Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về khoa học công nghệ với rất nhiều nỗ lực nhằm tăng năng suất lao động trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tự nhiên và nguồn lực con người. Một biểu hiện rõ nét của quá trình này là sự tăng trưởng đáng kể những khoản đầu tư dành cho R&D (nghiên cứu và triển khai) của các công ty tư nhân. Điều này đóng góp rất lớn cho việc gia tăng năng suất của toàn ngành công nghiệp nói chung, và kết quả cuối cùng của nó là đóng góp cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Đây là một quá trình liên tục, khép kín của mối quan hệ qua lại giữa khoa học công nghệ và phát triển kinh tế của quốc gia. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển của công nghệ sản xuất tiên tiến nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc đào tạo công nghệ theo “kiểu Nhật Bản”, một yếu tố đã tạo nên sự thành công của mối quan hệ khép kín giữa “công nghệ và phát triển”.
Cũng giống như một hệ thống mang tính sinh thái học, Nhật Bản đã xây dựng được một cơ chế khá phức tạp giữa công nghệ bên trong và công nghệ bên ngoài. Hệ thống này được hình thành bởi sự nỗ lực của chính các ngành sản xuất và sự khuyến khích của chính phủ, đặc biệt hệ thống này đã vận hành rất có hiệu quả trong thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng cao những năm 1950, 1960 và đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng dầu lửa và môi trường những năm 1970, đầu những năm 1980. MITI (Bộ Công nghiệp và Thương mại, nay được gọi là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI)), một cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách công nghệ công nghiệp, đã khuyến khích và hỗ trợ cho những nỗ lực của doanh nghiệp thông qua hàng loạt các chính sách công nghệ công nghiệp để phát triển một nền công nghệ sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên, với những chính sách nới lỏng quy chế liên quan đến lĩnh vực năng lượng, sự thành công của “nền kinh tế bong bóng” (1987-1990) cũng như sự đổ vỡ của “nền kinh tế bong bóng ” này (1991), nền công nghiệp của Nhật Bản đã gặp phải nhiều trở ngại trong các hoạt động R&D về mặt cấu trúc, điều này đã dẫn đến sự sụp đổ của mối “quan hệ khép kín” giữa “công nghệ và phát triển quốc gia”.
Xuất phát từ cách tiếp cận như vậy, bài viết này sẽ tập trung phân tích nguồn lực để vận hành cơ chế này, giáo dục công nghệ theo kiểu Nhật Bản và sự hình thành nên quan hệ khép kín giữa công nghệ và phát triển quốc gia.
1. Ph¸t triÓn khoa học công nghệ: con đường của Nhật Bản
Có thể nói rằng, sự thành công mà Nhật Bản đã đạt được trong hơn 40 năm qua với sự tăng trưởng ổn định có một phần đóng góp đáng kể của một cơ chế tương đối phức tạp liên quan đến mối quan hệ giữa công nghệ bên trong và công nghệ bên ngoài, một cơ chế đã đảm bảo cho mối “quan hệ khép kín” giữa công nghệ và phát triển quốc gia. Cơ chế này bao gồm nhiều mối quan hệ phức tạp bên trong nó như quan hệ giữa công nghệ và vốn, và sự thay thế công nghệ với nguồn lực khan hiếm (hay còn gọi là những yếu tố sản xuất giới hạn).
a. Mối quan hệ bổ sung giữa công nghệ và vốn
Nền kinh tế Nhật Bản đã cho thấy một sự tăng trưởng nhanh chóng bởi tác động của sự phát triển công nghiệp. Tỷ lệ GDP của Nhật Bản so với thế giới vào năm 1960 là 4,1%, tăng lên 6,4% vào năm 1970 và đạt 9,1% vào năm 1980. Đặc biệt con số này đã tăng lên 14,8% vào năm 1990 và hiện nay đang duy trì ở mức 18%. Sự phát triển nhanh chóng này đã đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển của khoa học công nghệ của Nhật Bản.
