Ngày 15/08/2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Tình hình kinh tế - chính trị Mông Cổ 2023: Ảnh hưởng và điều chỉnh trước những biến động địa chính trị” do TS. Phí Hồng Minh và ThS. Trương Phan Thanh Thủy, Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày. Tham dự tọa đàm có TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm khoa học
Tại buổi Tọa đàm, TS. Phí Hồng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan đã trình bày báo cáo đầu tiên với chủ đề “Tác động của biến động địa chính trị khu vực đối với Mông Cổ và một số điều chỉnh hiện nay”. Báo cáo đã tập trung phân tích những biến động địa chính trị khó lường của khu vực và thế giới trong năm 2022, đánh giá tác động của những biến động địa chính trị khu vực đối với Mông Cổ, từ đó đã chỉ ra phản ứng và điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ hiện nay. Năm 2022, thế giới trở nên hỗn loạn với các biến động chính trị khó lường như cuộc xung đột Nga – Ukraine; cạnh tranh chiến lược nước lớn xung quanh trục Mỹ - Trung tập trung trong lĩnh vực công nghệ; lạm phát gia tăng kéo theo rủi ro cho khu vực tài chính – ngân hàng; các nước phát triển thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt… Chính những biến động đó đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng xu hướng phân cực giữa Mỹ, phương Tây với Trung Quốc và Nga. Đối với Mông Cổ, những biến động này đã tác động lớn đến nền kinh tế, ngoại thương của Mông Cổ; đến chính sách đối ngoại của nước này. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu từ Nga cũng như tình trạng khó khăn trong giảm phụ thuộc từ hai nước láng giềng Nga và Trung Quốc đã đưa Mông Cổ vào thế khó khi đứng giữa Nga - Trung Quốc với Mỹ - Phương Tây. TS. Phí Hồng Minh trên cơ sở làm rõ những tác động cụ thể đó, đã chỉ ra phản ứng và điều chỉnh của Mông Cổ trong bối cảnh mới này. Mông Cổ thực hiện chiến lược đối ngoại đa dạng hoá, củng cố quan hệ với Trung Quốc đồng thời với các đối tác “láng giềng thứ ba” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây khác. Mông Cổ cũng tăng cường ngoại giao, thu hút hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo, đa dạng hóa ngành ngoài khai mỏ, gia tăng “ngoại giao đất hiếm”, từ đó nỗ lực thoát khỏi “cái bóng” của Nga và Trung Quốc.
TS. Phí Hồng Minh trình bày báo cáo tại Tọa đàm
Báo cáo thứ hai do ThS. Trương Phan Thanh Thủy, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan trình bày với chủ đề “Những vấn đề chính trị nổi bật của Mông Cổ năm 2023”. Năm 2023, tình hình chính trị đối nội Mông Cổ đã có một số đặc điểm chính như: cải cách hiến pháp; tăng cường vai trò của phụ nữ trong Quốc hội Mông Cổ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng… Những cải cách hiến pháp mới nhất của Mông Cổ đã làm nổi bật nỗ lực của nước này trong việc duy trì cam kết với các nguyên tắc dân chủ, đảm bảo quản trị đa đảng, đồng thời tạo thêm không gian và cơ hội cho xã hội dân sự tham gia đầy đủ và tham gia vào các cuộc thảo luận hoạch định chính sách định hình cuộc sống của họ. Tuy nhiên, việc lựa chọn các ứng cử viên đáng tin cậy, có thể bầu cử chỉ phụ thuộc vào các đảng phái chính trị. Nếu được thực hiện đúng cách, những cải cách này có thể tạo nền tảng vững chắc cho tham vọng phát triển xã hội rộng lớn hơn của chính phủ Mông Cổ, củng cố nền tảng dân chủ của đất nước bằng cách bảo vệ các quyền hiến định của công dân, thúc đẩy quyền đại diện của phụ nữ và tăng cường kiểm tra, cân bằng trong bầu cử với hệ thống chính trị rộng lớn hơn. Về phòng chống tham nhũng, chiến lược chống tham nhũng của Mông Cổ đã thay đổi trọng tâm từ tập trung vào thay đổi pháp luật và hình phạt sang thúc đẩy hơn nữa khu vực tư nhân và nhấn mạnh sự hợp tác với xã hội dân sự và công chúng. Chiến lược này được phối hợp thực hiện bởi tất cả các tổ chức chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và các công ty khu vực tư nhân. Do đó, việc Mông Cổ cải thiện được tình hình tham nhũng phải phụ thuộc vào sự lãnh đạo của chính phủ Mông Cổ, sự phối hợp của các tổ chức trong thời gian tới.
ThS. Trương Phan Thanh Thủy trình bày báo cáo tại Tọa đàm
Sau phần trình bày tham luận của hai báo cáo viên, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về chủ đề chính của buổi tọa đàm. Nhiều câu hỏi, ý kiến xoay quanh các vấn đề như: “cuộc xung đột Ukraine” ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị Mông Cổ; việc nữ giới Mông Cổ có học vấn cao nhưng lại ít được trọng dụng trong các cơ quan công quyền; Mông Cổ có lợi thế gì trước những biến động địa chính trị khu vực; quan hệ của Mông Cổ với các nước “láng giềng thứ ba” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bổ sung thêm một số khía cạnh khác để hai báo cáo viên hoàn thiện báo cáo của mình như: cần phân tích cụ thể hơn về tình hình kinh tế, chính trị đối ngoại của Mông Cổ trong năm 2023 theo đúng dạng thức của báo cáo thường niên; nên bao quát hơn tất cả các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Mông Cổ trong một năm, tập trung phân tích những biến đổi chính so với năm trước, từ đó sẽ giúp bổ sung thêm nhiều hông tin hữu ích hơn cho các nhà nghiên cứu; hàm ý chính sách cho Việt Nam trong mối quan hệ với các nước lớn.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá cao chủ đề của Tọa đàm, đánh giá cao sự chuẩn bị tham luận của hai báo cáo viên, khẳng định rằng các báo cáo đã bước đầu khái quát được những vấn đề chính của Mông Cổ trong năm 2023, đó là tiền đề quan trọng để hai báo cáo viên tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này, hướng đến kỷ niệm 70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ vào năm 2024. Phó Viện trưởng cũng cho rằng ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm rất hữu ích cho các báo cáo viên trong việc hoàn thiện kỹ năng chuyên môn và nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Phan Huyền