NƯỚC ĐẠI NAM ĐỐI DIỆN VỚI PHÁP VÀ TRUNG HOA 1847-1885
Tác giả: Yoshiharu Tsuboi
Dịch giả: Nguyễn Đình Đầu, Bùi Trân Phượng, Tăng Văn Hỷ
Nhà xuất bản Tri thức, Nxb Nhã Nam, Hà Nội, 2011, 417tr.
Kí hiệu: Vv2428
Nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Y. Tsuboi không phải là người Nhật duy nhất và đầu tiên. Nhưng điều đáng nói ở đây, ông là một nhà nghiên cứu có tấm lòng yêu đất nước Việt Nam và trọng dân tộc Việt Nam. Giáo sư đã mạnh dạn đi vào nghiên cứu tỉ mỉ tình hình Việt Nam từ 1847 đến 1885. Khác với các nhà nghiên cứu trước ông đã bàn luận đề tài này như một gia đoạn lịch sử thuộc địa pháp hoặc như một khúc lịch sử của một nước chư hầu ở phía Nam Trung Hoa thì tác giả dồn hết chú ý vào Việt Nam chứ không phải Việt Nam trong mối quan hệ với Pháp và Trung Hoa. Sản phẩm nghiên cứu này của ông là sự ra đời của cuốn sách “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885”. Cuốn sách gồm 9 chương với nội dung như sau:
Chương 1: Nước Việt Nam trước năm 1847: Mấy đặc thù
Chương 2: Những người Pháp đến Việt Nam: Từ giáo sĩ Alexandre de Rhodes tới Paul Philastre
Chương 3: Trung Hoa và người Hoa vào thời kỳ độc lập dưới triều Nguyễn
Chương 4: Tự Đức: Một truyền thừa kế chính thống bị tranh cãi
Chương 5: Các nhân vật chủ yếu của chính quyền Tự Đức
Chương 6: Nhóm trung thành và nhóm đối kháng
Chương 7: Thay đổi nhân sự và điều chỉnh chính trị
Chương 8: Tầng lớp văn thân lánh xa Tự Đức
Chương 9: Từ cuộc tranh chấp Pháp-Việt tới cuộc chiến Pháp-Hoa
Để thực hiện tốt công trình này, tác giả đã bổ sung thông tin của những người đi trước cung cấp, bằng các nguồn tài liệu Việt Nam và Trung Hoa, đồng thời cả những tài liệu gốc còn tàng trữ ở Pháp và Nhật. Nhưng đóng góp độc đáo và quan trọng của ông là bức họa chi tiết mô tả môi trường xã hội Việt Nam.
Giá trị phong phú của cuốn sách này là đã đưa ra ánh sáng những tài liệu Việt Nam và Pháp mà cho tới nay chưa công bố hoặc ít được khai thác cùng với những đóng góp giá trị của các học giả Nhật, mà không hề làm độc giả phải ngột ngạt. Vì giáo sư đã biết làm chủ khối tư liệu của mình để dựng thành một cấu trúc hài hòa. Mỗi biến cố trọng đại sẽ không chỉ giản đơn hóa với một niên đại, mà được đưa lên tầm mức phân tích cả nhóm xã hội trong đó có những diễn viên chính của biến cố; không giảm thiểu tính cách của các cá nhân, tác giả còn nêu rõ sức mạnh của mối quan tâm cùng phản ứng của nhóm người mà cá nhân đó đại diện.
Chỉ thông qua 417 trang, cuốn sách của Y. Tsuboi là tài liệu vô cùng bổ ích cho việc tìm hiểu về lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Cuốn sách sẽ giúp người Pháp hiểu nước Pháp trong cùng thời kỳ. Người Trung Hoa cũng rút tỉa từ cuốn sách này được nhiều ích lợi lớn như việc họ sẽ đánh giá lại sự u mê về tình hình của chính phủ Trung Hoa đương thời và cả tính năng động đôi khi không chính thống lắm của một số nhóm đồng hương với họ. Sau cùng, bất cứ ai quan tâm đến lịch sử hiện đại sẽ thấy nơi đây một nguồn tư liệu, đồng thời một ánh sáng độc đáo về một khu vực của giai đoạn quan trọng nhất để thai nghén ra lịch sử đương thời.
Thực hiện: Hà Hậu