Trong khi nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và khai khoáng bị trì trệ một thời gian dài sau chiến tranh thì ngành chế tạo lại chiếm giữ một vai trò quan trọng, có thể nói là vai trò dẫn đầu trong việc hình thành nên nền kinh tế Nhật Bản. Trong thời kỳ chiến tranh, phần lớn các cơ sở chế tạo của Nhật Bản đều bị phá hủy từ cơ sở nhà xưởng, máy móc, thiết bị… thế nhưng sự phục hồi sau chiến tranh của ngành công nghiệp chế tạo này lại có thể được coi là điển hình cho sự phục hồi sau chiến tranh của nền kinh tế Nhật Bản. Những cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu thời kỳ trước chiến tranh đã được thay thế bằng những dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện đại. Điều này đã góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng của trình độ công nghệ và tăng cao năng suất. Có thể nói rằng, những nỗ lực này cuối cùng cũng đã làm cho Nhật Bản có đủ khả năng để cạnh tranh với các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Một trong những sự vượt trội đó là nỗ lực của các công ty tư nhân đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho R&D. Năng suất giới hạn của Nhật Bản trong tổng vốn đầu tư của ngành công nghiệp đã vượt xa Mỹ và các nước Châu Âu. Năng suất giới hạn trong đầu tư R&D (tỷ lệ thu hồi vốn trong đầu tư R&D) cao hơn nhiều so với đầu tư bằng vốn, tỷ lệ thu hồi vốn trong đầu tư R&D nội địa luôn được duy trì ở mức khá cao so với các nước công nghiệp phát triển khác. Tỷ lệ thu hồi vốn trong đầu tư R&D luôn được duy trì ở mức độ cao như vậy đã dẫn đến sự nỗ lực hơn nữa của các công ty tư nhân trong việc gia tăng đầu tư vào R&D và điều này luôn gắn liền với sự gia tăng trong đầu tư vốn. Như vậy, sự hỗ trợ mang tính bổ sung giữa đầu tư về công nghệ và vốn đã làm cho ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản có được bước phát triển nhanh chóng và vượt trội, thay thế toàn bộ máy móc thiết bị lạc hậu bằng công nghệ mới và hiện đại hơn, từ đó góp phần ngược trở lại thúc đẩy trình độ công nghệ và năng suất tăng cao hơn.
b. Công nghệ thay thế cho những yếu tố sản xuất giới hạn
Mặc dù còn nhiều trở ngại song Nhật Bản đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng của công nghệ và năng suất đối với những nguồn tài nguyên khan hiếm (yếu tố sản xuất cố định) trong từng thời kỳ tương ứng. Cơ chế này đã tạo nên một hệ thống giữa công nghệ bên trong và công nghệ bên ngoài. Công nghệ bên trong được tập trung để nâng cao công nghệ bên ngoài thông qua việc tăng năng suất của những nguồn tài nguyên khan hiếm, và công nghệ được nâng cao này lại tác động ngược trở lại để thúc đẩy công nghệ bên trong hơn nữa. Mặc dù “vốn” là một nguồn lực khan hiếm cho đến giữa những năm 1950, nhưng cùng với sự phát triển về kinh tế, nguồn “vốn” cho sản xuất không còn khan hiếm nữa, sự phát triển kinh tế đã tạo ra được một nguồn vốn tích lũy đáng kể cho tái đầu tư. Vào những năm 1960, sự “khan hiếm” về vốn được thay thế bằng sự “khan hiếm” về nguồn lực lao động. Tuy nhiên, sự khan hiếm này chỉ mang tính nhất thời và nó lại được thay thế bởi sự khan hiếm về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên vào những năm 1970. Và vào thời điểm này, vấn đề năng lượng sau cuộc khủng hoảng đầu tiên vào năm 1973 được đề cập tới nhiều nhất trong các chính sách phát triển quốc gia nói chung. Trong bối cảnh chung như vậy, Nhật Bản đã chủ trương phát triển công nghệ mới để thay thế cho những yếu tố sản xuất giới hạn này. Chính vì vậy, có thể thấy rằng, mặc dù phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng vào những năm 1970, nhưng với sự hỗ trợ của cơ chế “thay thế” này mà Nhật Bản vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định trong một thời gian dài, và chuyển từ “mô hình phát triển phụ thuộc vào nguồn năng lượng” sang “mô hình phát triển sạch”. Những thành tựu mà Nhật Bản đạt được chính là kết quả của những nỗ lực nhằm phát triển một công nghệ thay thế nguồn năng lượng khan hiếm, một yếu tố đã hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản vượt qua được những giới hạn về môi trường trong khi vẫn luôn duy trì được sự tăng trưởng ổn định.
