Trang chủ

VẤN ĐỀ CÔ DÂU VIỆT NAM VÀ CHÚ RỂ ĐÀI LOAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Đăng ngày: 23-03-2012, 13:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 4

1. Quan niệm lấy chồng gần xa của người Việt

Ca dao dân ca Việt Nam có câu:

-  Trâu ta ăn cỏ đồng ta,

- Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Hoặc như:

- Có con mà gả chồng gần

Có bát canh cần nó cũng đem cho.

- Có con mà gả chồng xa

Một là mất giỗ hai là mất con.

Quan niệm lấy chồng gần hơn lấy chồng xa được hình thành suốt hàng nghìn năm thời phong kiến đã đi vào ca dao dân ca của người Việt ta như vậy. Người Việt trong quá khứ không muốn lấy chồng xứ lạ, cha mẹ không muốn gả con gái cho "thiên hạ", mà chỉ mong sum vầy trong cùng một luỹ tre làng.

Khi người Pháp vào Việt Nam, vấn đề hôn nhân không chỉ dừng lại ở gần hay xa trong một làng, một vùng miền mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, vượt ra ngoài vấn đề dân tộc và quốc tịch. Nhưng, với quan niệm phong kiến về lấy chồng gần xa, văn hoá và phong tục xưa khinh thị những người lấy chồng Tây, gọi những người lấy Tây là "me Tây" và thường không gần gũi với họ.

Ngày nay, do xu hướng hội nhập và giao lưu quốc tế mở rộng, người nước ngoài đến Việt Nam cũng như người Việt Nam sang nước ngoài học tập, du lịch, làm ăn sinh sống, đầu tư... ngày một nhiều, và tất nhiên, tình yêu và hôn nhân giữa người Việt với người nước ngoài không còn là điều hy hữu. Từ đó, quan niệm lấy chồng gần xa cũng dần dần thay đổi và không bị khinh thị như xưa nữa. Nói như vậy không có nghĩa là đã thay đổi hoàn toàn, quan niệm cũ vẫn tồn tại trong ý nghĩ sâu thẳm và có dịp bùng lên khi gặp những cảnh éo le, trớ trêu của những cuộc hôn nhân bất hạnh.

Vấn đề các cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan cũng vậy. Dẫu rằng quan niệm lấy chồng Đài Loan được coi là bình thường và hiện tượng lấy chồng Đài Loan đã khá phổ biến nhưng, mỗi khi có một câu chuyện bất hạnh nào đó xảy ra trong cặp vợ chồng khác quốc tịch ấy thì người ta lại đẩy những suy nghĩ xưa cũ về quan niệm lấy chồng gần xa lên để rồi khái quát những vấn đề lớn hơn. Những câu ca dao dân ca nêu trên lại được dẫn ra và dễ dàng cảm thông, chia sẻ với nỗi bất hạnh của những người lấy chồng xứ lạ.

Lịch sử vẫn cứ phát triển, hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng sâu sắc, tình yêu vượt biên giới và hôn nhân quốc tế ngày càng nhiều, điều đó sẽ khiến cho quan niệm xưa cũ ngày một thu hẹp.

2. Các nẻo đường dẫn đến hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam và chú rể Đài Loan

2.1. Người Đài Loan sang Việt Nam làm ăn buôn bán, đầu tư

Ngay sau khi nước ta thi hành chính sách đổi mới, mở cửa, các thương nhân, nhà doanh nghiệp Đài Loan đã sớm có mặt ở Việt Nam. Công việc đầu tư, buôn bán của họ ở Việt Nam gặp nhiều thuận lợi và số lượng người Đài Loan sang Việt Nam ngày một tăng. Chuyện tình yêu nảy nở, dẫn đến hôn nhân, xây dựng một mái ấm gia đình là nhu cầu và ước mơ của cả đôi bên trai gái và được luật pháp hai bên công nhận.

2.2. Người Việt Nam sang Đài Loan lao động, học tập và nghiên cứu

Số lưu học sinh Việt Nam sang Đài Loan học tập, thực tập tiếng Trung Quốc và các ngành nghề khác, đặc biệt là số người sang lao động ngày càng nhiều, trong số đó, chủ yếu là nữ đã và đang có hôn nhân với chú rể Đài Loan.

