Hưởng ứng hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953 – 02/12/2013), Viện nghiên cứu Đông Bắc Á đã có 3 tiết mục văn nghệ tham gia Chương trình Hội diễn văn nghệ do Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức trong hai ngày 12 và13 tháng 11 năm 2013. Điều đáng nói là cả 3 tiết mục của Viện đều là những tiết mục tự biên, tự diễn, thể hiện sự sáng tạo của những người làm khoa học với tình yêu đất nước và niềm tự hào được làm việc trong một mái nhà chung là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Tiết mục mở đầu là bài hát “Tâm sự nhà khoa học” do Nguyễn Ngọc Long, cán bộ phòng Quản lý khoa học, sáng tác và biểu diễn. Lời bài hát là những tâm sự của một người làm khoa học xã hội trải qua những năm tháng khó khăn đầy thử thách kể từ khi đất nước còn trong thời kỳ chiến tranh, nhưng đã vượt lên tất cả để trưởng thành và nay tự hào trở thành một nhà khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, như một chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận khoa học, "dùng bút nghiên, trí tuệ là vũ khí..." để làm nên "những công trình khoa học giúp nước nhà sánh ngang cường quốc năm châu".
Tiết mục thứ hai là vở kịch vui “Hoa hậu Đông Bắc Á”. Với các nhân vật hài như Ngọc Mầu, Tào, Đẩu, Ngọc Hoàng và các nhóm ca-múa-nhạc trong vai các Táo Việt Nam, Táo Nhật Bản, và Táo Hàn Quốc, vở kịch đã diễn tả được phần nào bản sắc văn hóa đặc trưng của Việt Nam trong so sánh với hai nước Đông Bắc Á. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, tiếp nối truyền thống anh dũng quật cường của Hai bà Trưng, Bà Triệu và những người phụ nữ đảm đang như Chị hai năm tấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tà áo dài thướt tha đã được tôn vinh và làm nổi bật trước các cô gái Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tiết mục thứ ba là bài hợp ca “Tiến bước trên con đường khoa học” do toàn thể cán bộ công chức, viên chức của Viện trình bầy. Bài hát nói lên niềm tự hào của thế hệ trẻ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, được sống và làm việc trong một cơ quan khoa học hàng đầu của đất nước, được tiếp bước các thế hệ ông cha, những người đặt nền móng cho sự phát triển của nền khoa học xã hội Việt Nam hôm nay. Họ đã “cùng năm tháng trưởng thành cùng đất nước”, “vươn tới những tầm cao, trí tuệ mang đến mai sau” để cho thế hệ trẻ hôm nay được tự hào như những “ngôi sao lấp lánh trên bầu trời Khoa học xã hội Việt Nam”.