Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2017 đến nay tiếp tục được hai nước đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, nhằm đáp ứng hiệu quả với các cam kết trong Bản Ghi nhớ về Hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương được ký năm 2011Những nội dung này được thể hiện cụ thể như sau:
(1). Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp thăm lẫn nhau, tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng định kỳ cấp thứ trưởng và ra các Tuyên bố chung đề cập đến tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, công nghệ quốc phòng. Trong những năm gần đây, hợp tác an ninh luôn là vấn đề được tái xác nhận trong các cuộc làm việc cấp cao giữa hai nước. Tuyên bố chung năm 2017 về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục khẳng định tăng cường hợp tác an ninh, an toàn hàng hải như cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển thông qua trao đổi thông tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp tàu có vũ trang ở châu Á (ReCAAP). Cả hai nước đã tăng cường hơn nữa quan hệ quốc phòng và an ninh với một thỏa thuận trị giá 350 triệu USD vào tháng 6/2017 để nâng cấp các tàu cảnh sát biển và khả năng tuần tra của Việt Nam. Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo giữa Bộ Quốc phòng hai nước được ký kết vào tháng 4/2018. Đây là văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng, theo đó bên cạnh nhấn mạnh hợp tác an ninh song phương, hai bên đã chỉ ra các nội dung, biên độ hợp tác cụ thể, điển hình là an ninh trên biển, chống khủng bố, chuyển giao công nghệ quốc phòng và công nghiệp quốc phòng.
(2). Nhật Bản tăng cường hợp tác, giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Tháng 6/2017, hải quân của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã có hoạt động tập trận chung với Việt Nam tại Đà Nẵng liên quan đến chống tàu đánh bắt cá trái phép trên biển. Tham gia tập trận là tàu Echigo của Nhật Bản trọng tải 3100 tấn có khả năng chở trực thăng, còn Việt Nam sử dụng các tàu tuần tra đã được Nhật Bản cung cấp. Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tăng cường hợp tác, hỗ trợ trang thiết bị đào tạo và tổ chức các chuyến viếng thăm, tập trận chung. Kể từ năm 2017, các hoạt động hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã tăng lên đáng kể. Hai bên đã tổ chức nhiều chuyến thăm lẫn nhau, luyện tập chung và trao đổi kinh nghiệm. Kể từ tháng 9/2015, sau khi Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ký Bản ghi nhớ hợp tác, mối quan hệ giữa hai lực lượng có những bước phát triển mạnh mẽ. Hai bên đã phối hợp triển khai tốt các hoạt động song phương. Tính đến tháng 12/2023, hai bên đã luân phiên tổ chức 10 hội nghị song phương giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và dự kiến tổ chức Hội nghị song phương lần thứ 11 giữa hai lực lượng tại Việt Nam trong thời gian sáu tháng cuối năm 2024[1]. JCG đã đưa tám lượt tàu sang thăm và giao lưu với Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời tổ chức luyện tập chung về tìm kiếm cứu nạn trên biển. Hai bên đã tổ chức sáu chương trình trao đổi kinh nghiệm về hệ thống luật Cảnh sát biển và kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển, một khóa huấn luyện về quy trình khám xét trên tàu.
Các chuyến thăm của tàu Cảnh sát biển Việt Nam đến Nhật Bản và ngược lại cũng đã trở nên thường xuyên hơn. Từ năm 2017 đến nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng ghé thăm Việt Nam và tiến hành các hoạt động diễn tập chung thường niên. Đặc biệt, trong năm 2017, cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa - một cảng biển chiến lược đối với an ninh Biển Đông của Việt Nam đã liên tục chứng kiến sự hiện diện của các tàu Nhật Bản. Vào tháng 4/2017, tàu hộ vệ Fuyuzuki thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã thực hiện chuyến thăm đến hải cảng chiến lược này. Tiếp sau đó, cảng Cam Ranh đã chứng kiến một loạt các tàu hải quân Nhật Bản cập cảng như tàu sân bay Izumo 183 và tàu khu trục Sazanami 113 (tháng 5/2017), tàu ngầm Kuroshio (tháng 9/2018), tàu hộ vệ trực thăng Izumo và tàu hộ vệ Murasame (tháng t6/2019), tàu sân bay trực thăng JS Kaga, tàu khu trục Ikazuchi và tàu ngầm JS Shoryu (tháng 10/2020), tàu hộ vệ Kaga và Murasame (tháng11/2021). Đặc biệt, chuyến thăm của tàu ngầm Kuroshio là sự kiện đáng chú ý, đánh dấu lần đầu tiên một tàu ngầm Nhật Bản đến căn cứ tàu ngầm hải quân của Việt Nam. Đây cũng là lần thứ hai một tàu ngầm quốc tế ghé thăm cảng Cam Ranh kể từ năm 2017, sau chuyến thăm của tàu ngầm Mỹ USS Frank Cable. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy ý định hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn của Tokyo với Hà Nội. Ngoài ra, hoạt động này được coi là một dạng liên kết an ninh không chính thức giữa hai quốc gia có cùng chí hướng, với việc Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác chiến lược trong “chính sách đối ngoại đa hướng” của mình và Nhật Bản coi Việt Nam là “điểm nút quan trọng trong việc can dự nhiều hơn vào Đông Nam Á” và là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình”[2].
