1. Cơ hội và thách thức cho đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đa chiều đến hệ thống chính trị Việt Nam. Với vai trò là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều cơ hội cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo và tổ chức hoạt động của Đảng đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều thách thức.
Về cơ hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp cho việc hoạch định chiến lược, chủ trương, chính sách của Đảng mang tính hiện đại, chuyên nghiệp, dân chủ và hiệu quả hơn. Sự tham gia của các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học và cả người dân trong quá trình hoạch định thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các kênh trao đổi, góp ý trực tuyến sẽ tạo điều kiện cho số lượng người tham gia nhiều hơn, dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.
Việc chuyển đổi số giúp cho các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp được thực hiện dựa trên dữ liệu và công nghệ, vì vậy sẽ nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả và ít tốn kém hơn.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít những khó khăn thách thức đặt ra như:
- Thách thức đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những giá trị khoa học, sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn do sự bùng nổ thông tin, sự tấn công mạnh mẽ của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Các nền tảng công nghệ, mạng xã hội mới xuất hiện cho phép tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến, tự do đăng tải, truyền tải thông tin, tự do khâu nối, kết nối - tạo ra một không gian tư tưởng, một kho dữ liệu lớn, một trường thông tin rất phức tạp, không dễ gì giải quyết.
- Thách thức với việc đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà cả xã hội và người dân đã thay đổi một cách nhanh chóng với những "công dân toàn cầu", “công dân mạng - netizen”, những dạng thức mới trong hoạt động kinh tế như "kinh tế chia sẻ", "kinh tế kỹ thuật số", những "xã hội thông minh"… đã tạo ra những thách thức lớn trong đổi mới tư duy lãnh đạo và hành động ứng phó của Đảng.
- Với sự phát triển như vũ bão của thông tin với những dữ liệu lớn (Bigdata), điện tử đám mây, trí tuệ nhân tạo, chat GPT… của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra những thách thức vô cùng lớn trên phương diện an ninh, an toàn và bảo mật thông tin của Đảng.
- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ hiện đại vào hoạt động lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là công nghệ thông tin và tự động hóa, khi đó nhiều loại công việc trong các cơ quan lãnh đạo, điều hành có thể được thực hiện bởi máy tính trong khi đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta còn nhiều bất cập, số lượng lớn cán bộ trong bộ máy cơ quan Đảng, cơ cấu thiếu hợp lý, trình độ, năng lực của nhiều cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt là thiếu kỹ năng ứng dụng các công nghệ hiện đại.
2. Các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Với những thách thức đạt ra như trên, cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng và xây dựng lộ trình tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư của cả hệ thống chính trị; Xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tư duy, năng lực, kỹ năng trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông tin, tiến tới phát triển hạ tầng số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng.
Trong 3 khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thì đổi mới thể chế là quan trọng nhất. Thực tiễn những năm qua cho thấy hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách về KHCN mặc dù đã có đổi mới nhưng vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, hạn chế sự phát triển của KHCN Việt Nam. Đúng như đánh giá của dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng: “Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hoá, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao, chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.
Vì thế, đã đến lúc Đảng phải tập trung chỉ đạo để nâng cao nhận thức của các cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương về vai trò, vị trí của KHCN, tập trung đầu tư cho phát triển KHCN, tháo gỡ mọi vướng mắc cản trở sự phát triển KHCN. Bởi nhiều cơ quan, địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến đầu tư và ưu tiên cho phát triển KHCN, nhất là chăm lo cho đội ngũ cán bộ khoa học. Phải làm sao để các tổ chức KHCN công lập được giao quyền tự chủ cao nhất về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ của quốc gia được Đảng và Nhà nước giao, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tạo ra các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, được xếp hạng cao trong số các viện, trường hàng đầu thế giới. Đổi mới cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học, trên cơ sở thành công của Quỹ phát triển KHCN quốc gia (NAFOSTED) áp dụng rộng rãi cơ chế quỹ cấp kinh phí cho nhiệm vụ KHCN các cấp để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, cơ chế khoán chi kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN để đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán.
Võ Hải Thanh
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á