2.3. Thông qua môi giới

Hai nẻo đường nêu trên dẫn đến hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam và chú rể Đài Loan là xuất phát từ tình yêu lứa đôi. Còn phần này nêu tới vấn đề môi giới, tức thông qua trung gian. Thông qua môi giới có thể chia làm hai loại:

a) Các công ty môi giới Đài Loan kết hợp với đường dây môi giới của một số người Việt Nam.

b) Môi giới cá nhân gồm nhiều dạng thức khác nhau như cô dâu Việt Nam; gia đình, họ hàng cô dâu Việt Nam; những người Việt quen biết người Đài Loan làm việc ở Việt Nam... giới thiệu.

Trong ba nẻo đường dẫn đến hôn nhân giữa cô dâu chú rể Việt - Đài thì Thông qua môi giới là câu chuyện được nói tới nhiều nhất trên các báo chí, đặc biệt "nóng" nhất là thông qua các công ty môi giới Đài Loan kết hợp với đường dây môi giới Việt Nam.

3. Phong tục hôn nhân

Phong tục hôn nhân của người Hoa hầu hết đều theo tục lệ trong hôn nhân tương truyền có từ đời nhà Chu, sau được Chu Hy đời Tống đưa vào cuốn Văn Công gia lễ (Văn Công tức Chu Văn Công, Chu Hy). Các lễ thức chủ yếu thuộc về nhà trai lo liệu.

Đó là sáu lễ sau:

1. Nạp thái: Nhà trai đến nhà gái và có chút lễ vật bày tỏ ý muốn lựa chọn con cái trong gia đình làm dâu con.

2. Vấn danh: Nhà trai đến nhà gái đưa ít lễ vật và xin được biết tuổi, ngày sinh tháng đẻ của cô dâu tương lai.

1. Nạp cát: Nhà trai căn cứ vào tuổi cô gái để xem bói, được quẻ tốt lành, đưa tin vui đến nhà gái.

2. Thỉnh kỳ: Nhà trai chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ dẫn cưới và thành hôn.

3. Nạp tệ: Nhà trai mang lễ vật xin cưới đến nhà gái.

4. Thân nghênh: Lễ đón dâu về nhà chồng.

Nói chung, chỉ có các gia đình quyền quý, giàu sang mới thực hiện đầy đủ sáu lễ, còn thì phần đông đều gộp lại cho giản tiện. Ở Việt Nam, vào cuối đời Lê, Hồ Sĩ Tân (1690 - 1760) người Nghệ An, hiệu Thọ Mai, đã soạn ra cuốn Gia lễ, tương truyền vẫn gọi là Thọ Mai gia lễ, quy định những lễ thức trong hôn nhân và tang ma. Về cơ bản cũng tương tự như Trung Quốc nhưng giản tiện hơn, sử dụng từ ngữ Việt. Dân gian truyền lại, thường có ba lễ chính: 1. Chạm ngõ (có nơi gọi chệch đi một chút ra Dạm ngõ); 2. Ăn hỏi; 3. Lễ cưới (hoặc Lễ vu quy).

1. Chạm ngõ:

Sau khi đôi trai gái được hai bên gia đình đồng ý cho tổ chức lễ cưới, hai nhà đi xem ngày lành tháng tốt, ấn định ngày chạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới thì nhà trai mang cơi trầu và ít lễ mọn đến nhà gái xin đính ước và chính thức thoả thuận ngày ăn hỏi, nhà gái thách cưới những gì, hai bên cùng trao đổi và đi đến sự nhất trí cuối cùng về lễ vật ăn hỏi. Trong lễ vật thách cưới, tuỳ theo từng địa phương, nhưng trầu cau là thứ không thể thiếu. Như vậy, lễ chạm ngõ là sự rút gọn của bốn lễ của Trung Quốc gồm Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Thỉnh kỳ.

2. Ăn hỏi:

Nhà trai mang lễ vật mà hai bên đã nhất trí trong lễ chạm ngõ đến nhà gái. Đây là lễ trọng thể, gần như chính thức công nhận giữa hai bên về dâu rể tương lai. Trong lễ hỏi này, nhà trai chính thức đưa ra ngày cưới, giờ đến xin dâu, đón dâu và nhận được sự đồng ý hoan hỷ của nhà gái.

