Trang chủ

Chi bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi Sinh hoạt chuyên đề “Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế”

Đăng ngày: 30-10-2024, 08:41 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Vào chiều ngày 28/10/2024, Chi bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề lần thứ hai với chủ đề “Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế”. Buổi sinh hoạt tiếp tục nhằm mục tiêu củng cố, mở rộng hiểu biết về tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tạo môi trường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu thực tiễn cho các cán bộ, đảng viên trong Viện. Buổi sinh hoạt do đồng chí Phó Bí thư Chi bộ Ngô Hương Lan chủ trì cùng sự tham gia của toàn thể đảng viên trong Chi bộ.

Trong buổi sinh hoạt chuyên đề lần trước, TS. Ngô Văn Vũ đã chỉ ra và phân tích nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế. Tại buổi sinh hoạt lần này, bài trình bày của TS. Ngô Văn Vũ với tiêu đề “Những nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế” đã đi sâu vào các nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, bao gồm bốn nội dung chính sau: (i) Phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, coi đây là nền tảng cơ bản của nền kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng nông nghiệp không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương và cải thiện đời sống nông dân. (ii) Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Người chủ trương phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ hướng vào mục tiêu phục vụ con người, vì lợi ích của nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi phát triển sản xuất là vấn đề trọng tâm, gốc rễ của mọi vấn đề kinh tế. (iii) Phát triển kinh tế đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và quan liêu. Tư tưởng này thể hiện quan điểm rõ ràng về việc xây dựng một xã hội lành mạnh, loại bỏ các tệ nạn tham nhũng và quan liêu nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển kinh tế. Tiết kiệm không chỉ là một biện pháp tài chính mà còn là phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi cá nhân, từ đó hình thành một cộng đồng xã hội vững mạnh và tiến bộ. (iv) Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phát triển kinh tế đối ngoại, thu hút ngoại lực để phát huy nội lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng hợp tác kinh tế quốc tế nhằm tạo cơ hội cho Việt Nam học hỏi, nâng cao năng lực sản xuất, từ đó tự chủ trong nền kinh tế và phát huy nội lực. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh sự tự cường và không phụ thuộc, luôn đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu trong các mối quan hệ đối ngoại.

Chi bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi Sinh hoạt chuyên đề “Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế”

Toàn cảnh buổi Sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ

Buổi sinh hoạt đã diễn ra trong không khí sôi nổi, các đảng viên trong Chi bộ đã nhiệt tình tham gia thảo luận và chia sẻ các góc nhìn mới mẻ về ứng dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác nghiên cứu và phát triển kinh tế hiện nay. Tổng kết buổi sinh hoạt, đ/c Ngô Hương Lan gửi làm cảm ơn sâu sắc đến TS. Ngô Văn Vũ và khẳng định rằng những thông tin hữu ích này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong Viện, từ đó thúc đẩy tinh thần học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong các dự án nghiên cứu, phát triển và xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

Phan Huyền

0thảo luận