Trang chủ

VIỆT NAM TRONG THẾ GIỚI ĐÔNG Á MỘT CÁCH TIẾP CẬN LIÊN NGÀNH VÀ KHU VỰC HỌC

Đăng ngày: 24-04-2012, 11:46 | Danh mục: Giới thiệu sách

VIỆT NAM TRONG THẾ GIỚI ĐÔNG Á MỘT CÁCH TIẾP CẬN LIÊN NGÀNH VÀ KHU VỰC HỌC

Tác giả: Nguyễn Văn Kim

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, 635 trang

Kí hiệu: Vt431

Trải qua thời gian, trong các vòng ảnh hưởng và tiếp giao văn hóa, bên cạnh việc khẳng định và phát huy giá trị văn hóa, các quốc gia khu vực Đông Á còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ giao thương. Chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và các yếu tố xã hội, tôn giáo… ở Đông Bắc Á cũng như Đông Nam Á đã hình thành nhiều mô hình nhà nước với các thiết chế chính trị, cấu trúc xã hội riêng biệt. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước, các dân tộc Đông Á ngày càng nhận thức rõ hơn giá trị văn hóa bản địa và bản sắc văn hóa dân tộc. Đó chính là di sản hết sức quý báu, được hun đúc từ truyền thống và chiều sâu lịch sử, là nhân tố cố kết tinh thần dân tộc, tạo nên bản lĩnh, sức sống mãnh liệt của mỗi quốc gia trên con đường phát triển, hội nhập với thế giới bên ngoài.

Nằm ở vị thế hội giao giữa các khu vực Đông Bắc Á - Đông Nam Á và rộng hơn là Châu Á, lịch sử - văn hóa Việt Nam là một dòng chảy mạnh mẽ của văn minh Đông Á. Trong lịch sử, các cộng đồng dân tộc Việt Nam đã khai phá đất đai, mở mang cương vực lãnh thổ, phát triển văn hóa và đã chia sẻ, phát triển sáng tạo các giá trị văn hóa bản địa cũng như của chung khu vực. Chịu sự tác động sâu sắc của môi trường tự nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội Đông Nam Á nhưng đồng thời cũng tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của khu vực Đông Bắc Á, qua những thăng trầm, thách thức khắc nghiệt của lịch sử, Việt nam nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những cường quốc khu vực. Trong hành trình lịch sử dân tộc, những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc Việt nam mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc, tinh thần cố kết cộng đồng… đã trở thành nền tảng văn hóa, bản sắc, bản lĩnh văn hóa và sức mạnh dân tộc Việt Nam.

Nhằm góp phần tìm hiểu quá trình phát triển, những chuyển biến cơ bản, một số đặc tính lịch sử, chính trị và văn hóa tiêu biểu của xã hội Đông Á, đồng thời để hướng tới những nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn những diễn tiến cơ bản của lịch sử, văn hóa và vị thế của Việt Nam trong sự tương quan và tương tác quyền lực khu vực, PGS. TS. Nguyễn Văn Kim đã biên soạn cuốn “Việt Nam trong thế giới Đông Á một cách tiếp cận liên ngành và khu vực học”. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần như sau:

Phần I: Truyền thống, lịch sử và nhận thức. Gồm 8 chuyên luận:

Chuyên luận 1: Diễn trình giao lưu kinh tế, văn hóa Việt – Trung vùng lưu vực sông Hồng trong bối cảnh quan hệ khu vực

Chuyên luận 2: Đại Việt trong bối cảnh lịch sử Đông Á thế kỷ X

Chuyên luận 3: Vị thế đối ngoại của Thăng Long – Đại Việt với các quốc gia Đông Nam Á thời Lý – Trần

Chuyên luận 4: Thế ứng đối văn hóa của Đại Việt với các quốc gia khu vực qua hàng trạng và tâm thức của một số quý tộc thời Trần

Chuyên luận 5: Tìm đến một Việt lộ cho tôn giáo dân tộc

Chuyên luận 6: Đại Việt trong bối cảnh lịch sử, chính trị Đông Á thế kỷ XV

Chuyên luận 7: Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII-XIX qua nhận xét, đánh giá của người phương Tây

Chuyên luận 8: Nguồn lực tri thức, các mối liên hệ và sự phát triển kinh tế - xã hội

Phần II: Tiềm năng, dấu ấn và các mối quan hệ khu vực. Gồm 8 chuyên luận:

Chuyên luận 9: Văn minh và đế chế - nhìn lại con đường phát triển của các quốc gia Đông Á

Chuyên luận 10: Dấu ấn cổ sơ của các xã hội Đông Nam Á

Chuyên luận 11: Óc Eo – Phù Nam – vị thế lịch sử và các mối quan hệ khu vực

Chuyên luận 12: Lục Chân Lạp – Thủy Chân lạp và quan hệ giữa hai khu vực

Chuyên luận 13: Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực

Chuyên luận 14: Ứng đối của chính quyền Đàng Trong với các thế lực phương Tây

Chuyên luận 15: Nam Bộ trong những thế kỷ VII-XVI – diện mạo và những đặc tính lịch sử, văn hóa

Chuyên luận 16: Đông Nam Á – đặc tính lịch sử và văn hóa

Châu Á từ lâu đã từng được coi là một khu vực địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa có nhiều nét tương đồng. Sự giao lưu, hội nhập văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình lịch sử, sự trưởng thành về ý thức dân tộc, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của các dân tộc… Điều quan trọng là quá trình giao lưu văn hóa đó đã góp phần tạo nên những giá trị chung cho toàn thể khu vực. Với dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc hòa quyện với các giá trị văn hóa khu vực đã tạo nên những sinh lực, động lực, tư duy phát triển mới, mở nguồn cho sự tỏa rạng, phát triển cường thịnh của văn minh Đại Việt.

Đặt Việt Nam trong mối liên hệ với các quốc gia Đông Nam Á, nhìn lại diễn tiến và chiều sâu lịch sử, trên cơ sở vận dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành và khu vực học, cuốn sách đã phác dựng một số đặc trưng lịch sử, văn hóa tiêu biểu và vị thế của Đại Việt – Đại Nam – Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Cùng với cách phân tích, cách tiếp cận truyền thống, cuốn sách còn là sự trải nghiệm những quan điểm, cách tiếp cận mới, nhìn nhận diễn tiến lịch sử và vị thế của Việt Nam trong các mối quan hệ đa chiều. Bằng cách đó, các chuyên luận trong cuốn sách góp phần định diện các bước chuyển và vị thế của Việt Nam trong lịch sử, đồng thời thể hiện tiềm năng, động lực, thế đi lên của một dân tộc tự cường trong bối cảnh xã hội phương Đông truyền thống cũng như vị thế của Việt Nam ở khu vực Đông Á và thế giới hiện nay.

Thực hiện: Hà Hậu

 

0thảo luận