3. Lễ cưới:

Trước khi nhà trai và chú rể đến đón cô dâu về nhà chồng thì ở Việt Nam, mẹ chồng tương lai phải có cơi trầu đến xin dâu. Sau đó, đúng giờ qui định, nhà trai và chú rể đến đón dâu về.

Điều đặc biệt trong các lễ cưới hỏi ở Việt Nam là phải có trầu cau, tục lệ này từ xưa đến nay không thay đổi, biểu trưng cho tình yêu sắt son, chung thuỷ.

Trong các đám thành hôn của cô dâu Việt Nam chú rể Đài Loan tự tìm hiểu, yêu nhau và xin phép hai gia đình cho kết hôn thì đều theo phong tục nhà gái (ở đây là phong tục Việt Nam). Còn các đám thành hôn theo môi giới thì đều do công ty môi giới lo liệu, càng giản tiện thì họ càng thu được nhiều lợi nhuận.

Ngoài việc thực hiện các lễ thức theo phong tục cưới hỏi, cô dâu chú rể còn phải làm các thủ tục pháp lý theo quy đình như phải có giấy khám sức khoẻ, giấy chứng nhận chưa kết hôn, giấy công nhận đạt tiêu chuẩn phỏng vấn tại Văn phòng Đài Bắc tại Việt Nam, xin hộ chiếu và thị thực nhập cảnh Đài Loan... Đại bộ phận cô dâu chú rể phải thông qua môi giới chuyên làm hồ sơ, thủ tục. Người môi giới làm các thủ tục trên rất thông thạo tiếng Hoa, Việt sẽ hướng dẫn cô dâu chú rể cách khai báo và trả lời phỏng vấn.

Các đám cưới ở thành phố hiện nay thường được tổ chức ở nhà hàng khách sạn. Tuy số đông cô dâu qua môi giới thường ở các tỉnh phía nam Nam Bộ nhưng cũng muốn tổ chức đám cưới ở thành phố Hồ Chí Minh. Đám cưới cũng được tổ chức ở nhà hàng khách sạn với đầy đủ lễ nghi của thời đại mới như cô dâu mặc váy áo cưới đẹp, chụp ảnh nghệ thuật, quay video, tổ chức tiệc mặn mời người thân, bè bạn, cô dâu chú rể trao nhẫn cưới rồi đi chào quan khách, chủ yếu là khách nhà gái....

Tất cả số tiền chi phí cho lễ ăn hỏi, lễ cưới đều do phía nhà trai (chú rể Đài Loan) chi trả, còn việc lo tổ chức lễ cưới thì do phía môi giới thực thi. Họ tổ chức lễ cưới rất bài bản, chuyên nghiệp, đám cưới rất trang trọng và lịch sự.

Sau khi cưới ở Việt Nam, cô dâu chú rể sang Đài Loan ra mắt người thân và bè bạn chú rể. Do điều kiện cách trở về địa lý nên đám cưới ở Đài Loan không làm đúng được với lễ nghi cổ truyền Đài Loan. Thông thường thì nhà trai mời họ hàng thân thích, bè bạn chú rể đến dự một bữa tiệc mừng, báo cáo với họ hàng nhà chồng và bạn hữu về đám cưới của cô dâu chú rể.

4. Hài lòng, hạnh phúc hay không sau hôn nhân?

Theo con số thống kê của Sở thống kê Bộ Nội chính Đài Loan cho biết: Tính đến cuối năm 2005, người Đài Loan lấy vợ Việt Nam và được cư trú hợp pháp tại Đài Loan là nhiều nhất (70,18%), sau mới đến Indonesia (11,38%), rồi Thái Lan (6,87%)... Người Đài Loan lấy vợ Việt Nam được cư trú có thời hạn ở Đài Loan cũng chiếm tỉ lệ lớn nhất (69,34%), tiếp đến Indonesia (11,16%) rồi Thái Lan (7,10%)...