Như vậy, thông qua sự hỗ trợ mang tính bổ sung trong quan hệ giữa công nghệ và vốn, và công nghệ thay thế cho nguồn lực khan hiếm, ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản đã đạt được trình độ phát triển nhanh chóng và ngược lại, sự phát triển nhanh chóng này lại tác động trở lại sự phát triển của công nghệ và năng suất, đặc biệt là về R&D. Như vậy, với cơ chế này, Nhật Bản đã xây dựng cho mình một vòng tròn khép kín giữa phát triển công nghệ và phát triển quốc gia, phát triển công nghệ sẽ hỗ trợ cho nền công nghiệp phát triển và ngược lại, công nghiệp phát triển sẽ là tiền đề cho phát triển công nghệ và R&D.
2. Chính sách và cơ chế
Hơn 4 thập kỷ qua, công nghệ đã có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì tính ổn định của tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Nhật Bản. Có thể nói rằng, công nghệ có nhiều đặc tính như tính trừu tượng, tính không ổn định, rủi ro cao, chi phí cao, và thời gian từ khi bắt đầu triển khai nghiên cứu đến khi ứng dụng dài…, song những đặc tính này có liên quan tới 2 điều quan trọng. Thứ nhất, đó là các công ty tư nhân nhìn chung luôn lo ngại việc thử thách đầu tư công nghệ mà không có bất kỳ một điều kiện chắc chắn nào. Thứ hai, công nghệ có thể tối đa hóa khả năng tiềm tàng của nó trong một hệ thống kinh tế - xã hội mang tính hữu cơ chung.
Với 2 yếu tố trên, Nhật Bản đã thành công trong việc xây dựng một chu kỳ khép kín giữa công nghệ và phát triển kinh tế trên cơ sở một sự kết hợp tương đối phức tạp giữa nỗ lực của doanh nghiệp với sự khuyến khích của chính phủ. Sự khích lệ của chính phủ đã hình thành nên một hệ thống kinh tế - xã hội mà ở đó công nghệ có thể phát huy tối đa khả năng tiềm tàng của mình. Và xin lưu ý là hệ thống này không tĩnh, nó luôn ở trạng thái động, tổng hợp và mang tính hữu cơ, nó liên quan đến cả môi trường trong nước và môi trường quốc tế trong từng thời kỳ có liên quan.
a. Môi trường kinh tế và nền tảng văn hóa - xã hội
Quỹ R&D của Chính phủ Nhật Bản chiếm khoảng từ 5% đến 10% tổng chi phí dành cho R&D của tất cả các ngành công nghiệp vào khoảng giữa những năm 1960. Nhưng cùng với sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản thì con số này có xu hướng giảm xuống và hiện nay chỉ còn được duy trì ở mức 3%. Một điều khá thú vị là con số này tương đối thấp so với tỷ lệ tương tự của các nước công nghiệp tiên tiến, tổng quỹ dành cho R&D của chính phủ chỉ bằng 1/5 của các nước công nghiệp tiên tiến mà thôi.
