Trang chủ

QUAN HỆ NHẬT – TRUNG: HOÀ GIẢI VÀ THÁCH THỨC

Đăng ngày: 17-07-2012, 11:20 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 11

Với chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Abe vào tháng 4 năm 2006 và chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong tháng 4/2007, quan hệ Nhật-Trung có vẻ như đã được bình thường hóa sau một thời gian khá dài ở trong tình trạng “nóng về kinh tế, lạnh về chính trị”. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa hai nước cho đến nay, không chỉ có vấn đề chính trị mà còn đang ẩn chứa nhiều xung đột lợi ích về kinh tế, quân sự v.v...Vì vậy, tại sao hai nước lại phải hòa giải với nhau và liệu quan hệ giữa hai nước có thực sự phát triển một cách êm ấm hay không đang là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Do đó, bài viết này sẽ điểm lại quan hệ Nhật-Trung trong vài năm gần đây cũng như dự báo mối quan hệ này trong tương lai gần.

Có thể nói, bước vào thế kỉ 21, quan hệ Nhật-Trung đã ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau khi hai nước kí kết Hiệp ước hòa bình hữu nghị vào năm 1978. Trong suốt mấy năm qua, cho dù người ta nghe thấy cả hai bên vẫn tuyên bố là đối tác quan trọng của nhau, muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển hơn nữa v.v... Nhưng, các hành động trong thực tế đều có vẻ đi ngược lại với những tuyên bố đó. Kể từ năm 2001 đến năm 2005, ngoại trừ một vài cuộc gặp cấp cao một cách “bắt buộc” giữa thủ tướng hai nước tại các hội nghị quốc tế ra, hai nước đã  không thực hiện trao đổi các chuyến thăm cao cấp lẫn nhau như trước đó. Lí do dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do việc Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đến viếng đền thờ Yasukuni-nơi có thờ cúng cả những tội phạm chiến tranh loại A trong Chiến tranh Thế giới II của Nhật Bản bất chấp lời cảnh báo từ phía Trung Quốc.

Sự câu nệ đối với vấn đề đến viếng một ngôi đền, hay nói đúng ra việc lợi dụng lá bài lịch sử của các nhà lãnh đạo cũng như của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của hai nước đã đẩy mối quan hệ xấu đi nhanh chóng. Có thể nói như vậy là bởi trong thời gian trước đó đã có những nhà lãnh đạo Nhật Bản tới viếng ngôi đền này nhưng phản ứng của Trung Quốc đâu có dữ dội như vậy? Còn với Thủ tướng Koizumi cho dù tuyên bố đến viếng ngôi đền với tư cách cá nhân để bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên thì cũng không cần thiết trong 4 năm cầm quyền năm nào cũng đến viếng ngôi đền này cho dù biết rằng sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao hai bên lại sử dụng “vấn đề lịch sử” để làm căng thẳng mối quan hệ vốn đang tốt đẹp? Phải chăng bởi đã đến lúc Trung Quốc đã xác lập được vai trò quan trọng trên trường quốc tế và phát triển đến giai đoạn không cần đến vốn ODA của Nhật Bản nữa hay đây vẫn chỉ là “kịch bản” để ép Nhật Bản phải cung cấp tiếp ODA. Hoặc đây chính là lá bài để kiềm chế Nhật Bản vươn lên trở thành một cường quốc đầy đủ cũng như làm cho lung lay liên minh Nhật-Mỹ. Trái lại, phải chăng Nhật Bản muốn trở thành “một nước bình thường” và không muốn bị Trung Quốc lấy vấn đề lịch sử làm lá bài mặc cả trong mọi vấn đề.

Có thể nói, việc Trung Quốc phê phán Nhật Bản dự định ngưng cung cấp ODA cho Trung Quốc, phớt lờ quan hệ với Nhật Bản trong khi thúc đẩy mạnh mẽ chính sách ngoại giao thân thiện với các nước láng giềng, công khai tuyên bố chống Nhật Bản trở thành nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc v.v...Trong khi đó, việc Thủ tướng Nhật Bản vẫn đến viếng đền Yasukuni, tiến hành các bước để sửa đổi hiến pháp, nâng Cục phòng vệ thành Bộ quốc phòng và tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ là những câu trả lời  cho các câu hỏi trên.