Theo con số thống kê của Đại diện văn phòng kinh tế Đài Bắc ở thành phố Hồ Chí Minh - ông Ngô Kiến Quốc cho biết: "Hiện nay có khoảng 77.000 cô dâu Việt Nam, chiếm khoảng 70% tổng số người nước ngoài đăng ký kết hôn với người Đài Loan, dự tính hai năm nữa, con số cô dâu Việt Nam tại Đài Loan sẽ lên tới 100.000 người. Theo thống kê tỷ lệ những cô dâu Việt Nam tại Đài Loan bị ngược đãi hành hạ chiếm khoảng 6 - 10%. Nếu chưa kể đến những trường hợp chưa biết đến thì tỷ lệ còn cao hơn..."

Theo ông Peter Chen, cảnh sát viên đặc trách về ngoại vụ tại thành phố Đài Trung cho biết, 1/10 trong số 384 nàng dâu từ Việt Nam đang là nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình...

Qua một vài con số thống kê mang tính xã hội học của những cơ quan và cá nhân có trách nhiệm về vấn đề này cho biết thì ta có thể nhận xét chung như sau:

1. Số cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan là nhiều nhất, tỷ lệ cao nhất trong số cô dâu có quốc tịch nước ngoài ở Đài Loan.

2. Tỷ lệ cô dâu Việt Nam bị ngược đãi, hành hạ, là nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình khoảng 10%.

Như vậy, 90% cô dâu Việt Nam không bị ngược đãi, hành hạ, không phải là nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình. Điều đó cũng tức là 90% cô dâu Việt Nam cảm thấy cuộc sống ổn định, hài lòng với cuộc sống thực tại hoặc có cuộc sống hạnh phúc sau hôn nhân. Quan điểm của chúng tôi cho rằng, yếu tố tích cực trong vấn đề này lớn hơn rất nhiều so với yếu tố tiêu cực. Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Mạnh Cát trong bài nghiên cứu "Hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người Đài Loan" cũng cùng chung quan điểm với chúng tôi. Hàng loạt các bảng, biểu mang tính xã hội học mà Tiến sĩ Trần Mạnh Cát nêu ra đã làm sáng tỏ những ý kiến mang tính tích cực và tiêu cực để rồi đi đến kết luận: "Hiện tượng các cô gái Việt lấy chồng ngoại không đến nỗi ảm đạm như báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải. Một số nghiên cứu khá nghiêm túc của các nhà khoa học Việt Nam cũng có nhận xét cần phải có cái nhìn khách quan rằng phần lớn các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài là thành công, có cuộc sống ổn định, gia đình yên ấm và hoà hợp để có thể hướng tới hạnh phúc" (1)

Kết luận này là hoàn toàn đúng đắn và nghiêm túc!

Từ góc độ văn hoá mà xét, bức tranh toàn cảnh về cô dâu Việt Nam chú rể Đài Loan là bức tranh đẹp, đây đó có một vài nét tối không làm vừa lòng ai đó. Nhưng, nếu chỉ một vài nét tối mà phủ nhận cả một bức tranh đẹp thì có cực đoan quá chăng? Trong quan hệ giao lưu văn hoá Việt - Đài thì vấn đề hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam, chú rể Đài Loan bỗng nhiên trở thành một trong những dòng chủ lưu và có ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới mọi mặt của mối quan hệ Việt - Đài. Đây là một đặc điểm riêng khá nổi bật trong mối quan hệ giữa đôi bên. Bởi thế, các nhà nghiên cứu văn hoá, xã hội hai bên không nên đứng ngoài cuộc mà cần có sự hợp tác để nhanh chóng cho ra mắt những bài nghiên cứu, công trình nghiên cứu nghiêm túc để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ vốn gần gũi mà dân gian vẫn gọi là "thông gia".

5. Lời kết

1. Quan niệm về lấy chồng xa hay gần, trong nước hay ngoài nước đã và đang thay đổi trong thời kỳ hội nhập. Sự thay đổi về quan niệm này có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cô dâu, chú rể cũng như gia đình đôi bên. Nó từng bước xoá nhoà ranh giới xa gần về địa lý trong suy nghĩ về tình yêu và hôn nhân giữa các đôi trai gái không cùng một vùng miền, một quốc tịch.

