Tác giả: T.S Trần Quang Minh – T.S Hoàng Minh Lợi (đồng chủ biên)
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, 572 trang
Ký hiệu: Vv 2855
Kể từ năm 2014 đến nay, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tiến hành chọn lọc trong nhóm đề tài cấp cơ sở những nghiên cứu đã được Hội đồng khoa học của Viện nghiệm thu đạt kết quả tốt biên tập thành sách. Bộ sách Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2016 gồm 2 tập, đề cập đến các vấn đề Chính trị - An ninh - Kinh tế và Văn hóa - Xã hội - Môi trường khu vực Đông Bắc Á. Tập II của bộ sách với chủ đề Văn hóa - Xã hội - Môi trường gồm 2 phần với 8 chuyên đề nổi bật.
Phần I: Văn hóa
Tác giả Ngô Hương Lan có bài nghiên cứu Đặc trưng văn hóa ứng xử của người Nhật Bản và người Việt Nam qua một số hành vi. Tác giả sử dụng khung phân tích ngôn ngữ - văn hóa để tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa của các hành vi chào, khen, từ chối, từ đó rút ra những đặc điểm trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam và người Nhật Bản, góp phần nâng cao hiểu biết của người Việt Nam về văn hóa, ngôn ngữ Nhật Bản và ngược lại.
Tác giả Hạ Thị Lan Phi có bài Những thay đổi trong ngoại giao văn hóa Nhật Bản từ năm 1990 đến nay, tập trung nghiên cứu về sự khác biệt của ngoại giao văn hóa Nhật Bản từ năm 1990 đến nay so với giai đoạn trước, đồng thời đánh giá tác động của những thay đổi đó đến Việt Nam.
Nhằm tìm hiểu những giá trị vật chất và tinh thần cũng như phong tục tập quán ẩn chứa trong ẩm thực, bài Văn hóa ẩm thực truyền thống Hàn Quốc của tác giả Phan Thị Oanh đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng tới văn hóa ẩm thực truyền thống Hàn Quốc, ứng xử và những biến đổi trong văn hóa ẩm thực của nước này.
Phần II: Xã hội - Môi trường
Tác giả Phan Cao Nhật Anh có bài Vấn đề phát huy sức lao động phụ nữ ở Nhật Bản. Trong bài nghiên cứu này, tác giả tìm hiểu về chủ trương, chính sách của Nhật Bản trong vấn đề phát huy sức lao động nữ, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam hiện nay.
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã và đang có ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam. Bàn về chủ đề này, bài Phim truyền hình Hàn Quốc và ảnh hưởng của nó tới quan niệm về tình yêu và hôn nhân của giới trẻ Việt Nam hiện nay của tác giả Phạm Thị Nhung tìm hiểu thực trạng phim truyền hình Hàn Quốc ở Việt Nam và đi sâu vào ảnh hưởng của nó đến quan niệm về tình yêu và hôn nhân của giới trẻ Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Ngọc Phương Trang với bài Tính thế tục trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo Nhật Bản hiện đại (từ 1945 đến nay) làm rõ cơ sở hình thành nên tính thế tục và những biểu hiện của nó trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo ở Nhật Bản, từ đó liên hệ với thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam và tìm ra điểm tương đồng cũng như khác biệt trong đời văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam, Nhật Bản.
Nghiên cứu về vấn đề ly hôn ở Nhật Bản qua bài viết Vấn đề ly hôn ở Nhật Bản hiện nay: Thực trạng và giải pháp, tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân tập trung phân tích nguyên nhân, hệ quả và giải pháp của Chính phủ Nhật Bản về vấn đề này nhằm hướng tới sự bền vững của mỗi gia đình, quan trọng hơn là thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, tác giả cũng rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Liên quan đến chủ đề nóng là vấn đề môi trường và phát triển bền vững, bài Cơ chế mua bán quyền phát thải và việc thực thi cơ chế này tại Hàn Quốc của tác giả Lương Hồng Hạnh đề cập đến bối cảnh ra đời của cơ chế mua bán quyền phát thải trên thế giới và tại Hàn Quốc, phân tích các mục tiêu, kế hoạch Hàn Quốc đặt ra cũng như triển vọng của cơ chế này. Bên cạnh đó, tác giả so sánh Hệ thống mua bán quyền phát thải giữa Hàn Quốc với một số khu vực và quốc gia khác trên thế giới.
Cuốn sách với nhiều bài nghiên cứu chọn lọc, chất lượng cao, thông tin đa dạng và cập nhật chắc chắn sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Thực hiện: Kiều Dung
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á