Khi tình hình thế giới và khu vực trở nên bất ổn bởi sự bùng phát của Đại dịch Covid-19, bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch, Nhật Bản vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến thăm hải quân đến Việt Nam. Tàu Nhật Bản đã cập bến cảng Cam Ranh vào tháng 10/2020 và tháng 11/2021, cảng Hải Phòng vào tháng 10/2021 với tàu hộ vệ Kaga và Murasame, và cảng Tiên Sa vào tháng 2/2022 với đội tàu huấn luyện dài hạn bao gồm tàu Hatakaze và tàu hộ vệ Inazuma. Ngày 17/2/2023, JCG đã tới thăm, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đóng quân tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đoàn cán bộ, nhân viên JCG đã được tham quan các hoạt động của Bộ Tư lệnh Vùng và Tàu CSB 8002 tại cảng Hải đoàn 21, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2. Các sĩ quan của Tàu Settsu, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cùng với cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã cùng nhau thống nhất các phương án phối hợp trong tổ chức gia luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn giữa tàu Settsu và các tàu của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 trong ngày 18 tháng 2[3]. Vào tháng 6/2023, tàu khu trục trực thăng Izumo và tàu khu trục JS Samidare của JCG đã cập cảng Cam Ranh. Đoàn do Thiếu tướng Nishiyama Takahiro, Tư lệnh Hạm đội tàu Hộ vệ số 1 làm trưởng đoàn cùng khoảng 600 sĩ quan và thủy thủ. Chuyến thăm Việt Nam của hai tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản lần này là một trong những hoạt động cụ thể triển khai Đề án kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tạo dấu ấn tích cực trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Chuyến thăm góp phần tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau và khả năng phối hợp giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, tích cực củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Nhật Bản nói riêng, hợp tác giữa hai nước nói chung lên tầm cao mới. Sau khi rời cảng Cam Ranh, hai tàu Nhật Bản đã luyện tập chung hữu nghị với tàu hộ vệ Lý Thái Tổ của hải quân Việt Nam trên Biển Đông. Nội dung luyện tập chung bao gồm trao đổi thông tin và vận động đội hình[4]. Trong tháng 2/2024, hai tàu huấn luyện Shimakaze và Suzunami của JCG đã có chuyến thăm hữu nghị Hải Phòng, thể hiện sự hợp tác trên biển giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ.
(3). Việc hợp tác về an ninh – quốc phòng giữa hai nước còn thể hiện ở mặt hợp tác công nghệ quốc phòng và viện trợ quốc phòng. Viện trợ quốc phòng của Nhật Bản liên quan nhiều đến vấn đề tài chính và công nghệ - vốn là thế mạnh của Nhật Bản, đồng thời, là một phần không thể thiếu trong không gian hợp tác quốc phòng của Tokyo với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tháng 6/2017, hai nước đã ký một thỏa thuận trị giá 350 triệu USD để nâng cấp các tàu cảnh sát biển và khả năng tuần tra của Việt Nam. Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và người đồng cấp Việt Nam khi đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng việc chuyển giao vật liệu và công nghệ hàng hải của Tokyo cho Hà Nội được thiết kế để củng cố “một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền”[5]. Vào tháng 3/2020, trong chuyến thăm của Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản, hai bên đã nhất trí triển khai hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và chuyển giao công nghệ ngành đóng tàu quân sự nhằm tăng cường quan hệ giữa Quân đội Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Tháng 7/2020, hai quốc gia đã đạt được một thỏa thuận, trong đó Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam một khoản vay ODA thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản trị giá 345 triệu USD để mua sáu tàu tuần tra mới cho cảnh sát biển Việt Nam[6]. Đây là dự án mua tàu tuần tra đầu tiên giữa Việt Nam với Nhật Bản và cũng là một bước tiến quan trọng của thương mại quốc phòng hai nước trong bối cảnh Tokyo đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương kéo dài nhiều thập kỷ và Việt Nam đang thúc đẩy định hướng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí quốc phòng. Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ hoàn thành việc đóng sáu tàu tuần tra mới (lớp Aso loại 1.000 tấn) cho Việt Nam vào tháng 10/2025, qua đó đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi luật pháp hàng hải, ứng phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống trên vùng Biển Đông. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tiến thêm một bước khi cam kết về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam, bao gồm máy bay tuần tra và radar[7]. Ông mô tả đây là “một bước tiến lớn trong lĩnh vực an ninh cho cả hai nước”[8], đặc biệt là trong nâng cao năng lực giám sát củaViệt Nam. Tháng 9/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo, ông Kishi Nobuo và người đồng cấp Việt Nam Phan Văn Giang đã ký thỏa thuận cho phép xuất khẩu vũ khí và công nghệ của Nhật Bản sang Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố rằng các bên đã đồng ý hợp tác để thiết lập một trật tự dựa trên luật lệ và tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không[9]. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. ký kết vào tháng 9/2021. Ngoài ra, hai bên cũng đã ký Thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng trong cùng năm 2021. Thỏa thuận này được ký bởi Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, thiết lập một khung pháp lý để chuyển giao và xử lý thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa hai nước, bao gồm việc sử dụng và kiểm soát chuyển giao thiết bị sau này[10]. Thỏa thuận này là kết quả từ chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2020 của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, trong đó ông đã cam kết sẽ chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam, bao gồm máy bay và radar tuần tra. Vào tháng 12/2022, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản, mở ra các cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của hai nước. Đây là một bước tiến nhằm thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, đồng thời đưa hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước đi vào thực tiễn và hiệu quả hơn.
