Sáng ngày 24/05/2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác (MOU) với Viện Chấn hưng văn hóa Nho giáo Hàn Quốc (IKCC). Tham dự lễ ký kết, về phía IKCC có TS.Chung Chae-gun, Viện trưởng IKCC; ông Kim Gil-ho, Trưởng phòng Hành chính; bà Cho Ji-sun, Nghiên cứu viên; ông Son Hyong-yong, Trợ lý Viện trưởng. Về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành Viện, các cán bộ chủ chốt của Viện và toàn thể cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên.
TS. Trần Hoàng Long và TS.Chung Chae-gun ký MOU
Mở đầu Lễ ký kết, TS. Trần Hoàng Long chào mừng đoàn Viện IKCC đến làm việc và ký MOU với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Theo TS. Trần Hoàng Long, từ tháng 12/2022, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã được nâng tầm lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Có thể nói, quan hệ giữa hai nước đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Ngoài quan hệ về kinh tế, chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, thì các hoạt động trao đổi học thuật giữa hai quốc gia là một phần quan trọng giúp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước đi vào thực chất và hiệu quả. TS. Trần Hoàng Long cũng giới thiệu sơ lược về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Các cán bộ chủ chốt Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tham dự Lễ ký kết
TS.Chung Chae-gun, Viện trưởng IKCC cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Sau đó, TS.Chung Chae-gun giới thiệu sơ lược về IKCC và thành phần đoàn cán bộ đến tham dự Lễ ký kết. IKCC được thành lập vào tháng 9 năm 2022, tại Chungcheongnam-do, Hàn Quốc. Viện hiện đang nghiên cứu các giá trị của văn hóa Nho giáo, chia sẻ giá trị của văn hóa Nho giáo đến đại chúng bằng nhiều phương thức khác nhau. Các lĩnh vực hoạt động chính của IKCC gồm: (1) Nghiên cứu học thuật: Nghiên cứu văn hóa và tư tưởng Nho giáo, tổ chức các hội thảo học thuật; (2) Sưu tầm di vật: Sưu tầm, bảo tồn di vật liên quan đến văn hóa Nho giáo; (3) Trưng bày: Cung cấp một không gian văn hóa phức hợp tích hợp các chức năng của thư viện, kho lưu trữ và bảo tàng; (4) Chương trình giáo dục: Vận hành chương trình giáo dục, đào tạo và trải nghiệm văn hóa Nho giáo; (5) Giao lưu trong nước và quốc tế: Trao đổi học thuật và cá nhân với các cơ quan, tổ chức liên quan đến văn hóa Nho giáo trong và ngoài nước.
Đoàn cán bộ IKCC tham dự Lễ ký kết
Đại diện cho Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm cũng có một số ý kiến phát biểu: Trung tâm hiện có hai mảng nghiên cứu lớn về Hàn Quốc và Triều Tiên trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao… Các nghiên cứu của Trung tâm có nhiều cấp như Nghị định thư giữa Việt Nam - Hàn Quốc, đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ, nghiên cứu hợp tác quốc tế với các đối tác như Korea Foundation, Koica, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam… và thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyên sâu cấp cơ sở. Trong đó, Trung tâm rất coi trọng nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa Nho giáo. Đây là cơ sở, là nét tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hiện dư địa nghiên cứu về văn hóa Nho giáo còn nhiều nên TS. Nguyễn Thị Thắm hy vọng, sau khi MOU được ký, hai cơ quan sẽ cùng hợp tác để nghiên cứu sâu rộng hơn về chủ đề văn hóa Nho giáo.
Tiếp theo, dưới sự chứng kiến của các cán bộ tham dự buổi lễ, TS. Trần Hoàng Long và TS.Chung Chae-gun đại diện cho hai cơ quan ký Thỏa thuận hợp tác. Đây là một dấu mốc cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai cơ quan. Sau buổi ký, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận, trao đổi ý kiến cụ thể hóa việc thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Kết thúc lễ ký, hai bên trao quà và chụp ảnh lưu niệm.
Một số hình ảnh trong buổi làm việc của Đoàn Viện IKCC tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Kiều Dung