Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên bang Nga, quốc gia kế thừa của Liên bang Xô Viết dường như lúng túng trong quan hệ với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Liên bang Nga lúng túng thật sự thời kỳ đầu những năm 1990, họ lạnh nhạt với nước này. Có người nói, có thể sự thiếu vắng một chiến lược đối ngoại bài bản của một quốc gia vừa thoát thai từ sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và lo ngại trước gánh nặng chính trị đối với một đồng minh truyền thống thời kỳ Liên Xô là những yếu tố giải thích sự lúng túng của Liên bang Nga trong quan hệ này. Thời kỳ 1991-1993, các quan hệ kinh tế- chính trị giữa Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên trở nên đông cứng. Cũng có nhà phân tích cho rằng, còn có một yếu tố khác nữa giải thích tại sao Liên bang Nga lại lạnh nhạt với CHDCND Triều Tiên. Đó là vì Liên bang Nga toan tính rằng sự lạnh nhạt và thờ ơ này là tấm vé có giá trị để nước này mở quan hệ với Hàn Quốc. Không biết có phải như vậy không, song việc Liên bang Nga và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 diễn ra suôn sẻ và đạt được bước phát triển rất nhanh vào thời gian sau đó đã làm cho giới phân tích ngạc nhiên. Việc Liên bang Nga ủng hộ giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dựa trên lập trường “nghiêng về phương Tây” thời kỳ đó đã làm Hàn Quốc và phương Tây phấn khích song lại chọc tức đối tác truyền thống của Liên Xô trước đây. Tổng thống Liên bang Nga B.Yltsin, trong chuyến thăm Seoul tháng 11/1992 nói rằng, “Hiệp ước hữu nghị tương trợ Xô - Triều 1961” đã lỗi thời. Dường như, với tuyên bố này Liên bang Nga nói lời chia tay dứt khoát với CHDCND Triều Tiên.
Với chính sách như vậy, nước Nga đã hạ thấp vai trò của họ đối với những vấn đề nhạy cảm trên Bán đảo Triều Tiên. Và trên một khía cạnh nhất định, người ta cho rằng, chính sách này của Liên bang Nga đã tác động tiêu cực tới CHDCND Triều Tiên. Nước này cảnh giác hơn và buộc họ dồn sức củng cố quốc phòng, an ninh, ở đó việc phát triển các chương trình hạt nhân để đối phó với các thách thức bên ngoài là điều hiển nhiên.
Nếu xem xét vấn đề ở góc độ lợi ích của nước Nga thì họ đã đạt tới mục tiêu bởi với chính sách đối với CHDCND Triều Tiên như vậy giúp nước này xích lại gần hơn với phương Tây và Hàn Quốc. Tuy nhiên, cái giá mà Liên bang Nga phải trả là họ bị đặt ra ngoài lề của cuộc chơi. Kết cục là ảnh hưởng của họ tới cục diện chính trị chính trị, an ninh Đông Bắc Á bị suy giảm. Thực chất, đó là một chính sách thiên lệch có dụng ý của Liên bang Nga. Sau đó không lâu, nước này đã điều chỉnh chính sách theo hướng tạo thế cân bằng và gia tăng ảnh hưởng toàn diện lên Bán đảo Triều Tiên. Đây là cơ sở để Liên bang Nga nâng cao vai trò của một cường quốc vừa thức tỉnh đối với Đông Bắc Á- Thái Bình Dương. Tháng 4-1993, B.Yelsin đã công bố chính sách ngoại giao mới của Liên bang Nga, mở đường cho nước này khôi phục lại quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Các cuộc viếng thăm cấp cao lẫn nhau, các thoả thuận sửa đổi và dự thảo hiệp ước được bàn bạc và xúc tiến thực hiện. Tháng 2/2000, Hiệp ước láng giềng thân thiện và hợp tác hữu nghị Liên bang Nga - CHDCND Triều Tiên được ký. Hiệp ước này đã làm thay đổi mối quan hệ giữa hai quốc gia và chính thức khép lại thời kỳ băng giá trong quan hệ Nga – Triều. Putin trở thành Tổng thống Liên bang Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh thực thi chính sách coi trọng và nhất quán, mang tính thực dụng cao đối với CHDCND Triều Tiên.
Chính sách cân bằng quan hệ với hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên được thể hiện qua bài phát biểu của Putin tại Quốc hội Hàn Quốc tháng 2/2001, với 5 điểm nhấn quan trọng. Đó là tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên do người dân ở đây quyết định mà không có sự can thiệp từ bên ngoài; các vấn đề của bán đảo này đều được bàn bạc thông qua con đường ngoại giao hoà bình; ủng hộ và hoan nghênh xây dựng nhà nước Triều Tiên hoà bình thống nhất, hữu nghị với Liên bang Nga và các nước khác; ủng hộ phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên; và Liên bang Nga cam kết tham gia tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế khu vực của Đông Bắc Á, trong đó có Bán đảo Triều Tiên. Để thực thi chính sách cân bằng quan hệ và mở rộng ảnh hưởng tại đây, Liên bang Nga luôn giữ vai trò chủ động trong vấn đề khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Chủ trương của Liên bang Nga về vấn đề này mang tính nhất quán và nhấn mạnh rằng, đảm bảo phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, tuân thủ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân; Mỹ và CHDCND Triều Tiên cần tuân thủ Hiệp định khung năm 1994; CHDCND Triều Tiên và Mỹ cần tiến hành đối thoại mang tính xây dựng; Mỹ đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều Tiên và khôi phục các chương trình trợ giúp kinh tế cho CHDCND Triều Tiên. Đây là “kế hoạch cả gói” của Liên bang Nga và được CHDCND Triều Tiên chia sẻ. Bằng chính sách này, Liên bang Nga đã góp phần đáng kể thúc đẩy tiến trình giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Từ những phân tích trên cho phép nhấn mạnh rằng, việc thực thi chính sách thiên lệch sang cân bằng trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên của Liên bang Nga vừa là một sự chủ động tính toán, vừa là sự bị động của Liên bang Nga trước bối cảnh nước Nga- người kế thừa di sản của Liên Xô trước đây bắt đầu thức tỉnh. Với sự điều chỉnh này, vai trò và ảnh hưởng của Liên bang Nga bắt đầu gia tăng đối với không chỉ Bán đảo Triều Tiên mà còn cả với khu vực Đông Bắc Á - Thái Bình Dương.
NGÔ LONG