Theo UNESCO, công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa. Công nghiệp văn hóa là những ngành sản xuất ra những sản phẩm hữu hình hoặc vô hình mang tính nghệ thuật, sáng tạo và có tiềm năng tạo ra thu nhập, của cải thông qua việc khai thác các tài sản văn hóa, sản xuất hàng hóa, dịch vụ dựa trên tri thức (cả truyền thống và đương đại). O’Connor định nghĩa, công nghiệp văn hóa là những hoạt động giao thương các hàng hóa mang tính biểu trưng mà giá trị kinh tế của những hàng hóa này phát sinh từ chính giá trị văn hóa của chúng. O’ Connor cho rằng, công nghiệp văn hóa gồm cả văn hóa đương đại (phát thanh truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thu thanh, thiết kế, kiến trúc, phương tiện truyền thông mới) và văn hóa truyền thống (nghệ thuật thị giác, thủ công, sân khấu, nghệ thuật trình diễn, văn học, bảo tàng, triển lãm,...). Công nghiệp văn hóa trở thành một nền công nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp văn hóa còn là tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia.
Tại Việt Nam, mặc dù lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn mới mẻ, song với bề dày lịch sử, văn hóa, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã nhận thức được tầm quan trọng ngành này đối với nền kinh tế của đất nước nên đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, thực hiện sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa trong bối cảnh cấu trúc lại nền kinh tế được xem là một trong những căn cứ để xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Đặc biệt, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành năm 2016 khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược xác định rõ 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Chiến lược cũng đồng thời đề ra mục tiêu phát triển chung của ngành công nghiệp văn hóa và mục tiêu cụ thể của từng lĩnh vực đến năm 2030: “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể: Ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD; Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; Ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 3.200 triệu USD; Ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch”.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn được thể hiện tại Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” và các Hội nghị lớn về văn hóa được tổ chức gần đây như Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra 6 nhiệm vụ lớn, trong đó nhấn mạnh đến việc “khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”, hay gần đây nhất là tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức ngày 22/12/2023 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, thể hiện qua tỷ lệ đóng góp vào GDP, số lượng cơ sở kinh tế và lực lượng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, mạng lưới liên kết, kết nối các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo”.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế quan trọng, có những bước tiến mới, thể hiện qua tỷ lệ đóng góp vào GDP của cả nước, gia tăng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, thay đổi cơ cấu ngành kinh tế, vùng kinh tế, xuất hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đa dạng các sản phẩm văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân,…
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa là 7,21%/năm trong vòng 5 năm qua. Theo thống kê, riêng năm 2022, có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Mặc dù ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã có những thành tựu đáng khích lệ trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như cơ chế đầu tư trong lĩnh vực tài chính chưa chú trọng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài, nguồn nhân lực chưa được đào tạo chuyên môn bài bản, môi trường cho hoạt động sáng tạo chưa được quan tâm đầu tư, các sản phẩm công nghiệp văn hóa chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng được với thị hiếu của người tiêu dùng văn hóa,… Do vậy, để ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam phát triển tương xứng với nguồn lực, tiềm năng sẵn có, cần chủ động tháo gỡ các “nút thắt” đang là rào cản gây ra những tác động không mong muốn, ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành này.
Phan Thị Oanh
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Tài liệu tham khảo: