Trang chủ

Vai trò của thanh niên trong việc triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030

Đăng ngày: 20-11-2024, 14:00 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Vai trò của thanh niên trong việc triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa

đến năm 2030

1. Khái quát về Chiến lược Ngoại giao văn hóa

Ngày 30/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với quan điểm bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của Việt Nam cụ thể là: “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” và “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Phương châm của Chiến lược là triển khai ngoại giao văn hóa nhằm thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia, đồng thời tôn vinh, nâng tầm văn hóa Việt Nam để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Ngoại giao văn hóa sẽ lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, theo đó địa phương, người dân, doanh nghiệp vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác, tham gia vào việc triển khai Chiến lược. Công tác ngoại giao văn hóa là quá trình thường xuyên, liên tục; tiếp tục sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt trong triển khai, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ làm phong phú nội dung, hình thức của các hoạt động ngoại giao văn hóa.

Chiến lược Ngoại giao văn hóa đặt ra mục tiêu thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ, lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế. Đến năm 2030 sẽ tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa có quy mô lớn, các hoạt động trong khuôn khổ Tuần/Ngày Việt Nam, Tuần/Ngày Văn hóa Việt Nam tại các nước có quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Hội nhập một cách chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; tích cực vai trò thành viên trong việc định hình và phát huy bản sắc của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương. Đặt mục tiêu tới năm 2030, tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng “Góc Việt Nam” hoặc “Không gian Việt Nam - Hồ Chí Minh”; các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam có các sự kiện ngoại giao văn hóa lớn thường niên. Vận động mới, bảo vệ và phát huy các di sản, danh hiệu Việt Nam đã được quốc tế công nhận để vừa góp phần bảo tồn giá trị truyền thống vừa tạo thêm nguồn lực để các địa phương phát triển nhanh và bền vững; vận động để Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực; vận động đưa người Việt Nam tham gia đóng góp tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế về văn hóa. Đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có trên 60 di sản, danh hiệu được quốc tế công nhận; có trên 10 danh nhân người Việt Nam được quốc tế vinh danh; đưa thêm nhiều người Việt Nam ứng cử, tham gia vào các vị trí lãnh đạo tại các diễn đàn văn hóa, khoa học, giáo dục... của khu vực và thế giới[1].

2. Vai trò của thanh niên trong thúc đẩy ngoại giao văn hóa

Trong việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ, thanh niên đóng vai trò quan trọng và có vị trí vô cùng đặc biệt, là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao. Là thế hệ tương lai của đất nước, là thế hệ trẻ sẽ gánh vác trách nhiệm xây dựng và phát triển thành phố, thế hệ trẻ đã đang và sẽ tiếp tục chứng minh giá trị và tầm quan trọng của mình, tham gia vào việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa, góp phần đưa hình ảnh của một Việt Nam năng động, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế. Khi triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, các thế hệ trẻ, các đối tượng học sinh, sinh viên luôn là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động, nhiều chương trình, là một phần không thể thiếu của việc phát triển và gìn giữ mối quan hệ quốc tế sâu rộng của nước ta.

Thứ nhất, thanh niên là đại diện cho văn hóa địa phương. Họ thường xuyên tham gia các hoạt động gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động như học hỏi về lịch sử, tham gia vào các sự kiện văn hóa, và bảo tồn các di sản văn hóa. Ngoài ra, với sự lan tỏa của văn hóa số và sân khấu, thanh niên cũng thường tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, sân khấu, âm nhạc và các lĩnh vực sáng tạo khác để thể hiện bản thân và góp phần làm phong phú văn hóa địa phương. Họ tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình bày về di sản văn hóa đặc trưng của địa phương mình nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung, từ đó giới thiệu và quảng bá hình ảnh của “dải đất hình chữ S” đến cộng đồng quốc tế. Đa số diễn viên chuyên và không chuyên tham gia các chương trình văn nghệ trong chuỗi các hoạt động của các tỉnh, thành phố hàng năm đều thuộc thế hệ thanh niên, là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trường Văn hóa nghệ thuật… Họ tập luyện hăng say, họ muốn mang lời ca, tiếng hát, điệu múa, mang những hình ảnh đẹp về mảnh đất quê hương đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước.

Thứ hai, thanh niên là lực lượng thúc đẩy hợp tác văn hóa quốc tế, đóng vai trò như những đại sứ du lịch, đại sứ văn hóa. Thanh niên tích cực tham gia các hoạt động hợp tác văn hóa quốc tế, như trao đổi nghệ thuật, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Họ tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, tình nguyện quốc tế hoặc các dự án văn hóa đa quốc gia để tạo ra môi trường giao lưu và hiểu biết giữa các quốc gia. Giao lưu văn hóa thông qua trao đổi học sinh là hình thức giúp học sinh, sinh viên Việt Nam và quốc tế có cơ hội để trải nghiệm thêm những nền văn hóa mới, từ đó tăng cường giao lưu và học hỏi. Thế hệ trẻ ngày nay luôn thể hiện sự chủ động, tự tin, nhiệt huyết và sáng tạo khi tiếp đón các đoàn đại biểu quốc tế đến Việt Nam hay khi tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu với học sinh, sinh viên các nước. Bên cạnh đó, thanh niên vẫn đã và đang tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt là thông qua việc tổ chức các tour du lịch, sự kiện văn hóa như hội chợ, lễ hội. Họ đóng vai trò là hướng dẫn viên du lịch, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa cho du khách, từ đó giới thiệu và quảng bá văn hóa của địa phương mình ra thế giới.

Thứ ba, thanh niên tích cực xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác và lan tỏa văn hóa địa phương ra thế giới. Hiện nay, học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia vào các khóa học trao đổi ngắn hạn hay những dự án, chương trình của các đối tác nước ngoài. Thông qua đó, thế hệ trẻ không chỉ được nâng cao kiến thức, chuyên môn mà còn mở rộng việc xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác quốc tế. Với khả năng ngoại ngữ của mình, họ góp phần thúc đẩy việc hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực văn hóa, từ đó tăng cường sự hòa nhập và giao lưu giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, do thanh niên là lực lượng trẻ trong xã hội, có khả năng nắm bắt thông tin nhanh, tiếp cận các xu hướng công nghệ tiên tiến kịp thời nên họ sẵn sàng sử dụng công nghệ và truyền thông xã hội để lan tỏa văn hóa địa phương ra thế giới. Họ có thể tạo ra nội dung sáng tạo, chia sẻ thông tin về văn hóa, lịch sử và điểm du lịch của Việt Nam trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, từ đó thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, giúp đưa hình ảnh của một Việt Nam xinh đẹp và mến khách đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước.

Nói tóm lại, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa, từ việc đại diện cho văn hóa địa phương đến việc xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác quốc tế và sử dụng công nghệ để lan tỏa hình ảnh của địa phương mình nói riêng và của Việt Nam nói chung ra thế giới. Điều này góp phần vào việc tăng cường hiểu biết, hòa nhập và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở này, thanh niên không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa mà còn là những nhà lãnh đạo tương lai, xây dựng và bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ mai sau.

 

Phan Thị Diễm Huyền

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


[1] Cổng thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2021), Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/chien-luoc-ngoai-giao-van-hoa-den-nam-2030-d8-t9807.html

 

0thảo luận