Tuy nhiên, thực tế phát triển của R&D Nhật Bản lại cho thấy hiệu quả đáng kể của các chính sách liên quan của Chính phủ trong khi bị giới hạn đáng kể về tài chính. Bộ MITI của Nhật Bản với những hạn chế về tài chính đã đưa ra những biện pháp và chính sách hỗ trợ cũng như tạo thuận lợi cho R&D của Nhật Bản phát triển, và qua đó MITI cũng thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong việc khuyến khích sù phát triển của công nghệ công nghiệp trong cơ cấu của một hệ thống hữu cơ. Điều này thường được nhắc tới như “giáo dục công nghệ theo kiểu Nhật Bản”. Có thể nói rằng, có nhiều yếu tố đã góp phần cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Nhật Bản, đặc biệt là bắt đầu từ nửa đầu những năm 1980, khi Nhật Bản bắt đầu được coi là một “thần kỳ công nghệ cao”. Thứ nhất, đó là yếu tố cạnh tranh. Sự cạnh tranh khắt khe trong nước và quốc tế giữa các ngành công nghiệp cũng như giữa các nhà sản xuất và người sử dụng đã tạo ra động lực tăng năng suất của các ngành công nghiệp nói chung. Thứ hai, đó là nhu cầu về chất lượng cao của người sử dụng và người tiêu dùng. Sản phẩm sản xuất ra với chất lượng cao có khả năng đáp ứng và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm cao cấp của người sử dụng cuối cùng. Thứ ba, đó là sự khích lệ tích cực giữa các ngành công nghiệp. Điều này là do ảnh hưởng của sự phát triển và ứng dụng các công nghệ có liên quan, cũng như là kết quả của sự cạnh tranh như nêu trên. Thứ tư, đó là sự khuyến khích lẫn nhau giữa sự thay đổi mang tính động giữa cấu trúc công nghiệp và nghiên cứu phát triển R&D. Thứ năm, đó là sự phát triển những ý tưởng nghiên cứu cơ bản. Thứ sáu, đó là chất lượng và thái độ của người lao động cũng như chuẩn mực cao về kiểm tra chất lượng. Thứ bảy, đó là sự khuyến khích bởi các dự án nghiên cứu phát triển R&D do chính phủ đặt hàng.
Có thể nói rằng, những yếu tố trên về môi trường kinh tế cũng như những yếu tố nền tảng về xã hội và văn hóa đã góp phần tạo nên sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới II. Tuy nhiên, có một vài yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản như cuộc khủng hoảng về năng lượng hay sự lên giá của đồng Yên song những ảnh hưởng này là không đáng kể so với “sức mạnh” của những yếu tố bên trong như đã nêu trên. Rõ ràng, trình độ giáo dục cao là yêu cầu nền tảng đối với một xã hội mà ở đó cạnh tranh và nhu cầu về sản phẩm có chất lượng cao là điều đương nhiên. Sự hòa hợp giữa người lao động và người quản lý là yếu tố then chốt. Một hệ thống được tổ chức tốt và những yếu tố tác động tích cực giữa các ngành công nghiệp sẽ hỗ trợ cho sự thay đổi của cấu trúc công nghiệp. Chiến lược quản lý của từng công ty, hay chiến lược đầu tư dài hạn trong nghiên cứu và phát triển R&D của chính phủ sẽ là những yếu tố góp phần không nhỏ cho sự thay đổi mang tính cấu trúc của ngành công nghiệp nói chung.
b. Cơ chế của hệ thống chính sách của MITI
MITI đã xây dựng được cho mình một hệ thống chính sách công nghiệp khá phức tạp. Nguyên tắc cơ bản trong hệ thống chính sách công nghiệp của MITI là:
- Thúc đẩy tự do cạnh tranh trên thị trường;
- Khuyến khích tự do cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp;
- Tạo ra “sức sống lâu dài” cho các ngành công nghiệp.
Với 3 nguyên tắc cơ bản trên, MITI có các cách tiếp cận cơ bản như: thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa các chính sách công nghiệp liên quan như một chuỗi chính sách, và vận dụng tối đa những sáng kiến đổi mới liên quan đến nguồn nhân lực của các cơ sở nghiên cứu của nhà nước cũng như của các phòng thí nghiệm của các trường đại học. Thông qua cách tiếp cận như vậy của hệ thống các chính sách công nghiệp của MITI với mối quan hệ qua lại với các chính sách khác có liên quan, MITI đã tạo ra cho ngành công nghiệp của Nhật Bản một chỗ dựa vững chắc thúc đẩy cho ngành này phát triển một cách mạnh mẽ và đồng thời những chính sách này cũng khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu và phát triển R&D của các doanh nghiệp. Công nghệ bổ sung vốn cũng như công nghệ thay thế các yếu tố sản xuất giới hạn như lao động, năng lượng và tiềm năng môi trường ngày càng được triển khai nghiên cứu một cách tích cực. Quá trình triển khai nghiên cứu này và kết quả của nó ngược trở lại đã thúc đẩy cho quá trình phát triển của ngành công nghiệp, giúp ngành này vượt qua được những khó khăn của nền kinh tế nói chung như cuộc khủng hoảng về năng lượng và sự giảm giá của đồng yên. Có thể tóm tắt cơ chế của hệ thống chính sách công nghiệp của MITI được triển khai theo các bước như sau:
1. Làm rõ triển vọng cũng như xu hướng của nhu cầu kinh tế - xã hội trong tương lai;
2. Lựa chọn lĩnh vực chiến lược với khả năng đổi mới cao;
3. Xây dựng và ban hành các chiến lược dài hạn;
4. Xây dựng dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển khả năng nghiên cứu và phát triển R&D;
5. Khi khả năng nghiên cứu và phát triển R&D được nâng cao thì những cơ hội để phát triển công nghệ tiềm năng cũng được nâng cao;
