Ngày 24/8/2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Những vấn đề chính trị-an ninh nổi bật của khu vực Đông Bắc Á”. Hội thảo nhằm thảo luận về các chủ đề quan trọng bao gồm tình hình chính trị-an ninh, mối quan hệ song phương và đa phương, các vấn đề liên quan đến biên giới và an ninh quốc gia cũng như đưa ra một số dự đoán về tình hình khu vực trong thời gian tới. Chủ trì hội thảo là TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành và PGS.TS Phạm Hồng Thái, Nguyên Quyền Viện trưởng cùng sự tham dự của toàn thể cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo đã được nghe 6 báo cáo về các vấn đề chính trị- an ninh nổi bật của khu vực bao gồm: báo cáo “Chính trị- an ninh Đông Bắc Á nửa đầu năm 2023” của PGS.TS. Phạm Hồng Thái; báo cáo “Một số vấn đề chính trị-an ninh nổi bật ở Đông Bắc Á” của TS. Hoàng Minh Lợi; báo cáo “Những đặc điểm nổi bật của cục diện an ninh- chính trị Đông Bắc Á hiện nay” của TS. Trần Thị Duyên; báo cáo “Quan hệ Nhật - Hàn: Những động thái hàn gắn và xu hướng dịch chuyển trong cấu trúc an ninh Đông Bắc Á” của TS. Phí Hồng Minh; báo cáo “Những điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Ấn Độ hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam” của TS. Đỗ Thị Ánh và báo cáo “Quan hệ chính trị- an ninh giữa Trung Quốc và Nhật Bản thời gian gần đây” của ThS. Phan Thị Diễm Huyền.
Nhìn chung, các báo cáo tại hội thảo đều bám sát tình hình chính trị-an ninh khu vực Đông Bắc Á. Thời gian gần đây, tình hình chính trị-an ninh khu vực chịu những tác động sâu sắc bởi các yếu tố địa chính trị như cạnh tranh Mỹ-Trung, xung đột Nga – Ukraine, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, tác động của chính sách đối ngoại của Nhật Bản, Hàn Quốc, tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ Nhật - Trung, Hàn - Trung…
Trong phần thảo luận, các nhà khoa học có nhiều ý kiến xung quanh chủ đề hội thảo. TS. Phí Hồng Minh cho rằng: “Vòng xoáy” đối đầu giữa Mỹ-Trung Quốc là trục chính tác động đến chính trị-an ninh khu vực, cuộc xung đột Nga- Ukraine như một cú hích làm thay đổi quan điểm của các đối tác trong khu vực, tạo ra nhiều diễn biến bất ngờ và khó đoán định trong tương lai.
Các học giả thảo luận
TS. Võ Hải Thanh phát biểu: từ năm 2022 cho đến nay, tình hình chính trị - an ninh ở khu vực Đông Bắc Á có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện các điều chỉnh trong chiến lược ngoại giao, nhằm mục tiêu tăng tính chủ động trong việc tham gia vào các hoạt động khu vực và quốc tế, với mục đích củng cố vị thế của họ trong việc xây dựng cấu trúc an ninh tại khu vực. Các quan hệ giữa các cường quốc trong khu vực đã trải qua những thay đổi quan trọng, trong đó kết hợp giữa hợp tác và cạnh tranh đã tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình chính trị - an ninh trong khu vực Đông Bắc Á. TS. Võ Hải Thanh cho rằng, do thời gian có hạn nên các báo cáo tạm thời chỉ khái quát về một số vấn đề nổi bật, vẫn còn nhiều điều cần đi sâu nghiên cứu và phân tích trong tương lai.
TS. Hạ Lan Phi phát biểu: các báo cáo đều tập trung vào an ninh truyền thống, chưa thấy đề cập đến an ninh phi truyền thống như an ninh văn hóa, an ninh dịch bệnh, môi trường, chống biến đổi khí hậu…Một số nước trong khu vực như Nhật Bản đã có nhiều thay đổi về chính sách văn hóa trong thời gian gần đây, thay đổi hoàn toàn cả về sách giáo khoa để giảng dạy về văn hóa vùng miền, tăng cường giảng dạy về văn hóa truyền thống trong xã hội. Do vậy mong muốn các diễn giả cho biết thêm về an ninh phi truyền thống ở các nước khác trong khu vực.
PGS.TS Phạm Hồng Thái cho rằng, chủ đề hội thảo rất hay và ý nghĩa. Tuy nhiên các báo cáo nên được phân bổ theo từng mảng để tránh trùng lặp. Nên phân chia một số báo cáo tập trung về an ninh truyền thống, một số phân tích về an ninh phi truyền thống.
PGS.TS Phạm Quý Long phát biểu: các thông tin trong báo cáo khoa học không chỉ cần mang lại nhiều thông tin, mà quan trọng hơn là cần tính chính xác, tính khoa học. Các báo cáo cần đưa ra khung lý thuyết, cơ sở khoa học chứng minh cho các luận điểm của mình. Các dẫn chứng cần phải được dẫn nguồn chính xác, cụ thể. Bên cạnh việc phân tích quan hệ song phương, cần phải chú ý cả quan hệ đa phương, từ đó tìm ra được cốt lõi vấn đề.
Trong bối cảnh biến đổi địa chính trị và an ninh toàn cầu, Hội thảo khoa học: “Những vấn đề chính trị-an ninh nổi bật của khu vực Đông Bắc Á” đã mang đến một diễn đàn quý báu để nhà nghiên cứu cùng thảo luận về những thách thức và triển vọng tại khu vực này. Hội thảo đã xem xét các yếu tố quyết định trong sự biến đổi của tình hình, từ quan hệ giữa các cường quốc đến các mối quan hệ song phương và đa phương. Sự gia tăng tốc độ và phức tạp trong các diễn biến chính trị - an ninh ở Đông Bắc Á đang tạo ra những thách thức không chỉ đối với sự ổn định khu vực mà còn đến hòa bình toàn cầu. Quan hệ giữa các cường quốc và tương tác vùng nóng vẫn là nguồn gốc chính của sự bất ổn, yêu cầu sự hợp tác mạnh mẽ để đối phó và giải quyết hiệu quả. Quan hệ Mỹ - Trung vẫn là nhân tố chính tác động đến tình hình chính trị-an ninh khu vực. Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và vùng biển Đài Loan vẫn tiếp tục là các tâm điểm, đòi hỏi sự tập trung vào việc thúc đẩy đối thoại và hòa giải.
Trong phần tổng kết, TS.Trần Hoàng Long cho rằng, hội thảo đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự phức tạp và đa dạng của tình hình an ninh - chính trị ở Đông Bắc Á. Cần có sự hợp tác mạnh mẽ và thỏa thuận chung để đối mặt với những thách thức này và xây dựng một tương lai bền vững, hòa bình và phồn thịnh cho khu vực và cả thế giới. Các báo cáo trong hội thảo sẽ tiếp tục được thảo luận và nghiên cứu nhằm thúc đẩy những giải pháp đổi mới và cung cấp cái nhìn sâu rộng hơn về tương lai của khu vực Đông Bắc Á.
Quang cảnh của Hội thảo
Phan Huyền