Hàn Quốc đối mặt với toàn cầu hóa
Tác giả: Chang Yun-shik, Hyun-Ho Seok, Donald L. Baker
Nhà xuất bản Routledge, USA, 2011, 278 trang
Kí hiệu: Lv 833
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Trong khi ngày càng trở nên mở cửa hơn với thế giới bên ngoài, Hàn Quốc vẫn là một cộng đồng dân tộc gắn kết với một chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ chống lại toàn cầu hóa ở nước này, và người Hàn Quốc liên tục nhắc nhở mình về sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc dân tộc của họ. Họ cũng đã học hỏi để đối phó với các hình thức xung đột khác nhau nảy sinh từ các lợi ích đa dạng trong một xã hội phức tạp, và chính phủ Hàn Quốc hiện đang thực hiện nỗ lực nghiêm túc để thiết lập một nhà nước phúc lợi với các phương án khác nhau được đưa ra nhằm giúp người nghèo và người túng thiếu duy trì một mức sống "khá" tối thiểu. Nhưng không thể chắc chắn rằng, liệu xã hội Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì gắn kết hay không. Bất bình đẳng xã hội đang gia tăng và xuất hiện phân chia giai cấp, như vậy, Hàn Quốc vẫn có thể duy trì được sự gắn bó mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc hay không?
Có hai cách tiếp cận chính để nghiên cứu về toàn cầu hóa. Thứ nhất là để tìm hiểu quá trình mà trong đó thế giới đang trở thành một hệ thống thống nhất. Thứ hai là, tập trung vào kinh nghiệm của mỗi quốc gia trong quá trình trở thành một quốc gia thành viên của hệ thống thế giới. Có một sự đồng thuận ngày càng tăng của các nhà khoa học xã hội rằng, thế giới đã di chuyển hướng tới một thế giới ý thức, được gọi là “ý thức nhân loại”.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề toàn cầu hóa ở Hàn Quốc, tác giả Chang Yun-shik, Hyun-Ho Seok, Donald L. Baker đã cho ra đời cuốn “Korea confronts globalization” (Hàn Quốc đối mặt với toàn cầu hóa).
Cuốn sách tập trung vào Triều Tiên (cho đến năm 1945) và Hàn Quốc (sau năm 1945) đã ở tình trạng như thế nào trong quá trình toàn cầu hóa. Cuốn sách này là một phần của một nghiên cứu năm quốc gia, mang tên Tìm hiểu gắn kết xã hội trong kỷ nguyên toàn cầu, trong đó tập trung vào quá trình toàn cầu hóa và tác động của nó đến sự gắn kết xã hội của mỗi quốc gia dân tộc. Nhiều người tin rằng sự tham gia của một quốc gia vào quá trình toàn cầu hóa chắc chắn dẫn đến việc tái cơ cấu hệ thống xã hội của mình, thách thức hoặc phá hủy trật tự xã hội truyền thống, nhấn chìm bản sắc văn hóa và làm phai mờ ý thức quốc gia - nhưng hiện nay Hàn Quốc có thể kết hợp lại để chống lại quá trình này hay không? Quốc gia này có thể duy trì ổn định, giữ gìn bản sắc độc đáo của mình trong bao lâu?
Những cuộc tranh luận hiện nay giữa các nhà sử học Hàn Quốc theo chủ nghĩa dân tộc và các nhà khoa học xã hội theo "chủ nghĩa xét lại" - chủ yếu là các học giả nước ngoài – về nguồn gốc cuộc cách mạng công nghiệp của Hàn Quốc, cụ thể là nó bắt đầu trong thời kỳ vương triều hay thời kỳ thuộc địa (thể hiện trong chương 10), hướng tới việc đánh giá thấp những kết quả biến đổi cấu trúc này từ những nỗ lực cải cách và những hàm ý cho sự phát triển tiếp theo của Hàn Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hàn Quốc không trở thành thuộc địa của Nhật Bản là câu hỏi không bao giờ được trả lời. Tuy nhiên, thực tế Hàn Quốc trở thành một thuộc địa, và kể từ đó sự nối kết với Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của nước này.
Toàn cầu hóa trong bối cảnh của Hàn Quốc có hai ý nghĩa khác nhau: (1) tiến trình dài hạn từng bước bắt kịp phương Tây đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, thường được gọi là kaehwa và sau đó là kundaehwa, và (2) segyehwa là một dự án cụ thể không thành công do chính quyền Kim Young Sam khởi xướng và thực hiện thảo luận kỹ lưỡng về "toàn cầu hóa" xã hội Hàn Quốc. Nội dung của cuốn sách này tập trung chủ yếu vào ý nghĩa thứ nhất. Cuốn sách xem xét cách thức hiện tượng toàn cầu hóa đã tác động đến xã hội Hàn Quốc về bản sắc dân tộc, biến đổi công ty, thị trường lao động, chế độ dân chủ, truyền thống và chính sách xã hội, cũng như những tác động đối với gắn kết xã hội của Hàn Quốc trong một thế giới toàn cầu hóa liên tục.
Như vậy có thể thấy, thông qua 278 trang, lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn đọc có được những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về vấn đề toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa ở Hàn Quốc nói riêng. Cuốn sách xem xét ý nghĩa chính trị và xã hội của toàn cầu hóa ở Hàn Quốc hiện nay, do vậy đây sẽ là tài liệu vô cùng bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về Hàn Quốc, Đông Á, so sánh xã hội học, chính trị mà đặc biệt là vấn đề toàn cầu hóa.
Thực hiện: Hà Hậu