6. Dự đoán về hiệu quả của sự phát triển công nghệ giữa các ngành công nghiệp;
7. Tăng cường hơn nữa đầu tư cho các hoạt động R&D;
8. Xây dựng kế hoạch tập trung cho phát triển công nghệ.
Có thể nói rằng, việc xác định và làm rõ nhu cầu về kinh tế và xã hội trong tương lai và cách tiếp cận chính sách một cách linh hoạt có một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên chính sách phù hợp cả về thời gian và nội dung nhằm đối phó với những khủng hoảng hay các “cú sốc” từ bên ngoài. Nhật Bản đã vận dụng các chính sách công nghiệp rất linh hoạt trong suốt quá trình tăng trưởng kinh tế của mình, những chính sách này đều phản ảnh rất rõ những ảnh hưởng từ bên ngoài, ảnh hưởng từ môi trường tự nhiên, hay những ảnh hưởng mang tính xã hội, văn hóa và lịch sử trong suốt một thời gian dài sau chiến tranh. Đặc biệt, từ cuối những năm 1940 đến những năm 1950, Nhật Bản đã cho thấy những nỗ lực của mình trong việc khôi phục lại nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế với một “hệ thống sản xuất ưu việt” trong điều kiện hạn chế về nguồn nguyên liệu tự nhiên, hạn chế về vốn và tỷ giá hối đoái. Trong suốt những năm 1960, Nhật Bản đã nỗ lực mở cửa nền kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài thông qua tự do hóa thương mại và nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Trong quá trình này, nền kinh tế được dẫn dắt bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp nặng và hóa chất. Nhưng mặt trái của sự tăng trưởng quá nhanh này là vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản đứng trước yêu cầu phải xem xét lại các chính sách công nghiệp của mình và phải chuyển hướng từ các ngành “tập trung nguyên liệu thô và năng lượng” (material and energy- intensive) sang phát triển các ngành “tập trung tri thức” (knowledge- intensive). Những nỗ lực đó của Nhật Bản cũng đã mang lại những thành quả vô cùng to lớn vào những năm 1980 trong việc phát triển những công nghệ mới, thân thiện với môi trường.
Có thể nói rằng, Nhật Bản đã thành công trong việc xây dựng nên một “vòng tròn khép kín” giữa phát triển công nghệ và tăng trưởng kinh tế quốc gia trong một bối cảnh vô cùng phức tạp với nhiều thay đổi cả trong nước và quốc tế. Hệ thống chính sách công nghiệp của Nhật Bản đã tạo ra một “phản ứng mang tính dây chuyền” trong nền kinh tế trên cơ sở hình thành một nền tảng về xã hội và văn hóa, trong đó sự tồn tại của các hoạt động R&D giống như một môi trường giàu oxy cho một phản ứng hóa học. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, vai trò của các chính sách của chính phủ là vô cùng to lớn để tạo ra động lực cũng như tiềm năng cho các “phản ứng dây chuyền” giữa các ngành công nghiệp giống như những chất xúc tác. Và chúng ta cũng thấy rằng, sự đóng góp về tài chính của chính phủ là rất nhỏ nhưng hiệu quả nó mang lại vô cùng to lớn.
c. Chương trình công nghệ công nghiệp của Nhật Bản
Hệ thống chính sách phức tạp của MITI đã phát huy ở mức độ nào đó vai trò của mình một cách khá hiệu quả, đặc biệt là trong việc hỗ trợ và thúc đẩy những thách thức R&D vượt qua được khủng hoảng những năm 1970 và hỗ trợ cho định hướng phát triển của ngành công nghiệp điện tử với công nghệ cao vào nửa đầu những năm 1980. Với chính sách hỗ trợ phù hợp, những ngành công nghệ cao dẫn đầu ở Nhật Bản đã dần chuyển từ hình thức chủ yếu dựa vào nhập khẩu sang dựa vào “nội tại” để phát triển và chính sách này được biết đến như “giáo dục công nghệ theo kiểu Nhật Bản”.
