tiếng Việt ở mức độ nhất định, sinh viên sẽ được học các môn như: “Kinh tế Việt Nam”, “Chính trị Việt Nam”, “Xã hội nông thôn Việt Nam”, “So sánh đối chiếu ngữ pháp Việt - Nhật”... do các thầy giáo giảng dạy kiêm nhiệm đảm nhiệm. Những môn học liên quan đến Việt Nam bây giờ cũng đã thay đổi, nhiều môn học mới xuất hiện làm cho tính chuyên ngành trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, lượng kiến thức liên quan đến Việt Nam sinh viên thu lượm được ở trường cũng nhiều hơn trước đây.

Về quy mô lớp học, môi trường giáo dục được mở tương đối thường xuyên ở mức độ trên dưới 15 người/ lớp. Với mức độ đó có thể nói rằng, Đại học Ngoại ngữ Tokyo là trường đại học có số sinh viên chuyên ngành Tiếng Việt lớn nhất so với các trường đại học khác ở Nhật Bản. Với một chuyên ngành độc nhất vô nhị, bao trùm trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội khác như vậy, khoa tiếng Việt tại đây sẽ còn phát triển hơn nữa.

Khoa tiếng Việt là một cây cầu kết nối và thúc đẩy một cách tích cực hai bờ giao lưu của Nhật Bản với các trường đại học bên ngoài. Tại sao lại nói như vậy?. Thứ nhất là, hiện nay khoa tiếng Việt tại một số trường như trường Đại học Ngoại ngữ Osaka, Đại học Ngoại ngữ Tokyo đều đã có những hiệp định, chương trình trao đổi sinh viên giữa hai nước với các trường đại học ở Việt Nam như: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Hà Nội (trước đây là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Quốc gia Hà Nội (trước đây là Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Dân lập Phương Đông... Hàng năm các trường đều thực hiện gửi sinh viên sang đó du học bằng kinh phí nhà nước cấp và ngược lại trường cũng cấp học bổng và miễn học phí cho sinh viên trường bạn, hoạt động này đã diễn ra liên tục trong rất nhiều năm qua. Những sinh viên này có thể là sinh viên năm thứ nhất có kết quả thi đầu vào xuất sắc hoặc là sinh viên ưu tú năm thứ ba. Họ sẽ có một năm học trao đổi tại các trường đại học Việt Nam. Tại đó, sinh viên có thể trau dồi thực hành tiếng Việt, tìm kiếm tài liệu phục vụ cho luận văn tốt nghiệp. Thứ hai là, hiện tại số sinh viên có kinh nghiệm du học ở Việt Nam tại Nhật Bản đang chiếm một ưu thế lớn. Ngoài ra, với số sinh viên tăng đều đặn hàng năm và giữ được ổn định ở con số đó, có thể cho thấy vị thế tiếng Việt đang dần dần có chỗ đứng trong con mắt bạn bè quốc tế mà ở đây là Nhật Bản. Khi rút ra kết luận như vậy, chúng ta cần phải nhìn vào con số thực tế trong quá khứ, đấy là có một thời kỳ trước năm 1973, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản còn nhiều hạn chế và Việt Nam đang trong chiến tranh, con đường du học tiếng Việt của sinh viên Nhật Bản hầu như không có và thậm chí khoa tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Tokyo phải gián đoạn mất hơn 10 năm. Sau chiến tranh từ năm 1975 đến 1980, số lượng sinh viên du học ở Việt Nam cũng rất hạn chế do việc hạn chế lưu học sinh lưu trú lâu dài của Việt Nam. Người Nhật Bản trong giai đoạn này du học tiếng Việt ở Việt Nam hầu như chỉ là người của Đảng cộng sản Nhật Bản hoặc nghiên cứu sinh tiếng Việt của Bộ ngoại giao Nhật Bản, còn du học dưới hình thức khác vào Việt Nam đều rất khó. Và khi trở về những người này chính là những người xây đắp thêm nữa cơ sở nền tảng của việc học Việt ngữ tại Nhật Bản.

Bên cạnh tiếng Việt được dạy như một ngoại ngữ chính thức tại các trường nói trên, hiện nay tại Nhật Bản Việt ngữ cũng đang được giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ buổi tối dành cho con em Việt kiều và những người yêu thích tiếng Việt. Đó là chương trình dạy tiếng Việt tại trường Takushoku có các khoá học thêm ngoài giờ dành cho người bắt đầu học, chương trình trung cấp dành cho người đã nắm vững cơ bản, chương trình cao cấp dành cho người đã học hết cơ bản có thể sử dụng tiếng Việt một cách tương đối. Tại đây, trường đã sử dụng những giáo trình rất phổ biến như: Giáo trình tiếng Việt dành cho người nước ngoài, Tri thức cơ bản của tiếng Việt, “666 câu tiếng Việt có thể nhớ bằng hội thoại” của Yasushi Odaka và Nguyễn Thị Mai Hoa do Nhà xuất bản Đông Dương Thư Điếm phát hành. Điều đặc biệt nhất là ở khoá học cao cấp đã sử dụng cuốn “ Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” một cuốn sách đặc biệt gây được nhiều sự chú ý của dư luận tại Việt Nam kêu gọi, thức tỉnh lòng yêu nước vốn đang bị ngủ quên trong lớp thanh niên Việt Nam hiện đại để làm giáo trình.

