Tác giả: TS. Đỗ Thị Ánh
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 259 trang
Kí hiệu: Vv2931
Đông Á đang trải qua nhiều biến đổi sâu sắc với một Trung Quốc lớn mạnh, đối đầu kinh tế Trung - Mỹ diễn ra quyết liệt, vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng thu hẹp... Thế nhưng, ngay cả khi xu hướng bảo hộ và dân tộc chủ nghĩa của chính quyền Mỹ gây nên thất vọng về vị thế lãnh đạo tự do hóa kinh tế, thương mại khu vực và thế giới thì Trung Quốc cũng chưa thể hiện được là một hình mẫu lãnh đạo thuyết phục. Trong khi đó, là một cường quốc kinh tế khu vực và thế giới, Nhật Bản có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của các quốc gia Đông Á cũng như tiến trình liên kết kinh tế. Lợi ích của Nhật Bản ở khu vực này đã được hình thành từ rất lâu và người Nhật cũng luôn ý thức rằng Nhật Bản cần có một vai trò quan trọng tại Đông Á. Là con chim đầu đàn trong “đàn ngỗng bay” những năm 1970-1980, Nhật Bản đã “kéo theo” không ít quốc gia cùng phát triển, đóng góp đáng kể vào sự ra đời của những “con rồng”, “con hổ” Đông Á. Hiện nay, ngoài việc thúc đẩy các khuôn khổ hội nhập kinh tế như ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6... Nhật Bản cũng là cường quốc kinh tế duy nhất tại Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương tham gia cùng lúc cả hai khuôn khổ thương mại tự do đa phương quan trọng TPP (với phiên bản mới là CPTPP) và RCEP. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của Nhật Bản trong tiến trình liên kết kinh tế ở Đông Á, nhất là trước sự thay đổi nhanh chóng về tương quan sức mạnh quốc tế và chiến lược của các siêu cường hiện nay, TS. Đỗ Thị Ánh đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Vai trò của Nhật Bản trong tiến trình liên kết kinh tế Đông Á”. Cuốn sách gồm 4 chương với những nội dung chính như sau:
Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan trình bày tổng quan về những nghiên cứu trong nước và nước ngoài liên quan đến cơ sở lý luận về liên kết kinh tế khu vực Đông Á và vai trò của một quốc gia trong hội nhập khu vực; những nghiên cứu về liên kết kinh tế Đông Á; những nghiên cứu về vai trò của Nhật Bản trong liên kết kinh tế Đông Á; đánh giá những điểm đã thống nhất và vấn đề còn tồn tại.
Chương 2: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của liên kết kinh tế Đông Á và vai trò của một chủ thể. Bên cạnh việc đưa ra các khái niệm, các cấp độ và lợi ích của liên kết kinh tế khu vực, lý luận về liên kết kinh tế trên phương diện thực tế, tác giả còn phân tích điều kiện cơ bản của liên kết kinh tế Đông Á và vai trò của một số chủ thể có ảnh hưởng quan trọng đối với sự hình thành và tiến triển của liên kết kinh tế Đông Á như ASEAN, Trung Quốc và Mỹ. Đồng thời, tác giả cũng đi sâu phân tích thực tiễn liên kết kinh tế ở Đông Á trên phương diện thể chế và mạng sản xuất Đông Á.
Chương 3: Thực trạng vai trò của Nhật Bản trong tiến trình liên kết kinh tế Đông Á. Ở đây, tác giả tập trung phân tích những vai trò chủ yếu của Nhật Bản và đưa ra một số đánh giá về vai trò của nước này trong liên kết kinh tế Đông Á từ giữa thập niên 1980 đến những năm đầu thập niên 2010; phân tích những thuận lợi và khó khăn của Nhật Bản trong việc nâng cao vai trò trong liên kết kinh tế Đông Á; cạnh tranh Trung - Mỹ nhìn từ hai định chế kinh tế TPP và AIIB và ứng phó của Nhật Bản trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ; vai trò của Nhật Bản đối với CPTPP.
Chương 4: Một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam về liên kết kinh tế Đông Á và vai trò của Nhật Bản. Trong chương này tác giả đưa ra một số dự báo về tiến trình liên kết kinh tế Đông Á (từ nay đến năm 2025) và vai trò của Nhật Bản; phân tích quan điểm của Việt Nam vê liên kết kinh tế Đông Á và một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của liên kết kinh tế khu vực. Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm vận dụng hiệu quả vai trò của Nhật Bản và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt - Nhật.
Với lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về liên kết kinh tế ở Đông Á, vai trò của Nhật Bản trong tiến trình này và khuyến nghị chính sách phù hợp, hiệu quả đối với Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề này.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á