Chính vì vậy, từ năm 2004 quan hệ Nhật-Trung ngày càng căng thẳng hơn. Điều này không chỉ thể hiện trong các tuyên bố và các hành động ngoại giao mà nó còn được thể hiện cả trong hành động thực tế. Trước hết vào tháng 5/2004,  phía Trung Quốc đã tiến hành thăm dò dầu mỏ tại khu vực còn đang tranh cãi về chủ quyền trên biển, tiếp đến Trung Quốc cho tàu ngầm xâm phạm lãnh hải Nhật Bản và cho máy bay bay vào vùng không phận hai bên đang tranh chấp. Để đáp trả, các bộ của Nhật Bản đã cho phép các công ty Nhật tiến hành thăm dò dầu mỏ tại khu vực tranh chấp và Chính phủ Nhật cũng tuyên bố sẽ sử dụng cả biện pháp quân sự để bảo vệ ngư dân và các giàn khoan trên biển nếu cần thiết. Nhưng có lẽ năm 2005 mới là năm quan hệ hai nước xấu nhất. Ngay từ đầu năm 2005, ở Trung Quốc đã có hơn 44 triệu người tham gia vào phong trào kí tên vào đơn trên mạng In-tơ-net phản đối Nhật Bản trở thành nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đến tháng 4/2005, khi Chính phủ Nhật cho phép các trường học nước này được sử dụng cuốn sách lịch sử mới thì ở nhiều nơi của Trung Quốc đã nổ ra các cuộc biểu tình chống Nhật Bản. Những người tham gia biểu tình còn sử dụng hành động bạo lực tấn công vào các nhà hàng, công ty thậm chí vào cả lãnh sự quán của Nhật Bản tại Trung Quốc. Lúc đầu, “Chính phủ Trung Quốc đã đồng tình thậm chí là cho phép những hành động bạo lực của các cuộc biểu tình([1])”. Nhưng sau đó, có lẽ chính bản thân Chính phủ Trung Quốc lo ngại rằng có những phần tử lợi dụng chính các cuộc biểu tình này để chống lại Trung Quốc. Và nếu như vậy sẽ lại xảy ra một sự kiện “Thiên An Môn” nữa, nên mới quyết định cấm tổ chức biểu tình tiếp. Đây quả thực là cú sốc lớn của Trung Quốc dành cho người Nhật Bản. Tuy nhiên, cuối tháng 5/2005 Trung Quốc còn gây ra sự kiện làm cho người Nhật cảm thấy “muối mặt” hơn. Đó là việc Trung Quốc đã đột ngột gọi Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi đang ở thăm Nhật Bản về nước, bất chấp đã có lịch hội đàm với Thủ tướng Koizumi. Đặc biệt, việc Trung Quốc gọi phó thủ tướng về nước mà không hề có lời xin lỗi phía Nhật Bản cũng như họ đưa ra lí do “bận công việc ở trong nước” nhưng ngay sau đó lại tiến hành thăm Mông Cổ đã làm cho người Nhật cảm thấy bị coi thường.

Nhưng rốt cuộc, có vẻ như cả hai bên đều đã nhận ra rằng, việc duy trì mối quan hệ căng thẳng như vậy chẳng những không giải quyết được vấn đề gì mà còn cản trở thực hiện chiến lược của mỗi bên cũng như ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của mình. Chẳng hạn với Nhật Bản, việc tiếp tục đến ngôi đền Yasukuni sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc lấy cớ để ngăn cản Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc, lôi kéo các nước ở Châu Á tạo thành một liên minh chống lại Nhật Bản v.v... Còn với Trung Quốc, nếu cứ bám lấy “vấn đề lịch sử” để chống Nhật chỉ càng làm cho Chính phủ Nhật, nhất là thế lực cực hữu ở Nhật càng có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, càng đẩy Nhật liên minh chặt chẽ hơn đối với Mỹ, can thiệp sâu hơn đối với vấn đề Đài Loan  hoặc dùng sức mạnh kinh tế để lôi kéo các nước chống lại Trung Quốc v.v... Chính vì vậy, bước sang năm 2006, cả hai bên đều tìm cách làm dịu đi mối quan hệ đang căng thẳng. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cho thành lập một tiểu ban đặc biệt nghiên cứu biện pháp cải thiện quan hệ với Nhật Bản, dùng lời lẽ phê phán nhẹ nhàng hơn đối với vấn đề viếng đền thờ Yasukuni cũng như kêu gọi Chính phủ Nhật cải thiện quan hệ song phương v.v... Về phía Nhật Bản, ngoài các đoàn đại biểu của các đảng phái và các tổ chức kinh tế sang thăm Trung Quốc để tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc ra, bản thân Chính phủ Nhật Bản cũng đã tiến hành bước đi cụ thể nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước. Điều này được thể hiện rõ trong việc Ông Shinzo Abe một người thuộc phái có đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc khi trở thành thủ tướng đã chọn Trung Quốc là nước đến thăm đầu tiên của ông.