Về giáo viên, bên cạnh giáo viên người Nhật còn có các tiết học do các sinh viên Việt Nam hiện đang du học hay làm nghiên cứu sinh tại Nhật đảm nhiệm nhằm giúp đỡ người học có thể phát âm một cách chính xác tiếng Việt. Ngoài ra, còn có thể học tiếng Việt ở một số địa chỉ sau như: Hoshien của trường đại học Waseda, Academy ngôn ngữ học quốc tế đại học Sho Hayashi, Khoa ngôn ngữ Á - phi Đại học Takushoku, Kohinata, Hội văn hóa Châu Á, Trung tâm ngôn ngữ Quảng Đông. Tại Osaka có thể tìm học tiếng Việt tại: Hội âm nhạc Việt Nam, Phòng nghiên cứu Tomida đại học Ngoại ngữ Osaka, Trường Ngôn ngữ Châu Á và Thư viện Châu Á, Hội những người bạn Nhật – Việt (Tamatsukuri), Trung tâm văn hoá Asahi (Higobashi). Nếu không có thời gian nhưng đặc biệt yêu thích tiếng Việt chỉ cần với một máy tính nối mạng người học có thể tự do học tiếng Việt trên nhiều trang website như: http://www.e-e-learning.com/specialty/, http://air.ap.teacup.com/fine...

Thực trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp

Như vậy, tính đến nay chuyên ngành Tiếng Việt Đại học Ngoại ngữ Tokyo ở đã có lịch sử 44 năm hình thành, phát triển, đào tạo được khoảng trên 300 người. Chưa có các con số thống kê cụ thể sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành này tại các đại học khác. Về số sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học thực sự là con số khiêm tốn so với các chuyên ngành ngôn ngữ khác tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức. Những sinh viên tốt nghiệp lứa đầu tiên, bây giờ hầu hết là người có những vị trí tương đối trong công việc, giáo viên giảng dạy tiếng Việt, các nhà Việt Nam học, một số trở thành cán bộ ngoại giao, một số làm việc ở đài truyền hình, trở thành phóng viên báo chí... Nhưng mạnh nhất ở lớp người đầu tiên vẫn là những người dịch Văn học Việt Nam và nghiên cứu về Việt Nam (hiện có khoảng 100 nhà nghiên cứu Việt Nam học).

Ngoài ra, bắt đầu từ năm 1990 do chính sách mở cửa của Việt Nam nên làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam phát triển rất mạnh, do đó nhiều sinh viên khoa tiếng Việt sau khi tốt nghiệp đã tìm kiếm cơ hội việc làm ở Việt Nam trong các công ty thương mại với nhiều vai trò khác nhau như phiên dịch, nhân viên quan hệ cộng đồng, nhân viên thương mại, hướng dẫn viên du lịch...

Phương hướng phát triển việc học tiếng Việt tại Nhật Bản

Mặc dù, hiện nay Việt ngữ đang trở thành một hiện tượng ở Nhật Bản và việc học tiếng Việt đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhưng để phát triển mang tính toàn diện hơn nữa phong trào học Việt ngữ tại đây, chúng tôi cho rằng cần phải có những phương hướng và giải pháp cụ thể.

Thứ nhất là: Đối với cộng đồng khoảng hơn 10.000 kiều bào đang sống tại nước đây, có rất nhiều người là thế hệ thứ hai, thứ ba và hầu như không biết tiếng mẹ đẻ. Việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc là một vấn đề hết sức quan trọng và có ý nghĩa với cộng đồng này nên việc duy trì và phát triển hơn nữa việc dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở đây là hết sức cần thiết. Bên cạnh đề án “Hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” được Đảng và nhà nước giao cho Bộ giáo dục xây dựng và thực thi đề án, hay một số chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của Đài phát thanh và truyền hình chúng ta cần có nhiều hơn nữa những hoạt động như vậy để thúc đẩy phong trào học Việt ngữ tại nước ngoài đặc biệt là Nhật Bản, một trong những đối tác quan trọng của chúng ta hiện nay.

Thứ hai là: Chúng ta có thể trực tiếp đề nghị, hoặc thúc đẩy hợp tác giúp đỡ theo yêu cầu phía bạn bằng cách tăng thêm số học bổng dành cho lưu học sinh của Nhật sang học tiếng Việt ở nước ta, gửi giáo viên có chuyên môn vững vàng sang trợ giúp phía bạn, đồng thời quan tâm hơn nữa việc giúp các trường đại học của Nhật Bản hiện đang đào tạo chuyên ngành Việt ngữ trong việc hoàn chỉnh, thống nhất giáo trình tiếng Việt.

Thứ ba là: Thông qua sứ quán, thông qua các hoạt động ngoại giao chính thức giữa nước ta và Nhật Bản cần khẳng định vị thế của tiếng Việt, qua đó nâng cao được vai trò của việc cần thiết học và dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ đối với nước đó trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

 

LƯU THỊ THU THỦY

(Viện Thông tin khoa học xã hội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. http://homepage2.nifty.com/shuku/starthp/ subpage03.html

2.  http://www.osaka-gaidai.ac.jp/~vietnam/ index.htm

3. http://www.tufs.ac.jp/common/fs-pg/yone nkan.html

4.http://coelang.tufs.ac.jp/modules/vi/index.html

5. http://www.fls.keio.ac.jp/lang13.htm

6. http://8542.teacup.com/micuaeashitaka/bbs

7. http://www.tufs.ac.jp/research/people/imai _akio.html

8. https://www.kouza.mitaka-univ.org/kouza /C0751500.php

9. Thanh niên các lớp học tiếng Việt, website

http://www.nld.com.vn/tintuc/giao-duc/176696.asp

10. Cộng đồng người Việt ở Nga – Kế hoạch triển khai việc dạy tiếng Việt, website http://www.vbc.com/vn/congdong/nga/index.php?id57=7234


 

0thảo luận