Trào lưu mới của cải cách công nghệ được thúc đẩy vào cuối những năm 1980 đã cho thấy sự cần thiết của việc phát triển “một hệ thống giáo dục công nghệ mới”. Hệ thống này áp dụng không chỉ cho công nghệ hiện có mà bao gồm cả cải cách công nghệ cơ bản để có thể áp dụng với quy mô rộng trên cơ sở những cải tiến và phát minh công nghệ mới, mà kết quả của hệ thống này có thể góp phần giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu. Đồng thời với sự tăng trưởng kinh tế và những thành tựu về khoa học công nghệ, Nhật Bản cũng đang đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế thông qua quá trình R&D với những kết quả và ảnh hưởng lan tỏa của nó. Hơn nữa, sự trì trệ về kinh tế và những vấn đề phát sinh liên quan đến sự tăng trưởng ổn định như hiệu ứng nhà kính do khÝ thải CO2, việc sử dụng năng lượng đã và đang dần khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong việc tái sinh nền kinh tế thế giới, và cung cấp những giải pháp nhằm vượt qua những khó khăn về năng lượng và môi trường trong khi vẫn duy trì được sự tăng trưởng kinh tế ổn định. Những giải pháp song song này không chỉ là chiến lược sống còn đối với Nhật Bản mà còn là những giải pháp mang tính toàn cầu trước những khó khăn mới về nguồn năng lượng và môi trường.
Trong bối cảnh chung như vậy, các chương trình về công nghệ công nghiệp của Nhật Bản đang đòi hỏi phải đáp ứng được 3 điều kiện sau. Thứ nhất, đó là phải tập trung nhiều nỗ lực hơn cho công nghệ cơ bản và công nghệ sáng tạo. Thứ hai, chú trọng cho phát triển khoa học và công nghệ nhằm cung cấp những giải pháp song song để khắc phục những khó khăn về năng lượng và môi trường nhưng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định. Thứ ba, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế về đổi mới R&D và những vấn đề toàn cầu chung thông qua quá trình R&D với những kết quả và hiệu ứng lan tỏa của nó.
Tuy nhiên, mặc dù MITI đã xây dựng được một hệ thống chính sách tương đối linh hoạt có thể góp phần tạo nên một sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, song những chính sách này lại thể hiện sự kém hiệu quả cũng như sự rườm rà, cồng kềnh của toàn bộ hệ thống chính sách. Hơn nữa, hệ thống này nhằm mục đích hướng tới là tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và áp dụng công nghệ công nghiệp với mục đích thương mại nhiều hơn là tích lũy mang tính khoa học cùng với phát minh sáng chế, đổi mới công nghệ.
Với những hạn chế như trên, MITI đã đưa ra một chính sách mang tính “chuyển đổi” theo đó sẽ khuyến khích những nỗ lực trong phát triển công nghệ công nghiệp thông qua thúc đẩy R&D cả về công nghệ cơ bản lẫn công nghệ năng lượng và môi trường, cũng như giảm sự phụ thuộc giữa các nước về năng lượng và môi trường. Cùng với những đòi hỏi mang tính toàn cầu vào những năm 1990, MITI đã quyết định hợp 6 chương trình R&D quốc gia hiện tại thành 2 chương trình tổng hợp vào năm 1993. Thứ nhất, đó là Chương trình Các lĩnh vực khoa học và công nghệ công nghiệp (The Industrial Science and Technology Frontier Programme) nhằm cải cách hệ thống R&D quốc gia, bao gồm Dự án quy mô lớn (1966), Chương trình R&D về công nghệ cơ bản cho công nghiệp tương lai (1981), và Chương trình R&D về công nghệ trang thiết bị y tế và phúc lợi (1976). Thứ hai, đó là Chương trình Ánh sáng mới (The New Sunshine Programme) nhằm thúc đẩy những nghiên cứu ở cả 2 khía cạnh của tự nhiên đó là vấn đề môi trường toàn cầu và giải quyết nhu cầu về năng lượng, bao gồm Dự án ánh nắng mặt trời (1974), Dự án ánh nắng mặt trăng (1978) và Chương trình Công nghệ môi trường toàn cầu (1989).