Có thể nói, việc chọn không phải Mỹ là nước tới thăm đầu tiên khi trở thành thủ tướng là bước đi dũng cảm của nhà lãnh đạo Nhật Bản. Đúng như một học giả Trung Quốc nhận xét: “ Việc Thủ tướng Abe chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên đã không chỉ mở ra tiền lệ trong lịch sử ngoại giao Nhật Bản sau chiến tranh mà còn gây chấn động trong đảng cầm quyền và đảng đối lập ở nước này”([2]). Do vậy, đây dù là sự “xuống thang” hay là “chiến thuật” của Nhật Bản đi chăng nữa thì, với  chuyến thăm này, Thủ tướng Abe cũng đã làm “tan băng” trong quan hệ giữa hai nước. Sau các cuộc hội đàm, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong việc cải thiện và phát triển quan hệ song phương, vấn đề khu vực và vấn đề cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc v.v... Đặc biệt, hai bên đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc việc “xây dựng mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung” do Thủ tướng Abe đề xuất. Liên quan đến vấn đề “lịch sử”, hai nước còn nhất trí thành lập “nhóm nghiên cứu chung lịch sử Trung-Nhật” do các giáo sư, các nhà nghiên cứu của các trường Đại học và Viện nghiên cứu của hai nước đảm nhiệm. Ngoài ra, Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn đưa ra 5 đề nghị để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Đây có lẽ là  một điểm thú vị khi nghiên cứu quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa ngoại giao. Đó là vì, từ năm 1972 đến nay, quan hệ Nhật-Trung đã không ít lần xảy ra sóng gió mà nguyên nhân chủ yếu là do phía Nhật Bản có những hành động liên quan đến lịch sử. Mỗi lần như vậy, phía Trung Quốc đều phản ứng gay gắt khiến cho quan hệ hai nước trở lên căng thẳng nhưng sau đó bao giờ Trung Quốc cũng lại là phía chủ động đưa ra những kiến nghị, những nguyên tắc để bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ hai nước. Có thể nói đây là chiến thuật “vừa đấm vừa xoa” của Trung Quốc, nhưng qua đây cũng cho thấy “nhân tố” Nhật Bản là không thể thiếu đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abe, quan hệ Nhật-Trung nhất là quan hệ chính trị đã trở lên nồng ấm hơn nhưng, có lẽ chỉ tới khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tiến hành thăm Nhật Bản vào tháng 4/2007 thì quan hệ giữa hai nước mới thực sự “tan băng”. Bởi đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc sau đúng 7 năm. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai bên đã đạt được những thỏa thuận quan trọng nhằm cụ thể hóa những nội dung để xây dựng “mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung”. Những thỏa thuận này đã được đề cập đến trong bản Thông cáo báo chí chung với một số điểm chính dưới đây:

a- Giao lưu cấp Thủ tướng, đối thoại kinh tế cấp cao Nhật-Trung, đối thoại giữa Bộ ngoại giao hai nước, giao lưu phòng vệ, tăng cường giao lưu giữa nhân dân và thanh thiếu niên hai nước, giao lưu văn hóa.

b- Tăng cường hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực năng lượng, môi trường, nông nghiệp, y tế, tài chính v.v...

c- Hợp tác trong khu vực và cộng đồng quốc tế như cải cách liên hiệp quốc, cuộc đàm phán 6 bên ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

d- Giao lưu đầu tư.

e- Đạt được nhận thức chung về xử lí vấn đề Biển Đông

Riêng về vấn đề hợp tác kinh tế, cuối cùng Trung Quốc cũng đã “chấp nhận” việc Nhật Bản chấm dứt viện trợ ODA cho Trung Quốc vào năm 2008. Ngoài ra, phía Nhật Bản còn đồng ý đẩy nhanh quá trình xử lí số vũ khí hóa học (được xác định khoảng 400.000 quả đạn) mà quân đội Nhật Bản đã bỏ lại ở Trung Quốc sau Chiến tranh Thế giới II[3].

