Tác giả: TS. Hoàng Minh Lợi chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 247 trang
Kí hiệu: Vv 2882
Thế giới đã biết đến những thành tựu của Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và điều đó cho thấy vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các quốc gia này. Bước sang thế kỷ XXI, quá trình toàn cầu hóa sâu rộng tác động tới sự phát triển của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Nhật Bản, Hàn Quốc cũng không là ngoại lệ. Trong đó, sự tác động tới chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các quốc gia này là không thể phủ nhận. Những thành công trong chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhật Bản và Hàn Quốc có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra một thực tế là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng nhận được sự quan tâm to lớn của các chính phủ và được xem là một trong những động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Ở Việt Nam, trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay đang đòi hỏi nguồn nhân lực dồi dào thì chính sách phát triển nguồn nhân lực ở các cấp độ, đặc biệt nhân lực chất lượng cao trở thành nhu cầu bức thiết. Bên cạnh đó, hợp tác về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ bối cảnh đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Nhật Bản và Hàn Quốc - gợi ý cho Việt Nam”. Kết cấu của cuốn sách gồm 3 chương như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn trình bày quan điểm, khái niệm về nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực; quan điểm, khái niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chương 2: Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong chương này, các tác giả trình bày khái quát về chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước năm 1990 ở Nhật Bản và Hàn Quốc; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Nhật Bản và Hàn Quốc từ giáo dục, đào tạo đại học, cao đẳng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ quan công quyền và doanh nghiệp; sử dụng và quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao ở Nhật Bản và Hàn Quốc tại các cơ quan công quyền, tại các doanh nghiệp, tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chương 3: Đánh giá so sánh, bài học kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam. Từ những phần tích trong chương 2, trong chương này, các tác giả tập trung đánh giá chung về những điểm tương đồng và khác biệt trong chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhật Bản và Hàn Quốc; một số bài học kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số gợi ý cho Việt Nam từ những kinh nghiệm của hai quốc gia này. Bên cạnh đó, các tác giả cũng khái quát về chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam như tiềm năng và thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, đồng thời đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta và một số kiến nghị.
Trong khuôn khổ 247 trang, cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như ở Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á