TRUNG QUỐC NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI
M.L. Titarenko và Đỗ Tiến Sâm chủ biên
Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, 763 trang
Kí hiệu: Vv1831
Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam và Nga. Từ khi bình thường hoá đến nay, Quan hệ Việt - Trung và Nga - Trung đã phát triển nhanh chóng và toàn diện. Đến nay, cả Việt Nam và Nga đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, trước đó Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Có thể nói, quan hệ tam giác Việt - Nga - Trung đã bước vào thời kỳ mới với những nội dung mới về chất.
Vì vậy, việc tăng cường hợp tác Việt - Nga trên các lĩnh vực không chỉ có ý nghĩa đối với quan hệ hai nước, mà còn góp phần làm cho quan hệ song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc và Nga với Trung Quốc cũng được thuận lợi hơn. Để góp phần tìm hiểu sâu sắc hơn về Trung Quốc, M.L. Titarenko và PGS. TS. Đỗ Tiến Sâm đã chủ biên cuốn “Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI”. Cuốn sách gồm 4 phần với nội dung như sau:
Phần một: Những vấn đề chung. Trong phần này, tác giả tập trung phân tích tư tưởng và văn hoá ứng xử của Hồ Chí Minh đối với Trung Quốc, đánh giá tổng hợp về sự phát triển của Trung Quốc trong thế kỷ XXI, con đường “phát triển hoà bình” và ý tưởng xây dựng “thế giới hài hoà” của Trung Quốc, đánh giá sự phát triển hoà bình của Trung Quốc thông qua quan điểm xã hội hài hoà và thế giới hài hoà.
Phần hai: Những vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trong đó tập trung phân tích thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế Trung Quốc từ nay đến năm 2020, cải cách công nghiệp và nông nghiệp ở Trung Quốc, sự phân hoá xã hội và việc hình thành tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, vấn đề an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và dân chủ hoá chính trị ở Trung Quốc…
Phần Ba: Chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế. Phần này tập trung phân tích sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của Trung Quốc từ sau sự kiện khủng bố quốc tế 11-9-2001, khuynh hướng, trở ngại và triển vọng quan hệ của Trung Quốc với Đông Á, Bán đảo Triều Tiên, ASEAN, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản.
Phần bốn: Quan hệ song phương. Trong phần này, tác giả tập trung vào phân tích quan hệ Nga - Trung, Việt - Trung từ khi bình thường hoá quan hệ tới nay.
Như vậy, với 673 trang, cách trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã phân tích những khía cạnh cơ bản của đường lối cải cách và mở cửa của Trung Quốc trong suốt ba thập niên qua, xem xét những giai đoạn và vấn đề quan trọng nhất của sự chuyển đổi cơ cấu chính trị và xã hội, nền kinh tế, chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Trung Quốc, những phức tạp khách quan của thời kỳ chuyển đổi mà xã hội Trung Quốc phải trải qua cũng như những biện pháp và triển vọng để khắc phục chúng. Cuốn sách đã làm sáng tỏ một cách sâu rộng và toàn diện những vấn đề then chốt và những triển vọng của công cuộc hiện đại hoá của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra kinh nghiệm tích cực của Trung Quốc trong việc giải quyết những vấn đề mới xuất hiện đối với nước này. Đây là tài liệu vô cùng quý giá cho bạn đọc khi nghiên cứu về Trung Quốc, quốc gia láng giềng của Việt Nam.
Thực hiện Hà Hậu