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nhấn mạnh đến những vấn đề đáng chú ý khác trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thứ nhất, đó là sau hơn 20 năm mới lại có một  lãnh đạo của Trung Quốc đọc bài diễn văn trước quốc hội Nhật Bản. Trong bài diễn văn, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảm ơn chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã viện trợ kinh tế và giúp đỡ công cuộc xây dựng và hiện đại hóa của Trung Quốc. Song, cũng không quên nhắc lại lịch sử quan hệ “từ cổ chí kim” để nhắc nhở lại công ơn của Trung Quốc đối với Nhật Bản cũng như tội ác của Nhật Bản đối với Trung Quốc. Thứ hai, trong suốt thời gian ở thăm Nhật Bản, Thủ tướng Ôn Gia Bảo không một lần nhắc đến vấn đề đền thờ Yasukuni. Đây là hiện tượng chưa từng có trong những chuyến viếng thăm Nhật Bản của lãnh đạo Trung Quốc trong những năm gần đây. Ngoài ra, ông cũng không nhắc đến vấn đề “nô lệ tình dục” và tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với đảo Senkaku, đây là điều “làm mất đi nguyên tắc lớn trong các chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc tới Nhật Bản trong thời gian gần đây”([4]).

Sự phụ thuộc lẫn nhau, ý đồ chiến lược của mỗi bên đã buộc chính phủ hai nước đều phải xuống thang với nhau và đi đến thỏa thuận “xây dựng mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung”. Song, mối quan hệ giữa hai nước có thuận chèo xuôi mái hay không? Duy trì tình hữu nghị được bao lâu vẫn còn là câu trả lời còn bỏ ngỏ vì giữa hai nước vẫn còn nhiều trở ngại khó giải quyết, thậm chí có thể nói không thể giải quyết:

Thứ nhất là vấn đề lịch sử: Sau một thời gian đầy sóng gió, quan hệ giữa hai nước có vẻ như đã bình yên trở lại bởi một loạt động thái của lãnh đạo hai nước dựa trên quan điểm “lấy lịch sử làm bài học, hướng tới tương lai”. Đó là thành lập “nhóm nghiên cứu chung lịch sử Trung-Nhật”, lãnh đạo Trung Quốc cố không nhắc đến ngôi đền Yasukuni và những vấn đề liên quan khác còn Thủ tướng Nhật Bản kiềm chế không đến viếng ngôi đền Yasukuni v.v...Tuy nhiên để thống nhất quan điểm lịch sử và duy trì tình trạng như hiện nay có vẻ không đơn giản. Lí do là:

- Nhóm nghiên cứu chung lịch sử khó có thể đi đến thống nhất quan điểm về các sự kiện lịch sử bởi hai bên có nhận thức lịch sử khác nhau, có chế độ chính trị khác nhau và họ mang tình cảm đối với dân tộc của họ. Cho nên, vấn đề “lịch sử” mãi mãi vẫn chỉ là “vấn đề lịch sử”.

- Cho dù lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu nhưng, Thủ tướng Nhật Bản vẫn chưa tuyên bố dứt khoát là có đến viếng ngôi đền Yasukuni nữa hay không. Điều này khiến cho các học giả Trung Quốc gọi là “chiến thuật mơ hồ” đối với vấn đề lịch sử, thậm chí cho rằng “Dường như ông Shinto Abe đang sử dụng vấn đề này như một con bài cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và củng cố uy tín chính trị trong nước Nhật Bản”([5]).

