Ngày 20/9/2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Địa-chính trị và tác động tới chính sách đối ngoại ở các nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á và an ninh văn hóa Nhật Bản” do các cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu những vấn đề chung trình bày. Chủ trì tọa đàm là PGS.TS Phạm Hồng Thái cùng sự tham gia của toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Hình ảnh buổi tọa đàm khoa học
Khu vực Đông Bắc Á luôn là một trong những điểm nóng của chính trị và kinh tế thế giới. Nơi đây đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của hòa bình và ổn định toàn cầu. Bên cạnh đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á đã và đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, từ các mối đe dọa an ninh cho đến những vấn đề về chính sách văn hóa.
Mở đầu tọa đàm, TS. Hạ Thị Lan Phi trình bày báo cáo “An ninh văn hóa Nhật Bản”. Báo cáo gồm 3 phần: Các khái niệm; Nhận thức của Chính phủ Nhật Bản về an ninh văn hóa; Các biện pháp của Chính phủ Nhật Bản nhằm bảo vệ an ninh văn hóa quốc gia.
TS. Hạ Thị Lan Phi trình bày báo cáo
Tiếp theo, TS. Hoàng Minh Lợi trình bày báo cáo “Địa-chính trị và tác động tới chính sách đối ngoại ở các nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á”. Báo cáo gồm 4 phần: Khái niệm địa chính trị; Tác động của địa-chính trị tới chính sách đối ngoại ở các nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á; Liên hệ với Việt Nam; Kết luận.
TS. Hoàng Minh Lợi trình bày báo cáo
Trong phần thảo luận, PGS.TS. Phạm Hồng Thái cho rằng, vấn đề an ninh văn hóa ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc được bàn thảo rất sôi nổi trong thời gian gần đây. Nhưng các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đề cập đến vấn đề về hệ giá trị quốc gia theo cách khác. Các nước tư bản chủ nghĩa trọng tâm phát triển kinh tế, quân đội hùng mạnh, từ đó kéo theo các nghiên cứu về văn hóa. Do đó, chủ đề an ninh văn hóa Nhật Bản sẽ có nhiều vấn đề đặt ra để các học giả thảo luận. Bài phát biểu của TS. Hoàng Minh Lợi đã phân tích khá hệ thống ảnh hưởng của các yếu tố địa-chính trị tới chính sách đối ngoại ở các nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á. Có thể nói, mỗi quốc gia đều có địa-chính trị của riêng mình nhưng giá trị của địa-chính trị được biến đổi theo thời gian.
TS. Nguyễn Thị Thắm cho rằng hai báo cáo đã bao quát được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Đông Bắc Á. Về báo cáo của TS. Hạ Thị Lan Phi, các nước xã hội chủ nghĩa đề cao an ninh văn hóa do luôn phải đối diện với nguy cơ diễn biến hòa bình từ bên ngoài. Trong khi đó, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản có tâm thế là người đi phổ biến giá trị văn hóa cho các quốc gia khác. Vì vậy, họ ít để ý đến an ninh văn hóa hơn. Báo cáo của TS. Hoàng Minh Lợi đã phân tích rất rộng và cụ thể. Có thể thấy, quốc gia nào cũng có địa-chính trị của riêng mình. Tuy nhiên địa-chính trị này có giá trị lớn hay không phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa các nước lớn.
TS. Phí Hồng Minh cho rằng, trước kia quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy văn minh phương Tây và những hệ giá trị của phương Tây, đặc biệt là văn minh công nghiệp. Khi đó các nước lớn như Trung Quốc cảm thấy nguy cơ bị đe dọa, họ tập trung nhấn mạnh văn hóa truyền thống của mình trước làn sóng xâm nhập văn hóa từ phương Tây.
TS. Võ Hải Thanh đánh giá cao chủ đề của buổi tọa đàm. Có thể nói hai bài thuyết trình có chung chủ đề về “quyền lực mềm”. TS. Võ Hải Thanh cho rằng, địa-chính trị và chính sách văn hóa có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của mỗi quốc gia.
Buổi tọa đàm là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận về những khía cạnh quan trọng của địa-chính trị và an ninh văn hóa tại khu vực Đông Bắc Á. Qua bài phát biểu của TS. Hạ Thị Lan Phi và TS. Hoàng Minh Lợi, chúng ta đã được làm sáng tỏ về cách các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực này đối phó với những thách thức đa dạng. Những bài phát biểu và thảo luận đã thúc đẩy sự hiểu biết và nhận thức về tầm quan trọng của an ninh văn hóa và địa-chính trị trong việc định hình tương lai của khu vực và thế giới.
Kiều Dung