Có thể thấy, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn duy trì đà phát triển, luôn phát huy vai trò trụ cột quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về chính sách Quốc phòng, là mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình; chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; thực hiện phương châm, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược]. Việt Nam kiên định thực hiện chính sách “4 không”. Đó là, không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc. Xuất phát từ ý nghĩa đó, chúng ta phải nâng cao nhận thức, sự hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản là vì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương và bảo vệ chủ quyền của mỗi quốc gia chứ không phải là liên minh quân sự để đe dọa, hoặc tấn công chủ quyền của quốc gia thứ ba, bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm chống phá đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng, độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta.
Nguyễn Thị Doan
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
[1] Thông tấn xã Việt Nam (2023), “Cảnh sát Biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác”, https://www.vietnamplus.vn/canh-sat-bien-viet-nam-va-luc-luong-bao-ve-bo-bien-nhat-ban-day-manh-hop-tac-post916798.vnp, truy cập ngày 21/8/2023.
[2] Prasanth Parameswaran (2018), “Why Japan’s first submarine visit to Vietnam matters”, https://www.japantimes.co.jp/opinion/2018/09/21/commentary/japan- commentary/japans-first-submarinevisit-vietnam-matters/, truy cập ngày 17/9/2023.
[3] VTVT Online (2023), “Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản thăm, giao lưu tại BTL Vùng Cảnh sát biển 2”,
https://vtv.vn/xa-hoi/luc-luong-bao-ve-bo-bien-nhat-ban-tham-giao-luu-tai-btl-vung-canh-sat-bien-2-20230218181756712.htm, truy cập ngày 25/8/2023.
[4] Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (2023), “Tàu khu trục IZUMO và SAMIDARE của Lực lượng tự vệ trên
biển Nhật Bản thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh”, https://www.vn.emb-japan.go.jp/itpr_ja/11_000001_01734.html,
truy cập ngày 21/9/2023.
[5] Huynh Tam Sang (2021), “Vietnam-Japan Relations: Growing Importance in Each Other’s Eyes”
https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2020-31-vietnam-japan-relations-growing-importance-in-each-others-eyes-by-huynh-tam-sang/, truy cập ngày 2/11/2023.
[6] The Japan Times (2020), “Japan and Vietnam ink first maritime patrol ship deal as South China Sea row heats up”
https://www.japantimes.co.jp/news/2020/08/11/national/japan-vietnam-patrol-ships-south-china-sea/, truy cập
28/8/2023.
[7] Isabel Reynolds (2020), “Vietnam lands defence deal with Japan amid China tension”, https://www.smh.com.au/world/asia/vietnam-lands-defence-deal- with-japan-amid-china-tension-20201019-p566kp.html, truy cập ngày 18/9/2023.
[8] Tiền Phong (2020), “Việt - Nhật đang đàm phán thỏa thuận chuyển giao công nghệ quốc phòng”,
https://www.tienphong.vn/the-gioi/viet-nhat-dang-dam-phan-thoa-thuan-chuyen-giao-cong-nghe-quoc-phong-
1737600.tpo; Người lao động (2020), “Người phát ngôn Thủ tướng Nhật Bản nói về hợp tác quốc phòng với Việt Nam”, https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-phat-ngon-thu-tuong-nhat-ban-noi-ve-hop-tac-quoc-phong-voiviet- nam-20201020124153097.htm; Khanh Vu, Kiyoshi Takenaka (2020), “On Suga's overseas debut, Japan, Vietnam agree broadly on defence transfer”, https://uk.reuters.com/article/uk-japansoutheastasia-vietnam-defence/japan-vietnam-reach-broad-agreement-on-transfer-of-defence-gearidukkbn2740bz, truy cập ngày 18/9/2023.
[9] Nikkei Asia (2021), “Japan Inks Deal to Export Defense Assets to Vietnam Amid China Worry”,
https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Japan-inks-deal-to-export-defense-assets-to-Vietnamamid-China-worry, truy cập ngày 20/9/2023.
[10] Ministry of Foreign Affairs (2021), “Signing of the Agreement between the Government of Japan and the Government of the Socialist Republic of Vietnam concerning the Transfer of Defense Equipment and Technology”, https://www.mofa.go.jp/press/release/press3e_000244.html, truy cập ngày 28/8/2023.