- Hiện nay, cùng với kinh tế phát triển, vị thế của Trung Quốc đang ngày càng nâng cao trên trường quốc tế thì sự trỗi dậy lòng tự hào “Trung Hoa” của người dân càng cao. Do đó, những vụ Lư Cầu Kiều, vụ thảm sát Nam Kinh v.v...sẽ càng khứa sâu vào nỗi đau dân tộc, rất khó xóa đi. Việc không ít lần người dân Trung Quốc tiến hành các hoạt động để tố cáo tội ác của Nhật và biểu tình chống Nhật trong đó, đỉnh cao là cuộc biểu tình chống Nhật năm 2005 là những minh chứng cụ thể. Trái lại, sau 35 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tình cảm của người dân Nhật Bản đối với Trung Quốc cũng suy giảm nghiêm trọng. Người Nhật không chống lại Trung Quốc theo cách làm của người Trung Quốc nhưng tình cảm của họ đối với Trung Quốc được thể hiện rõ nét qua các cuộc điều tra dư luận trong nước. Theo cuộc điều tra dư luận do Hãng điều tra dư luận Chuyo tiến hành tháng 2 năm 2006 thì, chỉ có 6,9% số người trả lời cho rằng  quan hệ Nhật-Trung hiện nay tốt, có đến 66,7% trả lời không tốt. Đối với câu hỏi “cảm giác thân thiện đối với Trung Quốc” thì tỷ lệ số trả lời “có” cũng giảm mạnh. Nếu tại cuộc điều tra được tiến hành năm 1978, có 62,1% số người được hỏi trả lời là “thân thiện với Trung Quốc” và 25,6% trả lời “không thân thiện” thì, đến năm 2005 các con số tương ứng là 32,4% và 63,4%. Có nghĩa là vị trí giữa các tỉ lệ này đã đổi chỗ cho nhau. Hơn nữa, hiện nay ở Nhật Bản vẫn tồn tại “thuyết đe dọa của Trung Quốc”. Do vậy, mối hiềm khích dân tộc sẽ là một trong những nhân tố gây cản trở lớn nhất để chính phủ hai nước thực hiện chính sách “hữu nghị đời đời bền vững”.

Thứ 2 là vấn đề Đài Loan: Cũng giống như Mỹ, cho đến nay Chính phủ Nhật Bản vẫn tuyên bố ủng hộ Chính sách “một nước Trung Quốc” nhưng cũng chưa bao giờ cam kết bằng văn bản ngoại giao là sẽ “không ủng hộ chủ trương Đài Loan độc lập”. Ngoài ra, Nhật Bản vẫn kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan như trong “Luật chống li khai” của Trung Quốc và ngày càng có nhiều tuyên bố và hành động nhằm bảo vệ Đài Loan. Chẳng hạn, trước tình hình Trung Quốc ngày càng bố trí nhiều quân đội và các loại vũ khí tiên tiến nhằm vào Đài Loan, Nhật Bản cùng Mỹ ra tuyên bố bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Điều này có nghĩa là nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan thì Mỹ và Nhật Bản sẽ nhảy vào can thiệp. Hơn nữa, Nhật Bản vẫn để cho các quan chức Nhật Bản thăm Đài Loan cũng như cho phép các quan chức Đài Loan sang Nhật. Ngay đầu tháng 6 năm 2007, khi mà quan hệ hai nước mới hòa dịu lại, Nhật Bản không những cho phép Lí Đăng Huy- người bị phía Trung Quốc coi là nhân vật cầm đầu thế lực độc lập ở Đài Loan sang thăm mà còn cho phép ông ta đến viếng ngôi đền Yasukuni đầy tranh cãi.

Như vậy, đối với một bên sẽ giải quyết bằng mọi giá và một bên phản đối đến cùng mọi hành động sử dụng vũ lực, “vấn đề Đài Loan” sẽ còn là nhân tố tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước. Tuy nhiên, có thể “Đài Loan” còn là một “lá bài” để cả hai bên mặc cả với nhau chẳng hạn như đối với vấn đề trở thành Ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Nhật Bản.

Thứ ba là tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên: Mặc dù hiện nay cả hai bên đều nhất trí tìm cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, nhưng đây là vấn đề khó nhượng bộ nhau bởi nó liên quan đến vấn đề chủ quyền, năng lượng và an ninh quốc gia. Đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu ngư) đang nằm trong kiểm soát của Nhật Bản nên phía Nhật Bản chắc chắn sẽ không chấp nhận mọi đề xuất của Trung Quốc liên quan đến việc chia xẻ chủ quyền. Ngược lại, với mục đích xây dựng chiến lược phòng thủ trên biển từ xa, Trung Quốc cũng không chấp nhận quần đảo này thuộc của riêng Nhật Bản.

Ngay cả tranh chấp về vấn đề khai thác năng lượng ở ngoài khơi biển Hoa Đông cũng chưa giải quyết được cho dù đã qua 9 vòng đàm phán. Mặc dù hai bên đồng ý giải quyết tranh chấp nguồn năng lượng dưới đáy biền bằng việc cùng khai thác tại đường trung gian trên biển. Nhưng việc xác định đường trung gian chạy qua khu đặc quyền kinh tế chồng lấn lên nhau của hai bên vẫn chưa được rõ ràng. Hơn nữa, Nhật Bản vẫn e ngại việc Trung Quốc tiến hành khai thác khí đốt ở gần đường trung gian sẽ hút hết nguồn khí nằm trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản. Do đó, cho dù đạt được thỏa thuận cùng khai thác nhưng, khai thác ở chỗ nào mới là cốt lõi của vấn đề.