2. Trước khi dẫn đến hôn nhân, lẽ thường tình là cô dâu chú rể tương lai cùng gia đình hai bên đều muốn tìm hiểu về đối tượng của mình. Trong vấn đề hôn nhân quốc tế, ngoài bản thân đối tượng sắp hôn nhân ra, phong tục tập quán, đất nước, con người xứ lạ cũng là điều các đối tượng hôn nhân quan tâm. Tuy văn hoá Việt Nam - Đài Loan có nhiều nét tương đồng, những cũng không ít dị biệt. Vấn đề giới thiệu và phổ biến văn hoá Việt Nam và Đài Loan ở hai bên, đặc biệt là phong tục tập quán, trong đó có phong tục hôn nhân chưa làm được bao nhiêu, nếu không nói là quá ít. Bởi vậy, những cuốn sách mỏng giới thiệu đại cương so sánh văn hoá hai bên cần gấp rút ra mắt bạn đọc, không chỉ so sánh nét tương đồng mà còn nêu cả nét khác biệt.

3. Yếu tố tích cực trong vấn đề hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam với chú rể Đài Loan là điều khẳng định. Song, những sự cố xảy ra như ngược đãi, hành hạ, vi phạm nhân phẩm đối với cô dâu Việt Nam cần phải nghiêm khắc phê phán, lên án và cũng cần có những can thiệp về mặt pháp chế nhà nước đối với những hành vi trên để bảo vệ quyền lợi của họ. Điều muốn nói ở đây là không phải vì số ít những trường hợp có hành vi xấu, ngược đãi cô dâu Việt Nam mà phủ định hoàn toàn vấn đề hôn nhân Đài - Việt, nêu một vấn đề có thật rồi khái quát thành cái chung cho tất cả vấn đề. Đó hoàn toàn là cách nhìn phiến diện!

4. Điểm "nóng" trong hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam chú rể Đài Loan là tìm đến hôn nhân chủ yếu vì mục đích kinh tế thông qua môi giới đen vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Chúng ta đã buông lỏng quản lý và lúng túng trước những hoạt động môi giới ngầm trong xã hội, để bọn môi giới đen lũng đoạn ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị định 69/2006 - CP, ban hành ngày 21 tháng 6 năm 2006, quy định mới về việc hôn nhân và gia đình, trong đó cũng có qui định việc kết hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Nghị định nêu rõ, những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài phải do Sở Tư pháp tỉnh thụ lý. Trước khi kết hôn, cô dâu chú rể phải qua kỳ phỏng vấn để xem mức độ hiểu biết về nhau giữa họ như thế nào và cô dâu chú rể phải trực tiếp ký vào giấy đăng ký kết hôn tại Sở tư pháp địa phương. Những quy định trên nhằm hạn chế bớt phần nào những hành vi môi giới đen lũng đoạn ở các tỉnh phía Nam. Nhưng, để giải quyết tốt vấn đề này thì cần có sự tham gia một cách nghiêm chỉnh của các cơ quan hữu quan, nhất là các cơ quan pháp luật.

Từ góc độ văn hoá, vấn đề là cần chuẩn bị hành trang tối thiểu cho các cô gái muốn lấy chồng Đài Loan như bổ túc ngoại ngữ tối thiểu trong giao tiếp, tìm hiểu sơ đẳng về phong tục tập quán Đài Loan, hiểu biết tối thiểu về Luật hôn nhân và gia đình của hai bên và khi cần thiết thì liên hệ với những cơ quan hữu trách nào... Mặt khác, chúng ta cũng cần có văn bản dưới luật yêu cầu người Đài Loan muốn lấy vợ Việt Nam phải tuân theo, phải tham gia khoá học bổ túc tối thiểu tìm hiểu những điều luật và phong tục tập quán Việt Nam.

LÝ XUÂN CHUNG - NGUYỄN THỊ DUNG

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phạm Côn Sơn, Gia lễ xưa và nay, Nxb Thanh niên.

2. Trần Mạnh Cát, Hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người Đài Loan, Đề tài cấp Viện 2006, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.




(1) Trần Mạnh Cát, Hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người Đài Loan, Đề tài cấp Viện năm 2006, tr.31.

0thảo luận