Song song với 2 chương trình nêu trên, MITI cũng đã tiến hành cơ cấu lại Cơ quan Khoa học và Công nghệ công nghiệp (AIST: Agency of Industiral Science and Technology), một viện nghiên cứu quốc gia nhằm thúc đẩy các chương trình R&D với mục đích tối đa hóa những lợi ích của nó thông qua việc cơ cấu lại.
3. Kết luận
Có thể nói rằng, sự phát triển nổi bật của nền kinh tế Nhật Bản là nhờ có sự đóng góp đáng kể của “vòng tròn tuần hoàn giữa phát triển khoa học công nghệ và phát triển quốc gia”. Và “vòng tròn” này được hình thành bởi sự kết hợp giữa công nghệ bên trong và công nghệ bên ngoài, trong đó một nhân tố không thể thiếu được đó là sự kết hợp giữa những nỗ lực của các ngành công nghiệp và những định hướng của chính phủ, được thể hiện thông qua những hoạt động của MITI. Hệ thống chính sách của MITI được ban hành căn cứ trên những nguyên tắc cơ bản là thúc đẩy cạnh tranh tự do trên thị trường, thúc đẩy quá trình cạnh tranh tự nhiên giữa các ngành công nghiệp, và bảo đảm sự tồn tại của các ngành công nghiệp trên cơ sở sự phát triển của các ngành công nghiệp “đầu tàu” cùng với sự liên kết chặt chẽ giữa các chính sách công nghiệp liên quan với các hoạt động R&D và tận dụng tối đa nguồn nhân lực cả ở các viện nghiên cứu quốc gia và các trường đại học. Hệ thống này được xem như là một “mô hình giáo dục công nghệ ở Nhật Bản” và được xem như là một cách tiếp cận quan trọng về mối quan hệ có hiệu quả giữa giáo dục công nghệ và sự phát triển của quốc gia, một giải pháp hữu hiệu trong quá trình chuyển sang một xã hội quốc tế. Những nỗ lực của MITI trong việc cơ cấu lại các chương trình R&D dài hạn đã và đang phần nào đáp ứng được những nhu cầu của đất nước trong giai đoạn chuyển đổi của các chính sách công nghệ công nghiệp, và đồng thời những nỗ lực này cũng đang cho thấy những cách tiếp cận mới để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa giáo dục công nghệ và phát triển quốc gia trong giai đoạn này. Tuy nhiên, mặc dù chính phủ đã rất nỗ lực trong việc đưa ra các chính sách phù hợp song những hạn chế về nguồn năng lượng, sự không ổn định của đồng Yên, cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế “bong bóng” là nguyên nhân đe doạ sự tồn tại mang tính ổn định của vòng tròn khép kín này. Cũng giống như một hệ sinh thái, nếu vòng tròn này bị sụp đổ thì việc khôi phục lại nó là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, việc duy trì sự tồn tại của vòng tròn này cũng như nâng cao “chất lượng” cho nó, hay nói theo cách khác là tăng cường và duy trì sự liên kết giữa công nghệ, xã hội, kinh tế và môi trường là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.
LÊ HOÀNG ANH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Agency of Industrial Science and Technology of MITI, AIST: Introduction of AIST Policy, Tokyo annual issues, 1970-1993.
2. Economic Planning Agency, White Paper on the Japanese Economy Economy Survey of Japan, Tokyo annual issues 1965-1993.
3. C.Watanabe and Y.Honda, “Japanese Industrial Science and Technology Policy in the 1990s, MITI Role at a Turning Point”, Japan and the World Economy, No.1, 1992.
4, D. Economy, No.1,1992.