Thứ tư là vấn đề an ninh, quốc phòng: Đây cũng là một trong những thử thách khó khăn để phát triển quan hệ Nhật-Trung. Trong những năm gần, đây hai nước luôn có những tuyên bố bày tỏ lo ngại về chính sách quân sự cũng như việc thành lập những liên minh mới để kiềm chế lẫn nhau. Cho dù hai bên đều bác bỏ những lời cáo buộc của nhau nhưng trên thực tế, chính sách và hành động của hai nước lại chứng minh rõ ràng cho những cáo buộc đó. Đó là:

Về phía Trung Quốc: Có thể nói cho đến nay Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược an ninh quốc gia hết sức tinh vi và đa dạng. Nó được thể hiện trên hai khía cạnh là: xây dựng an ninh đối ngoại và hiện đại hóa quốc phòng. Về an ninh đối ngoại, Trung Quốc tìm cách củng cố an ninh của mình bằng việc vừa tham gia vào các tổ chức trong khu vực, vừa thắt chặt quan hệ song phương với từng nước trong tổ chức đó, nhất là các nước liên quan nhiều đến an ninh của Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ trong việc thành lập và nâng cao vai trò của Tổ chức hợp tác Thượng Hải như hiện nay, việc tham gia hợp tác đầy đủ trên các lĩnh vực với tổ chức ASEAN, duy trì mối quan hệ chiến lược với Pakistan, CHDCND Triều Tiên v.v... Tất nhiên, chiến lược này của Trung Quốc còn nhằm làm suy yếu vai trò của Nhật Bản tại các khu vực này.  Riêng phía đông, Trung Quốc bị Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và những căn cứ quân sự của Mỹ ngăn chặn. Vì vậy, một mặt Trung Quốc lấy vấn đề lịch sử để lôi kéo Hàn Quốc vào liên minh chống Nhật, mặt khác Trung Quốc đang ra sức lấn chiếm các đảo trong khu vực biển Đông và hiện đại hóa quốc phòng nhất là lực lượng hải quân để tạo ra phòng tuyến ngăn chặn từ xa.

Về hiện đại hóa quốc phòng, trong 18 năm liên tiếp ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng hàng năm ở hai con số. Tháng 3/2007, Đại hội đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc đã thông qua ngân sách quân sự năm tài chính 2007 là khoảng 45 tỉ USD, tăng 17,8% so với năm tài chính trước. Nhưng theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ thì ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay ở vào khoảng từ 80 đến 120 tỷ USD. Với khoản ngân sách lớn như thế này, Trung Quốc sẽ phát triển được nhiều tên lửa tầm xa, lực lượng tàu ngầm và có khả năng có được tàu sân bay. Như vậy, Nhật Bản luôn nằm trong tầm ngắm của vũ khí của Trung Quốc. Đó là lí do tại sao Nhật Bản luôn yêu cầu Trung Quốc phải minh bạch ngân sách quân sự.

Để đối phó lại Trung Quốc, Nhật Bản cũng không chịu ngồi yên. Trong thời gian qua, Nhật Bản cũng đang thực hiện chiến lược an ninh gây lo ngại cho Trung Quốc.

Thứ nhất, Nhật Bản thực hiện chính sách ngày càng mở rộng liên minh quân sự với Mỹ như: mở rộng phạm vi can thiệp trong Hiệp ước bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ; cùng Mỹ nghiên cứu và sản xuất những loại vũ khí tiên tiến, để Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa trên đất Nhật Bản v.v...

Thứ hai, Nhật Bản đã nâng cấp “Cục phòng vệ Nhật Bản” lên thành Bộ quốc phòng, điều này có nghĩa là vai trò của quân đội Nhật Bản sẽ được mở rộng hơn. Ngoài ra, Nhật Bản đang tích cực xúc tiến sửa đổi Bản hiến pháp năm 1946, đặc biệt là sửa điều 9 vốn được xem như là tượng trưng cho chính sách hòa bình của Nhật Bản.

