Trang chủ

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc”

Đăng ngày: 2-10-2023, 17:25 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện, Hoạt động khoa học

Ngày 26/9/2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc”. TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành và PGS.TS Phạm Quý Long, Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chủ trì Hội thảo cùng sự tham dự của toàn thể cán bộ, viên chức trong Viện.

Hàn Quốc, với sự phát triển kinh tế “thần kỳ” và vị trí địa-chiến lược, cũng như văn hóa độc đáo, đã trở thành một trong những quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển và ổn định của khu vực Đông Á và thế giới. Những vấn đề chính trị và an ninh Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nước này mà còn có tầm quan trọng toàn cầu. Hội thảo nhằm tìm hiểu về sự thay đổi trong chính trị nội bộ, quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ, các chính sách ngoại giao, chính sách về năng lượng, chính sách văn hóa và những thách thức an ninh Hàn Quốc phải đối mặt.

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc”

Hình ảnh buổi Hội thảo

Hội thảo được nghe 6 báo cáo bao gồm: “Sự tăng cường quan hệ Đồng minh Hàn-Mỹ gần đây” của TS. Nguyễn Thị Thắm; “Thay đổi trong chính sách Trung Quốc của chính quyền Yoon- Suk-yeol” của TS. Phí Hồng Minh; “An ninh năng lượng của Hàn Quốc hiện nay” của ThS. Trần Diệu Ly; “Ngoại giao công chúng của Hàn Quốc” của TS.Tống Thùy Linh; “Chiến lược an ninh Quốc gia mới của Hàn Quốc” của ThS.Trần Thị Mỹ Hoa; “Bảo tồn di sản văn hóa của Hàn Quốc nhìn từ góc độ an ninh văn hóa” của ThS.Phan Thị Oanh.

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc”

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc”

Các diễn giả tại Hội thảo

Trong phần thảo luận, TS.Hoàng Minh Lợi cho rằng, mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ đối xứng với quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc. Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc vào Mỹ. Từ trước tới nay, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn luôn căng thẳng. Hiện nay, hai bên vẫn đang ở thế khá cân bằng về quân sự do mỗi bên đều có thế mạnh riêng, Hàn Quốc có số lượng lớn về vũ khí nhưng Triều Tiên có lợi thế vì có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ già hóa dân số của Hàn Quốc nhanh nhất thế giới, trong khi Triều Tiên vẫn giữ tỷ lệ sinh ở mức ổn định 1,9%. Điều này dẫn đến nhiều bất lợi cho Hàn Quốc nếu hai bên đối đầu trực tiếp trong tương lai. Tiếp theo, chia sẻ xung quanh báo cáo “Ngoại giao công chúng của Hàn Quốc”, TS. Hoàng Minh Lợi cho rằng, ngoại giao công chúng, suy cho cùng để tạo ra thương hiệu quốc gia, làm các nước khác có ấn tượng tốt về nước mình và mong muốn tác giả bổ sung thêm về thành tựu của ngoại giao công chúng Hàn Quốc với thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng. Tuy Hàn Quốc có sự phát triển nhanh về kinh tế và được coi là “con rồng châu Á” nhưng sự phát triển quá nhanh cũng tạo ra những mặt tối của xã hội.

Phản hồi câu hỏi của các học giả, TS. Nguyễn Thị Thắm cho rằng vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên có rất nhiều kịch bản. Với dự đoán trong thời gian 20, 30 năm tới của TS.Hoàng Minh Lợi, trong tình hình thế giới có nhiều xu thế, biến động khó lường, chỉ cần một mắt xích chệch khỏi đường ray có thể kích hoạt các điểm nóng trên Bán đảo và làm thay đổi tình hình nhanh chóng. Do đó, tương lai trên Bán đảo còn rất khó đoán định. Về câu hỏi tại sao Hàn - Mỹ tăng cường mối quan hệ đồng minh, phân tích theo cấp độ toàn cầu, cùng với xu hướng thay đổi chiến lược và dịch chuyển của các quốc gia, trong đó chủ yếu là các cường quốc Mỹ, Trung, Nga. Khi mối quan hệ Hàn - Mỹ được tăng cường trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung tăng cao. Bản chất của cuộc cạnh tranh này đang có những thay đổi căn bản, căng thẳng hơn nhiều so với trước đây. Trước tình hình đó, bắt buộc Hàn Quốc phải chọn phe rõ ràng, thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ. Về mặt khu vực Đông Bắc Á, sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Việt Nam không đạt được thỏa thuận. Quan hệ giữa Mỹ - Triều và Hàn – Triều vẫn luôn rất căng thẳng. Để tăng cường sự răn đe của mình, Hàn Quốc tăng cường quan hệ với các đồng minh là Mỹ và Nhật Bản. Ở cấp độ quốc gia, do có sự thay đổi chính quyền giữa đảng Dân chủ và đảng Bảo thủ, Đảng Dân chủ thường có tư tưởng bài Mỹ trong khi Đảng Bảo thủ ngược lại.

Trong phần tổng kết, TS.Trần Hoàng Long đánh giá cao các báo cáo trong hội thảo cũng như khả năng thuyết trình của các diễn giả. Hội thảo khoa học đã đem lại cái nhìn tổng quan và sâu sắc về tình hình chính trị và an ninh của Hàn Quốc. Các ý kiến thảo luận và phân tích trong hội thảo sẽ là cơ sở quý báu cho những nghiên cứu tiếp theo và hỗ trợ việc hiểu rõ hơn về vai trò của Hàn Quốc trong khu vực và thế giới.

 

Kiều Dung

0thảo luận