Thứ ba, tìm cách mở rộng thêm hệ thống an ninh mới. Để bảo đảm an ninh và quyền lợi ở khu vực Đông Nam và Nam Á, Nhật Bản cũng đang thực hiện chính sách đối ngoại mạnh mẽ và năng động hơn. Ngoài việc tăng cường quan hệ với tổ chức ASEAN và các nước thành viên trong tổ chức ra, Nhật Bản đã và đang tìm cách thành lập thêm hệ thống an ninh mới ở khu vực này. Chẳng hạn, Nhật Bản đã kí kết Hiệp ước an ninh với Ôxtralia vào tháng 3/2007 và đang cùng Mỹ, Ôxtralia và Ấn Độ bàn bạc thành lập cơ chế đối thoại chiến lược. Rõ ràng điều này sẽ tạo ra một thế kiềm chế Trung Quốc nên báo chí Trung Quốc đã phê phán đây là tổ chức NATO ở Châu Á.

Thứ năm là vấn đề Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thoáng nhìn thì có vẻ như Trung Quốc đang nắm trong tay lá bài này để mặc cả với Nhật Bản nhưng, thực ra  đây cũng lại là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc không bao giờ muốn Nhật Bản trở thành nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ để có thể trở thành một cường quốc đầy đủ. Việc Trung Quốc lấy cớ Nhật Bản “không thức tỉnh đối với bài học lịch sử” để ngăn cản chính là vì mục đích đó. Nhưng, có vẻ hiện nay Nhật Bản đang “nhún mình” đối với Trung Quốc bằng cách không khuấy lên vấn đề lịch sử. Vì vậy, Trung Quốc sẽ mất đi lá bài của mình. Để tiếp tục ngăn cản Nhật Bản, Trung Quốc sẽ buộc phải dùng đến những lí do khác. Nhưng nếu làm như vậy sẽ làm cho thế lực cực hữu (thậm chí cả người dân) ở Nhật Bản có lí do chống lại Trung Quốc. Chính vì vậy, Trung Quốc chính là người đứng trước ngã ba của sự lựa chọn chính sách đối với Nhật Bản và mọi động thái của Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đến quan hệ hai nước.

Tóm lại, sau nhiều năm bị đóng băng, quan hệ Nhật-Trung đã ấm trở lại. Bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế hiện nay đã quá lớn cũng như những toan tính chiến lược chắc chắn sẽ buộc hai nước cùng phải tạm thời gác lại những bất đồng cùng nhau xây dựng mối “quan hệ hữu nghị” đời đời. Do đó, trong thời gian tới quan hệ hai nước vẫn sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực. Quan hệ hai nước sẽ phát triển sâu hơn và rộng hơn trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng, bảo vệ môi trường, giao lưu nhân sự v.v... Tuy nhiên, những trở ngại đề cập ở trên, nhất là khi những chiến lược của mỗi bên chủ yếu nhằm cản trở nhau sẽ ảnh hưởng mạnh đến quan hệ hai nước. Đặc biệt tôi cho rằng, trong những trở ngại của quan hệ hai nước, thì trở ngại về “lòng tự hào và sự tổn thương dân tộc” sẽ khó điều chỉnh nhất và có tính quyết định nhiều nhất đến quan hệ Nhật-Trung trong tương lai.

 

NGUYỄN THANH BÌNH

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Vĩnh Long, “Đông Nam Á trong quan hệ Mỹ – Nhật - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam”. Tạp chí nghiên cứu & thảo luận; số 8 tháng 7/2006.

2. Những kiến nghị cho quan hệ Nhật-Trung từ nay về sau, Ủy ban phát triển kinh tế Nhật Bản. Tháng 4/2006.

3. Báo điện tử Vietnamnet

4. Tài liệu tham khảo đặc biệt.

5. Tin trên trang Web của Bộ ngoại giao Nhật Bản: www.mofa.go.jp

 

 



([1]) Joseph S.Nye “Tam giác chiến lược Đông Á”, đăng trên WWW.lanhdao.net ngày 30/10/2006.

([2]) Vương San, “Những điều chỉnh trong chính sách đối với Trung Quốc của Shinzo Abe và quan hệ Trung-Nhật”; Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 15/4/2007.

([3]) www.mofa.go.jp/mofaj/area/china/visit/0704_kh.html

([4]) Tài liệu tham khảo đặc biệt; ngày 11/6/2007.

([5]) Tài liệu tham khảo đặc biệt; 13/4/2007

0thảo luận